Chúa Nhật XX - Thường Niên - Năm B |
THÁNH THỂ LÀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA NHẬP THỂ |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Liên tiếp những Chúa nhật vừa qua, các bài Tin mừng nói nhiều về Bánh hằng sống từ trời là chính Chúa Giêsu, và ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Sự sống đời đời, cũng chính là sự sống thần linh, là mục tiêu mà Chúa Giêsu mời gọi và nhắc nhở, thúc đẩy nhiều. Một mạc khải quan trọng mà những người do thái không thể chấp nhận vì họ không muốn tin vào Chúa Giêsu, ngay cả các môn đệ cũng không thể chấp nhận, và nhiều người trong nhóm các môn đệ đã bỏ người. Mọi chuyện đã diễn ra càng lúc càng xấu đi, và Chúa Giêsu cũng đành phải nhìn nhiều người đã bỏ người ra đi, ngay cả một số đông trong các môn đệ. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu thì luôn muốn thôi thúc vì nghĩ đến người mình yêu. Tình yêu thúc đẩy Thiên Chúa mời gọi, nhắc nhở thúc đẩy con người đón nhận sự sống đời đời để hợp nhất họ vào sự sống thần linh. Ngay từ sách Châm ngôn của Cựu ước, chúng ta đã nghe vang vọng những lời mời gọi của khôn ngoan thúc đẩy mọi người đến tham dự bàn tiệc để ăn bánh và uống rượu đã được dọn sẵn và học sống theo đường lối khôn ngoan để được sống. Cựu ước đã có những mạc khải về Khôn ngoan như một chủ vị thần linh mời gọi thôi thúc mọi người: “Khôn ngoan đã xây nhà và dựng bảy cột, đã sai các nữ tỳ của mình lên nơi cao để công bố: các ngươi hãy đến cùng ta, hãy ăn bánh và uống rượu ta đã pha sẵn”. Khôn ngoan mời gọi mọi người đến với mình, và tham dự vào bàn tiệc của Khôn ngoan để thưởng thức bánh và rượu và học sống theo đường lối khôn ngoan để được sống. Khi Chúa Giêsu thực hiện phép lạ hóa bánh, Phúc âm Gioan đã nhìn phép lạ này như là dấu chỉ Chúa Giêsu đã muốn biểu lộ chính người. Như khi hai người yêu nhau, người ta tập trung mọi tâm tình về người yêu của mình và làm những dấu chỉ cho nhau để thông đạt tình yêu và hạnh phúc và rất dễ dàng và tự nhiên, họ hiểu ý nghĩa của những dấu chỉ trao đổi cho nhau, đó luôn là lời nhắn của tình yêu trao đổi cho nhau để hiệp thông vào hạnh phúc và sự sống. Khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh, người cũng làm phép lạ này với tất cả tình yêu của mình và mong muốn những người do thái nhận ra ý nghĩa của dấu chỉ tình yêu và sự sống của phép lạ của mình. Phép lạ không chỉ dừng lại ở vật chất cụ thể, mà qua đó hướng đến một ý nghĩa lớn hơn. Đối với người do thái, Manna, bánh và nước trong sa mạc trên hành trình về đất hứa là những dấu chỉ nền tảng của cuộc Xuất hành mà họ không thể quên. Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều là dấu chỉ rõ rệt để nhắc nhở họ người là vị Môisen mới thực hiện một cuộc xuất hành mới và quyết định vì đây là lương thực từ trời ban tặng sự sống thần linh vĩnh cửu. Thế nhưng, những người do thái chỉ dừng lại ở việc ăn bánh no, họ không thấy được ý nghĩa Bánh ban sự sống đời đời mà Chúa Giêsu muốn hướng đến. Họ không ở trong vận hành của tình yêu của Thiên Chúa, nên không rung cảm được những gì mà Chúa Giêsu muốn trao ban cho họ, ngay cả các môn đệ cũng bị vấp phạm vì mạc khải Bánh hằng sống của Chúa Giêsu. Trong bài Tin mừng, khi Chúa Giêsu mạc khải người là bánh từ trời xuống và ai ăn bánh này sẽ có sự sống đời đời, người còn nhấn mạnh, bánh chính là thịt của người để cho thế gian được sống. Nhưng những người do thái đã xì xầm với nhau làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được. Và Chúa Giêsu càng khẳng