Chúa Nhật XIII - Thường Niên - Năm B |
ĐỪNG SỢ, HÃY VỮNG TIN |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Để đón nhận Nước Thiên Chúa và quyền năng chữa lành của Chúa Giêsu, người rao giảng và ban tặng Nước Thiên Chúa, chúng ta cần có thái độ nào ? Chúa nhật tuần này, chúng ta được mời gọi nhận thức quyền năng của Chúa Giêsu, Đấng thực thi nuớc Thiên Chúa qua việc người chữa lành cho con gái ông Giairô trưởng hội đường và người đàn bà bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm. Cả hai người này, dù hoàn cảnh có khác nhau, đều biểu lộ một đức tin mạnh mẽ phi thường. Ông trưởng hội đường có đức tin mạnh mẽ xứng đáng vì đã can đảm đến với Chúa Giêsu để cầu xin cho con gái của ông đang lâm bệnh nặng gần chết, còn người đàn bà thì bị bệnh loạn huyết đã mười hai năm đã tin tưởng chạm vào áo của Chúa Giêsu. Thái độ đầy tin tưởng của ông Giairô diễn tả một đức tin mạnh mẽ, ông thẳng thắn đến trước Chúa Giêsu và phục lạy trình bày rõ tình trạng nguy kịch của con gái ông. Câu chuyện bị gián đoạn bởi người đàn bà bị bệnh loạn huyết tìm cách tiếp xúc với Chúa Giêsu một cách kín đáo. Bà không đến trực tiếp xin Chúa Giêsu nhưng tin rằng mình chỉ cần chạm vào áo người, thì sẽ được khỏi bệnh. Và quả nhiên, bà đã được khỏi bệnh ngay lập tức. Phúc âm nhấn mạnh đến thái độ của Chúa Giêsu đối với bà. Người không để bà này được chữa lành cách vô danh, không ai biết, nhưng quay lại hỏi các môn đệ : ai đã chạm đến áo Ta. Bấy giờ, người đàn bà được chữa lành run sợ tiến đến và thú nhận mình đã chạm đến áo người và đã được chữa lành. Chúa Giêsu đã nói với bà lời an ủi khích lệ : « đức tin của con đã chữa con, hãy đi bằng an”. Lời nói an ủi của Chúa Giêsu khích lệ bà. Bà đã được chữa lành vì đã có lòng tin mạnh mẽ và bà hãy tiến bước trong đức tin này. Bà không còn là người vô danh hay bị loại trừ, nhưng ngược lại bà được nhắc nhớ đến như gương mẫu của một người có lòng tin và vì thế xứng đáng được chữa lành. Câu chuyện trở lại với tình huống của việc chữa lành cho con gái ông Giairô. Trên đường đi đến nhà ông Giairô thì những người nhà của ông đến báo con gái ông đã chết và đừng phiền thầy làm chi nữa. Những lời nói này biểu lộ thái độ thiếu lòng tin, nên Chúa Giêsu nói riêng với ông Giairô: hãy cứ vững lòng tin, đừng sợ. Đồng thời Chúa Giêsu chỉ đem theo ba môn đệ thân tín đi với người là Phêrô, Giacôbê và Gioan. Khi đến nhà, Chúa Giêsu nhận thấy những người nhà của ông Giairô khóc lóc thảm thiết, nên người đã nói những lời trấn an mọi người : “sao lại khóc ồn ào như thế, đứa bé không chết đâu, nó chỉ ngủ thôi”. Nhưng người ta đã chế diễu người. Chúa Giêsu lại nhận thấy những thái độ thiếu lòng tin nơi những người chung quanh, và người chỉ cho phép những người thân là vợ chồng ông Giairô và ba môn đệ thân tín vào phòng riêng. Và tin mừng đã thuật lại những lời của chính Chúa Giêsu bằng tiếng aram : “Talitha koumi”, hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy. Lập tức em bé đã chỗi dậy. Chúa Giêsu có sức mạnh thần linh truyền khiến cho người đã chết được chỗi dậy. Hai câu chuyện chữa lành đi liền sau dụ ngôn về Nước Thiên Chúa là cách làm sáng tỏ sức