Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm B
CÂY NHO VÀ CÁC MÔN ĐỆ
Chú giải mục vụ của Alain Marchabour

Diễn từ của Chúa Giêsu mở đầu bằng dụng ngữ “Thầy là” được lặp lại ở câu 5. Như ở chương 10 về vị mục tử, đó không phải là một sự so sánh (thiếu phụ ngữ so sánh “như”); đó là một ẩn dụ, hình ảnh qua đó một từ ngữ (ở đây là cây nho) được đem ra khỏi lĩnh vực thông thường để sử dụng vào trong một lĩnh vực khác của diễn từ (ở đây là căn tính của Chúa Giêsu).

Ẩn dụ này hình thành một phần từ những yếu tố quen thuộc của người Do Thái (Chúa Cha như người trồng nho) và từ nhiều yếu tố mới mẻ khác như việc Chúa Giêsu quả quyết Người là “cây nho thật”. Quả vô ích khi tìm kiếm những so chiếu trong thế giới ngộ giáo (nhiều người muốn nhận thấy ở đây một ám chỉ đến cây sự sống, đôi khi được trình bày như một cây nho). Tốt hơn là nên quay về với Kinh Thánh nơi thường sử dụng hình ảnh cây nho để nói về Israel (Is 5,1-7; 27,2-5; Gr 5,10; 12,10-11).

Tuy nhiên trong Tin Mừng của Gioan, hình ảnh quen thuộc với thính giả, vượt xa ẩn ý của Kinh Thánh: Chúa Giêsu là cây nho thật (cũng cách diễn tả này trong Gr 2,21 trong bản dịch Hy Lạp), và các cành nho phát triển nhờ Người. Cành nào không sinh trái thì cần phải chặt bỏ. Trong bối cảnh của đêm sau cùng, ta thường nghĩ đến Giuđa là kẻ thuộc về thế giới tối tăm (13,2.27). Thế nhưng dụng ngữ căn bản này (loại trừ sự hoán cải như trong Mt 3,10) chắc chắn có thể áp dụng cho mọi Kitô hữu thuộc Giáo Hội của Gioan mà lại đoạn giao với cộng đoàn như “những tên phản Kitô không phải là người của chúng ta” (1Ga 2,19).

Không nên xem như một cách miêu tả hỏa ngục và các hình phạt của nó trong việc so sánh kẻ không “ở lại trong Chúa Giêsu” với những “cành nho bị quăng vào lửa cho nó cháy đi”. Tuy nhiên viễn ảnh đầy đe dọa và diễn đạt một nhị luận không sai biệt giữa các môn đệ trung thành với những kẻ xa lìa Chúa Giêsu. Đối với người chưa tin, Gioan sử dụng cũng một hình ảnh như ông sử dụng để chỉ Thủ Lãnh thế gian này: “nó sắp bị tống ra ngoài” (12,31 và 15,6). Cần phải đặt định các đoạn này vào trong trào lưu cố tình nhị luật của một số cộng đoàn Kinh Thánh sơ khai, phải đương đầu với nhiều cuộc khủng hoảng nội bộ. Ngày nay, độc giả nên ý thức về những hậu quả không thể tránh khỏi từ những lựa chọn của mình. Lời mời gọi hoán cải luôn luôn hiện diện trong đề xuất của Tin Mừng.

Như vậy, đối với Gioan, sinh hoa trái có nghĩa là trở nên môn đệ, nghĩa là gắn bó với Chúa Giêsu trong đức tin và đức ái, trong tư thế hoán cải liên lỉ, một đức ái trở thành dấu chỉ cho thế gian do bởi chất lượng và sức mãnh liệt của nó. Câu 3 lặp lại thảm cảnh của đêm sau cùng khi ám chỉ đến việc thanh tẩy (việc rửa chân) được trình bày ở chương 13.

Các câu 6 lặp lại phần dẫn, dưới hình thức một sự bao hàm. Tuy nhiên ở đây chiều kích Kitô được nhấn mạnh: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được”. Giữa lời khai mào bài trần thuật nói về “cây nho thật” và phán quyết cuối cùng này, ta có thể đoán được những dấu vết của cuộc bút chiến chống lại những kẻ (Do Thái giáo hay Kitô giáo) muốn tìm nguồn mạch sự sống ngoài Chúa Giêsu. Đối với tín hữu hiện thời, được mời mọc bởi biết bao đề nghị đầy ý nghĩa, lời này cần phải là một cột mốc không thể xóa bỏ. Nếu quả thật Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa, đến đưa sự mặc khải tới đích điểm, thì đối với các tin hữu, Người cần phải là sự quy chiếu bắt buộc (không độc hữu không loại bỏ đối với những kẻ thành tâm gắn bó với các trào lưu tôn giáo và nhân bản khác).