Chúa Nhật I Phục Sinh - Năm B
NGÔI MỘ TRỐNG
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux

Khi đọc lại trình thuật này, một lần nữa ta cảm thấy đang đọc một bản tường thuật trực tiếp về một người đang sống. Như ta đã thấy, rõ ràng Maccô không phải là một phóng viên chuyên nghiệp, dù văn phong của ông rất sôi động, những tường thuật của ông không mang dáng vẻ gì là trực tiếp cả. Bằng những nét cụ thể, ông muốn truyền thông cho cộng đoàn Kitô hữu một kinh nghiệm về niềm tin sâu xa và chín chắn: đó là một quá trình 40 năm suy niệm (từ năm 30-70). Từ những nhận định này, ta phải hết sức lưu ý đến sứ điệp Maccô muốn nhắn gửi trong trình thuật này, qua những chi tiết ông viết lại.

Sau ngày Sabbat, mọi sự trở lại bình thường (c.1). Bối cảnh thời gian là chiều tối thứ bảy, khi những ngôi sao đầu tiên bắt đầu xuất hiện trên nền trời, báo hiệu ngày lễ nghỉ thánh đã hết. Trước khi trời tối hẳn, các cửa hiệu đều mở cửa bán hàng lại. Người Do Thái có tính lo. Chính vì vậy mà ba phụ nữ chứng kiến Chúa Giêsu chịu chết (15,40) đã lo lắng đi mua dầu thơm để tẩm xác Chúa Giêsu (công việc đáng lẽ phải được làm hôm trước đó). Đây không phải là ướp xác đúng nghĩa theo cách thức người Ai Cập, nhưng chỉ là xức hương liệu lên thi thể theo tập tục người Do Thái (Ga 19,40). Bằng lối tương phản mà Maccô rất sở trường, bóng tối của sự chết (15,33-34) được đặt song song với ánh sáng của một ngày mới (c.2). Ở đây tác giả Tin Mừng đã quy tụ mọi biểu hiệu tượng trưng cho việc khai sinh một thời đại mới. Nó ám chỉ rõ rệt đến buổi sáng đầu tiên của cuộc Sáng thế (St 1,3-5): đó là khởi nguyên cho một thế giới mới vừa xuất hiên. “Ngày thứ nhất trong tuần”, sau ngày hưu lễ Sabbat của người Do Thái, nay sẽ trở thành “ngày Chúa nhật”, dies dominica, “ngày của Chúa” Phục Sinh.

Buổi bình mình mới này xuất hiện trước cả các phụ nữ, những bà vẫn canh cánh mối bận tâm là phải đến cho bằng được để tỏ lòng với Người đã chết hôm trước. Câu hỏi các bà đặt ra khá vô duyên và muộn màng (c.3); hẳn các bà đã biết rằng cần hai hoặc ba người đàn ông mới vần nổi tảng đá rất nặng ra khỏi cửa mồ. Nhưng ở đây tác giả lại không hề chú trọng đến tâm lý nhân vật. Mối lo lắng của các bà là nhằm làm nổi bật nỗi ngạc nhiên xảy ra sau đó: các bà phát giác ra rằng tảng đá mà các bà lo lắng không thể lăn nổi nay đã được vần ra rồi (c.4). “Một bàn tay vô hình” mạnh mẽ phi thường đã thực hiện việc này. Trong văn bản Hy Lạp, người ta đọc thấy câu này: “Hòn đá đã bị lăn đi”. Lối dùng theo thể thụ động này diễn tả hành động của chính Thiên Chúa, tuy không nói rõ tên Ngài ra (x.Mt 28,2): Thiên thần của Chúa, đấng thay thế Ngài, đã lăn tảng đá. Sự kiện cửa mồ được mở ra mới chỉ là điều ngạc nhiên đầu tiên. Một sự thể đáng ngạc nhiên khác quan trọng hơn nhiều, đang chờ đợi các bà: các bà nhìn thấy một thanh niên ngồi bên phải, mặc toàn đồ trắng (c.5a). Cảnh tượng này làm cho độc giả ngày nay phải suy nghĩ. Việc một kẻ ăn mặc như thế, ngồi ở đấy, nơi chôn kẻ chết có ý nghĩa gì? Người ta nghĩ ngay đến chàng trai trẻ khi Chúa Giêsu bị bắt, đã quăng tấm vải choàng đi hầu dễ bề tẩu thoát (tấm vải=vải liệm chăng?) (14,51-52). Hơn nữa, người thanh niên “ngồi bên phải”… Đó là vị trí danh dự như người Kitô hữu hằng coi Chúa Giêsu vinh quang “ngự bên hữu” Chúa Cha (x.16-19b). Sau cùng, “mặc áo trắng” cũng như khi Chúa Giêsu biến hình các môn đệ thấy Ngài cũng mặc như vậy (9,3). Hầu như mọi sự kiện này đều khiến ta nghĩ rằng chính Chúa Giêsu “xuất hiện”! Nhưng tác giả Tin Mừng không cho là như thế. Và truyền thống Tin Mừng ở trình thuật này lại cho rằng đó là một hoặc hai Thiên thần (Mt 28,2b-3; Lc 24,4; Ga 20,12). Thiên thần là “sứ giả” của Thiên Chúa, là đấng thay thế Thiên Chúa vô hình. Sự xuất hiện của Thiên thần ở đây có nghĩa rằng sứ điệp các vị loan báo không phải là của loài người, mà đến từ Thiên Chúa. Thực vậy, người thanh niên loan báo Tin Mừng vượt khỏi trí khôn loài người (c.6b). Sứ điệp này mang một sắc thái hết sức mâu thuẫn: kẻ bị đóng đinh nay đã Phục Sinh. Kẻ bị chết đi, chết tàn nhẫn bằng khổ hình thập giá nay đã trở về cõi sống: Ngài là Đấng Hằng Sống! Đây chính là sứ điệp “Vượt Qua” mà các Tông đồ đã loan báo cho muôn dân (. Cv 2,22-36; 3,12-20 v.v…). Sự bối rối của các phụ nữ biểu lộ mối xúc động tôn giáo sâu xa khi đứng trước cõi siêu nhiên. Từ ngữ “hoảng sợ” (c.5) rất mãnh liệt và chỉ riêng Maccô dùng. Maccô luôn nhấn mạnh đến vực thẳm cách biệt giữa nhân loại và Thiên Chúa (x. 1,27; 9,15; 10,24a). Tin Mừng về Chúa Giêsu chiến thắng sự chết phải được công bố. Bởi vậy các bà được khuyên nhủ phải thông báo cho các môn đệ, nhất là Phêrô (c.7). Mọi Tông đồ đều được nhắn bảo tập trung về Galilê, ở đó Đấng Phục Sinh sẽ gặp lại họ và Ngài sẽ tới đó trước họ. Thế nghĩa là gì? Miền Galilê ở mãi phía bắc Palestin, là nơi Chúa Giêsu khởi đầu sứ vụ của mình (1,14-15), nơi Ngài dong duổi khá lâu trước khi lên Giêrusalem (9,30). Tác giả đã nhận định Galilê là môi trường điển hình cho việc tương giao Do Thái ngoại giáo, tượng trưng sự cởi mở đối với toàn thế giới. Bởi thế các môn đệ được mời gọi nhóm họp lại sau lưng Đức Giêsu Phục Sinh để chuẩn bị cho một sứ mạng rao truyền mới.

