Chúa Nhật VII Phục Sinh - Năm B  CHÚA THĂNG THIÊN
HƯỚNG VỀ TRỜI CAO
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà

Có một số thanh thiếu niên hiện nay không màng đến chuyện học hành, chẳng lo trau dồi đức hạnh, không chịu rèn luyện để trở thành người có ích… Trái lại, họ đâm ra lêu lỏng chơi bời, quậy phá, đắm mình trong truỵ lạc đê hèn.

Nguyên nhân nào đã gây ra thảm trạng đó?

Không có hướng tiến thân sẽ làm con người hư hỏng

Các nhà nghiên cứu xã hội cho rằng một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng đáng buồn đó là vì một số bạn trẻ cảm thấy không có đường tiến thân cho mình, cánh cửa mở vào tương lai dường như đang khép lại trước mặt họ. Họ chẳng hy vọng có chút địa vị trong xã hội hay có được công ăn việc làm ổn định với đồng lương cao. Họ chẳng còn mục tiêu nào tốt đẹp để phấn đấu vươn lên. Họ cảm thấy tương lai bế tắc, nên đâm ra chơi bời lêu lỏng, làm hư hỏng cả cuộc đời.

Nói chung, khi con người cảm thấy không có tương lai, nhìn về mai sau chỉ thấy ngõ cụt, thấy kết thúc của đời người chỉ là một nấm mồ … thì người ta không còn muốn cố gắng phấn đấu sống đời đạo đức, không còn muốn làm lành lánh dữ, không còn muốn tu thân tích đức… mà chỉ muốn ăn chơi cho qua ngày đoạn tháng, hoặc sống buông thả và làm hỏng đời mình.

Tâm trạng đó được nhà thơ Cao Bá Quát diễn tả như sau:

“Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy,

cảnh phù du trông thấy cũng nực cười,

thôi công đâu chuốc lấy sự đời,

tiêu khiển một vài chung lếu láo.”

Vì cảm thấy kiếp người thì ngắn ngủi, mọi sự chỉ là phù du, nên người ta không muốn chuốc lấy sự đời, không muốn kê vai gánh vác trách nhiệm xã hội mà chỉ muốn tìm an nhàn trong chén rượu cho vơi nỗi sầu.

Vì cảm thấy tương lai là ngõ cụt, nên cũng có người chọn sống như những con thiêu thân:

“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối,

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” (Xuân Diệu).

 

Đức Giê-su lên trời hướng tâm hồn ta tới một tương lai huy hoàng

Có một đàn chim đông đảo bị giam nhốt trong một chiếc lồng khá lớn. Kiếp sống ngục tù trong cảnh “chim lồng cá chậu” làm cho đa số chim trong lồng không có cơ hội cất cánh bay lên, thế nên đôi cánh của chúng gần như bị tê liệt. Đối với chúng, thế giới chỉ là chiếc lồng chim chật chội và khung cảnh nhỏ hẹp chung quanh mình. Hằng ngày chúng sống chen chúc trong khoảng không gian giới hạn của chiếc lồng, an phận sống kiếp gia cầm chờ ngày bị đem đi xào nấu.

Vào một ngày đẹp trời, một con chim mẹ trổ được một lỗ hổng trên nắp lồng và thoát ra được bên ngoài, tung cánh bay vút lên cao giữa khung trời cao rộng.

Khi thấy chim mẹ được diễm phúc đó, đời sống của đoàn chim con đầy hân hoan và hy vọng, nhiều con chim trong lồng bắt đầu cố gắng luyện tập cho đôi cánh mạnh mẽ lên để có thể bay cao, thoát ra khỏi chiếc lồng chật chội như ngục tù giam hãm đời mình, để bay vút lên trời xanh nối đuôi chim mẹ.

Qua biến cố sống lại và lên trời, Chúa Giê-su tỏ cho chúng ta thấy rằng kiếp người không phải chỉ giới hạn trên trái đất chật hẹp này nhưng còn được nối tiếp trong thế giới thiêng liêng và Ngài đã mở ra cho chúng ta một lối thoát, thoát ra khỏi thế giới tạm bợ này để vào thiên quốc.

Sự kiện Chúa Giê-su lên trời hướng tâm hồn chúng ta về trời cao, giúp chúng ta biết cùng đích của đời người không phải là chốn trần gian tạm bợ mà là cõi hạnh phúc thiên đàng. Ngài lên trời mở ra cho chúng ta một chân trời mới, một triển vọng mới.

Vì thế, chúng ta đừng bám chặt vào thế giới phù du tạm bợ này, vì không sớm thì muộn, chúng ta cũng phải từ bỏ nó. Vậy thì đừng trầm mình trong nếp sống ươn hèn tội lỗi, đừng ngụp lặn trong lạc thú mau qua, đừng chỉ biết cúi xuống để sống an phận, mà biết sống siêu thoát và biết hướng tâm hồn lên cao.

Khi đàn chim non thấy chim mẹ bay thoát ra khỏi chiếc lồng giam nhốt mình từ bấy lâu nay thì chúng quyết luyện tập cho đôi cánh được mạnh mẽ để có thể thoát ra khỏi chốn ngục tù, tung cánh bay lên cao như chim mẹ.

Vậy thì chúng ta cũng phải kiên trì luyện tập mỗi ngày, cho đức tin của mình được mạnh mẽ, cho tâm hồn đạo đức được gia tăng, cho lòng mến được dồi dào, nhờ đó, mai đây chúng ta có thể “cất cánh” về với Thiên Chúa là nguồn hoan lạc của chúng ta.

Lạy Chúa Giê-su,

Chúa đã xuống trần để vạch đường chỉ lối cho chúng con về thiên quốc. Chúa đã về trời để dọn sẵn chỗ ở cho chúng con trong Ngôi Nhà của Chúa Cha (Ga 14,2). Xin cho chúng con biết rèn luyện “đôi cánh mến Chúa yêu người” cho mạnh mẽ, để đủ sức “bay” về nơi Chúa đã dọn sẵn cho chúng con.