Chúa Nhật XXII - Thường Niên - Năm B
LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG
Lm Giuse Đinh lập Liễm

A. DẪN NHẬP

 

          Thiên Chúa đã chọn Israel làm dân riêng của Ngài và ban cho họ Lề luật để tuân giữ. Đối với họ, nhiệt thành tuân theo lề luật là một cách thể hiện lòng yêu mến đối với Thiên Chúa. Ai yêu mến Lề luật và đem ra thực hành được kể là người khôn  ngoan vì lề luật sẽ trở nên cho họ nguồn phát sinh sự khôn ngoan và đường dẫn tới sự sống và hạnh phúc.

 

          Tuy nhiên, thực hành Lề luật không có nghĩa là chỉ thi hành những nghi thức bên ngoài và coi đó là xong nhiệm vụ. Những hình thức bên ngoài là cần thiết nhưng chúng chỉ là những yếu tổ bổ sung và phụ thuộc mà cái cần thiết nhất là tấm lòng.  Hay nói cách khác, cần nhất là cái động lực thúc đẩy chúng ta làm. Chính cái động lực này đánh giá việc làm của chúng ta : nếu động lực tốt thì việc làm sẽ tốt, nếu động lực xấu thì việc làm sẽ xấu. Nếu việc làm mà thiếu động lực tốt thì việc làm chỉ là giả tạo và người làm việc ấy chỉ là giả hình :”Dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, mà lòng chúng thì xa Ta”(Is 29,13).

 

          Thiên Chúa đòi chúng ta một tấm lòng yêu mến và chân thành. Điều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ mà chính là lòng yêu mến của chúng ta đối với Chúa thúc đẩy chúng ta làm những công việc đó. Làm việc mà thiếu lòng yêu mến thì tất cả sẽ trở nên vô giá trị và vô ích. Hãy thực hiện lời thánh Augustinô :”Ama et fac quod vis” : Cứ yêu đi rồi làm gì thì làm.

 

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.

 

          Bài đọc 1 : Đnl 4,1-2,6-8.

 

          Ông Maisen truyền đạt cho dân Israel Lề luật của Thiên Chúa để họ đem ra thực hành. Ông căn dặn dân chúng hãy trung thành giữ Lề luật Chúa, đừng thêm cũng đừng bớt điều gì. Những thánh chỉ của Chúa không phải là gì khác ngoài cách biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa đối với dân Ngài vì không có dân tộc vĩ đại nào đuợc Thần minh ở gần như Đức Chúa của dân Do thái mỗi khi họ kều cầu Ngài.

 

          Do đó, những ai biết nhận ra tầm quan trọng, biết tuân giữ và biết sống theo Lề luật là những người khôn ngoan. Dân ngoại cũng phải nhận định rằng Israel là một dân tộc vĩ đại vì được Thiên Chúa ban cho họ những thánh chỉ và quyết định công minh, như tất cả Lề luật mà ông Maisen truyền lại cho họ. Giữ Lề luật là tỏ lòng yêu mến và trung thành với Đức Chúa.

 

          Bài đọc 2 : Gc 1,17-18.21b-22.27.

 

          Thánh Giacôbê, tác giả của lá thư này, không phải là một trong mười hai Tông đồ, nhưng là một người bà con của Đức Giêsu. Ngài lãnh trách nhiệm tổ chức và điều hành cộng đoàn Kitô hữu tại Giêrusalem. Ngài nài xin các  tín hữu hãy ân cần đón nhận Lời Chúa vì Lời Chúa quả là một ân huệ to lớn. Nhưng Ngài còn thêm : đón nhận Lời Chúa chưa đủ, còn phải đem ra thực hành để được sinh hoa kết quả. Cụ  thể là “thăm viếng cô nhi quả phụ lâm cảnh gian truân và giữ mình cho khỏi vết nhơ của thế gian”.

 

          Bài Tin mừng : Mc 7,1—8a.14-15.21-23.

