Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi - Năm C
HAI GIỜ TRONG MƯA
Cha Mark Link S.J.

Luân Ðôn có một công viên là Hyde Park. Ðây là nơi thuận tiện cho các diễn giả ngoài phố xá. Vào chiều Chúa nhật, bạn có thể đến đó nghe đủ thứ câu chuyện về mọi chủ đề dưới bầu trời này. Người ta bàn từ chính trị cho đến tôn giáo. Frank Sheed, một giáo dân Công giáo nổi tiếng sống ở Anh thường hay đến đó bàn luận về tôn giáo. Ông nói ông có thể cầm giữ một đám đông suốt hai giờ đồng hồ trong mưa khi ông nói về Ba Ngôi.

Nhận xét của Sheed thật thú vị vì nó nêu lên được một điểm quan trọng: Quả là người ta chú tâm đến Ba Ngôi, họ muốn hỏi thêm về Ba Ngôi, họ muốn làm cho Ba Ngôi sống động trong cuộc sinh hoạt thường nhật của họ. Nhưng rủi thay, có rất ít bản văn được viết về Ba Ngôi, và rất ít bài giảng lễ chú tâm về mầu nhiệm Ba Ngôi. Ngay cả khi đọc một bản văn hoặc nghe giảng lễ về Ba Ngôi anh chị em cũng thường cảm thấy chán ngắt. Ðiều này có thể hiểu được bởi vì khi chúng ta nói về Ba Ngôi là chúng ta đang có nói về một mầu nhiệm sâu thẳm.

Thánh Kinh có bàn nhiều về "mầu nhiệm Ba Ngôi". Ðặc biệt Phúc âm thánh Gioan nói về Cha Ðức Giêsu và Chúa Thánh Linh. Có lẽ câu văn nổi tiếng nhất bàn về Ba Ngôi được tìm thấy trong Phúc âm Matthêu khi Chúa Giêsu truyền bảo các môn đệ:

"Các con hãy đi khắp muôn dân và làm cho họ thành môn đệ Ta: Hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28: 19). Tuy nhiên hình ảnh đặc trưng nhất về Ba Ngôi lại xảy ra khi Chúa Giêsu chịu phép rửa. Lúc đó một hình chim bồ câu bay lượn trên Chúa Giêsu, một tiếng từ trời phán ra: "Con là Con Ta yêu dấu" (Mt 1: 11). Tiếng nói, chim bồ câu và Chúa Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên một chân dung sống động về Ba Ngôi.

Thánh Phaolô cũng có bàn về Ba Ngôi. đoạn văn đựơc biết nhiều nhất là câu chúc lành nổi tiếng chúng ta gặp thấy trong bài đọc thứ hai hôm nay: "Ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Linh ở cùng tất cả anh chị em". Và thánh Luca trong sách Công Vụ Tông đồ cũng như trong Phúc âm của mình cũng đã nhìn lịch sử cứu độ của chúng ta như một viễn cảnh mang chiều kích Ba Ngôi.

Thời kỳ Cựu Ước là kỷ nguyên của Chúa Cha, thời rao giảng Phúc âm là kỷ nguyên của Chúa Con và thời kỳ hậu Phúc âm mà sách Công vụ sứ đồ ghi lại là thời kỳ của Chúa Thánh Linh. Kinh Tin Kính chúng ta đọc ở mỗi Thánh lễ Chủ nhật bảo tồn mẫu tuyên xưng này. Mẫu này khởi đầu với Chúa Cha như là Ðấng sáng tạo chuyển sang Chúa Con như là Ðấng Cứu Chuộc, và kết thúc với Chúa Thánh Linh như là Ðấng ban nguồn sống. Tuy nhiên chúng ta không được quên rằng hễ Chúa Cha ở đâu thì Chúa Con và Chúa Thánh Linh cũng ở đó. Ba Ngôi luôn luôn là mầu nhiệm thâm sâu của sự vừa đơn nhất vừa đa dạng.

Khi thuyết giảng tại công viên Hyde Park, Frank Sheed đã dùng mưa rơi để cố gắng giúp người ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi. ông thường nói: "Nước đang rơi đây thực là nước nhưng nó có thể hiện hữu dưới ba dạng: thể hơi, thể rắn, và thể lỏng - nghĩa là dạng hơi nước, dạng băng, và dạng mưa đang rơi đây".

Dĩ nhiên tất cả mọi cách loại suy đều không thể nói lên tất cả thực tại, tuy nhiên tôi nghĩ rằng anh chị em thấy được chủ ý của Frank muốn nói là không phải có ba loại nước, mà chỉ có một loại nước nhưng nó hiện hữu trong ba dạng khác nhau. Chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa một cách tương tự như thế. Một phương cách khác giúp ta hiểu được sự vừa đơn nhất vừa đa dạng của Ba Ngôi là ví dụ thánh Ignatiô Loyola thường dùng. Có một lần trong lúc cầu nguyện, Ngài bỗng nhận ra Ba Ngôi dưới hình dạng ba nốt nhạc tạo nên một hợp âm duy nhất.

Và cuối cùng, chúng ta cũng nhìn thấy Thánh Patrick thường dùng ba lá của loại xa trục thảo (3 lá ghép thành một) để diễn tả ý niệm Ba Ngôi.

Làm thế nào chúng ta có thể áp dụng tất cả những điều nói trên vào hành động cụ thể? Chúng ta có thể làm gì để Ba Ngôi sống động hơn trong cuộc sống riêng tư của chúng ta? Có phương cách mà một số người cho là hữu ích đó là cầu nguyện mỗi tối trước khi đi ngủ. Họ dùng ba phút để hồi tâm về một ngày vừa chấm dứt.

·                     Phút thứ nhất, họ rút ra những điểm hay tốt trong ngày - chẳng hạn giữ được bình tĩnh khi bị vu khống - và họ thưa lên Chúa Cha đồng thời cảm ơn Ngài về điều ấy.

·                     Phút thứ hai, họ rút ra những điểm dở - chẳng hạn làm lơ một người nào đó đang thực sự cần được giúp đỡ. Họ thưa với Chúa Giêsu điều này và cầu xin Ngài tha thứ.

·                     Phút thứ ba, họ nhìn về ngày mai, nhớ đến một điểm cam go hiện thời, chẳng hạn phải đương đầu với ai đó về một sự việc gì. Họ thưa với Chúa Thánh Linh điều ấy và cầu xin Ngài ơn khôn ngoan và lòng can đảm để xử lý cho thích đáng.

Như quí vị thấy đó, việc thực hành này bao gồm cả sự cầu nguyện lẫn sự xét mình. tuy nhiên, quan trọng hơn, việc thực hành này mang Ba Ngôi Chí Thánh vào cốt lõi cuộc sống thường nhật của chúng ta.

Tôi xin đề nghị với anh chị em là trong tuần lễ tới, anh chị em hãy dành riêng ba phút mỗi tối và cố gắng thực hành việc cầu nguyện theo cách thức này để tôn vinh Ba Ngôi.

Chúng ta hãy kết thúc với nghi thức mang chiều kích Ba Ngôi Thiên Chúa, là làm dấu Thánh giá trên người. Nghi thức này đã trở nên nhãn hiệu của đức tin chúng ta: "Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen".