Chúa Nhật XXI - Thường Niên - Năm B |
QUYẾT ĐỊNH CỦA ĐỨC TIN |
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt |
CÂU HỎI GỢI Ý 1. Giai thoại này có tầm quan trong thế nào trong đời Chúa Giêsu và trong viễn tượng thần học của Gioan? 2. Câu 62 ám chỉ cái gì bí mật? 3. Nếu "xác thịt không ích gì”, thì xác thịt của Con Người mà ta phải ăn để được sự sống vĩnh cửu có ích gì không? Phải chăng có mâu thuẫn? 1. Diễn từ về Bánh sự sống là nguồn gốc của một cuộc khủng hoảng sứ vụ tại Galilê. Các Tin Mừng Nhất lãm cũng nhận rằng một khủng hoảng như thế đã được khai mào trong quê hương Chúa Giêsu ngay giữa bà con Người, sau khi Người giảng dạy trong các hội đường của họ (Mt 13-54; Mc 6,1; Lc 4,15). Ở đó cũng vậy, bác luận căn bản phát xuất từ chỗ người ta biết quá rõ nguồn gốc của Người (6,42). Gioan đã mô tả khủng hoảng này cho đến cao điểm của nó. Ông thấy trong đó không phải chỉ là một sự chống đối thoáng qua. Luôn luôn cái trước trình thuật, ông rút ra từ hoàn cảnh đang mô tả những triệu chứng của sự chối từ quyết liệt, của sự bội phản Giuđa và của âm mưu người Do thái. Con Người đến loan báo thời đại cánh chung, nên thái độ người ta đối với Người mang một giá trị vĩnh cửu. Ngay từ giai đoạn hôm nay, các lập trường đã có tính cách quyết định và Tin Mừng, một cách nào đó, có thể trực tiếp nhảy qua chương 13, qua chứng từ về "Giờ"nhưng chương ở giữa 7-12. chỉ đề cập đến những giờ cuối cùng của cuộc đời Chúa Giêsu là Chúa Giêsu quá biết rõ là việc mặc khải của mình cho người Do thái hầu như sẽ vô ích (9,4; 11,9; 12.35). Căn cứ vào những điều đã nhận xét, Người có thể lên án người Do thái ngay bây giờ (8,26.50). Sở dĩ Người không làm chuyện đó và vẫn tiếp tục công việc mặc khải, ấy chỉ vì ngày giờ của Người đã được ấn định bởi Chúa Cha. Dân cứng tin sẽ chỉ bị phán xét khi nào giờ của Người đến (12,31). Trên nguyên tắc, bản án đã được tuyên bố rồi, song chưa có uy lực quyết tụng (9,39). Việc mặc khải của Con Người, đáng lẽ phải là một sự trao ban sự sống vĩnh cữu, thì thực tế lại trở nên một phán quyết truất hữu, không xâm nhập được vào tận đầu óc của người Do thái luôn khép kín trước mặc khải thần linh và cánh chung đó. Thế mà sự từ chối mặc khải cánh chung tất yếu bao hàm một phán quyết cánh chung. Do đấy, nảy sinh một sự mâu thuẫn: một đàng, đây là cơ may cuối cùng của người Do thái, đàng khác hạn kỳ để chọn lựa sẽ chỉ hết vào Giờ Chúa Giêsu. 2. Chúa Giêsu chẳng cần phải nghe những gì người Do thái và các môn đồ giả nói mới biết (x. 5,6) họ không đồng ý với Người. Phải chăng việc ám chỉ đến cái chết của Người và đến ý nghĩa cứu chuộc của cái chết ấy làm cho họ vấp phạm? Đúng! Sau này cũng vậy, mặc dù đã được báo trước (16,1), họ vẫn coi cái chết của Người là một cớ vấp phạm (Mc 14,27; Mt 26,31). Chúa Giêsu đã làm gì với mức độ phát triển của đức tin họ như thế? Người có tìm cách trấn an họ bằng cách giải thích sao cho vấn đề trở nên dễ chấp nhận hơn chăng? Chắc chắn đó không phải là thói quen hành động của Chúa Giêsu trong Tin mừng thứ tư. Trái lại, đứng trước thính giả không hiểu lời Người, Chúa Giêsu thường phản ứng bằng cách ám chỉ đến một mặc khải quan trọng hơn là mặc khải về tận cùng của cuộc sống bản thân. Trước đó, trong diễn từ về bánh, người ta cũng đã tìm được một ám chỉ về cái chết của Người (6,51) và chính lời ám chỉ này đã gây nên cuộc bàn cãi dẳng dai giữa người