 

          Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu tranh luận với nhóm biệt phái nhiều điều, nhưng chung qui là vấn đề sạch dơ :

          - Họ dựa vào luật để qui định  những cái gì sạch, cái gì dơ và từ đó buộc mọi người phải rửa tay trước khi dùng bữa.

          - Họ chỉ chú trọng đến những cái gì bên ngoài dơ hay sạch chứ không chú trọng vào bên trong . Còn Đức Giêsu nhắc cho họ phải chú trọng đến vấn đề sạch dơ trong tâm hồn.

          - Nhận thấy họ chỉ chú trọng vào những hình thức đạo đức bên ngoài, còn nội tâm thì trống rỗng nên Đức Giêsu coi họ chỉ là những người đạo đức giả :”Dân này thờ kính Ta bằng mội miệng, còn lòng chúng thì xa Ta”.

          - Ngài kết án việc làm sai trái của họ : lẫn lộn luật Thiên Chúa và tập tục của tiền nhân. Sai trái hơn nữa là họ lấy tập tục của loài người để thay thế lệnh truyền của Thiên Chúa.

 

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.


             Thèm lòng chứ ai thèm thịt.

 

          Người đời thường nói:”Thèm lòng chứ ai thèm thịt” hoặc “Vị tình vị nghĩa, không ai vị đĩa xôi đầy”, có nghĩa là người ta đến giỗ tết hiếu hỉ, thăm nom vì quan hệ tình cảm, vì cái lòng tốt đối với nhau chứ không phải cốt để ăn uống hoặc là thèm muốn miếng thịt đem biếu nhau.  Trong quan hệ hằng ngày người ta cần cái lòng tốt chứ không cần hình thức bề ngoài. Câu tục ngữ này cũng giúp chúng ta hiểu rằng khi đến với Chúa, ta không cần phải chú trọng quá vào hình thức mà cần tấm lòng của chúng ta đối với Chúa, đó là yêu Chúa và tha nhân.

 

I. LỀ LUẬT VÀ TRUYỀN THỐNG.

 

          Trong Cựu ước, bộ luật có tới 613 khoản, nhưng những khoản luật đó chỉ nói trên nguyên tắc, còn trong áp dụng thực hành người ta còn thêm vào những lời cắt nghĩa mà ta gọi là truyền thống hay truyền khẩu. Như vậy có hai thứ luật :

 

          1. Luật thành văn.

 

          Trong hai thứ luật này có cái cổ hơn và quan trọng hơn là Lề luật thành văn. Lề luật này căn cứ trên sách Torah (Ngũ Kinh), nghĩa là 5 cuốn sách đầu tiên của Cựu ước, đôi khi còn gọi là luật Maisen. Thật ra, Ngũ kinh hàm chứa một ít qui tắc và chỉ dẫn chi tiết, nhưng về các vấn đề đạo đức, những gì được nêu lên chỉ là một loạt nguyên tắc mà người ta phải tự giải nghĩa và ứng dụng cho riêng mình. Trong một thời gian dài, dân Do thái bằng lòng với những “kiểu mẫu” này. Họ áp dụng vào đời sống vì thấy chúng thích hợp.

 

 

          2. Luật truyền khẩu hay truyền thống.

 

          Tuy nhiên, đến thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, có một nhóm chuyên nghiên cứu Lề luật, dưới biệt hiệu là Luật sĩ (Kinh sư). Nhóm người này thấy những điều luật tổng quát trong bộ luật ấy quá mơ hồ, thiếu tính rõ ràng, cần phải được soạn thảo lại cho rõ ràng hơn, với nhiều chi tiết hơn. Do đó, họ muốn triển khai, phóng đại, phân tích các nguyên tắc lớn ấy biến chúng thành hàng ngàn lề luật, qui tắc nhỏ nhặt, để điều khiển từng hành động, từng hoàn cảnh của đời sống. Các luật lệ và qui tắc ấy không hề được viết ra cho đến sau thời Chúa Giêsu một thời gian dài. Chúng vẫn được gọi là Luật truyền khẩu, đây chính là cái gọi là tương truyền của người xưa.