mạnh quyền năng Nước Thiên Chúa được biểu lộ bởi chính Chúa Giêsu. Sức mạnh này được ban tặng cách niềm nở cho những ai có lòng tin. Người đàn bà bị bệnh loạn huyết không còn là người vô danh hay bị khai trừ nhưng đã được chữa lành và khen ngợi như gương mẫu của người có lòng tin. Ông Giairô cũng thế, tỏa sáng trong Tin mừng với lòng tin vững vàng và chân thành. Câu chuyện Tin mừng cũng cho thấy khía cạnh Chúa Giêsu đã đón tiếp ông chân tình, người không câu nệ, không xa cách, người đã mau mắn và nhẫn nại, dù bị nghi ngờ hay coi thường bởi những người nhà của ông Giairô, để đến nhà ông, nói với ông và với những người ở nhà ông những lời nói đơn sơ chân thành đầy khích lệ : hãy vững tin, đừng sợ. Hai câu chuyện chữa lành của Tin mừng này làm sáng lên nhiều câu chuyện chữa lành khác nữa trong cuộc đời Chúa Giêsu và sứ mạng cứu thế của người. Chúa Giêsu luôn chứng tỏ một thái độ sẵn sàng để chữa lành những bệnh hoạn tật nguyền của con người và chứng tỏ sức mạnh chiến thắng tội lỗi, bệnh tật và sự chết của người, ngay cả từ nơi người tuôn chảy những sức mạnh chữa lành cho người đàn bà chỉ chạm vào áo người cách kín đáo, hoặc con gái ông Giairô dù em đã chết bằng một lời truyền đơn giản nhưng hiệu quả. Sức mạnh cứu thế của người là như thế: người đi đến mọi nơi để gặp gỡ những người có lòng tin, người như muốn vi phạm cả lề luật khi đón tiếp mọi người không câu nệ, và muốn để cho sức mạnh của người đụng chạm đến những ai đang bị bệnh tật và tội lỗi giam cầm để lôi kéo họ đến với nguồn sức mạnh chữa lành của người. Bài đọc sách Khôn ngoan làm cho chúng ta suy nghĩ về mầu nhiệm của tội và sự chết làm cho thân phận của con người trở nên bi đát. Sách Khôn ngoan khẳng định cho chúng ta rõ Thiên Chúa tạo dựng mọi sự tốt đẹp, lành mạnh, tràn đầy sự sống và hạnh phúc. Thiên Chúa tạo dựng mọi sự để cho chúng hiện hữu ngay cả tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, tức là được tham dự vào sự sống và vinh quang của Thiên Chúa. Sách khôn ngoan cũng trả lời luôn câu hỏi về nguyên nhân của đau khổ và sự chết. Chính ma quỉ ác thần do bởi ghen tương mới tạo ra sự ác, và sự chết là hậu quả của tội khi con người sử dụng tự do của mình để chống lại thánh ý và lề luật của Thiên Chúa. Tội dẫn tới sự chết và con người đã phạm tội, bất tuân phục Thiên Chúa, nên con người phải nhận hậu quả của tội là sự chết. Mầu nhiệm của tội và sự chết cũng là mầu nhiệm khó hiểu đối với mỗi người. Thiên Chúa tôn trọng tự do của mỗi người đến độ dù con người có phạm tội chống lại ý muốn của Thiên Chúa để rồi nhận hậu quả là phải chết. Nhưng mặt khác, Thiên Chúa lại yêu thương và tha thứ cho con người ngay cả chấp nhận nhập thể làm người, gặp gỡ mỗi người chúng ta, và chịu chết cho mỗi người chúng ta để lôi kéo chúng ta ra khỏi tội và sự chết. Điều quan trọng là dù đã phạm tội và phải chết, chúng ta được mời gọi có thái độ tin tưởng vào người con Thiên Chúa là Chúa Giêsu và đón nhận lời của người, để cho lời của người chữa lành chúng ta từ bên trong và dẫn đưa chúng ta đến sự sống. Lời của người là lời ban tặng sự sống chân thật và lôi kéo chúng ta ra khỏi vực thẳm tội lỗi và sự chết. |