Do thái. Lời ám chỉ thứ hai chỉ là để xác nhận lời ám chỉ thứ nhất. Không rút lời lại, cũng chẳng nhượng bộ trước bác luận của họ, Chúa Giêsu đưa ra một ám chỉ mới liên quan đến một giai thoại cuối đời Người: Thăng thiên. Và lời ám chỉ này nặc khải yếu tố thần linh mà ta phải giả thiết là có nếu muốn hiểu ý nghĩa cứu sống của cái chết Chúa Giêsu. Như thế, hai khía cạnh của Giờ được đưa ra ánh sáng: khía cạnh mặc khải cũng như khía cạnh cứu chuộc (3, 13-15). Và đồng thời cái lý do cuối cùng của việc "từ trời xuống" cũng được giải bày minh bạch trong chương 6 Gioan. Bởi vì việc lên trời mang lại mặc khải hoàn toàn về Con người xuống thế là về nguồn gốc thần linh của Người: vào lúc đó Chúa Giêsu mới đảm nhận chức vụ Con Người, lúc đó nguồn gốc thiên giới của người mới hoàn toàn tỏ lộ. Vì Người lại lên nơi đã ở từ trước. Như vậy Thăng Thiên vừa là mặc khải về Con Người (1,51; 3,13; 6,62) vừa là mặc khải về Con (20, 17). Đối với Phaolô cũng vậy: giây phút cuối đời Chúa Giêsu, hay đúng hơn sự Phục sinh của Người, là lúc mà Chúa Giêsu trở nên hay lại trở nên thực sự chính Người: bấy giờ Người trở nên Chúa, Con Thiên Chúa quyền năng (Rm 1,4) thu hồi lại những ưu phẩm của thần tính Người (Pl 2,6-11) Sự cứu rỗi là nhận biết Chúa Giêsu ấy (2Cr 5,16). Việc giải thích các câu 53-63 như vậy thật rất chặt chẽ. Một vài nhà chú giải đã tìm cách giải thích các câu này theo một đường hướng khác bằng cách xem mấy chữ "Và khi các ngươi thấy Con Người lên nơi Người đã ở trước" như một lời tiên báo việc đóng đinh trên thập giá (Cyrille, Maldonat, Tolet, Schanz) vì xét rằng, đối với Gioan. Giờ của Chúa Giêsu là giờ Người bị nâng cao trên thập giá và được vinh hiển. Nhưng ở đây, lối giải thích này ít xác đáng vì hai lý do: 1/ Động từ amabainein "lên" không bao giờ tương đương với động từ hupsôthênai "giương cao" trong Tin mừng thứ tư cả (3,14; 12,32-34) 2/ Việc gương cao trên thập giá không đặt Chúa Giêsu vào nơi mà Người đã ở trước. Vì thế, hình như bắt buộc phải hiểu nghĩa Thăng thiên. Ý kiến này được đa số chấp nhận. Người ta cỏn có thể tranh luận về cách thức bổ túc câu này, là câu chưa chấm dứt và do đó có vẻ tối nghĩa, có lẽ do chủ ý. Nhưng dầu sao, chính mầu nhiệm Thăng Thiên sẽ đưa ra giải đáp đúng nhất cho các khó khăn. 3. “Thần khí mới tác sinh, xác thịt thì không ích gì" (c 63) Phải chăng những lời này muốt bảo: chỉ có Thần khí mới ban sự sống còn xác thịt của Con Người thì không có ích chi? Thế tại sao lại nhấn mạnh đến việc cần thiết phải ăn thịt ấy trong diễn từ về bánh? Câu này thật là một skandalon, một chướng ngại cho nhiều nhà chú giải. Người ta năng gặp cách chú giải câu đó như sau: "Xác thịt không ích gì" có nghĩa là xác thịt vật chất của Chúa Giêsu sẽ chẳng có một công hiệu cứu rỗi nào nếu không có "thần khí tác sinh"; điều này giả thiết sự sống lại của Chúa Giêsu, việc Người vượt qua tình trạng vinh hiển và thiêng liêng, và việc Thần khí can thiệp trên các yếu tố được thánh thể hóa để làm thành thịt và máu của Đấng Sống lại. Nhưng lối giải thích này không lưu ý đến sự mạch lạc toàn bộ của diễn từ. Thật vậy từ c.53 đến 56, Chúa Giêsu nói về thịt Người hoặc thịt của Con Người một cách rất minh nhiên và quả quyết không chút dè dặt rằng đó thật là một của ăn (c.55) cung cấp sự sống vĩnh cửu (c 54). Người ta khó mà hiểu làm sao nơt c.63a, Người nhắc lại cùng một thực tại ấy khi nói