Chúa Nhật XXIII - Thường Niên - Năm B |
ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CỨU ĐỘ THẦN LINH |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Ơn cứu độ là gì? Thiên Chúa cứu độ như thế nào? Làm sao để đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa? Người tín hữu nghe nói nhiều về ơn cứu độ và giải thoát, thế nhưng để hiểu, cần lắng nghe những tường thuật của Cựu ước và Tin mừng để chúng ta nắm bắt được ý nghĩa của ơn cứu độ mà Thiên Chúa ban tặng cho con người. Trong lịch sử, có thể có những cách hiểu về ơn cứu độ được xem là ảo tưởng và huyền hoặc, như quan niệm có chiều hướng duy linh, cứu độ là được trở về với bản chất thần linh của mình nhờ vào việc tinh thần con người thoát ra khỏi vật chất và thân xác. Nhiều người cho rằng tinh thần con người vốn có bản chất thần linh, bị giam cầm trong thân xác, nên nhờ một sự giác ngộ tinh thần, con người thoát ra khỏi thân xác để trở về với bản chất thần linh vốn có của mình. Hoặc một quan niệm duy vật hơn, cho rằng cứu độ chính là tạo được một cuộc sống ấm no hạnh phúc ở trần gian. Con người, nhờ cố gắng của trí tuệ tìm tòi và phát minh khoa học của mình, chiến thắng mọi trở ngại trong thiên nhiên như bệnh tật, và tạo ra nhiều của cải để con người sống hạnh phúc ở trần gian. Bản văn sách tiên tri Isaia cho thấy quan niệm ơn cứu độ là việc Thiên Chúa hành động và đến cứu giúp con người. Đó là lúc mà Thiên Chúa quyết định hành động một cách quyết liệt để chữa lành thân phận bệnh tật của con người: “Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng, tai người điếc sẽ mở ra. Người què sẽ nhảy nhót như nai và người câm sẽ nói được, vì nước sẽ chảy nơi hoang địa và suối nước sẽ chảy nơi đồng vắng”. Và hành động cứu độ của Thiên Chúa là giải thoát họ khỏi những bệnh tật đang giam cầm và ràng buộc con người. Đây là những dấu chỉ giải thoát của thời kỳ Đấng cứu độ, là lúc mà chính Thiên Chúa đến để cứu giúp con người. Bởi vì bệnh tật như đui mù, què quặt, câm điếc làm cho thân phận con người trở nên bi đát và bất hạnh, giới hạn những khả năng của con người. Chữa lành những bệnh tật thể lý của thân phận con người là dấu chỉ của ơn cứu độ do Thiên Chúa ban tặng, giải thoát con người khỏi những giới hạn này, để làm cho con người được hạnh phúc thực sự, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Và câu chuyện Tin mừng tường thuật cụ thể việc Chúa Giêsu chữa lành một người bị câm điếc. Người đưa anh ta riêng ra, đặt ngón tay vào tai anh, bôi nước miếng vào lưỡi anh, ngước mắt lên trời thở dài và nói “êphata” tức là hãy mở ra. Cách làm của Chúa Giêsu có phần nào giống với thực hành y khoa thời bấy giờ tức là có những tiếp xúc thể lý với bệnh nhân và dùng nước miếng, được cho là nguồn sự sống, để xức cho bệnh nhân. Ngoài ra việc người cầu nguyện, thở dài, nói êphata đều là những chỉ dẫn quí báu về sử tính của hành động chữa lành cũng là hành động cứu độ của Chúa Giêsu. Ơn cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện một cách cụ thể bằng việc chính Con Thiên Chúa nhập thể làm người, ở với con người, đến tiếp xúc với mỗi người chúng ta để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của bệnh tật và sự chết. Ơn cứu độ là sự gặp gỡ thực sự với Đấng cứu thế, đến để giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, mà bệnh tật là dấu hiệu của nó. Con người cần phải gặp gỡ thực sự với Đức Giêsu Con Thiên Chúa để đón nhận quyền năng cứu độ của người. Đấng cứu thế biểu lộ quyền năng cứu độ của người, nhưng người không muốn người ta tỏ dấu biết ơn bằng cách loan truyền phép lạ trước thời hạn làm cho những người khác có thể hiểu lầm về tư cách Đấng cứu thế. Người sẽ mạc khải tư cách Đấng cứu thế của mình cách trọn vẹn hơn nhất là qua cuộc thương khó và phục sinh của người, lúc bấy giờ người không còn sợ hiểu lầm, và mọi người có thể công bố rõ người là Đấng cứu thế chịu đóng đinh và chịu chết, và đã Phục sinh vinh quang. Phép lạ chữa lành cho người bị bệnh câm điếc chứng tỏ quyền năng thần linh của Chúa Giêsu, lòng thương xót của người đứng trước thân phận bệnh hoạn tật nguyền của con người. Đức Giêsu đến để chăm sóc và chữa lành cho mỗi người. Và bài tin mừng tường thuật rằng mọi người đều đầy lòng thán phục mà nói rằng người làm được mọi sự tốt đẹp, người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được. Và điều cần được công bố không chỉ là phép lạ, nhưng là chính việc Thiên Chúa hiện diện và cứu độ con người. Đứng trước hành động mạnh mẽ này của Chúa Giêsu, không ai được phép nhắm mắt làm ngơ, mà phải cố gắng hết sức mình để hiểu biết và tuyên xưng Đấng Cứu Thế, người đang ban ơn cứu độ là sự giải thoát cho con người khỏi những ràng buộc của bệnh tật và sự chết. Giữa Chúa Giêsu và người bệnh câm điếc được chữa lành có một sự gặp gỡ thực sự và bệnh nhân đã được Chúa Giêsu đụng chạm tới, người chăm sóc cho anh, chữa lành anh bằng sức mạnh thần linh phát xuất ra từ chính người: Người đưa riêng anh ta ra một nơi, người đặt tay vào tai anh, nhổ nước miếng vào lưỡi anh, cầu nguyện và nói êphata. Những tiếp xúc này thực sự tác động dấu ấn lên con người của bệnh nhân cách sâu xa. Quả thật, việc gặp gỡ với Đấng cứu thế đã thay đổi con người của anh cách trọn vẹn, làm cho anh được giải thoát và tham dự trọn vẹn vào sự sống. Dân chúng đều nhìn nhận quả thật Đức Giêsu đã làm mọi sự tốt đẹp, người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được, tức là Đức Giêsu đã hoàn tất những lời tiên tri của Isaia. Những phép lạ Đức Giêsu thực hiện không chỉ dừng lại ở việc người là Đấng làm phép lạ mà còn hướng đến ý nghĩa trọn vẹn hơn Người là Đấng cứu độ, đến để giải thoát con người khỏi thân phận tật nguyền. Những phép lạ người làm là dấu chỉ ơn cứu độ của Thiên Chúa ban tặng, đó chính là đời sống thần linh ban tặng cho con người để thay đổi thân phận con người, đưa con người đến chỗ hiệp thông sự sống thần linh của Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có Thiên Chúa là Đấng ban ơn cứu độ, và ơn cứu độ không là gì khác hơn là được hiệp thông vào sự sống của Thiên Chúa, nhờ chính người con một Thiên Chúa đến tìm kiếm và lôi kéo con người ra khỏi thân phận thấp hèn của mình. Và muốn gặp gỡ ơn cứu độ, con người cần đến với Đức Giêsu là người con một Thiên Chúa, để người chữa những yếu đuối bệnh tật của chúng ta, và ban tặng sức mạnh thần linh từ chính người. |
|