Chúa Nhật VI Thường Niên - Năm B
CHỮA NGƯỜI PHUNG HỦI
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux

Trình thuật khởi đầu một cách đầy bất ngờ, chẳng xác nhận thời gian lẫn nơi chốn (c. 40a). Đặc biệt động từ “đến” được dùng ở thì hiện tại lịch sử. Chắc chắn Maccô muốn nêu bật giá trị “hiện thực” của biến cố này cho bản văn của ông. Thêm vào đó, ngay nơi bản văn cũng đưa ra cho độc giả một vài vấn nạn. Tại sao Chúa Giêsu lại đuổi thẳng thừng anh chàng vừa được Ngài chữa lành? (c. 43). Tại sao anh chàng phung hủi vừa được chữa lành lại dám bất tuân không giữ lệnh Chúa truyền cho anh ta phải giữ kín miệng? (c. 45). Các nghịch lý này hẳn sẽ tác hại cho sự mạch lạc của bản tường trình có tính trực tiếp như thế nếu chúng không được giải thích đầy đủ trong nhãn quan của một sự cố được đọc lại dưới ánh sáng đức tin. Chúng ta sẽ thấy rõ điều này.

Người bệnh tiến đến gần Chúa Giêsu, khiêm tốn, tin cậy van xin: anh ta quỳ gối xuống trước mặt Chúa, nài xin Chúa chữa lành nếu Chúa muốn (c. 40b). Muốn hiểu được lời thỉnh cầu này, chúng ta phải biết rằng vào lúc bấy giờ, người phung hủi là kẻ hoàn toàn bị “khai trừ” khỏi xã hội. Mắc phải một chứng bệnh nặng nề và ô nhiễm như thế, kẻ ấy phải sống ngoài lề cộng đoàn của mình. Ngay từ thời xa xưa trong quá khứ, người ta đã đề ra những biện pháp phòng ngừa kỹ lưỡng nhất để tránh mọi sự đụng chạm thể xác giữa những người khỏe mạnh và loại người mắc bệnh đáng tởm này. Bức chân dung được luật Môsê vẽ ra về loại bệnh nhân này tố cáo sự khai trừ mãnh liệt của Lề Luật như sau: “Một khi mắc chứng bệnh này, kẻ phong hủi phải mặc quần áo tả tơi, tóc tai xõa xuống, râu mép để dài và phải la lớn: “Ô uế, ô uế!”. Bao lâu còn mắc bệnh thì kẻ ấy vẫn phải sống tách biệt, phải ra ngoài đồng vắng mà ở” (Lv 13,45-46). Thực thế, trong Kinh Thánh, bệnh hủi không những chỉ là thứ bệnh gây kinh hãi, gặm nhấm và làm biến dạng hình hài bệnh nhân (đến nỗi thấy kẻ ấy người ta phải che mặt), nó còn là thứ bệnh mang chiều kích tôn giáo. Kẻ mắc bệnh này bị xem như đã phạm một trọng tội nên bị Chúa trừng phạt. Một số giáo sĩ đương thời Chúa Giêsu còn dám phóng đại cho rằng bệnh hủi dùng để trừng phạt bảy mối tội đầu như: vu khống, giết người, làm chứng gian, ham trụy lạc, kiêu căng, trộm cắp và tham lam. Từ thời xửa thời xưa, người phong hủi bị mọi người kể như là một xác chết biết di động. Bị phung hủi là lập tức bị khai trừ, và bị ruồng bỏ như một thây ma đầy “ô uế”, nghĩa là không thể thông giao với Thiên Chúa cũng như với loài người. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể chữa lành được thứ bệnh này. Ngài đã dùng nó như hình phạt thì chỉ Ngài mới có thể giải thoát bệnh nhân khỏi hình phạt đó (xem Cuộc đời Myria, em gái Môsê trong Ds 12,1-16).

Thế mà người ta trông thấy Chúa Giêsu đã phản ứng như thế nào trước lời van xin của kẻ phung hủi bị khai trừ khỏi xã hội và cộng đoàn (c.41). Cử chỉ của Chúa Giêsu thật đơn sơ nhưng tràn đầy ý nghĩa: Ngài dám đưa tay chạm đến kẻ mà không ai dám sờ đến. Và lời Ngài mang uy lực lời nói của Thiên Chúa: Ngài nói và sự việc xảy ra đúng theo lời Ngài (c. 42).