định rõ hơn nữa về thịt và máu người là lương thực trao tặng sự sống cho mọi người: “Thật, ta bảo thật các ngươi, nếu các ngươi không ăn thịt con người và không uống máu con người, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. Vì thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống”. Để theo Đức Giêsu, cần phải ở trong tình yêu của người để có thể nhận ra ý nghĩa của sự trao tặng này, và cũng cần bỏ đi những quan niệm cũ của mình để dấn thân vào một đời sống mới, một sự sống mới và một tin tưởng mới. Những người do thái không thể chấp nhận được Chúa Giêsu từ trời mà đến, họ không thể chấp nhận mầu nhiệm Thiên Chúa nhập thể làm người cũng như không thể chấp nhận mầu nhiệm Chúa Phục sinh. Họ vốn có một quan niệm Thiên Chúa toàn năng cao cả, nhưng lại khó chấp nhận Thiên Chúa tự hạ để nhập thể làm người như Chúa Giêsu. Vì không có được quan niệm Thiên Chúa nhập thể nên họ không thể chấp nhận việc ăn và uống máu của Chúa Giêsu nên không thể hiểu rằng đây là phương thế để đón nhận đời sống thần linh. Con người của Đức Giêsu là mầu nhiệm, người khẳng định mình là Bánh trường sinh bởi trời, và người có sự sống thần linh của Chúa Cha. Người là con một của Cha giờ đây nhập thể và mang lấy thân xác nhân loại, nên khi ai ăn thịt và uống máu này thì được tham dự vào đời sống thần linh của Chúa Cha. Mầu nhiệm sự sống thần linh của Thiên Chúa, được ban tặng cho con người nhờ Chúa Giêsu, người con Thiên Chúa nhập thể làm người là trọng tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu, và mỗi người luôn phải đối diện với mầu nhiệm này, mầu nhiệm của sự sống và sự chết. Mầu nhiệm chết và phục sinh cũng là mầu nhiệm Thánh Thể, được công bố trên hiến tế của bàn thờ, hiện tại hóa hiến tế đổ máu của thập giá xưa và được chia sẻ cho mọi người để được hiệp thông vào hiến tế cứu độ cũng là hiến lễ mà mọi người được mời gọi kết hợp bằng chính đời sống của mình với những hy sinh trong công việc hằng ngày. Vì thế lời mời gọi của Chúa Giêsu đón nhận thịt máu của người cũng là lời mời gọi tha thiết và thúc bách mọi người kết hợp với chính mầu nhiệm chết và sống lại của người. Thánh thể chính là hiến tế đổ máu của thập giá. Mỗi khi chúng ta đón nhận quà tặng thần linh này, chúng ta càng được kết hợp mật thiết vào hiến tế cũng là thân mình của người nhiều, nhờ đó chúng ta được biến đổi càng lúc càng hoàn hảo hơn. Thánh Phaolô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô, đã đưa ra những lời dạy thúc đẩy các tín hữu càng lúc càng phải lo sống hoàn thiện hơn. Các tín hữu là những người phải biết sống khôn ngoan và thận trong, họ không thể sống thiếu hiểu biết và dại dột như những người khác. Điều quan trọng hơn hết, là họ phải lo sống theo thánh ý Thiên Chúa chứ không được sống bê bối hay bất cẩn. Vì biết sống theo thánh ý Chúa, họ phải cẩn thận xa tránh rượu chè say sưa, vì say sưa rượu chè sẽ làm người ta mê tham dâm dục. Trái lại, người tín hữu khôn ngoan thận trọng sẽ sống theo Thánh Thần của Thiên Chúa, và họ sẽ thực hành cụ thể đời sống này bằng cách chuyên cần cầu nguyện, hát thánh ca và thánh vịnh với những bài ca đạo đức để ca tụng Thiên Chúa, và đời sống của họ không ngừng cảm tạ và chúc tụng Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô. Thánh Thể cũng chính là hiến tế cứu độ, người tín hữu được mời gọi đón nhận Thánh thể là thông hiệp vào hiến tế của Chúa Giêsu qua những hy sinh trong đời sống hằng ngày. Họ được biến đổi lần hồi để thực sự tham dự vào chính Thân mình của Chúa Giêsu. |
|