Như vậy các phụ nữ là những người được ký thác cho một chương trình tuyệt vời: phục hồi Tin Mừng với một sức mạnh mới mẻ.

Ta biết thêm gì nữa? Các bà chạy trốn, lòng đầy sợ hãi, mà chẳng thông báo cho ai cả (c.8). Thái độ này khiến ta ngỡ ngàng. Và càng làm độc giả phải suy nghĩ đắn đo hơn khi biết rằng Maccô đã kết thúc tác phẩm của mình ở đây (ở câu 8). Các nhà chuyên môn đều đồng ý như thế. Phần nối tiếp sau đó (16,9-20), đoạn kết, không phải là văn phong của Maccô. Đó chỉ là một bản “phụ lục” thêm vào tác phẩm để tránh cho nó khỏi bị kết thúc đột ngột, đồng thời mang lại một chung cục có hậu hơn.

Bởi vậy ta cần tìm hiểu tại sao Tin Mừng Maccô nguyên thủy lại kết thúc với việc các phụ nữ sợ hãi, bỏ trốn và câm lặng như thế. Trước hết, nỗi lo sợ. Văn bản Tin Mừng ghi rằng các bà “run lẩy bẩy, hết hồn hết vía”. Maccô bao giờ cũng trung thành từ đầu tới cuối khi nói đến khía cạnh này trong tác phẩm: khi chứng kiến các biểu lộ của Thiên Chúa con người bị hoảng loạn cực độ. Đó là trường hợp của đám đông dân chúng (2,12), của các môn đệ khi họ chứng kiến phép lạ của Thầy mình (5,42b; 6,50). Do vậy lẽ nào các phụ nữ lại không hoảng sợ và run rẩy khi được loan báo về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu?

Kế đến là sự im lặng. Việc các phụ nữ không nói gì với ai cả còn chướng hơn việc họ đã nhận lãnh một sứ điệp phải truyền đạt (c.7). Và nếu quả thực các bà không truyền đạt lại –như các tác giả Tin Mừng cũng công nhận (Mt 28,8; Lc 24,9; Ga 20,2-18) ắt hẳn các Tông đồ cũng không thể biết gì cả… rồi chúng ta cũng vậy! Không biết gì! Nhưng ngay cả thái độ im lặng của các bà cũng đã ăn sâu vào máu thịt của Maccô. Ta thấy rằng các lời mặc khải mầu nhiệm Chúa Giêsu đã nhiều phen khiến bạn hữu Ngài hoàn toàn không hiểu gì. (Họ không dám hỏi lại Ngài 9,32). Do đó không lạ gì thái độ sợ hãi và câm lặng của các phụ nữ khi nhận được tin quá sức tưởng tượng rằng Đấng bị đóng đinh nay đã sống lại. Tin Mừng “Chúa Kitô đã Phục Sinh” bao giờ cũng là một tin khó rao truyền nhất, bởi lẽ hoàn toàn ngược với lý trí.

Đoạn cuối này của Tin Mừng Maccô hẳn làm cho ta phải kinh ngạc. Ta phải hết sức lưu ý chuyện cửa mồ được “mở ra” và sứ điệp của Thiên Chúa giao cho ta chỉ được đón nhận với một đức tin trần trụi như thế này: chứng minh là “kinh nghiệm sống” của những kẻ đã theo Thầy trong cuộc khổ nạn và Phục Sinh của Ngài.