Chúa Nhật IV Phục Sinh - Năm B |
NGƯỜI CHĂN CHIÊN ĐÍCH THỰC... |
Chú giải của William Barclay |
NGƯỜI CHĂN CHIÊN ĐÍCH THỰC VÀ NGƯỜI CHĂN THUÊ (Ga 10,11-15) Đoạn này đưa ra những nét tương phản giữa người chăn tốt và kẻ chăn xấu, người chăn trung tín và kẻ chăn bất trung. Người chăn ở Palestine phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về đoàn chiên. Nếu có chuyện gì xảy ra cho chiên, người ấy phải có bằng chứng để chứng minh mình không có lỗi. Amos có nói đến việc người chăn chiên gỡ được hai giò hay một tai của chiên ra khỏi hàm sư tử (3,12). Luật quy định: “Nếu con vật bị thú rừng xé chết, người chăn phải có bằng chứng” (Xh 22,13). Ở đây muốn nói là kẻ chăn phải đem về một dấu chứng nào đó để chứng minh chiên ấy đã chết, và người ấy đã không thể ngăn chặn được cái chết ấy. Đavít kể cho Saul nghe ông chăn chiên cho cha mình, đã đánh đuổi được sư tử và gấu (1Sm 17,34-36). Isaia đề cập đến việc kẻ chăn chiên được gọi ra để bảo vệ đoàn chiên là điều rất tự nhiên. Lắm khi họ phải làm nhiều hơn thế nữa để cứu chiên, đó là phải liều bỏ mạng sống mình vì chiên. Trong quyển Xứ Thánh và Kinh Thánh, Thompson viết: “Tôi thích thú nghe họ thuật lại một cách sinh động về những trân đánh nhau quyết liệt và tuyệt vọng với đám thú dữ đó. Rồi khi bọn trộm đến, người chăn trung tín thường phải liều mạng để bảo vệ đoàn chiên. Tôi được biết có nhiều trường hợp người chăn thật sự hy sinh mạng sống mình trong cuộc chiến đấu. Mùa xuân vừa rồi, ở khoảng giữa Tibêriat và Tabo, tội nghiệp một người chăn trung tín, thay vì bỏ chạy, đã ở lại chiến đấu với ba tên cướp du mục, cho đến khi anh bị băm vằm ra từng mảnh, nằm chết giữa bầy chiên mà anh bảo vệ”. Người chăn thật chẳng bao giờ ngần ngại liều mạng, ngay cả khi phải hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên. Nhưng mặt khác, cũng có kẻ chăn thuê, bất trung. Chỗ khác nhau là: Người chăn thật là kẻ vốn được sinh ra để làm công việc này. Anh được sai đến với bầy chiên lúc vừa đủ tuổi có thể chăn chiên được, anh lớn lên trong tiếng gọi trở thành người chăn chiên, và chiên trở thành bạn chung sống với anh, anh lo nghĩ cho chiên trước khi lo nghĩ cho mình. Nhưng kẻ chăn thuê nhận việc không do tiếng gọi, mà vì muốn kiếm tiền. Anh hành nghề chỉ bởi đồng lương. Cũng có thể anh ta phải ra đồng lên núi chăn chiên chỉ vì thành phố quá chật chội, nóng bức. Anh ta không hề có một ý thức cao, một tinh thần trách nhiệm đối với công tác, anh chỉ là một kẻ làm thuê ăn lương. Chó sói là mối đe dọa cho chiên. Chúa Giêsu đã bảo với các môn đệ là Ngài sai họ đi như chiên vào giữa bầy sói (Mt 10,16). Phaolô cảnh báo các kỳ mục tại Êphêxô là sói dữ sẽ tấn công, không dung tha đoàn chiên (Cv 10,19). Nếu những con sói này đến tấn công, thì những