Chúa Nhật XXIV - Thường Niên - Năm B |
ĐẦNG CỨU THẾ CHỊU ĐAU
KHỔ VÀ CHỊU CHẾT |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Cuộc đời có một mục đích và định hướng. Đời sống con người không chỉ dừng lại ở cuộc đời trần thế, với những lạc thú của nó, để rồi kết thúc với cái chết. Trái lại, cuộc sống trần thế là bước đầu để chuẩn bị bước vào đời sống vĩnh cửu, đời sống hạnh phúc sung mãn vô tận của Thiên Chúa. Vì đời sống vĩnh cửu là một hạnh phúc bất tận và quyết định mà mỗi người cần phải chuẩn bị hết sức có thể trong cuộc đời hiện tại, làm sao sống cuộc đời hiện tại để có thể đạt đến sự sống đời đời. Các bài đọc Chúa nhật tuần này hướng chúng ta đi theo Đấng cứu thế chịu đau khổ và chịu chết. Bắt đầu từ những chương 50 của sách tiên tri Isaia, người ta đã thấy phác họa những hình ảnh của người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa. Chính người tôi tớ đau khổ này, phải trải qua muôn vàn đau khổ và thử thách, nhưng rồi người sẽ thành tựu, và đem lại ơn cứu độ cho muôn người. Sự thành tựu của người tôi tớ này không phải do bởi những sự nghiệp hiển hách lừng lẫy ở trần gian, được mọi người ca ngợi tôn vinh; mà ngược lại, người tôi tớ này lại là một con người hoàn toàn vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa, sống theo lời Chúa để rồi đón nhận mọi đau khổ, mọi roi đòn, mọi sỉ nhục: “Thiên Chúa đã mở tai tôi mà tôi không cưỡng lại, cũng chẳng thối lui. Tôi đã đưa lưng cho kẻ đánh tôi, đã đưa má cho kẻ giật râu. Tôi đã không che mặt giấu mày, tránh những lời nhạo cười và những lời phỉ nhổ”. Sức mạnh của người tôi tớ này không dựa trên quyền lực trần thế, hay tiền bạc của cải, nhưng chỉ dựa vào Thiên Chúa đến mức độ mà ông dám chịu đựng mọi đau khổ, mọi sỉ nhục của người đời dành cho ông. Những đau khổ mà ông đã chịu có thể vượt quá sức lực con người, những sỉ nhục mà ông phải gánh chịu không thể tưởng được, nhưng nhờ Thiên Chúa mà ông đã tin tưởng và tiến bước vững vàng vượt qua mọi thử thách đau thương. Những bài ca về người tôi tớ đau khổ này, đã được sáng tác vào giai đoạn Israel chịu lưu đày ở Babylone, rồi lần hồi được sáng tỏ nơi khuôn mặt của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa nhập thể làm người. Chính Đức Giêsu đã thực hiện một cách hoàn hảo những mô tả về người tôi tớ này trong chính cuộc đời của mình, qua cái chết tự hiến trên thập giá. Bài Tin mừng tường thuật câu hỏi trắc nghiệm của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Có thể sau một thời gian các môn đệ đi theo và học hỏi với người, một hay hai năm, Chúa Giêsu muốn trắc nghiệm xem các môn đệ đã đạt đến nhân thức nào về mầu nhiệm của người. Đối với Chúa Giêsu, đây có thể là lúc thuận tiện để thẩm định lại xem các môn đệ của mình đã đạt đến nhận thức nào về chính người. Câu hỏi ban đầu người đưa ra như là một cuộc thăm dò về ý kiến của dân chúng, người ta nói thầy là ai. Đối với một số người, thì Chúa Giêsu được xem như là Gioan tẩy giả hoặc như Êlia, đối với những người khác, thì Đức Giêsu được xem như một trong các tiên tri thời xưa. Những ý kiến này tựu trung nhìn nhận Đức Giêsu như một người được Thiên Chúa sai đến. Nhưng dù sao, những câu trả lời này đều còn rất mơ hồ. Nhìn nhận Đức Giêsu như một vị tiên tri lớn không phải là không có giá trị, nó được xem như bước khởi đầucủa đức tin. Nhưng dù sao vẫn còn rất xa vời đối với chân lý của mầu nhiệm của người. Sau đó, Đức Giêsu đòi hỏi các môn đệ nói lên ý kiến của chính họ về người. Lần này, câu trả lời của thánh Phêrô rất rõ ràng, và lời tuyên xưng chắc chắn, phản ảnh nhận thức của các môn đệ mà Đức Giêsu đang mong đợi: “Thầy là Đức Kitô”. Đức Kitô chính là đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong và sai đến để thiết lập Nước Thiên Chúa ở trần gian. Đối với Tin mừng thánh