Chúa Nhật XVI - Thường Niên - Năm B
ĐỨC GIÊSU, VỊ MỤC TỬ THIÊN SAI
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI

1. Từ đám đông như bày chăn không người chăn dắt

Sự thể bắt đầu gần giống như một trò chơi ú tim. Khác một điều là ở đây người chơi không có cách để ẩn mình! Thầy trò Đức Giêsu muốn trốn khỏi đám đông, thì rốt cuộc lại phải chăm lo cho đám đông. Trình thuật nhìn bề ngoài có vẻ như một cảnh "chụp vội”, nhưng xét kỹ mới thấy là rất công phu. Trình thuật cốt ý làm một nhịp cầu nối hai sự kiện lại với nhau là công việc truyền giáo vừa hoàn thành của Nhóm Mười Hai và việc hóa bánh sắp diễn ra bằng cách đặt Đức Giêsu trước mặt đám đông mà Người không thể tránh khỏi được. Đúng là có một vài chi tiết không thích hợp, theo như nhận xét của M.E. Boismard: "Việc mô tả đám đông tụ tập lại thật là kỳ lạ, và người ta có cảm tưởng là Máccô phối hợp hai tư liệu khác nhau. Theo tư liệu thứ nhất, có một đám đông đã ở bên cạnh các ngài trước khi các ngài lên đường ra đi (c 31). Họ thấy thầy trò Đức Giêsu bỏ đi (c.33a) nên họ đi bộ (c 33c) đến nơi trước các ngài (c.33e). Còn theo tư liệu thứ hai, thì có nhiều người ở quanh vùng khi nghe tin Chúa đến (c.33b) họ liền từ khắp các thành thị chung quanh đó tuôn đến nơi các ngài đang có mặt (c.33d): ("Jésus, un homme de Nazareth", Cerf, 1996, trang 89).

Ở đây, Nhóm Mười Hai lần đầu tiên được gọi là "các Tông đồ” (nghĩa là "những người-được-sai-đi") đã đi truyền giáo về. Đây là giờ các ông báo cáo về công việc truyền giáo ấy: "Các ông kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy”. Đầy vẻ ân cần chăm lo cho các cộng sự viên của mình, Đức Giêsu bảo các ông tìm nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi và trốn khỏi những chuyện rầy rà vốn làm cho các ông ‘cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa’. Người bảo các ông: "Anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút".

Nơi đây hoàn toàn hoang vắng! Vậy mà người ta ‘đã theo đường bộ chạy đến nơi’ trước cả các ngài ở phía bờ bên kia Biển Hồ. Khi các vị vừa ra khỏi thuyền thì đã thấy đám đông trước mặt mình.

2. Đến dân tộc được Chúa quy tụ

Thánh sử ghi: "Ngài chạnh lòng thương họ”. Dịch là chạnh lòng thực ra không lột được hết ý nghĩa rất mạnh của kiểu nói trong Kinh Thánh: "ruột gan bồn chồn”. Giống như trường hợp Thiên Chúa tỏ ra với dân Người, trong sách ngôn sứ Ôxê (11,8); như ông chủ trong dụ ngôn tha món nợ khổng lồ cho người đầy tớ van xin ông (Mt 18,27); như người Cha thấy đứa con trai đã mất nay trở về (Lc 1 5,20); như người Samaria trước cảnh người đàn ông bị cướp đánh nhừ tử nằm lây lất bên đường (Lc 10,33); như Đức Giêsu trước cảnh hai người mù lòa van xin khi Người vừa ra khỏi Giêricô (Mt 20,34); hoặc như lần khác, trước những giọt nước mắt đầm đìa của bà quả phụ Naim trên đường đi chôn đứa con duy nhất của bà (Lc 7,13). Từng ấy nơi lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với con người được cử hành, được biểu lộ ra nơi con người Đức Giêsu Kitô.

Như vậy là trong trích đoạn Tin Mừng Chúa nhật 16 này, qua thái độ Đức Giêsu "chạnh lòng" thương đám dân chúng. Đáp lại nỗi khốn khổ của họ, chính là lòng thương xót của Chúa được mặc khải, tình thương yêu của Người được biểu lộ ra; chính là lời Thiên Chúa hứa được thực hiện, như phần tiếp theo của trình thuật sẽ cho thấy.