kẻ chăn thuê sẽ chẳng còn nhớ gì ngoài mạng sống của họ và tìm cách bỏ chạy. Dacaria nhấn mạnh điều đó như đặc tính của kẻ chăn thuê, và bảo rằng hắn chẳng làm gì cả để tập hợp những con chiên bị tản lạc lại (Dcr 11,16). Thân sinh của Carlyly có lần đã đưa hình ảnh đó ra trong một bài phát biểu của ông. Thời ấy, tại Ecclefechan, họ gặp rắc rối và nói với giọng cay đắng: “hãy trả tiền công cho người chăn thuê, và để ông ta đi đi”. Điều Chúa Giêsu muốn nói là người làm việc chỉ mong được khen thưởng sẽ nghĩ đến tiền trên hết, còn người làm việc vì yêu thương thì nghĩ ngay đến những người mà mình muốn phục vụ hơn bất cứ điều gì khác. Chúa Giêsu là người chăn chiên nhân hậu, yêu mến chiên đến độ liều mạng sống vì chiên, đến một ngày, Ngài hy sinh mạng sống Ngài cho đoàn chiên. Trước khi kết thúc phần này, chúng ta có thể ghi nhận thêm hai điểm. Thứ nhất, Chúa Giêsu tự mô tả Ngài là người chăn chiên nhân hậu. Trong tiếng Hy Lạp có hai từ “tốt”. Chữ agathos mô tả phẩm chất đạo đức của một vật nào đó; và chữ kalos cũng nói đến các phẩm chất tốt, nhưng còn có ý là trong cái tốt đó có một cái gì thu hút, hấp dẫn, khiến người hoặc vật ấy đáng yêu mến, đáng ưa chuộng. Khi Chúa Giêsu được mô tả là người chăn chiên nhân hậu (có bản Việt ngữ dịch là hiền lành), thì từ được dùng là kalos. Trong Chúa Giêsu có một cái gì vượt hẳn con người tháo vát thành công, con người trung tín tận tụy, trong Ngài còn có vẻ đáng yêu, đáng mến nữa. Thỉnh thoảng người ta đề cập đến một lương y, gọi thế, chẳng những người ta ngụ ý đó là vị bác sĩ tài ba, mà còn nghĩ đến thái độ ưu ái, dịu hiền, tận tụy gắn liền với con người ông, khiến ông được lòng mọi người. Trong bức tranh về Chúa Giêsu ở đây với tư cách Người chăn chiên nhân hậu, Ngài chẳng những đầy sức lực, quyền năng, mà còn hiền lành và đáng yêu, đáng kính nữa. Điểm thứ hai, trong dụ ngôn này, đoàn chiên chỉ về Hội Thánh của Chúa Giêsu. Đoàn chiên dễ gặp hai điều nguy hiểm. Nó dễ bị muông sói và bọn trộm cướp tấn công từ bên ngoài, và có thể bị kẻ chăn thuê làm hại từ bên trong. Thật là thảm họa cho đoàn chiên khi gặp kẻ lãnh đạo xấu, những kẻ chăn xem công việc của họ như một thứ nghề chứ không là cơ hội để phục vụ. Cái thứ nguy thứ hai này tệ hại hơn nhiều. Vì nếu có được một người chăn tốt, trung thành, sẽ có một công cuộc phòng thủ vững chắc đối lại những tấn công từ bên ngoài. Nhưng nếu là kẻ chăn bất trung, chăn thuê, thì những kẻ thù bên ngoài rất dễ xâm nhập và phá hoại đoàn chiên. Điều quan trọng nhất trong Hội Thánh là cấp lãnh đạo phải noi theo gương Chúa Giêsu là Mục Tử nhân lành. SỰ HIỆP NHẤT TỐI HẬU (Ga 10,16) Một trong những điều khó hủy nhất trên đời là hủy bỏ đặc quyền. Khi một dân tộc hoặc một nhóm người đinh ninh họ được đặc