Chúa Nhật IX Thường Niên - Năm B - LỄ CHÚA BA NGÔI |
MỘT ĐỊNH MỆNH LÀM CHOÁNG VÁNG MẶT MÀY |
SƯU TẦM |
Đức Giêsu tự giới thiệu cho người ta như là Ngôi Con, trên Ngài Chúa Thánh Thần đậu xuống. Với tư cách là Ngôi Con, Ngài không ngừng quy về Chúa Cha hành động của Ngài. Ngài là Ngôi Con mạc khải Ngôi Cha trong quyền năng của Chúa Thánh Thần. Tin vào Đức Giêsu Kitô là dấn thân chấp nhận mầu nhiệm căn bản này. Không phải chỉ là một sự chấp nhận về tinh thần thôi. Nhưng là một sự tự hiến toàn thể con người ta vào trong hiệp thông sống động với Thiên Chúa hằng sống, Đấng, với tư cách là Cha, sẽ làm cho ta trở nên con cái Người, với tư cách là Thánh Thần sẽ thông báo cho ta sự sống Thiên Chúa. Niềm tin này sẽ được thành toàn nhờ phép Rửa tội. Chính phép Rửa tội làm cho con người đạt tới tình trạng làm con Thiên Chúa –làm anh em với Đức Kitô, là Đền Thờ của Chúa Thánh Thần. Nhờ niềm tin, con người đáp lại lời mời gọi của Chúa, lời mời gọi này được truyền đạt nhờ lời rao giảng của Giáo Hội. Nhờ phép Rửa tội, Thiên Chúa tiếp nhận bước tiến của con người và làm cho con người đi vào mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Như thế, có hai yếu tố chứa đựng trong Lời Đức Giêsu nói: “Hãy đi thâu nạp môn đệ khắp muôn dân, rửa tội cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ta có thể hiểu chữ “môn đệ” bằng hai cách: a/ việc chấp nhận lời rao giảng của Đức Giêsu, và b/ việc đi vào hiệp thông với Thiên Chúa nhờ bí tích Rửa tội. Như thế, xuyên qua lời rao giảng của Đức Giêsu và nhờ phép Rửa tội, rõ ràng là con người tiến đến một định mệnh làm choáng váng mặt mày: con người được tham dự vào chính đời sống của Thiên Chúa được mạc khải như là Cha, Con, Thánh Thần. Đâu là những hiệu quả thực tế của phép rửa chúng ta? Ở đây, chúng ta nêu lên 2 điểm: 1) Hậu quả thứ nhất được chỉ rõ qua công thức: “Phép rửa nhân danh Đức Giêsu”. Thật vậy, nhiều đoạn Tân Ước nói về phép rửa nhân danh Đức Giêsu. Có gì khác với phép rửa nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi không? Trong bài diễn từ thứ nhất, thánh Phêrô nói: “Mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha thứ tội lỗi, và các người sẽ được lĩnh ơn Thánh Thần” (Tđcv 2,38). Không thấy nói đến một phép rửa được trao ban mà không móc nối với Chúa Cha, Con và Thánh Thần. Như thánh Phaolô thường dạy: Phép rửa nhân danh Đức Giêsu chỉ rõ hậu quả này: kẻ chịu phép rửa thuộc về Đức Kitô, được liên kết với Đức Kitô nhờ được tham dự cùng một đời sống và được liên kết với các người chịu phép rửa khác nhờ được cùng liên kết với Đức Kitô. Thánh Phaolô cũng nói: “Kẻ chịu Phép Rửa trở nên anh em với Đức Kitô” (Rm 8,29), “Đền Thờ của Chúa Thánh Thần” (1Cr 6,19), “nghĩa tử của Chúa Cha” (Gal 4,6). 2) Tiếp đến là nhờ Phép Rửa tội, người tín hữu đi vào trong một quá trình đồng hoá với Đức Kitô. Đức Giêsu đã chủ tâm muốn hoàn toàn trở nên Người Con ở giữa chúng ta. Ngài mời gọi chúng ta chỉ mơ ước một điều duy nhất: đến lượt chúng ta cũng hãy cố gắng trở nên con cái Thiên Chúa. “Được rửa tội trong Đức Kitô” (Gal 3,27). Đối với thánh Phaolô, mặc lấy Đức Kitô là để cho mình biến hoá thành Đức Kitô. Và đó là công việc của Chúa Thánh Thần. Có được thế mới là thành công trong vấn đề ơn kêu gọi làm Con Thiên Chúa. Nhưng điều này không thể thực hiện được mà không có sự cộng tác của chúng ta. Một cách đơn sơ. Vấn đề đối với chúng ta chẳng phải là: cố gắng bước chân theo gót Đức Kitô sao? |