Chúa Nhật XVIII - Thường Niên - Năm B |
KHÔNG HƯ NÁT |
SƯU TẦM |
Một hôm, Napoleon, vị hoàng đế có đôi mắt rất sáng, nói chuyện với một người bạn của ông, người này thì lại có đôi mắt rất kém. Hai người nói chuyện với nhau về sự đời, bên cạnh một cửa sổ. Bất chợt, Napoleon chỉ tay lên trời, một bầu trời đầy sao, đang phát ra những ánh sáng lập lòe, và hỏi người bạn: “Anh có thấy những ngôi sao ở trên trời kia không?”. Người bạn trả lời: “Không, mắt tôi kém lắm rồi, tôi không thấy gì cả”. Napoleon nói: “Đó là sự khác biệt giữa anh và tôi”. Rồi Napoleon nói tiếp: “Những người nhìn bầu trời đen mà không thấy gì thì mới chỉ sống được nửa cuộc đời mà thôi. Muốn sống trọn cả cuộc đời, thì phải thấy được những ngôi sao giữa bầu trời đen”. Lời nhận xét trên đây của Napoleon là một lời gián tiếp chê bai người bạn của ông có đôi mắt kém. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra một lời chê bai những người đã tìm đến với Ngài. Ngài nói: “Các ông tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê”. Khi quả quyết điều trên đây, Chúa Giêsu phân biệt hai lý do khiến người ta tìm đến với Ngài, đó là để thấy dấu lạ và được ăn bánh no nê. Bình thường chúng ta hiểu hai lý do đó là một, bởi vì làm sao có đủ bánh để cho hàng ngàn người ăn ở nơi vắng vẻ nếu không phải là một phép lạ. Nhưng Chúa Giêsu là Thiên Chúa, nên Ngài thấy rõ tâm tư của những người tìm đến với Ngài, ở đây chỉ là vì muốn được ăn bánh no nê như đã được ăn hôm trước. Chắc có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ cho rằng: những người tìm đến với Chúa để được ăn bánh nữa là những người thực tế. Điều đó đúng, vấn đề cơm ăn áo mặc, vấn đề nhà ở để che nắng che mưa, đó là những vấn đề ưu tiên của con người, những vấn đề thiết thân cho cuộc sống, ở đời này ai mà không quan tâm đến những vấn đề ấy. Nhưng ở đây, khi chê bai những người tìm đến với Ngài, Chúa Giêsu muốn nói với họ rằng: ngoài sự đói khát vật chất và thể lý còn có sự đói khát thuộc tinh thần và tâm linh nữa. Vấn đề này cũng cần phải được giải quyết. Và Chúa đã đưa ra cho họ một lời khuyên: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực trường tồn đem lại phúc trường sinh”. Vì thế, nếu về phương diện vật chất và thể lý, để thỏa mãn những nhu cầu, cần phải làm việc vất vả, thì về phương diện tinh thần và tâm linh, con người cũng phải ra công làm việc. Đúng thế, sống ở đời, chúng ta phải làm việc, và làm việc với lý do gì hay vì lý do gì chăng nữa, thì trên hết vẫn phải là lý do vì lương thực không hư nát, vì chỉ có lương thực ấy mới còn lại trong cõi vĩnh hằng, cõi hằng sống. Đó là những việc lành, việc tốt, việc bác ái yêu thương, việc thông cảm tha thứ… Chỉ có những việc ấy mới theo chúng ta về thế giới bên kia mà thôi. Như vậy, công việc làm ăn không phải là không quan trọng. Nhưng nếu ai chỉ miệt mài làm việc mà bỏ quên Nước Trời, quên hạnh phúc đích thực đời sau của mình, thì Chúa bảo: họ sẽ mất tất cả. Tại Pháp, có một thương gia rất giàu, phương châm của đời ông là làm tiền, ăn nhậu và chơi bời. Nhưng chẳng bao lâu ông bị bệnh trầm trọng: thần kinh chỉ huy thanh quản bị tê liệt, làm ông bị câm. Trên giường bệnh, ông luôn thở dài chán nản. Cuối cùng, trước khi chết, ông bảo gia nhân đem bút giấy cho ông. Cầm bút, ông ghi một hàng chữ và truyền khắc nó trên bia mộ của ông: “Đây là người dại dột, đã sống mà không biết sống. Hỡi những người đang sống, chớ gì sự vô phúc của kẻ khác mở mắt các ông”.” Vua Ngô ba mươi sáu tấn vàng. Thác xuống âm phủ chẳng mang được gì”. Thánh Gióp nói: “Từ lòng mẹ tôi sinh ra trần truồng và lại trần truồng để trở về đấy”. Thánh Phaolô cũng nói: “Vào thế gian ta chẳng mang gì, thì cũng không thể mang gì khi phải ra đi”. Và lời Chúa Giêsu: “Tất cả mọi sự sẽ qua đi, chỉ có việc lành mới tồn tại”. Chúng ta đang sống, chúng ta đừng quên mối tương quan giữa cuộc sống đời này và cuộc sống đời sau. Hơn ai hết, người Kitô hữu phải luôn nhớ mối tương quan ấy. Chúng ta cần lợi dụng từng giây phút, cần hoàn tất từng công việc, dù nhỏ mọn hay to lớn, để làm giàu cho cuộc sống, để làm cho đời mình có được giá trị vĩnh cửu. Chỉ sống như thế chúng ta mới có thể đón nhận được lời diễm phúc này: “Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, hãy vào chung hưởng niềm hoan lạc với chủ ngươi”. |
|