quyền, khác với những người chung quanh, thật khó cho họ để chấp nhận những đặc quyền mà họ tưởng chỉ thuộc riêng về họ, thật ra cũng mở rộng cho mọi người. Đó là điều mà Do Thái chẳng bao giờ chịu học biết. Họ tin mình là dân ưu tuyển của Chúa, chẳng bao giờ Chúa dùng một dân tộc hoặc một quốc gia nào khác. Họ tin các dân tộc khác may lắm thì được dùng làm nô lệ cho họ, còn tệ hơn, thì bị bác bỏ hoặc xóa sạch khỏi mặt đất. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu bảo có một ngày, mọi người sẽ nhận biết Chúa Giêsu là mục tử của họ. Cựu Ước cũng hé mở cho thấy ngày đó. Ngôn sứ Isaia được thấy trước điều đó. Ông tin rằng Chúa dùng dân Israel làm ánh sáng cho các dân ngoại (Is 42,6; 49,6; 56,8). Lúc nào cũng có những tiếng nói nhấn mạnh, Chúa không phải là sản nghiệp riêng của dân Israel, nhưng Israel được lập nên để bày tỏ cho mọi người biết Chúa. Thoạt nhìn dường như trong Tân Ước có hai tiếng nói khác hẳn nhau về vấn đề này. Một vài đoạn của Tân Ước khiến chúng ta hơi bối rối và thắc mắc. Chẳng hạn Matthêu kể chuyện lúc Chúa Giêsu sai các môn đệ, Ngài dặn họ rằng: “Đừng đi đến dân ngoại, cũng đừng vào một thành nào của dân Samari, song hãy đi đến cùng những con chiên lạc của nhà Israel” (Mt 10,5.6). Khi người đàn bà Syrô Phênixi khẩn cầu Chúa Giêsu cứu giúp, thoạt tiên Ngài nói Ngài chỉ được sai đến cho những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi (Mt 15,24). Nhưng cũng có nhiều việc khác, chính Chúa Giêsu đã ở lại và dạy dỗ tại Samari (Ga 4,40). Ngài tuyên bố, dù là con cháu của Abraham cũng không được bảo đảm là sẽ vào thiên đàng (Ga 8,39). Ngài bảo với một đội trưởng người Rôma rằng Ngài chưa từng thấy người nào trong Israel có đức tin như vậy (Mt 8,10). Chỉ có một người phong cùi là dân Samari quay lại cám ơn Chúa mà thôi (Lc 17,19). Chính một du khách Samari đã tỏ lòng nhân từ thương xót mà mọi người phải noi theo (Lc 10,27). Nhiều người sẽ từ Đông, Tây, Nam, Bắc đến ngồi vào bàn tiệc trong Nước Trời (Mt 8,11; Lc 13,28). Chúa Giêsu không chỉ là ánh sáng cho dân Do Thái, nhưng còn là ánh sáng cho cả thế giới (Ga 8,12). Tại sao lại có sự khác nhau như vậy? Phải hiểu thế nào về những câu nói dường như giới hạn sứ mệnh của Chúa Giêsu chỉ cho người Do Thái mà thôi? Thật ra lời giải thích rất đơn giản. Mục tiêu tối hậu của Chúa Giêsu là cả thế gian. Nhưng bất cứ một nhà chỉ huy giỏi nào lúc đầu cũng phải biết giới hạn các mục tiêu. Nếu cùng một lúc, tấn công khắp mọi nơi trên một mặt trận quá rộng, chỉ làm phân tán lực lượng, suy giảm sức mạnh mà chẳng đạt được thành công. Muốn thắng lợi hoàn toàn, người chỉ huy phải tập trung lực lượng vào một số mục tiêu giới hạn và chọn lọc nào đó. Đây là việc Chúa Giêsu đã làm. Khi chính Ngài đích thân đi hay phái các môn đệ đi, Ngài cố ý chọn lựa một mục tiêu giới hạn. Nếu Ngài cứ đi đây, đi đó bất luận chỗ nào, nếu Ngài cứ sai các môn đệ đi mà không giới hạn phạm vi hoạt động của họ, chắc đã chẳng thành đạt được như thế. Trong lúc này, Ngài cố ý tập trung vào dân Do Thái, thế nhưng mục tiêu tối hậu là thâu góp cả thế gian vào tình thương của Ngài. Trong đoạn này có ba chân lý quan trọng. 