 

II. TRUYỀN THỐNG TRONG NGHI THỨC RỬA TAY.

 

          1. Tập tục rửa tay.

 

          Trong khoảng thời gian này, trong dân chúng Do thái, có rất nhiều người muốn bắt chước các tư tế của họ về sự thánh thiện bề ngoài có tính cách nghi thức. Chẳng hạn theo lề luật thành văn, mọi tư tế đều phải rửa tay khi vào nơi thánh trong đền thờ. Mục đích của luật này là tẩy rửa đi tất cả những gì là ô uế về mặt tôn giáo để các tư tế xứng đáng thờ phượng Chúa hơn. Dần dần, dân chúng bắt chước các tư tế rửa tay trước khi cầu nguyện. Và bằng những suy nghĩ tương tự như thế, họ cũng rửa tay trước khi dùng bữa.

 

          Có nhiều luật lệ rõ ràng và nghiêm nhặt về việc rửa tay. Trước khi dùng bữa và giữa hai món ăn, người ta phải rửa tay, và phải rửa theo một nghi thức nhất định. Để bắt đầu, phải làm cho đôi bàn tay không còn dính đất cát vôi vữa sỏi sạn vụn hay các vật tương tự. Nước rửa tay phải được đựng trong những choé đá lớn, hay bình bằng đồng, để chính chúng cũng thanh sạch theo ý nghĩa lễ nghi, và để được chắc chắn là chúng không được dùng vào việc gì khác và chẳng có vật gì rơi rớt hay lẫn lộn, pha trộn vào đó.

 

          Nghi thức rửa tay phải như thế này : trước hết bàn tay được xoè ra, các đầu ngón tay chỉ lên trên, nước phải được đổ phía trên và chảy xuống ít nhất đến cổ tay. Lượng nước tối thiểu phải dùng là một phần tư log, tương đương với số nước đựng đầy một vỏ quả trứng rưỡi. Trong lúc bàn tay vẫn còn ướt phải rửa bàn tay này bằng mu bàn tay kia. Đây là cách giải nghĩa cách thức rửa tay bằng mu bàn tay kia : mu bàn tay này phải kỳ cọ vào lòng bàn tay kia vàø toàn thể bề mặt của bàn tay kia. Như thế có nghĩa là trong giai đoạn này, hai bàn tay đã ướt nước, nhưng bây giờ nước đó đã bị dơ vì đã tiếp xúc với hai bàn tay dơ rồi. Một lần nữa phải chụp các ngón tay lại, chúc xuống dưới rồi đổ nước lên, sao cho nước từ cổ tay  chảy xuống khắp các đầu ngón tay. Sau khi đã làm đúng như thế, thì đôi tay mới được sạch.

 

          2. Rửa tay là việc quan trọng.

 

          Đây là vấn đề không phải chỉ là vệ sinh mà là tập tục tôn giáo về “sạch” và “dơ”, được ghi thành luật của Maisen trong sách Lêvi, được thêm vào nhiều chi tiết và qui định rõ ràng qua truyền thống.

 

          Vào thời Đức Giêsu, dân Do thái tuân giữ những lệnh truyền khẩu này cũng tỉ mỉ và thành tín chẳng khác nào lề luật thành văn của Ngũ Kinh. Ý tưởng hàm chứa đàng sau việc tuân giữ này quả thực cao đẹp, bởi vì nó nhằm mục đích làm cho tôn giáo thấm nhập vào mỗi hành vi của cuộc sống, nhưng trong quá trình thực thi luật lệ này, một điều bi đát đã xẩy ra  vì tôn giáo đã dần dần thoái hoá thành một hoạt động chỉ đơn thuần là chu toàn những nghi thức bên ngoài : tuân giữ những nghi thức này thì được kể là làm đẹp lòng Thiên Chúa, còn không giữ chúng đồng nghĩa với phạm tội. Nói tóm lại, tuân giữ những nghi thức bên ngoài này được đồng hóa, được đánh giá là đạo đức, là biết phụng sự Chúa.

