Chúa Nhật XXII - Thường Niên - Năm B
TỪ LÒNG CON NGƯỜI PHÁT XUẤT
NHỮNG TƯ TƯỞNG XẤU
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Trong những tường thuật của Tin mừng, chúng ta thường đối diện với thái độ nổi bật của những người biệt phái và ký lục là giới được trọng vọng trong xã hội. Họ xác tín rằng phải chu toàn lề luật bằng việc giữ những ràng buộc chi tiết, nhiều khi chi li vụn vặt, là đủ để được nhìn nhận là người công chính thánh thiện trước mặt Thiên Chúa. Thật ra, giáo huấn chính thống của do thái giáo, đặc biệt từ sách Đệ nhị luật chương 4, đều xác nhận việc cần thiết phải nghe và tuân giữ những điều răn và giới luật, huấn lệnh của Thiên Chúa truyền. Đó là dấu chứng một dân tộc khôn ngoan và sáng suốt giữa những dân tộc khác như lời Môisen nhắc nhở dân chúng : “Các ngươi hãy tuân giữ những giới răn của Chúa là Thiên Chúa các ngươi. Các ngươi phải tuân giữ và thực hành. Và đó là sự khôn ngoan sáng suốt của các người trước mặt muôn dân”.  Xác tín này đã được lưu truyền qua các thế hệ người do thái, và dĩ nhiên đã có nhiều người sống chân thành ngay thẳng thực hành các điều răn và huấn lệnh của Chúa. Thế nhưng, vào thời Chúa Giêsu, người bắt đầu đối diện thực tế với những hạng người có thế giá trong xã hội là những người biệt phái và ký lục. Điểm đặc trưng của những người này là họ rất quan tâm chu toàn lề luật, nhưng lại lệch lạc khi xem việc chu toàn lề luật bằng thái độ vụ luật, nhưng lại thiếu một thái độ nội tâm sâu sắc. Vì thế, trong câu chuyện Tin mừng, Chúa Giêsu và các môn đệ của người gặp khó khăn với những người này. Họ tỉ mỉ quan sát việc làm của các môn đệ của Chúa Giêsu và khi bắt gặp vài môn đệ dùng bữa mà không rửa tay, tức là đã dùng bữa với những bàn tay không thanh sạch, nên họ đã đặt vấn đề với Chúa Giêsu: "Tại sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không thanh sạch”.  

Một điều khiến những người biệt phái và ký lục rất an tâm là đã chu toàn lề luật khi họ cẩn thận tuân giữ những tập tục của tiền nhân: cụ thể là việc rửa tay trước bữa ăn, thậm chí là nhiều việc khác nữa như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng và khi đi từ nơi công cộng về, họ phải tắm rửa. Chắc hẳn, đặt vấn đề về thái độ của các môn đệ cũng là một cách đặt vấn đề với chính Chúa Giêsu. Họ cho rằng nếu Chúa Giêsu chủ trương một thái độ như thế, thì người đi ngược lại với những tập tục của tiền nhân, và đây là điều cho thấy sự sai trái của giáo lý của người. Thật ra, những thực hành tỉ mỉ chi tiết này về các bữa ăn bắt nguồn từ luật của Môisen. Sách Lêvi đã đưa ra những cấm đoán này (Lv 11 và 16) nhằm mục đích gìn giữ dân Chúa là dân được tuyển chọn luôn được tinh tuyền, tránh mọi tiếp xúc với những người và những thức ăn bị cho là ô uế. Vì thế, khi từ những nơi công cộng hay phố chợ trở về, những người do thái thường cảm thấy như bị “ô uế” theo luật bởi vì đã tiếp xúc với những người tội lỗi, những dân ngoại. Chúa Giêsu đã phản ứng quyết liệt chống lại thái độ vụ luật giả dối này của những người biệt phái, người phê phán họ chỉ thờ phượng Thiên Chúa ngoài môi miệng nhưng lòng dạ thì xa Chúa. Người trích dẫn sách tiên tri Isaia (29,13), : “Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng nhưng lòng chúng thì xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”. Lời phê phán của Chúa Giêsu rất nghiêm khắc, và trong bài Tin mừng cho biết, Chúa Giêsu hiểu rõ và nắm vững những tranh luận giữa các bậc thầy do thái về những điểm của luật Môisen nên người đã kết luận về thái độ sai trái của những người biệt phái: “Các ngươì thay thế Lời Chúa bằng những tập tục loài người”. Để giải thích rõ hơn, Chúa Giêsu đã trình bày chìa khóa để giải quyết vấn đề: điều làm cho con người ra “ô uế”, không phải là những thức ăn bên ngoài,  nhưng điều làm cho con người ra ô uế, đó là những tư tưởng xấu phát xuất từ lòng người. Từ lòng xấu xa của con người phát xuất những tư tưởng ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, kiêu căng, ngông cuồng. Theo Thánh Kinh, trái tim là nơi phát xuất tư tưởng và tình cảm, trái tim cũng là nơi phát xuất những ý tưởng đồi bại về đời sống luân lý.

Bằng thái độ rất thẳng thắn, Chúa Giêsu tuyên bố những nghi thức cũ đã lỗi thời, và hướng đến một thái độ mới mẻ hơn, giải thoát dân chúng khỏi bị ràng buộc bởi những truyền thống tập tục tiền nhân đã trở nên lỗi thời, và qui hướng mọi người tới tương quan trung thực với Thiên Chúa hơn. Lề luật phải hướng dẫn con người tới tương quan chân thật với Thiên Chúa và người khác. Nếu nghi thức và tập tục không hướng con người tới tương quan chân thật với Thiên Chúa thì cần bỏ đi. Một người nào đó có thể giữ tỉ mỉ tục lệ nhưng lại không chu toàn lề luật Thiên Chúa. Ngược lại, sống đời sống luân lý ngay thẳng là dấu chứng giữ giao ước với Thiên Chúa. Theo ý tưởng của bài đọc I, khi Thiên Chúa giải thoát dân chúng khỏi quân thù của họ thì đó là dấu chứng Thiên Chúa trung tín với giao ước với Israel, ngược lại Israel phải tuân giữ lề luật và huấn lệnh của Thiên Chúa để họ được sống và chiếm hữu phần đất mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ, và đó cũng là dấu chứng họ trung thành với giao ước với Thiên Chúa và chứng tỏ cho người khác thấy họ là một dân tộc khôn ngoan sáng suốt. Có được lề luật và huấn lệnh của Thiên Chúa nên Israel luôn được Thiên Chúa hiện diện và che chở, nhất là khi họ kêu cầu Thiên Chúa sẽ lắng nghe và ra tay bênh đỡ họ. Thánh Giacôbê cũng nhắc nhở các tín hữu việc Thiên Chúa muốn sinh ra con người bằng Lời chân thật. Thiên Chúa là Đấng thánh thiện vô cùng, nơi người không hề có sự gian dối cũng như không hề có sự thay đổi. Vậy khi con được sinh lại bởi Lời của Thiên Chúa, con người cũng được tham dự vào những điều tốt lành của Thiên Chúa là thánh thiện và không thay đổi. Để được sinh lại trong đời sống mới này, con người cần lắng nghe và sống theo Lời của Thiên Chúa, và bắt đầu tẩy trừ mọi chiều hướng xấu xa độc ác nơi chính mình, chắc chắn họ sẽ được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.