Chúa Nhật XXI - Thường Niên - Năm B
THẦY CÓ NHỮNG LỜI BAN SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Khi mọi người đã bỏ đi, Đức Giêsu lại đặt một câu hỏi hết sức quyết liệt

Ở Capharnaum, diễn từ về bánh hằng sống kết thúc bằng sự khủng hoảng công khai. Sau “người Do thái" là những người đầu tiên bỏ đi, đến lượt “nhiều môn đệ" của Đức Giêsu xầm xì và đả kích Ngài giống như con cái Israel trong thời kỳ băng qua sa mạc (vào đất hứa). Họ nói: “Lời này chướng tai quá, ai mà tiếp tục nghe nổi?”.

Không làm dịu bớt bầu không khí căng thẳng, Đức Giêsu còn đặt ra cho những người nghe mình một câu khó trả lời. Sau khi đã loan báo cái chết của mình là nguồn mạch sự sống cho thế gian, bây giờ Ngài đề cập đến việc Ngài trở về với Cha. Ngài nói với họ: "Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Thế thì anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao?”.

Lần này thì quá lắm rồi! Tác giả Tin Mừng viết tiếp: “Từ lúc đó rất nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa”.

- Chính lúc đó, lúc mà hầu như mọi người bỏ rơi mình, Đức Giêsu quay sang “nhóm mười hai” (hạt nhân của một dân mới) là tên mà Tin Mừng thứ bốn gọi lần đầu tiên. Ngài nói với họ, thúc ép họ phải có một chọn lựa dứt khoát: hoặc bỏ đi hoặc ở lại và theo Ngài cho tới Lễ Vượt Qua của Ngài, như Ngài đã hỏi họ tại miền Cêsarê Philipphê (Mt 16,15; Mc 6,14-15; Lc 9,7-8): “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi sao? "

2. Và lời tuyên xưng đức tin của Simon Phêrô:

Simon-Phêrô nhân danh “nhóm mười hai" (ông xưng hô ở ngôi nhất số nhiều) tuyên bố sự gắn bó của các ông với Đức Giêsu: “Lạy Thầy, bỏ Thầy chúng con biết đi với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”

+ Thánh Phêrô bắt đầu: “Chúng con biết đi với ai?”. Tác giả Tin Mừng đặt trên môi Phêrô động từ “đi" là động từ đã được dùng trước đó để chỉ sự “rất nhiều môn đệ" bỏ rơi Thầy.

Rõ ràng, ngược lại với đám đông môn đệ đó, “nhóm mười hai” đã dấn thân theo Thầy.

+ Chính việc mạnh mẽ tuyên xưng đức tin đã làm tan biến mọi do dự; tuyên xưng đức tin không phải là gắn bó với những chân lý trừu tượng, nhưng với con người Đức Giêsu: “Thầy có…Thầy là”. X. Léon-Dufour chú giải: Lời tuyên xưng đức tin của “Phêrô vọng lại điều Đức Giêsu vừa mạc khải: Lời Ngài là “sự sống đời đời". Phêrô mặc nhiên hoàn toàn chấp nhận tất cả nội dung của diễn từ mà các môn đệ khác xét là không thể nhận được. Chắc chắn, theo tình hình câu chuyện được kể lại trong Tin Mừng, ông vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa trọn vẹn những lời Đức Giêsu, nhưng ông đã tin tưởng vào điều chính yếu nhất, đó là sứ điệp của Đức Giêsu đem đến sự sống đời đời. ("Lecture de Evangile selon Jean", tập 2, Seuil, tr. 1 88)

Và trong lời tuyên xưng đức tin, Phêrô đã dành cho Đức Giêsu một danh hiệu chưa từng có: “Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa", nghĩa là Đấng mang trong chính mình một cái gì thánh thiện của chính Thiên Chúa.

X Léon-dufour đặt câu hỏi: “Đấng Thánh của Thiên Chúa nói lên điều gì? Đây là một tên gọi hãn hữu, khó giải thích. Phêrô không dừng lại một tên nào mà Đức Giêsu đà sử dụng trong diễn từ để chỉ chính Ngài (Con, Bánh trường sinh, Đấng Thiên sai, Con Người); thậm chí ông cũng không dùng một danh hiệu truyền thống nào về sự mong đợi Đấng Cứu Thế trong đạo Do thái... Điều đặc biệt ở đây là Phêrô đã diễn tả Đức Giêsu là ai theo cách của riêng ông. Phải chăng ông lập lại danh hiệu này theo thánh vịnh 16, trong đó có nói đến danh hiệu “Đấng Thánh của Ngài", theo bản dịch Bảy mươi? (xem Tông đồ công vụ 2,27). Thánh vịnh này ca tụng tình thân mật sâu xa giữa Thiên Chúa và người cầu nguyện; phải chăng Phêrô cũng muốn nói đến tình thân mật sâu xa giữa Đức Giêsu với Thiên Chúa? Đức Giêsu đã công bố sự kết hợp giữa Ngài với Chúa Cha (5, 19-30), sau đó, Ngài còn loan báo mình đã được “Thiên Chúa thánh hiến" (10,6; 17,19). Danh hiệu “Đấng Thánh Của Thiên Chúa" cao vượt hơn danh hiệu "Thiên Sai” rất nhiều và thích hợp với danh hiệu “Con Thiên Chúa" mà Simon-Phêrô tuyên xưng trong Mátthêu 16, 16" (Sách đã dẫn, tr. 189)

