Chúa Nhật XIII - Thường Niên - Năm B
CHỮA LÀNH
SƯU TẦM

Để thực hiện thành công một điều gì, chúng ta phải đặt vào đó một phần của chúng ta hoặc là đời sống hoặc là tâm hồn đến nỗi sau đó, chúng ta cảm thấy kiệt quệ. Điều này đặc biệt đúng đối với việc chữa trị.

Chữa trị có thể làm cho người chữa bệnh kiệt sức và đau đớn. Hành động chữa trị tự nó thường là một dịp để đau khổ. Chúng ta không thể cất đi sự đau đớn của một người mà không đi vào nỗi đau ấy một cách nào đó và ở một mức độ nào đó, dù chỉ là nỗ lực để hiểu người bệnh và làm cho người bệnh cởi mở với mình. Một cách nào đó, người chữa bệnh phải chịu đau khổ.

Một đôi khi, điều khiến người ta trở thành người chữa bệnh là một kinh nghiệm chính mình đã bị đau và đã được chữa lành. Người chữa bệnh cần ý thức về sự dễ bị tổn thương của mình. Chính họ dễ bị tổn thương và đó là một phần lý do khiến họ chữa bệnh. Đức Giêsu hoàn toàn dễ cảm thương cho người khác. Người nhận đau khổ của người khác cho mình: Người chịu đau khổ với mỗi người.

Dù khi ở giữa đám đông, nếu có người nào chạm vào Người và được chữa lành, Người biết ngay. Tại sao lại như thế? Bởi vì mỗi sự chữa lành đều lấy đi của Người một điều gì đó. Trong ngôn ngữ của Tin Mừng: “năng lực từ Người thoát ra. Và Người cảm thấy năng lực ấy thoát ra”. Chính năng lực ấy và đức tin của người bệnh tạo ra sự chữa lành.

Thỉnh thoảng Đức Giêsu chữa lành một người và để người ấy lấy đi bớt năng lực của Người. Sự cao cả của Người là Người sẵn sàng trả giá cho việc chữa lành những người khác. Chúng ta theo bước chân của Người khi chúng ta hiến dâng chính mình để giúp đỡ những người khác.

Mỗi người chúng ta có thể làm công việc chữa lành nào đó nếu chúng ta cho phép mình trở nên công cụ của Người. Chúng ta có thể không có khả năng chữa trị, nhưng có khả năng chăm sóc. Và chăm sóc cũng thuộc phần việc chữa trị. Chúng ta băng bó vết thương, nhưng chính Thiên Chúa làm vết thương lành.

Tuy nhiên, mỗi hành động chăm sóc cũng đòi chúng ta phải trả giá. Năng lực thoát ra khỏi chúng ta. Nhưng chúng ta chớ để mình kiệt sức. Nếu chúng ta luôn tiếp xúc với Chúa năng lực trong chúng ta được phục hồi liên tục.

Có những người luôn giữ được niềm tự tin và tính lạc quan. Tính cách này trở thành một thứ thuốc bổ cho người bệnh. Năng lực thoát ra từ họ và đi vào những người khác. Họ sung sướng khi giúp đỡ những người khác, và giúp đỡ những người khác là chữa lành.

Ở một mức độ nào đó, chúng ta đều bệnh tật. Nhưng chúng ta có xu hướng che giấu bệnh tật và thương tích của chúng ta. Người phụ nữ đến với Đức Giêsu mang bệnh nặng và trong trường hợp của bà, bệnh tật quá rõ ràng. Nhưng người ta có thể bị bệnh tật mà không xuất hiện ra bên ngoài. Họ mang những thương tật vô hình – cảm giác mình bị bỏ rơi, thất bại, không có phẩm giá, cô đơn, cay đắng, hờn giận… Vì thế, tất cả chúng ta cần được chữa lành.

Và tất cả chúng ta có thể là những người chữa trị. Đời sống chúng ta luôn luôn xúc phạm đến đời sống của những người khác. Với một chút thiện cảm, chúng ta có thể chữa lành những tâm hồn mang thương tích. Với một chút chăm sóc, chúng ta có thể làm cho một tâm trí, bối rối được nhẹ nhõm. Với một chút thời gian, chúng ta có thể làm vơi nhẹ nỗi đau của một người cô độc. Thỉnh thoảng mỗi người chúng ta nên dừng lại và tự hỏi: “Điều gì thoát ra từ tôi qua công việc, hành vi, và những mối quan hệ – điều gây tổn thương hay điều giúp chữa lành?”.

Chữa lành không chỉ là nhiệm vụ dành cho cá nhân. Nếu chúng ta có thể tạo ra những cộng đoàn ở đó mọi người có thể qui tụ, cùng làm việc và nâng đỡ nhau, lúc đó sự chữa lành trở thành một phần của đời sống hàng ngày.