"Vì họ như bầy chiên không người chăn dắt”. Biểu tượng của đoàn chiên và người Mục tử là những chủ đề quen thuộc trong Cựu ước. Cựu ước thường dùng những hình ảnh ấy để gợi nghĩ đến tình cảnh đáng thương của dân Chúa bị bỏ rơi, vất vưởng, không người chăn dắt như Êgiêkien 34 hoặc Giêrêmia được trích đọc trong bài đọc 1 hôm nay. Cựu ước cũng dùng biểu tượng ấy để tán tụng sáng kiến của Chúa và Người lãnh đạo đoàn chiên của Người, như còn thấy trong Giêrêmia 23, hoặc Thánh vịnh 22 được dùng làm đáp ca của Chúa nhật này và là Thánh vịnh tạo hậu cảnh cho trình thuật của Máccô. Những lời Tin Mừng hay dùng, đặc biệt gợi nhớ lại lời Môsê cầu nguyện cùng Chúa trước khi chết; ông xin Chúa ban cho dân Người một vị lãnh đạo "để cộng đoàn dân Chúa không rơi vào tình trạng bầy chiên không người chăn dắt” (Ds 27, 17) .

Vậy giờ đây, Maccô mời gọi chúng ta cùng ngài hướng nhìn về Đức Giêsu như vị Mục Tử Thiên Sai mà các ngôn sứ đã loan báo; như Môsê mới của một Xuất hành mới; như Đấng Chúa sai đến để quy tụ một dân mới và dưỡng nuôi họ bằng Lời và Lương thực của Người.

- Maccô kết luận: "Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều”. Việc đầu tiên Người đáp ứng những nhu cầu của dân chúng là dạy dỗ, dùng lời có khả năng quy tụ, tập họp, sau đó là săn sóc và cung cấp lương thực cho dân.

J.Hervieux nhận xét: thánh sử đã hai lần ghi nhận tầm quan trọng của lời Thầy dạy dỗ (1,22; 4,1-2) không lần nào Maccô ghi rõ ràng nội dung lời dạy dỗ. Cả ở đây cũng vậy. Nhưng sự việc diễn ra lại mang nhiều ý nghĩa. Trước khi phân phát lương thực thì tiên vàn Đức Giêsu đã dùng lời mà quy tụ người ta lại. Trình thuật về hóa bánh xảy ra sau đó không được tách biệt với việc xảy ra lúc trước. Chính nhờ "Lời" mà Đức Giêsu quy tụ được đám đông thành một dân mới của Thiên Chúa. Hội Thánh lúc ban đầu đã ghi nhớ rõ ràng và cẩn thận duy trì việc này. Trong cử hành nghi lễ bẻ bánh, Hội Thánh luôn đặt ‘hai bàn’ nối tiếp nhau: đầu tiên là bàn để Lời, rồi mời đến bàn để bánh. ("L'evangile de Marc", Centurion, trang 95).

BÀI ĐỌC THÊM

1. “Từ đám đông không người chăn dắt, Đức Giêsu khai sinh một dân tộc”.

Kìa họ đang trở về, những con người mà Đức Giêsu đã sai đi trên mọi nẻo đường. Không mang theo lương thực, tiền bạc, bao bị. Họ chỉ được mang theo một cái áo và cây gậy đi đường. Các ông ra đi nhẹ nhàng như gió Thánh Linh. Nhưng các ông có quyền trừ quỷ, chữa người đau ốm khỏi bệnh. Các ông kêu gọi người ta ăn năn sám hối, dứt khoát trở lại với Đấng hoán cải lòng người và có thể biến đổi toàn bộ xã hội.

Kìa họ đang trở về, những con người tay mang gậy. Các ông phải trở về báo cáo về chuyến đi của mình. Các ông quây quần bên Đức Giêsu "và kể lại cho người biết mọi việc các ông đã làm và mọi điều các ông đã dạy”. Các ông đã không chỉ nói suông mà còn hành động, như Đức Giêsu đã làm gương. Tin Mừng không chỉ ở trong những lời nói suông mà là bằng những việc làm: một cuộc sống chứng từ.

Chúa nói với các ông: chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút: Nhóm nhỏ đó cần tìm lại được những giây phút thân tình với Chúa, và được Người bồi dưỡng cho tâm hồn. Tiên vàn Chúa đã chọn các ông để các ông "ở với Người" (Mc 3,14) rồi mới sai các ông đi rao giảng. Ngày mai đây các ông sẽ lại phải ra đi, có mang gậy hay không nhưng hiện giờ thì còn cần phải được thưởng thức thêm hương vị của tình nghĩa rạng ngời, phải nói cho Người biết rằng hạt giống gieo đã mọc lên, phải nhận định cho rõ ràng hơn cái gì đã làm và cái gì còn phải làm. Phải ra đi, rồi phải biết lui về nơi yên tĩnh hoặc trong thanh vắng của tâm hồn, thiết tưởng luôn luôn là vấn đề sinh tử.