- Trong cơn khủng hoảng Giáo hội hiện phải đương đầu, các Kitô hữu ngày nay cũng đang đứng trước câu hỏi cốt yếu xưa kia Đức Giêsu đã đặt ra cho các môn đệ Ngài: câu hỏi về căn tính con người của Ngài, về sứ vụ của Ngài và về sứ vụ của Giáo Hội. Dựa trên đức tin của Simon-Phêrô và nhóm Mười Hai, chúng ta có cương quyết chọn đi theo Đức Giêsu để trở nên nhân chứng cho Tin Mừng mà thế giới đang mong đợi không?

BÀI ĐỌC THÊM

1. Đức tin: một cuộc mạo hiểm

(H.Vulliez, "Thiên Chúa rất gần, năm B”, DDE3, tr.141-142)

“Cuộc khủng hoảng rất trầm trọng. Nó lan tới cả những người thân cận với Đức Giêsu. Đây là một khủng hoảng về niềm tin đưa đến mọi đổ vỡ. “Diễn từ bánh trường sinh”, một trong những đỉnh cao của sứ điệp, mang dáng dấp một thất bại thảm não. Đủ rồi! không hiểu biết, thất vọng, bối rối vọng lên từ những tiếng xầm xì... Trước đám người lạc hướng hoặc thù nghịch này, sao Đức Giêsu không bớt giọng một chút? Ngài có thể nắm họ trong tay nếu làm họ cảm động. Nhưng không thế! Không có một nhượng bộ nào! Không có một dễ dãi nào để người ta dễ tin vào chân lý hơn.

Đức Giêsu thậm chí đã sẵn sàng để nhìn cảnh các tông đồ bỏ đi Đối với Ngài, trung tín với Chúa Cha, với Lời, nguồn mạch của tất cả hiện hữu, là trên hết. Chính Ngài là Ngôi Lời trở thành xác thể; là Lời Thiên Chúa hiện thân trong xác phàm. Rõ ràng chính đó mới là điều không thể chấp nhận được.

“Còn anh em, anh em có muốn bỏ đi không?" Bỏ đi, không ở lại là một tình huống rất có thể xảy ra, ngay cả đối với những người bạn thân nhất. Ngài còn đưa ra câu hỏi lấp lửng như thế chất vấn thính giả của mình: “Thế thì khi anh em thấy Con người lên nơi ở trước kia thì sao?"

Nicôđêmô đã không còn chỗ bám víu để rồi cuối cùng hiểu được ông phải “sinh lại" cách nào. Ông đã tin. Chỉ có Đức tin mới soi sáng cho chúng ta hiểu xa hơn những gì từ ngữ nói lên, những gì chúng ta nghĩ rằng mình đã hiểu, những gì chúng ta tưởng tượng, kể cả những gì chúng ta tin rằng mình đã tin. Xa hơn? 'Người ta ngừng bước... hãy đi xa hơn. Người ta ngừng bước khi không còn lắng tai nghe... hãy vượt xa hơn. Người ta bám lấy những ý kiến riêng, kể cả những thành kiến riêng. Người ta từ chối không chịu nhúc nhích, không chịu để mình bị thúc ép.

Tin, chính là nhận ra ánh sáng le lói bên kia những từ ngữ, bên kia những nghi lễ. Tin cũng còn là ‘cảm’ Lời và được nuôi dưỡng bằng Lời.

2. Tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến và bước theo Ngài

(J. Guillet. trong "Đức Giêsu trong niềm tin của những môn đệ đầu tiên", Desclée de Brouwer. 1995, tr.82-84).

“Giữa sự tuyên xưng đức tin tại Capharnaum và tại Cêsarê có những điểm giống nhau lạ lùng, tuy nhiên giống về hoàn cảnh và nội dung hơn là ngôn từ (...) Đó là lúc khủng hoảng, là giây phút chọn lựa (...)

