Chúa Nhật XI - Thường Niên - Năm B |
Tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa.(Suy niệm của Lm Ignatiô Hồ Thông) Chúa Giê-su rao giảng cho đám đông bằng dụ ngôn, từ những hình ảnh đơn sơ giản dị được lấy ra từ đời thường, để dẫn đưa họ vào những thực tại cao vời khôn ví của Nước Trời. Văn chương Đông Phương (Ai-cập, Cận Đông) thích những bí nhiệm; các sách khải huyền Do thái được điểm tô với những bí nhiệm này. Các dụ ngôn rất gần với thể loại văn chương này. Tuy nhiên, Chúa Giê-su giải thích các dụ ngôn cho các môn đệ, vì sau này, họ sẽ tiếp tục sự nghiệp của Ngài mà loan báo Lời rõ ràng và phong phú cho quần chúng. Tin Mừng Mác-cô đề nghị cho chúng ta hai dụ ngôn: dụ ngôn hạt giống tự mọc lên và dụ ngôn hạt cải: dụ ngôn thứ nhất thuộc nguồn riêng của Mác-cô, dụ ngôn thứ hai chung với Mát-thêu (13, 31-32) và Lu-ca (13, 18-19). 1. Dụ ngôn hạt giống tự mọc lên (4, 26-29): Bản văn của ngôn sứ Ê-dê-ki-en (Bài Đọc I) giúp chúng ta hiểu dụ ngôn hạt giống tự mọc lên này. Chính Đức Chúa sẽ trồng một chồi non mà Ngài đã ngắt từ ngọn hương bá. Vì Đức Chúa trồng, chắc chắn chồi non này sẽ mọc và lớn lên: “Nó sẽ trổ cành và kết trái”. Cũng vậy trong dụ ngôn hạt giống tự mọc lên, hình ảnh Nước Thiên Chúa được phát triển trong thầm lặng nhưng chắc chắn. Có lẽ không dụ ngôn nào đem đến niềm an ủi hơn dụ ngôn này. Thiên Chúa hiện diện và hành động trong thế giới và hành động của Ngài chắc chắn rồi sẽ sinh hoa kết quả, dù bên ngoài âm thầm lặng lẽ. Thời gian cũng không được tính đến. Phải chăng dụ ngôn này muốn nói rằng người Ki-tô hữu không cần phải hành động bởi vì “đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết”? Không phải như thế! Việc dọn đất được nêu lên, vấn đề đất có thuận lợi hay không cho hạt giống phát triển đã được bàn đến trong một dụ ngôn khác (dụ ngôn người gieo giống: 4: 1-9). Chúng ta không những có bổn phận cầu xin cho “Nước Chúa trị đến”, nhưng còn phải góp phần mình vào việc xây dựng Nước Chúa ở ngay trong cõi thế này. Ở đây, vấn đề được nêu lên đó là quyền năng tất thắng của Thiên Chúa, Ngài hướng dẫn Triều Đại của Ngài cho đến lúc phát triển viên mãn: đó sẽ là mùa thu hoạch. Tuy nhiên, phải chăng Chúa Giê-su dùng dụ ngôn này nhằm nhắn gởi đến những người nôn nóng và bạo động, tức là nhóm Nhiệt Thành được nuôi dưỡng bằng những giấc mơ đầy tham vọng của họ mà vài người trong số họ là môn đệ của ngài. Ngài muốn dẫn các môn đệ của Ngài đến một sự hiểu biết đầy đủ hơn về sứ mạng của Ngài. Ngài đã đến gieo lời Ngài và lời Ngài sẽ sinh hoa kết trái. Họ phải đặt trọn niềm tin tưởng tuyệt đối vào lời Ngài, tuy nhiên, chiều kích năng động của lời này cốt yếu là nội tại và tinh thần. 2. Dụ ngôn hạt cải (4, 30-32): Để diễn tả năng lực phát triển kỳ diệu của Nước Trời khởi đi từ khởi đầu rất khiêm tốn, Chúa Giê-su đưa ra một so sánh được mượn từ một hình ảnh rất quen thuộc thường ngày: hình ảnh hạt cải khi được gieo thì nhỏ nhất trong mọi hạt giống, nhưng khi “mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng”. Nước Trời cũng sẽ như vậy. Khởi đi hầu như không gì cả: mười hai tông đồ, vài môn đệ và vài người phụ nữ, nhưng sẽ phát triển rực rỡ. Chúa Giê-su ám chỉ đến các bản văn của Ê-dê-ki-en và Đa-ni-en trong các dụ ngôn cây hương bá của họ; tuy nhiên, rõ ràng Ngài tránh lấy lại hình ảnh cây hương bá cao vút trên đỉnh non cao, biểu tượng cho quyền lực thống trị. Ngài cũng không lấy lại hình ảnh chồi non, vì hình ảnh này gợi lên hậu duệ nhà Đa-vít và có thể gợi lên việc phục hưng quyền lực chính trị. Hình ảnh hạt cải hàm chứa một sự mĩa mai, nhưng chắc chắn nói lên tính chất phi chính trị của Nước Trời. |