Đức Giêsu đã kéo các môn đệ của Người ra khỏi vòng xoáy của cơn lốc đám đông. Những kẻ lui người tới những cuộc chuyện trò, những lúc gặp gỡ không để cho các ông có thời giờ ăn uống nữa. Đức Giêsu vẫn là trọng tâm của phong trào quần chúng này. Người cố gắng "đồng hội, đồng thuyền"với các tông đồ. Khi thuyền các ngài cập nơi được kể là hoang vắng, "Đức Giêsu thấy một đám người rất đông”. Người đã theo đúng chữ - "bồn chồn ruột gan”, như Người cũng đã cảm thấy khi đứng trước những người ốm đau hay tật nguyền. Bởi lẽ họ "như bầy chiên không người chăn dắt”, nghĩa là một quần chúng lạc đường đang trông mong một vị Thiên Sai nào đó. Cả một quần chúng bệnh hoạn.

Trong đám quần chúng này, Đức Giêsu sẽ khai sinh ra một dân tộc Người bắt đầu "dạy dỗ" họ, bởi lẽ "người ta sống không chỉ nhờ cơrn bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra" (Dnl 8,3). Sau đó, Người sẽ hóa bánh ra nhiều và manna mới để làm giao ước mới cho một dân tộc đang trên đường xuất hành. Cả một tương lai bao la được cô đọng trong cảnh quá mạnh này.

2. "Thách thức lớn lao nhất cho việc chỉnh đốn mục vụ hiện hành"

Thiết tưởng Hội Thánh sẽ đi lầm đường nếu vì nghĩ đến tương lai mình, mà chỉ lo lắng trước tiên cho sự sống còn của mình. Thiết tưởng Hội Thánh sẽ không tìm, được đường đi cho mình khi chỉ con đường trong sự thu mình vào nội bộ và cậy dựa vào việc củng cố hàng ngũ của mình.

Thách đố lớn lao nhất cho việc chỉnh đốn mục vụ hiện hành, tất nhiên không phải là thách đố về số người điều hành, hay là về nguồn tài chánh, cho dù những vấn đề này có tầm quan trọng thế nào đi nữa. Đúng hơn chính là thách đố về nhiệt tình truyền giáo và sống tình huynh đệ, yêu thương đối với thế giới chung quanh ta.

Người ta cũng có thể nói được là Hội Thánh đánh mất đi lẽ sống của mình và tự tan rã, nếu chỉ quan tâm đến chính mình hơn là lo cho những con người nam nữ mà Hội Thánh được sai đến. Trái lại Hội Thánh được biến đổi, tìm được nhuệ khí mới, khi nỗ lực đối chiếu sứ điệp Tin Mừng với nếp sống duy thực của những con người thời nay, và với những thách đố của lịch sử. Cần nhắc lại rằng truyền giáo không nhằm bành trướng Hội Thánh mà nhắm mở rộng Nước Trời.

Mọi lựa chọn liên quan tới tương lai của Hội Thánh đều phải quy hướng trước nhất về mục tiêu truyền giáo. Điều này sẽ không bao giờ nói đủ. Được Chúa triệu vời, cộng đoàn Kitô hữu quy tự để cầu nguyện, đón nhận Lời Chúa, liên hệ Lời Chúa với những khát mong của con người thời nay. Bởi lẽ việc quy tụ luôn được bố trí để hướng tới sự ra đi, gần gũi, chia sẻ. Đáp lại tiếng Chúa kêu mời tụ họp, tốt rồi, nhưng còn để hòa mình hơn vào cuộc sống thường ngày của mọi người, hầu làm chứng Tin Mừng Phúc Âm cho họ.

Công đồng Vatican II mở đầu Hiến chế Mục vụ "Gaudium et Spes" bằng những lời thấm thía sau đây: "Vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của con người ngày nay... cũng là vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng của các môn đệ Đức Kitô”.

Khi phác họa bản đồ mục vụ của địa phận, thiết tưởng phải tự hỏi xem làm thế nào để hiện thực hóa những lời kêu gọi này của Công đồng Vaticanô II trên một quy mô thật rộng rãi.