1) Chỉ trong Chúa Giêsu thế gian mới hiệp nhất được. Egerton Young là nhà truyền giáo đầu tiên cho người Da Đỏ. Tại Saskatchwan, ông nói cho họ biết về tình yêu của Thiên Chúa là Cha. Với người Da Đỏ, đó là một phát giác mới mẻ. Sau khi vị giáo sĩ giảng xong, người tù trưởng già hỏi: “Khi ông gọi Ngài là “Cha chúng tôi” phải không?. Ông Young trả lời; “Phải”. Cụ tù trưởng nói: “Quả thật đó là điều mới mẻ và thú vị đối với chúng tôi. Chúng tôi chẳng bao giờ dám nghĩ đến vị Thần linh vĩ đại ấy là “Cha chúng tôi”, vậy như vầy thật là vô cùng đẹp đẽ đối với chúng tôi”. Ngưng một chút, rồi cụ già tiếp tục nói với vẻ mặt bừng sáng: “Thưa, có phải ông bảo vị Thần vĩ đại là Cha của ông không?”. Vị giáo sĩ đáp: “Phải đấy, thưa Cụ”. Cụ tù trưởng tiếp: “Vậy có phải ông nói Ngài cũng là Cha của người Da Đỏ chúng tôi phải không?”. Vị giáo sĩ: “Đúng vậy”. Cụ tù trưởng như bừng lên trong vui mừng: “vậy thì ông với tôi là anh em”. Loài người chỉ có thể hiệp nhật với nhau trong tư cách là con Chúa. Trên thế giới, có sự chia rẽ giữa dân tộc này với dân tộc khác. Trong một quốc gia, có sự chia rẽ giữa giai cấp này với giai cấp nọ, sẽ chẳng bao giờ có được một giai cấp duy nhất. Chỉ có Phúc Âm của Chúa Giêsu mới đưa con người về một Cha chung là Thiên Chúa, tại đó mọi hàng rào cách biệt, mọi kỳ thị giữa con người với nhau được xóa sạch. 2) Câu nói này của Chúa Giêsu cũng cho từng cá nhân, đó là giấc mơ mà mỗi cá nhân có thể góp phần giúp Chúa Giêsu thực hiện. Người ta không thể nghe đạo nếu không có người rao giảng. Những chiên khác không thể tập họp được nếu không có người đi thâu đem chúng về. Công tác truyền giáo trọng đại của Hội Thánh đã được đặt ra trước chúng ta. Chúng ta không nên chỉ nghĩ theo nghĩa “truyền giáo hải ngoại”. Nếu ngay tại đây, vào lúc này, nếu chúng ta biết một ai đó đang ở ngoài tình yêu của Chúa Giêsu, chúng ta có thể đi tìm người ấy đem về cho Ngài. Giấc mơ của Chúa Giêsu tùy thuộc vào chúng ta. Chính chúng ta là những người có thể giúp Ngài làm cho thế gian này trở thành một đoàn chiên duy nhất, mà Ngài là Người Chăn. LỰA CHỌN CỦA TÌNH YÊU (Ga 10,17-18) Có một ít đoạn trong Tân Ước rất ngắn, nhưng lại nói cho chúng ta rất nhiều về Chúa Giêsu. 