Chúa Nhật III Phục Sinh - Năm B |
CHÚA GIÊSU HOÀN TẤT LỜI KINH THÁNH |
Chú giải của Fiches Dominicales |
VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI 1. Từ kinh ngạc, sợ hãi đến niềm vui. Cũng như Chúa nhật I và II Phục sinh, theo thông lệ hằng năm, Tin Mừng Chúa nhật thứ III này tường thuật Đấng Phục sinh hiện ra. Câu chuyện bắt đầu từ sau chuyến hai môn đệ Emmau trở về Họ vừa kể cho 11 tông đồ và cho các môn đệ những gì đã xảy ra trên đường và họ đã nhặn ra Người thế nào khi Người bẻ bánh thì Đức Giêsu lại một lần nữa hiện đến với các môn đệ. Ở đây ta gặp lại 3 phần tiêu biểu của các cuộc hiện ra sau Phục sinh: 1- Đức Giêsu có sáng kiến; 2- Người tự tỏ mình ra; 3- Người uỷ thác cho họ một sứ mệnh. Tin Mừng kể: "Khi ông còn đang nói thì Người đã đến giữa họ”. Người ban cho họ ơn bình an, một ơn của triều đại Cứu Thế. “Bình an cho các con”. Cuộc hiện ra bất ngờ và lời chào của Người khiến họ "kinh ngạc và sợ hãi, vì họ tưởng là thây ma hiện hình”. Họ đã phải sống giây phút khó khăn của cuộc quá độ từ bất tín đến chân nhận. 2. Từ khổ đau đến cuộc sống mới của Đức Messia. Thoạt tiên Đức Giêsu mở lời. Kèm theo lại là một cử chỉ. Rồi Người ăn trước mặt họ. Sau đó Người khai lòng mở trí để họ am hiểu Thánh Kinh. Trước hết, Người cho họ xem “tay", "chân” và nói: "Tại sao các con sợ hãi? Hãy chạm vào Thầy: ma đâu có xương thịt như Thầy". Họ hoàn toàn không phải là nạn nhân của một ảo tưởng tập thể. Cũng vẫn là người ấy, Đấng chịu đóng đinh, nhưng đến gặp họ trong một điều kiện khác, điều kiện của Đấng Phục sinh “chính là Thầy đây!". Roland Meynet chú giải: "Đấng hiện ra với các môn đệ không phải là một cái chết hiện hình, cũng không phải là hồn ma bóng quế. Đó chính là Đức Giêsu, Người đã từng ăn uống với họ, tay Ngài đã từng đụng chạm đến họ trước khi chịu khổ hình. Hoàn toàn không phải là một ảo ảnh. Họ có thể thấy Người, đụng chạm đến Người cơ mà, đúng là Người. Nhưng cơ thể Đức Giêsu không còn là cơ thể trước ngày vào cuộc khổ nạn. Người có cho họ xem tay, chân cũng chỉ vì tay chân còn hằn dấu đinh. Dấu hiệu ấy cốt để họ xác minh mà vững lòng tin tưởng; Phục sinh không xoá hết dấu vết khổ nạn. Đức Kitô mãi mãi vẫn là Đấng Mêsia chịu đóng đinh (‘Tin Mừng thánh Luca’, Phân tích từ ngữ, chú giải, Cerf, trang 238). - Vì các môn đệ "trong niềm vui tột đỉnh, vẫn chưa dám tin, vẫn còn sững người kinh ngạc", Đức Giêsu bèn hỏi xin họ "cho ăn”. Người ăn "một miếng cá nướng”. Người không ăn với họ, nhưng trước mặt họ. Theo phong tục Đông phương, người khách được trọng vọng sẽ ăn một mình trước mặt những kẻ cung nghinh hầu cận. Khi đưa ra chi tiết Đức Giêsu ăn trước mặt môn đệ, tác giả Tin Mừng muốn minh họa thực tại của biến cố phục sinh. Tuy nhiên, sáng kiến này của Đức Giêsu dường như không “ép phê” bằng lần trước: các môn đệ chỉ đáp lại bằng sự im lặng. Sau cùng, Đức Gtêsu giúp các môn đệ đang hội họp ở đó đọc lại cuộc Khổ Nạn-Phục Sinh của Người dưới ánh sáng Thánh Kinh, như Người đã làm với