 

Truyện : Nhịn uống để rửa tay.

 

          Có một thầy tiến sĩ luật Do thái bị đi tù ở Rôma. Ông chỉ được ăn uống tối thiểu, nhằm mục đích kéo dài cuộc sống cho qua ngày. Thời gian trôi qua, thầy luật sĩ yếu dần. Cuối cùng, người ta phải mời một y sĩ đến khám. Y sĩ bảo rằng cơ thể ông bị thiếu nước.

          Các sĩ quan cai ngục không hiểu nổi tại sao ông ta lại có thể thiếu nước. Bởi vì khẩu phần nước mỗi ngày tuy là tối thiểu, nhưng vẫn tương đối đủ cho một cơ thể. Thế là đám lính gác liền chú ý quan sát thầy luật sĩ một cách kỹ lưỡng hơn, xem ông ta làm gì với số nước ấy. Cuối cùng, người ta khám phá ra bí mật. Thầy luật sĩ ấy  đã sử dụng phần lớn số nước để rửa tay theo nghi thức tôn giáo trước khi cầu nguyện và ăn uống. Như thế ông ta chỉ còn lại rất ít nước để uống.

 

          3. Ý nghĩa việc rửa tay.

 

          Ngày nay, có một sự quan tâm to lớn đối với việc làm sạch sẽ thân thể. Vì thế mới có mọi thứ quảng cáo về xà bông và nước hoa. Và cũng có sự quan tâm về môi trường – với chất lượng của nước uống, thực phẩm và không khí. Điều đó không phải là quan trọng. Chỉ có một điều là có một môi trường khác còn quan trọng hơn : môi trường đạo đức. Điều xấu là ô nhiễm tồi tệ nhất trong mọi thứ ô nhiễm (Flor McCarthy).

 

          Thực ra, việc rửa tay không phải chỉ nhằm việc vệ sinh thân thể nhưng là việc vệ sinh tâm hồn. Rửa tay là có ý rửa cho linh hồn mình được sạch  mọi vết nhơ tội lỗi. Trong thánh lễ, khi chủ tế rửa tay với chút nước thì đọc :”Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tôi con phạm xin Ngài thanh tẩy”.  Nhưng tiếc thay, nhiều người Do thái chỉ chú trọng rửa tay là rửa tay theo truyền thống mà không để ý đến việc thanh tẩy tâm hồn mình. Vì thế, nhà thần học William Barclay nói:”Người ta có thể căm thù tha nhân tận xương tủy mà không một chút áy náy  vì họ đã tuân giữ một cách chặt chẽ các nghi thức rửa tay và các nghi thức thanh tẩy khác”.

 

III. SAI LẦM TRONG VIỆC GIỮ TRUYỀN THỐNG.

 

          1. Họ chỉ biết giữ lấy truyền thống.

 

          Đọc bốn sách Tin mừng, ta phải nể phục sự nghiêm túc  giữ luật của các luật sĩ Do thái : họ giữ luật Maisen cẩn thận từng chi tiết, cả những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Ngoài những điều khoản của Lề luật, họ còn giữ cả những chi tiết nhỏ mọn trong truyền  thống Do thái giáo.

 

          Nhưng Đức Giêsu đã cho họ thấy rằng sự thánh thiện không hệ tại việc giữ một cách chi tiết như thế, hay giữ theo hình thức bên ngoài, mà hệ tại một cái gì đó sâu xa hơn nhiều. Cái đó ở trong nội tâm chứ không phải ở bên ngoài.

 

          Điều đáng tiếc là những người đặt nặng những chi tiết hay những hình thức bên ngoài của lề luật, thì lại thường coi nhẹ cái cốt tủy của lề luật. Đức Giêsu đã tố giác điều ấy :”Khốn cho các ngươi, hỡi các luật sĩ và biệt phái giả hình ! Các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng (=tức những điều phụ thuộc), mà bỏ những điều quan trọng nhất trong lề luật là công lý, lòng nhân và sự thành thật. Các điều này vẫn cứ phải làm, mà các điều kia thì không được bỏ”(Mt 23,23). Như vậy, theo Đức Giêsu, ba điều quan trọng nhất trong lề luật, tinh thần của lề luật, cũng là cốt tủy của sự thánh thiện, chính là chân lý, công lý và tình thương.

