Chúa Nhật XVI - Thường Niên - Năm B |
CHÚA GIÊSU ĐỘNG LÒNG XÓT THƯƠNG |
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux |
Chính vì muốn tường trình cho Thầy mình công việc rao giảng nên các môn đệ đã trở về gặp lại Chúa Giêsu (c.30). Đã đến giờ các thừa sai làm bảng tổng kết đầu tiên. Đây là lần duy nhất trong sách Tin Mừng, Maccô gán cho nhóm Mười Hai biệt danh “Tông đồ”, nghĩa là “những kẻ được sai đi”. Chúa Giêsu moơì các bạn hữu Ngài tìm chỗ yên tĩnh xa lánh mọi người để nghĩ ngơi cho lại sức (c.31a). Đám cứ quấy nhiễu không cho họ có thời giờ phục hồi sinh lực (c.31b). Như thế chủ đề về thực phẩm mà Maccô dự tính trình bày đã được loan báo. Có sự tương phản sống động giữa một ý định chạy trốn đám đông (sang bên kia hồ) và một bên là làn sóng người tìm cách cuốc bộ tới địa điểm trước để đón các Ngài (2,32-33). Vì thế, vừa đặt chân lên đất, Chúa Giêsu đã lại thấy một đám đông vô kể (c.34). Chúa Giêsu không thể và cũng không muốn trốn họ nữa. Ngược lại, Maccô nhấn mạnh đến sự lo lắng đặc biệt Chúa dành cho đám đông này. Trong tiếng Hy Lạp, thành ngữ “động lòng xót thương” có ý nghĩa rất mạnh. Bản văn nói lên rõ ràng: “Lòng dạ Ngài xúc động” giống như lòng dạ Thiên Chúa đối với dân Người (Hs 11,8). Lòng xót thương của Chúa Giêsu có thể sánh ví với lòng xót thương của người mục tử đối với bầy chiên bơ vơ lạc lõng. Ở đây phảng phất chủ đề căn bản của Cựu Ước, Israel được trình bày như một đàn cứu được Thiên Chúa và các mục tử Ngài gửi đến dẫn dắt. Tuy nhiên không phải tất cả các mục tử này là những người gương mẫu giống như Môsê hoặc Đavit (x.Ed 34,1-31). Dân Chúa từng gặp phải và vẫn còn gặp phải những người lãnh đạo rất bất xứng với sứ mệnh của họ. Vì thế Thiên Chúa đã hứa sẽ ban cho Israel một vị mục tử nhân lành là chính Đấng Mêsia được toàn dân mong đợi. Trong chương này, Chúa Giêsu xuất hiện như vị Mục Tử thần linh cực kỳ lo lắng cho dân Ngài. Và Maccô nhấn mạnh việc Chúa bắt đầu bằng hành động “giáo hóa” dân chúng một cách kỹ lưỡng. Có tới hai lần, tác giả ghi nhận tầm quan trọng của lời Chúa Giêsu giảng dạy (1,22; 4,1-2) dù không hề xác định rõ nội dung của lời giảng dạy đó. Ở đây cũng thế. Tuy nhiên, sự kiện này vẫn mang đầy ý nghĩa. Trước khi cho dân chúng bánh ăn thì lời giảng của Chúa Giêsu đã làm cho họ “no thỏa”. Trình thuật hóa bánh sắp diễn ra không được phép tách lìa khỏi trình thuật giảng dạy trước đó. Bởi vì chính Chúa Giêsu đã “dùng Lời” để cố quy tụ đám đông thành một dân mới của Thiên Chúa. Từ xưa Giáo Hội đã ghi nhận điều này. Trong nghi thức Thánh Thể, Giáo Hội luôn luôn nối kết “hai bàn tiệc” với nhau: trước hết là bàn tiệc Lời Chúa, rồi sau đó là bàn tiệc Bánh Thánh. |