về thịt mà chẳng xác định là thịt Người, và liều mình tương đối hóa lời tuyên bố của Người trước đó mấy câu. Sau hết, ngay tiếp theo c.63a Người bảo: "Lời Ta đã nói với các ngươi là Thần khí và là sự sống''. Câu này cho thấy rõ ràng quyền lực Chúa Giêsu đang có khi Người tuyên bố nó ra. hình như không chắc là ở đây Người bảo thịt Người chẳng lợi ích gì cả, vì như thế thì không còn mạch lạc giữa lời nầy với các lời trước. Thật ra, hợp lý hơn khi giả thiết rằng trong c.63, không còn vấn đề thịt Chúa Giêsu, thịt được hy tế cho chúng ta, dấu chỉ hữu hiệu của tình thương Người và lương thực nuôi sống chúng ta nữa, nhưng là xác thịt nói chung, là nhân tính chúng ta, nhân tính bất lực trong việc cứu rỗi chính mình cũng như đón nhận ơn cứu rỗi và chân lý do Chúa Giêsu mang đến (x. Mt 16;17). Bản văn không bàn tới sự đối nghịch giữa "Thịt Ta -Thần Khí", nhưng tới sự đối nghịch, theo quan niệm sêmita, giữa Thần khí - xác thịt là ngày nay ta đến tả dưới hai ý niệm nhân loại thần linh (x. 3,6). Các người Do thái bực tức trước những lời nói của Chúa Giêsu. Vì, noi theo người đại tiện nổi tiếng của họ là Nicôđêmô, họ chỉ xét mọi sự dưới khía cạnh phàm trần mà không để ý gì đến những khả hữu tính thần linh. Khi phê phán những lời của Chúa Giêsu trong ý nghĩa nguyên thủy của chúng cũng như trong lối giải thích của Gioan trên những nền tảng nhân loại, thì những lời nói ấy hiển nhiên là phi lý. Nhưng đọc những lời nói đến sự sống vĩnh cửu trong một viễn tượng nhân loại thì lại còn phi lý hơn. CHÚ GIẢI CHI TIẾT "Nhiều môn đồ nói ..." Tiếng Hy lạp pelloi có thể hiểu là ‘nhiều' hay ‘khá nhiều’, nghĩa đầu mạnh hơn nghĩa sau; ở đây cũng như ở chỗ khác, không thể nào xác định được. Cũng chẳng rõ là số "môn đồ'' ấy có bao hàm nhóm Mười hai hay không. Tuy nhiên, dựa vào việc Phêrô xem ra nhân danh nhóm Mười hai để minh định lập trường, nên có lẽ không được liệt nhóm Mười hai vào số các môn đồ lẩm bẩm kêu ca Chúa Giêsu, ngoại trừ Giuđa, vì Chúa Giêsu đã gọi y là "quỷ sứ" (6,70). "Lời chi mà sống sượng thế" Không phải là khó hiểu, nhưng đúng hơn là khó nuốt, khó chấp nhận. "Vì chưng ngay từ đầu, Chúa Giêsu đã biết kẻ sẽ nộp Người là ai" Không chắc Gioan muốn nói với độc giả là Chúa Giêsu đã biết sự bội phản tương lai của Giuđa ngay khi Người gọi ông làm sứ đồ. Tiếng từ đầu không buộc phải hiểu như vậy; hơn nữa một sự hiểu biết như thế của Chúa Giêsu sẽ khiến việc chọn Giuđa thành khó giải thích, đó là chưa kể nó không mấy phù hợp với bản tính nhân loại thực sự của Chúa Giêsu. Nếu cho rằng Chúa Giêsu chỉ khám phá ra là Giuđa không đáng tin cậy sau khi đã sống thân mật với ông một thời gian, thì tiếng ngay từ đầu mới có thể biện minh được. "Từ đó" Thành ngữ ektoutou, ngoài nghĩa thời gian, còn có thể có nghĩa nguyên nhân (như trong các chỉ cảo): Gioan muốn bảo rằng sự đào ngũ đông đảo mà ông đang đề cập có nguyên nhân trực tiếp là giáo thuyết mà Chúa Giêsu vừa đề ra. "Ngài có những lời đem đến sự sống đời đời" Nói cho đúng, phải dịch câu này như sau: "Ngài có nhiều lời ban sự sống đời đời" (TOB). Nhưng ở đây, như thường thấy trong Gioan, việc thiếu quán từ có lẽ là do ảnh hưởng của căn ngữ sêmita. Do đó, cách dịch của BJ có thể bào chữa được. KẾT LUẬN Các lập trường đã chọn lựa xong, các phe nhóm đã phân chia rõ ràng. Giuđa và người do thái có thể chuẩn bị vụ án Chúa Giêsu. Thật ra, chính Con người sắp xử án dân bị loại bỏ của Thiên Chúa, giữa niềm vui của ngày lễ Lều Trại và lễ Đền thờ là hai đại lễ của dân "được tập họp" của Thiên Chúa (Ga 7-10). Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG 1. Phần kết luận của diễn từ về bánh sự sống dẫn đưa chúng ta tới cao điểm của cơn khủng hoảng từ đó phát sinh cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu. Chúa đã hỏi một số lời bắt người ta phải chọn lựa: hoặc tin vào Người, hoặc từ chối không tin. 2. Sở dĩ một số môn đồ kêu ca khó chịu và từ chối tin, là vì họ có một cách thức hiểu lời Chúa Giêsu. Hoặc họ từ chối, hoặc đối với một vài kẻ, chưa đến giờ tin, tất cả là vì họ không hiểu lời Chúa Giêsu trong Thần khí. Họ chẳng chịu vượt qua sự hiểu biết vật chất và xác thịt về những lời của Người. Tại sao vậy? Vì tâm hồn họ không ở trong tình trạng đón tiếp. Tâm trí họ đóng kín trước điều mới mẻ. Họ giam mình trong thế giới vật chất mà họ coi là dễ chấp nhận hơn. Điều Chúa Giêsu nói không thể nào có được xét theo con người, thành thử họ loại bỏ. Điều bất hạnh cho họ nằm trong câu hỏi: Điều gì không thể được đối với Thiên Chúa? Ở đây, họ tỏ ra thiển cận, chỉ muốn phê phán điều có thể và không có thể; họ chẳng có ý định đi tìm quan điểm mà từ đó một số tâm hồn đơn sơ tự nhiên thấy được lối vào trong cái vô biên của thực tại, thực tại Thiên Chúa. Chúng ta đang đứng trước một trường hợp điển hình của sự tự mãn ngoan cố và hẹp hòi của trí tuệ con người chỉ muốn phủ nhận cái bên kia những chân trời của nó. Các sứ đồ dã có được phản xạ cứu thoát họ. Được ân sủng bên trong của Thần khí trợ giúp, họ đã vượt thắng được sự khó hiểu bằng cách trung thành với Chúa Giêsu chỉ Người là "Đấng Thánh của Thiên Chúa". 3. "Nhưng trong các ngươi, có những kẻ không tin". Hãy tự vấn xem câu này có liên can đến chúng ta, là những tín hữu của thế kỷ XX không? Việc đọc và nghe lời Chúa Giêsu làm chúng ta đặt lại vấn đề. Chúng ta có cho những lời ấy là quan trọng, có thực sự muốn lao công vì "lương thực sẽ lưu lại mãi đến sự sống đời đời" (6,27), có muốn tiếp nhận lương thực ấy bằng cách ăn uống Thịt Máu của con Người và thông hiệp vào cuộc khổ nạn của Người không? Nếu không, chúng ta hãy thành thật thú nhận: "Lời chi mà sống sượng thế ”. Ai nghe được (c 60) và hãy rút ra những hậu quả. Chúng ta đừng hy vọng đánh tráo: "Bởi chưng ngay từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin và ai là kẻ sẽ nộp Người. Và Người nói: Vì thế Ta đã bảo các ngươi: không ai có thể đến với Ta trừ phi là đã được Cha ban cho". Lúc chúng ta quyết định, thì Chúa Giêsu nhắc lại rằng rốt cuộc đức tin của chúng ta không thể căn cứ vào những nhận xét, những suy diễn hoặc những cảnh tượng chủ quan, những căn cứ vào mặc khải mà Thiên Chúa ban cho chúng ta về nhân cách đích thực của Chúa Giêsu và về tương quan giữa ta với Người. 4. Thánh Thể là bí tích và là chiến thắng của sự bé nhỏ Tin Mừng: trong Thánh Thể chúng ta là con và lại được trở thành con cái Thiên Chúa. Vì để tin rằng Thiên Chúa đến với chúng ta dưới hình bánh, thì phải có một tâm hồn của trẻ nhỏ, cởi mở đón nhận những điều diệu kỳ của Thiên Chúa. Hãy nhớ lại câu nói rất mạnh của thánh Tôma: "Chúng ta luôn luôn như là đứa bé trong lòng mẹ trên trần gian này". Chúng ta đang ở vào thời gian con nhộng. Trong thế giới bên kia, con bướm sẽ ra khỏi bóng tối của nó và sẽ triển nở trong ánh sáng chan hòa. |
|