 

          Đối với lòng nhiệt thành giả tạo có vẻ quá hình thức này, Đức Giêsu nghĩ thế nào về họ  ? Ngài trách cứ họ hai điều : một là giả hình, hai là làm đảo lộn giá trị.

 

          2. Họ là những người giả hình.

 

          Họ giả hình vì cũng như thời tiên tri Isaia, người ta không nghĩ đến sự hối cải trong các tâm hồn, mà chỉ bận tâm đến việc thực hiện mấy việc bên ngoài :”Dân này thờ kính Ta ngoài môi miệng, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người”(Is 29,13).

 

          Thiên Chúa là chân lý tuyệt đối, có nghĩa là sự gian dối không có chỗ nơi Ngài, không được Ngài ưa thích và ủng hộ. Trái lại, Thiên Chúa lên án cách sống giả hình, sai lạc với sự thật. Thiên Chúa không khinh chê người yếu đuối, tội lỗi, nhưng khinh chê những người đạo đức giả. Thiên Chúa yêu thương, tha thứ cho những yếu đuối, tội lỗi, nhưng Thiên Chúa không thể chấp nhận kẻ sống giả hình.

 

          Nếu chỉ có những hành động bên ngoài mà không có tinh thần cốt tủy bên trong, thì việc giữ luật đó sẽ ít giá trị trước mặt Chúa. Còn những người luật Chúa thì không giữ, lại chỉ lo giữ những tập tục tôn giáo truyền thống, chẳng hạn một số thói quen  mà ta gọi là “việc đạo đức”, những hình thức do con người sáng tạo...thì việc giữ những tập tục ấy lại càng ít giá trị hơn.

 

          Những người giả hình này đáng người ta tặng cho cái nhãn hiệu “Tốt mã dẻ cùi”. Chim dẻ cùi là một giống chim đẹp, mỏ đỏ, đuôi dài, lông mã, lông đuôi sặc sỡ ngũ sắc, coi giống chim phượng. Người ta đã gọi là phượng hoàng Nam (phượng hoàng của nước Nam) hay phượng hoàng đất.  Nhưng chim dẻ cùi phải cái tật hay ăn cứt chó, cứt lợn. Người ta đã có câu :

 

                                      Dẻ cùi tốt mã dài đuôi,

                                  Hay ăn cứt chó , ai nuôi dẻ cùi.

 

          Dẻ cùi tiếng hót lại không hay, vì vậy dẻ cùi tuy đẹp mã thật, song người ta không qúi mà lại khinh. Người ta thường dùng câu “Tốt mã dẻ cùi” để riễu người bề ngoài đẹp đẽ sáng sủa, ăn bận diêm dúa mà bụng dạ bẩn thỉu không tốt mà lại vô tài.

(Văn Hoè, Tục ngữ lược giải, 1957, tr 198)

 

Truyện : Sư máy.

 

          Tuần báo Newsweek số ra ngày 10/08/1993 đã ghi lại một sáng kiến mới lạ ở Nhật, đó là “Sư máy”. Vị sư máy này, mới nhìn qua, không khác gì vị tu hành thực thụ : đầu cúi xuống, mắt khép lại, môi và các cơ bắp trên gương mặt cử động theo nhịp cầu kinh ghi sẵn, một tay cầm chuỗi giơ lên, một tay thì gõ mõ, và có thể thuộc toàn bộ kinh kệ của mười giáo phái Phật giáo khác nhau tại Nhật. Sáng kiến này đưa ra nhằm đáp ứng cho ơn gọi sư sãi ngày càng khan hiếm trong các Giáo hội Phật giáo tại Nhật. Tuy nhiên, như tác giả bài báo ghi nhận : những cái máy làm được mọi sự, duy chỉ một điều chúng không thể làm được, đó là chúng không biết yêu thương (Mỗi ngày một tin vui).