1) Hai câu Kinh Thánh này cho chúng ta biết Chúa xem cả cuộc đời Ngài như một hành động vâng phục Thiên Chúa. Thiên Chúa Cha đã giao cho Ngài một công việc phải làm, và Ngài sẵn sàng thực hiện công việc ấy đến cùng, cho dù phải chịu chết. Chúa Giêsu vốn có mối liên hệ độc nhất vô nhị với Chúa Cha. Chúng ta chỉ có thể mô tả mối liên hệ ấy bằng cách nói Ngài là Con Thiên Chúa. Nhưng mối liên hệ ấy không cho Ngài quyền làm bất cứ việc gì Ngài muốn. Mối liên hệ ấy tùy thuộc vào việc Ngài vâng phục ý muốn của Chúa Cha bằng mọi giá. Với Ngài cũng như với chúng ta, làm con là phải vâng lời. 2) Chúa Giêsu luôn luôn thấy thập giá và vinh quang đi đôi với nhau. Ngài không hề nghi ngờ về việc Ngài phải chết, và cũng không chút nghi ngờ việc Ngài sẽ sống lại. Chúa Giêsu tin như vậy vì Ngài hoàn toàn tin cậy Chúa Cha, Ngài chắc chắn Chúa Cha chẳng bao giờ bỏ Ngài. Cả cuộc sống con người đều dựa trên một thực tế là những gì đáng giá thì phải chịu khó, chịu khổ mới tạo được. Muốn được bất cứ cái gì cũng phải trả giá. Muốn thành học giả phải khổ công học hỏi, nghiên cứu. Muốn khéo tay, thành thạo trong nghề thủ công hay kỹ thuật phải chịu khó thực hành. Muốn nổi bật trong bất cứ môn thể thao nào cũng phải cố công luyện tập và chịu kỷ luật. Thế gian đầy dẫy những con người đánh mất mục tiêu của đời sống, chỉ vì không chịu trả giá. Chẳng ai chọn con đường khó đi mà không đạt được danh thơm tiếng tốt. 3) Các câu Kinh Thánh này cũng cho chúng ta biết cách chắc chắn sự chết của Chúa Giêsu hoàn toàn tự nguyện. Chúa Giêsu nhắc đi, nhắc lại điều này nhiều lần. Trong vườn Giệt-si-ma-ni, Ngài đã truyền cho người muốn bảo vệ Ngài hãy xỏ gươm vào bao, vì nếu muốn thì Ngài đã gọi các đạo binh Thiên thần trên trời xuống bảo vệ Ngài rồi (Mt 26,53). Trước mặt Philatô, Ngài tuyên bố hết sức rõ ràng, ông không thể kết án Ngài được, nhưng chính Ngài đã chấp nhận chịu chết (Ga 19,9-10). Chúa Giêsu không phải là nạn nhân của hoàn cảnh, Ngài không phải như một con chiên bị kéo đi làm sinh tế ngoài ý muốn và chẳng hiểu gì. Chúa Giêsu đã tự nguyện phó mạng sống mình. Người ta kể trong Thế Chiến thứ nhất, có một người lính Pháp dũng cảm bị thương nặng, cánh tay anh bị giập nát đến độ phải cưa đi. Vị bác sĩ giải phẫu rất buồn vì anh sẽ phải chịu tàn tật, ông túc trực bên giường để khi anh tỉnh dậy, báo cho anh biết tin đó. Khi thanh niên mở mắt, bác sĩ nói: “Tôi rất buồn mà báo cho anh biết anh đã mất một cánh tay”. Cậu thanh niên trả lời: “Thưa Ngài, tôi có mất nó đâu, tôi đã hiến nó cho nước Pháp đấy ạ”. Chúa Giêsu không bị trói buộc vào một hoàn cảnh mà Ngài bất lực, không thể thoát ra được. Ngoài quyền phép và trợ giúp của Thiên Chúa, Ngài có thể kêu gọi, Ngài có thể quay lại để tự cứu lấy mạng sống mình. Ngài không đánh mất đời sống, nhưng Ngài đã hiến dâng. Thập giá không bị áp đặt lên vai buộc Ngài phải vác, nhưng Ngài đã tự nguyện nhận lấy nó, vì chúng ta. |