Khi tường thuật lại sự cố này, hẳn Maccô đã chủ ý mang lại cho nó trọn vẹn một trong số các dấu chỉ giúp người ta nhận ra việc khánh thành thời đại Đấng Mêsia (x. Mt 11,1-5, câu trả lời của Chúa Giêsu cho các sứ giả của Gioan Tẩy Giả). Như vậy, Đấng Mêsia, Đấng hồi phục trọn vẹn sức khỏe thể lý và thiêng liêng cho con người, hiện đang có mặt ở đây. Tuy nhiên, một lần nữa, người ta lại ngạc nhiên về tiến trình gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và bệnh nhân được chữa lành (c. 43-44a). Hành vi của vị đạo sư quả là cứng cỏi. Ngài đuổi anh chàng trước đó bị mắc bệnh phung hủi: động từ trong tiếng Hy Lạp ở đây có nghĩa là “xua đuổi, trục xuất”. Chính Maccô đã dùng động từ này để chỉ việc trục xuất ma quỷ (1,34-39’ 3,15-22; 6,13 v.v…). Sự thô bạo của Chúa Giêsu đi kèm theo mệnh lệnh nghiêm khắc truyền giữ kín miệng, nghĩa là truyền anh ta phải giữ “Bí mật của Đấng Thiên Sai”. Vị Đạo Sư không muốn người ta hiểu sai ý nghĩa sứ mệnh của Ngài. Ngài không phải là gã phù thủy mà họ mong ước đến để tiêu hủy mọi sự dữ trên trái đất. Họ chỉ có thể thực sự hiểu được bản thể và sứ mệnh sâu sắc của Ngài dưới ánh sáng cuộc tử nạn và Phục Sinh của Ngài.

Trình thuật tiếp tục với lời Chúa Giêsu yêu cầu người trước đây bị phung hủi: “Hãy đi trình diện tư tế…” (c. 44b). Khi sai anh ta đến trình diện thầy tư tế, Chúa Giêsu muốn bảo đảm cho anh ta được tái hội nhập vào cộng đoàn tôn giáo. Chính thầy tư tế là người chính thức được đặc cách để chuẩn nhận việc anh ta được lành bệnh (Lv 14,1-9 và tiếp theo). Chu toàn nghi thức như thế trước các vị đại diện dân chúng không khác nào đưa ra “bằng chứng” cho dân Do Thái biết rằng Chúa Giêsu đã hoàn tất niềm mong đợi lâu dài về Đấng Mêsia. Từ đó họ phải kết luận ra rằng thời gian cứu độ đã đến.

Tuy nhiên đây quả là điều làm chúng ta ngạc nhiên: Anh chàng phung hủi đã vi phạm lệnh Chúa truyền phải nín lặng về trường hợp khỏi bệnh của anh ta (c. 45a); Anh ta vẫn cứ “công bố” tin này ra; đây chính là động từ được dùng để diễn tả việc công bố Phúc âm. Rõ ràng ở đây Maccô đã “ nhảy qua” thời đại Chúa Giêsu để đặt các độc giả của ông vào “hiện thực tính”. Người từng bị phung hủi trước kia giờ đã trở thành một loại thừa sai loan báo Tin Mừng. Khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại thì “Bí mật Mêsia” không cần giữ kín nữa. Giờ đây, sau khi được các biến cố cứu độ soi sáng, theo gương anh chàng phung hủi được Chúa Giêsu chữa lành, các độc giả được mời gọi loan báo sứ điệp giải phóng vui mừng của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên, khi kết thúc trình thuật này, Maccô đã trở về lại với thời đại Chúa Giêsu. Vì hành vi cứu độ này cũng như vì bị dân chúng đồn ầm lên, vị Đạo Sư bó buộc phải lẩn trốn đám đông đang từ khắp nơi tuôn đến với Ngài (c. 45b). Lúc khởi đầu câu chuyện là một bệnh nhân đơn độc bạo Gioan tiến đến gần Chúa Giêsu. Vào đoạn kết là một đoàn người đông đúc tuôn đến gần vị lương y. Đối với đám đông này, cũng như đối với độc giả, câu hỏi được nêu lên như sau: “Người này là ai mà có thể đem lại vị trí cũ cho những kẻ bị khai trừ, giúp họ thông hiệp với Thiên Chúa và với cộng đồng anh em bè bạn của họ?”.