Chịu ảnh hưởng của Maccô nên ngay khi bắt đầu câu chuyện, các tác giả Tin Mừng nhất lãm đã cho thấy một câu hỏi nổi cộm về nhân vật Giêsu. Đứng trước uy thế phát xuất từ lời Người nói, sức mạnh từ các phép lạ Người làm, và nhất là lời Người khẳng định mình là Bánh Hằng Sống, mọi người thắc mắc hỏi nhau: Đức Giêsu là ai? Câu hỏi này có liên quan trực tiếp đến số phận của dân Do thái và số phận của chính Đức Giêsu, bởi vì sự chúc phúc mà Abraham lãnh nhận đã gắn liền số phận của Israel với số phận của tất cả mọi dân tộc. Đó là vấn đề phần rỗi của cả nhân loại. Trung tâm của vấn đề trọng đại và lớn rộng này là nhân vật Giêsu và sự đón tiếp Người. Đây cũng là vấn đề đức tin: dưới ánh sáng của Thiên Chúa, các tác giả Tin Mừng nhất lãm trình bày làm thế nào Phêrô là người đầu tiên đã biết trả lời cho Đức Giêsu và nhờ đó dẫn Giáo Hội vào con đường cứu rỗi.

Nơi Gioan. với cách trình bày khác, câu trả lời của Phêrô chứa đựng cùng một nội dung và phát xuất từ cùng một niềm tin: Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Thầy từ Thiên Chúa mà đến, Thầy thuộc về một thế giới mà loài thụ tạo không thể tiếp được thế giới của mọi ước vọng, thế giới của Thiên Chúa Cực Thánh. Tất cả mọi hình thức đức tin đều giống nhau về điểm này. Nhưng theo cách riêng của mình, Tin Mừng Gioan đã đem đến cho lời tuyên xưng đức tin này một tầm mức hết sức quan trọng. Lời tuyên xưng đó được đặt vào một bối cảnh hết sức rộng lớn. Bối cảnh đó là số phận dân Israel và lịch sử của họ. Suốt chương VI, rất nhiều chi tiết cho thấy những diễn tiến từ lúc Đức Giêsu sang bờ bên kia biển hồ Galilê (6, 1) cho đến lúc Phêrô tuyên xưng đức tin và Đức Giêsu khen ông đều diễn ra song hành với những biến cố lớn của sách Xuất hành diễn tả sự ra đời của dân tộc Israel.

Những điểm tương cận đó mang một ý định rõ rệt. Đàng sau những trùng hợp này, Gioan lưu ý đến mối liên hệ sâu xa giữa biến cố Xuất Hành, giải phóng dân riêng, vượt biển Đỏ, băng qua sa mạc, và kinh nghiệm mà Đức Giêsu muốn các môn đệ Người trải qua. Theo Môsê ngày xưa và theo Đức Giêsu hôm nay tự căn bản, tiến trình cũng là một. Giữa những đồng bào thù nghịch và trong một tương lai đen tối, vấn đề là nhận ra, nơi con Người mà bề ngoài như bất lực kia, sự hiện diện của Thiên Chúa và quyền năng Người, cũng như nhận ra sự đảm bảo một tương lai hạnh phúc. Vấn đề cũng là bước theo Người, và sống niềm tin như Abraham xưa kia và Đức Giêsu Kitô ngày nay.

3. Trở thành môn đệ và chứng nhân cho Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô.

(Thư Hội Đồng Giám Mục gởi cho người công giáo Nước Pháp, Cerf, tr. 19-21)

"Vào cuối thế kỷ XX này, người công giáo Pháp ý thức rằng mình đang phải đối đầu với một tình thế nghiêm trọng. Triệu chứng của tình thế này thì nhiều và đôi khi đáng ngại. Dĩ nhiên, không được quá thổi phồng cơn khủng hoảng hiện nay: báo cáo của Hội đồng Giám mục về "trình bày đức tin cho thế giới hôm nay" cho thấy ngay giữa những khó khăn, nhiều tín hữu đã đương đầu với thử thách đức tin. Họ là những người đã tìm thấy nơi Giáo hội những lý do để tin, để đối đầu với những khó khăn trong cuộc sống, và để dấn thân lãnh nhận trách nhiệm trong đời sống xã hội.

Nhưng không phải vì thế mà chúng ta bưng bít những dấu hiệu đáng lo, đó là số người đi lễ nhà thờ giảm sút, ký ức Kitô giáo phần nào mất đi, và sự phục hồi khó khăn. Ngày nay, trong xã hội chúng ta, chính chỗ đứng và tương lai của đức tin bị đặt thành vấn đề.

Chính trong bối cảnh xã hội này, từ Tin Mừng, chúng ta có thể chọn lựa những gì phù hợp để giúp thế giới phát triển, nhưng cũng không quên Tin Mừng có thể phản bác lại trật tự của thế giới và xã hội khi trật tự này trở nên vô nhân.

Tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng thời buổi hiện tại không bất lợi cho việc loan báo tin Mừng hơn những thời kỳ trước đây. Trái lại, tình thế nghiêm trọng hiện nay càng thúc đẩy chúng ta trở về nguồn của đức tin cũng như thúc đẩy chúng ta trở nên những môn đệ và chứng nhân cho Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô một cách cương quyết hơn và dứt khoát hơn".