hai môn đệ trên đường đi Emmau: "Cần phải ứng nghiệm tất cả những gì đã chép về Thầy trong sách Lề Luật của Môsê; các sách Ngôn Sứ và Thánh vịnh. Và Người soi lòng mở trí cho họ hiểu Kinh Thánh". R.Meynet bình giải: “Kinh Thánh, trọn bộ Kinh Thánh, đều nói về Đức Giêsu. Kinh Thánh loan báo những việc Người sẽ làm và những việc các môn đệ sẽ làm nhân danh Người. Đức Giêsu chẳng nói gì ngoài những điều Kinh Thánh đã nói, nhưng Người không chỉ lặp lại và chú giải Kinh Thánh như các luật sĩ thường làm. Người hành xử Kinh Thánh, người thực hiện Kinh Thánh, Người hoàn tất Kinh Thánh. Chính vì Người hoàn tất Kinh Thánh mà Người có thể giải thích Kinh Thánh cho người ta hiểu. Rồi đến phiên các môn đệ, họ sẽ phải công bố rằng Đức Giêsu đã hoàn tất các lời Kinh Thánh. Các môn đệ công bố điều này khi chính bản thân các ông hoàn tất lời Kinh Thánh và khi các ông làm cho Kinh Thánh được hoàn tất nơi những người mà các ông được sai đến, cho đến tận cùng trái đất" (Sđd, trang 238). 3. Từ chân nhận đến sứ mệnh phổ quát Một lần nữa, cuộc gỡ không kết thúc ở thái độ chân nhận, nhưng vươn tới một sứ mệnh. Sứ mệnh mà Đức Giêsu ký thác cho các môn đệ, trước khi chuẩn bị họ (câu 51), sứ mệnh mà nhờ đó họ được ban một "sức mạnh từ trên cao" (câu 49), tóm kết trong câu nói sẽ trở thành cốt lõi cho lời rao giảng của Giáo Hội sơ khai (xem bài giảng của Phêrô trong Công Vụ các tông đồ: đặc biệt bài đọc I ngày lễ Phục sinh và Chúa nhật III (Phục sinh): Đúng như lời Kinh Thánh đã loan báo về: + Những đau khổ của Đức Mêsia, việc Người phục sinh từ trong cõi chết vào ngày thứ 3. + Công bố sự hoán cải nhân danh Người để được tha thứ tội lỗi cho mọi dân tộc, khởi đi từ Giêrusalem. + Chính các con là chứng nhân cho những điều đó". Như thế việc Đức Giêsu phục sinh đã kết thúc bằng mặc khải mầu nhiệm của Người: Người là Đức Kitô được các ngôn sứ loan báo, được tôn vinh trên cái chết, từ nay hiện diện trong Giáo Hội, nơi Người hứa ban ơn tha tội cho mọi người. Lời rao giảng ơn hoán cải và sự tha thứ tội khiên đã được Gioan Tẩy Giả bắt đầu cho nhà Israel, từ nay lan toả đến “mọi dân tộc". Sứ mệnh phổ quát ấy, sự hoàn thành ý định cứu độ của Thiên Chúa ấy, nay được ký thác cho cộng đoàn các môn đệ. BÀI ĐỌC THÊM 1) “Những kinh nghiệm đầu tiên giúp các Kitô hữu hiểu những kinh nghiệm họ phải sống hôm nay”. (L.Monloubou, trong "Tin Mừng theo thánh Luca, Salvator, trang 286-287). Câu đầu tiên (35) nhắc ra nhớ chính vào lúc "bẻ bánh" mà các lữ khách làng Emmau ‘nhận ra Đức Giêsu’, chắc hẳn trong tâm tưởng thánh Luca muốn qui chiếu việc bẻ bánh về bí tích Thánh Thể, nơi các Kitô hữu "nhận ra" Đức Giêsu phục sinh và hằng sống. Xa hơn nữa, bản văn nói về việc "khai mở lòng trí” mà Đức Giêsu thông truyền cho các môn đệ. Người cũng trình bày cho họ một lối "hiểu Kinh Thánh" mới. Ta thấy rất rõ cuộc khám phá mà cộng đoàn thực hiện tỷ lệ thuận với việc đào sâu niềm tin phục sinh: cộng đoàn đạt tới một mức độ thấu hiểu sự vật, khiến sự vật hiện