 

          3. Họ làm đảo lộn giá trị.

 

          Họ chỉ giữ tập tục của tiền nhân là những tập tục của con người đặt ra. Các tiền nhân của người Do thái đặt ra nhiều tập tục tỉ mỉ mà các biệt phái và luật sĩ tuân giữ rất nhiệm nhặt. Biệt phái là những người Do thái rất sùng đạo, nhưng sùng đạo cách giả hình, vụ hình thức, vì họ chỉ chú trọng đến những hình thức bên ngoài như nhiệm nhặt gìn giữ các tục lệ của tiền nhân, chuộng hình thức bên ngoài mà không có tinh thần bên trong.

 

          Chúa khiển trách họ:”Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người, vì các ngươi bỏ qua các giới răn của Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Chúa khiển trách họ là người làm đảo lộn giá trị vì họ chỉ chú ý đến việc tuân giữ các tập tục của tiền nhân mà lại bỏ qua những giới răn căn bản của Chúa. Họ coi trọng việc thuộc về con người hơn việc thuộc về Thiên Chúa.

 

IV. ĐIỀU CHÚA MUỐN DẠY TA.

 

          Nhân dịp các luật sĩ chê trách các tông đồ không rửa tay khi dùng bữa, Đức Giêsu muốn dạy cho họ một bài học : cái xấu xa không phải từ ngoài mà vào mà ở trong mà ra.  Ngài nói:”Từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình... Tất cả những điều xấu xa dó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế”. Do đó, chính cõi lòng mới là nguồn gốc của việc lành hay việc dữ.

 

          Theo lời Chúa dạy, chúng ta thấy yếu tố quan trọng để xác định giá trị đạo đức hay luân lý là trạng thái nội tâm chứ không phải những việc làm bề ngoài. Chính ý hướng ở bên trong là yếu tố quyết định việc làm bên ngoài  có giá trị hay không.  Nhiều người có những hành động rất tốt nhưng lại làm vì những động lực ích kỷ hay gian ác, thì hành động ấy trở nên xấu. Chẳng hạn những hành động giả nhân giả nghĩa nhằm được một lợi lộc nào đó, như bố thí thật nhiều để được khen, để có tiếng là đạo đức hầu lừa đảo người khác, hay làm việc tích cực chỉ nhằm để được lên chức, để nắm quyền hành nhằm thao túng lũng đoạn tập thể.  Ngược lại, có những người “tình ngay mà lý gian”, hành động thì có vẻ như xấu, bị kết án, nhưng lại được Thiên Chúa chúc lành.

 

          Vậy điều quan trọng là phải đổi mới trái tim. Đổi được trái tim là đổi được tất cả. Điều cốt lõi trong đạo không phải là chúng ta làm việc này việc nọ, mà chính là lý do thúc đẩy chúng ta làm những việc ấy.

          Chúng ta cần lưu ý rằng luân lý của Đức Giêsu là một thứ luân lý phổ quát biết bao ! Ngài biết rõ lòng người. Đó là luân lý căn bản tự nhiên mà Ngài đặt lại thành giá trị vượt lên trên những tập tục riêng của một nền văn minh. Không có một tục lệ quốc gia nào, một tập tục tổ tiên nào có thể đi ngược lại những luật căn bản này, mà mọi người đều phải công nhận trong thâm tâm của mình.

 

Lạy Chúa, xin cho chúng con hiểu rằng sự thánh thiện hệ tại tình trạng tốt đẹp tâm hồn hơn là tại những hành động bên ngoài. Xin cho chúng con biết quan tâm đến việc tu tâm dưỡng tính, nghĩa là có một tâm hồn ngay thẳng, luôn thành thật, luôn tôn trọng và bênh vực công lý, luôn yêu thương mọi người. Tâm tốt lành ấy mới chính là điều cốt yếu làm nên sự công chính thánh thiện của chúng con, hơn là giữ luật lệ một cách chi tiết hay việc làm cho thật nhiều (JKN).