Chúa Nhật I Phục Sinh - Năm B
TÌNH YÊU GẶP BỐI RỐI
Chú giải của William Barclay

Không ai yêu thương Chúa Giêsu bằng Maria Macđala. Luca cho chúng ta biết đã có bảy quỷ bị đuổi ra khỏi bà. Điều Chúa Giêsu làm cho bà không ai làm được và bà không thể nào quên. Có ý kiến vẫn cho rằng bà là tội nhân đáng ghê tởm mà Chúa Giêsu đã kêu gọi, đã tha thứ và thanh tẩy. Bà đã phạm tội nhiều, và cũng yêu mến nhiều, tình yêu thương là tất cả những gì bà cần đem đến.

Tại Palestine có phong tục viếng mộ người thân ba ngày sau khi thi hài được đặt vào phần mộ. Họ tin linh hồn người chết còn bay lượn và chờ đợi chung quanh phần mộ luôn ba ngày, sau đó mới bỏ đi, vì lúc đó thi thể không còn nhận diện được nữa, bởi đã bắt đầu thối rữa. Các bạn thân của Chúa Giêsu không thể nào không đến viếng mộ Ngài vào ngày Sabát là ngày thứ bảy của chúng ta. Vậy Maria đến mộ trước tiên vào ngày Chúa nhật. Bà đến thật sớm, chữ “rạng đông” là proi, chỉ canh chót trong bốn canh của đêm, từ ba giờ đến sáu giờ sáng. Lúc Maria đến mộ, trời còn mờ mờ, vì quá nóng lòng bà không thể trì hoãn hơn nữa.

Khi đến mộ, bà vô cùng kinh ngạc. Mồ mả thời xưa thường không có cửa để đóng lại. Tại lối ra vào mộ có một đường rãnh dưới mặt đất, trên có một tảng đá tròn như chiếc bánh xe, tảng đá được lăn vào chặn vào chỗ xem như cửa mộ, để bảo đảm không có ai lăn tảng đá ấy đi (Mt 27,26). Maria kinh hoàng khi thấy tảng đá đó đã bị lăn ra. Có hai điều xuất hiện trong trí bà. Bà nghĩ là người Do Thái đã lấy xác Chúa Giêsu đem đi nơi khác, vì họ chưa bằng lòng với việc giết Ngài trên thập giá mà còn muốn làm nhục thi thể Ngài thêm nữa. Cũng có một số người bất lương chuyên nghề đào mộ để ăn trộm xác. Có lẽ Maria nghĩ người ta đã lẻn vào trong mộ ăn cắp xác Chúa.

Đây là một tình cảnh mà Maria Macđala cảm thấy không thể đối phó được, nên chạy vào thành tìm Phêrô và Gioan. Maria là trường hợp tiêu biểu cho một người cứ tiếp tục yêu thương, cứ tiếp tục tin tưởng, dù mình không hiểu được. Đó là loại yêu thương, loại tin tưởng đến cuối cùng sẽ được tôn vinh.

PHÁT GIÁC QUAN TRỌNG

Câu chuyện ở đây cho thấy Phêrô vẫn còn là vị thủ lãnh mà các Tông đồ thừa nhận. Bà Maria đến tìm ông, bất chấp việc ông đã chối Chúa –việc chối Chúa của Phêrô hẳn là được loan truyền ra khắp nơi nhanh chóng lắm- Phêrô vẫn là người đứng đầu. Chúng ta vẫn thường nói đến nhược điểm và tính khí bất thường của ông, nhưng hẳn nơi con người ấy phải có một cái gì ưu việt hơn, mới khiến ông có thể đối mặt các đồng bạn sau cái vấp ngã tai hại biến ông thành kẻ hèn nhát. Nơi con người ông hẳn phải có một điểm gì đó khiến những người kia sẵn sàng thừa nhận ông vẫn là lãnh tụ sau biến cố đó. Sự yếu đuối nhất thời của Phêrô không thể bịt mắt chúng ta trước sức mạnh đạo đức cùng tầm vóc của ông, và trước sự kiện ông là người sinh ra để lãnh đạo.

Bây giờ, một điểm khác khiến Gioan chú ý: Các đồ khâm liệm không bị vứt bừa bãi vô trật tự, nhưng đều nằm y nguyên tại chỗ. Theo nguyên văn Hy Lạp có nghĩa là vải liệm nằm tại chỗ thi thể đã nằm, chiếc khăn nằm tại chỗ đặt cái đầu. Đồ khâm liệm không có vẻ gì là bị tháo ra và dẹp đi, nhưng đều nằm đúng chỗ vốn được sắp xếp, dường như chỉ có xác là biến mất khỏi đó. Khi thấy như vậy, Gioan biết ngay là có chuyện gì xảy ra và ông tin. Không phải những gì Gioan đã đọc trong Thánh Kinh thuyết phục ông tin Chúa Giêsu sống lại, nhưng chính những gì ông đang chứng kiến tận mắt.

Vai trò của tình yêu trong câu chuyện này thật phi thường. Chính bà Maria người yêu mến Chúa rất nhiều, đã đến mộ trước nhất. Chính Gioan, môn đệ được Chúa yêu mến và yêu Chúa, là người đầu tiên tin vào sự sống lại. Điều này luôn luôn là vinh dự lớn của Gioan. Ông là người đầu tiên hiểu và tin. Tình yêu đã cho cặp mắt ông đọc được các dấu hiệu, và tâm trí ông thấu hiểu sự việc.

Ở đây, chúng ta thấy quy luật quan trọng của đời sống. Bất luận việc gì, chúng ta không thể giải thích được tư tưởng của người khác, trừ phi giữa ta với họ có mối dây ưu ái, cảm thương nhau. Không ai có thể diễn thuyết hay viết lại thành công, cuộc đời, sự nghiệp của một người mà mình không thiện cảm. Các thính giả có thể thấy rõ một ca sĩ có thiện cảm với nhà soạn nhạc như thế nào qua tác phẩm đang trình diễn. Tình yêu là nhà lý giải vĩ đại. Tình yêu có thể biết ngay ý nghĩa sự việc mà nghiên cứu tìm tòi chẳng nhìn thấy. Người ta kể, có một họa sĩ trẻ đem tranh ông vẽ Chúa Giêsu đến để Dore cho ý kiến. Ông chần chừ, cuối cùng chỉ nói một câu: “Anh không yêu Ngài, bằng không anh đã vẽ Ngài đẹp hơn”. Chúng ta chẳng bao giờ hiểu Chúa Giêsu hoặc giúp người khác hiểu được Ngài, trừ phi chúng ta dành hết lòng và trí mình cho Ngài.