ra trong một chuỗi những liên kết rất mạch lạc, hiển nhiên; thoạt tiên Kinh Thánh hiện ra dưới một nhãn quan khác: Lề Luật của Môsê, các Ngôn Sứ và các Thánh Vịnh xem ra chứa đựng một ý nghĩa mà từ trước đến giờ chưa được hiểu cho thấu đáo. Ý nghĩa ấy nối kết Kinh Thánh thành một chuỗi mạch lạc khiến đức tin tìm được điểm tựa. Sau cùng bản văn kết thúc bằng cách đề ra một kinh nghiệm truyền giáo: nhân danh Đức Giêsu phục sinh, hằng sống, phải rao giảng cho ‘mọi dân tộc’, ‘bắt đầu từ Giêrusalem’, sự ăn năn thống hối để được thứ tha tội lỗi”. Ba điểm: kinh nghiệm Thánh Thể, giải thích Kinh Thánh mang mầu sắc Kitô học và sự rao giảng phổ quát, được trình bày ở đây như những nối tiếp khẩn thiết của cảm nghiệm phục sinh. Đối với các bạn đồng hành của Luca, đó là những thực tại đã được ghi nhận cách sâu sắc, đã được sống và đã cảm nghiệm. Sự kiện này quan trọng; nó cho biết nơi chốn các Kitô hữu nói về cuộc phục sinh của Đức Giêsu. Không phải trong một khoá học về lịch sử Đức Giêsu, dù lịch sử là nền tảng của suy tư ; nhưng là trong lúc suy niệm về đời sống hiện tại của Giáo Hội. Giáo Hội ấy quây quần đọc Kinh Thánh: Môsê, các Ngôn sứ và các Thánh vịnh, để tưởng nhớ những lời nói của Đức Giêsu: đó là những lời mà Thầy đã nói với anh em để cử hành việc bẻ bánh; và để đảm nhận những nhiệm vụ truyền giáo, Giáo Hội ấy đã ý thức về việc sống một kinh nghiệm: Đức Giêsu đích thân đứng giữa họ, Người đang sống. Cộng đoàn ấy vẫn còn có nghi ngờ, nhưng đức tin của cộng đoàn là sâu sắc. Cảm nghiệm đó là gì mà đem đến cho mọi người niềm vui khôn tả như thế? Đó là cảm nghiệm về Đấng Phục sinh mà các môn đệ là những người đầu tiên đã cảm. Bản thân các ngài đã tham dự vào lời bữa ăn của Đức Giêsu, đã thiết lập được mối liên hệ giữa Kinh Thánh với những gì đã xảy ra tại Giêrusalem, những gì đã xảy đến với Đức Giêsu, người Nagiarét, và các ngài đã khám phá ra tầm mức phổ quát của sự Phục Sinh mà các ngài phải loan báo cho thế giới. Chính các ngài, đoàn Mười Một đã trải qua những kinh nghiệm đầu tiên, nhờ đó các Kitô hữu thấu hiểu kinh nghiệm mà họ phải sống hôm nay". 2) Người khai mở lòng trí cho họ am hiểu Kinh Thánh (H.Vulliez, trong "Thiên Chúa đã gần đến". Năm B, DDB trang 57-58). Bạn có chú ý không? Trong cả 3 trình thuật của thánh Luca về việc Đức Kitô Phục sinh hiện ra, thì hai bài, bài các môn đệ Emmau và bài hôm nay đều kết thúc bằng việc đọc Kinh Thánh mà Đức Giêsu chú giải. Dường như, trong cả hai trường hợp, cuộc hiện hình không đủ đưa đến đức tin. Dường như tác giả muốn tránh nguy cơ chỉ dừng lại và chỉ gắn bó vào những gì lạ thường. Dường như chỉ có thể tin vào Đức Giêsu vẫn đang sống sau khi chết nhờ đặt Người ra ngoài vòng lịch sử nhân loại. Ta có tin rằng sự hiểu biết Kinh Thánh cách nghiêm túc là rất cần thiết để tin, không phải vào một Đức Giêsu ta tưởng tượng ra, nhưng vào Đấng mà Tin Mừng mặc khải cho ta, Đấng mà Chúa Cha đã sai đến với con người để trở thành Người-Chúa với họ vĩnh viễn không?". |