Marcô, lời tuyên xưng của thánh Phêrô như là đỉnh cao của Tin mừng, bởi vì cho tới lúc này, ông không ngừng chứng tỏ Đức Giêsu như là đấng mà qua lời nói và hành động của mình không ngừng đặt ra cho những người khác câu hỏi người là ai. Ma quỉ đã đưa ra những lời tuyên xưng chính xác về căn tính thần linh của người, nhưng về phía dân chúng, thì chưa có nhận thức rõ ràng về người. Đối với những người do thái, Đấng cứu thế mà người ta mong đợi sẽ là một người có hoạt động chính trị hơn là tôn giáo, người phải tái thiết lập thẩm quyền của Thiên Chúa và đuổi những quân rôma đang chiếm đóng đất nước của họ. Người sẽ mang lại nhiều của cải dư dật cho dân chúng. Chúa Giêsu đã đáp ứng phần nào những chờ đợi của dân chúng, người làm nhiều phép lạ, chữa lành nhiều người bệnh hoạn tật nguyền, xua trừ ma quỉ. Nhưng người phải cố gắng để thanh luyện quan niệm về Đấng cứu thế của dân chúng, người phải sửa chữa những hình ảnh hẹp hòi của dân chúng về Đấng cứu thế. Vì thế, tin mừng cho chúng ta biết thái độ của Chúa Giêsu luôn nghiêm cấm không cho những người được chữa lành rao truyền quá mức ơn chữa lành đã nhận được, ngay cả người nghiêm cấm ma quỉ không kêu tên người. Lý do thật đơn giản, bởi vì người không muốn dân chúng có quan niệm sai về Đấng cứu thế. Vì thế câu trả lời của thánh Phêrô là một bước ngoặt quan trọng: đức Giêsu không phải chỉ là một trong số các tiên tri, mà người chính là Đức Kitô, là Đấng Mashia, Đấng cứu độ muôn dân mong đợi sẽ đem lại cho mọi người ơn giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Chúa Giêsu đã quyết định đưa ra một mạc khải quan trọng về vận mệnh của người, Đấng cứu thế phải chịu đóng đinh và chết. Người không dùng tước hiệu Đức Kitô mà chủ ý dùng từ “Con người”. Đó là tước hiệu ám chỉ một nhân vật hoàn toàn dấn thân trong mầu nhiệm Thiên Chúa để thực hiện ơn cứu độ cho con người như đã được mô tả trong sách tiên tri Daniel 7,13-14. Con người huyền nhiệm thực hiện cách thành tựu dự định cứu độ của Thiên Chúa, đem lại chiến thắng cho triều đại nước Thiên Chúa nhưng phải chịu đau khổ và chịu chết. Đức Giêsu nhấn mạnh đến từ “phải chịu đau khổ, chịu chết” nhằm nói lên dự định cứu độ của Thiên Chúa bằng cái chết đau khổ nhục nhã của Đấng cứu thế như một định mệnh trong thánh ý cao cả khôn dò thấu của Thiên Chúa. Như thế, Đức Giêsu đã đặt các môn đệ đứng trước một mầu nhiệm vượt quá họ, làm họ bất ngờ và chưng hửng. Đây quả là cú sốc quá lớn đối với các môn đệ. Chính Phêrô, người tông đồ trưởng, người mới tuyên xưng thầy là Đức Kitô, đã phản ứng cách quyết liệt trước lời mạc khải của thầy Giêsu. Phêrô kéo người ra mà can trách người. Phêrô như thể muốn thay thế vai trò dẫn đầu của Chúa Giêsu. Bởi vì theo tập tục của các thầy rabbi do thái, Chúa Giêsu là thầy sẽ đi trước dẫn đường cho các môn đệ, và các môn đệ bước theo sau thầy. Lần này, chính Chúa Giêsu quay lại và quở trách Phêrô nặng lời: “Satan, lui lại sau thầy, vì anh không biết việc của Thiên Chúa mà chỉ biết việc loài người”. Lần này, Phêrô phải mau mắn vào lại vị trí của mình ở sau thầy. Ông không thế tự mình thay thế thầy được mà phải bước theo sau thầy. Chúa Giêsu cũng không ngần ngại gọi ông là Satan là kẻ chống lại chương trình của Thiên Chúa, xúi giục con người từ chối thánh ý của Thiên Chúa. Quả thật, có một khoảng cách vô tận giữa thánh ý mầu nhiệm của Thiên Chúa và cái nhìn hạn hẹp của con người. Cái chết đau khổ của đấng cứu thể trên thập giá quả là một cớ vấp phạm, một sự điên rồ đối với nhiều người. Lời Chúa Giêsu mời gọi và thúc đẩy chúng ta, những người đang bước đi trong cuộc đời trần thế có một nhận thức đúng và can đảm bước theo Đức Kitô chịu đau khổ để chiến thắng tội lỗi và sự chết và đạt đến sự sống muôn đời : “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình". |
|