Chúa Nhật VI Thường Niên - Năm B
"SẠCH VÀ DƠ"
 Lm Carolo Hồ Bạc Xái

I. DẪN VÀO THÁNH  LỄ

Anh chị em thân mến

Trong cuộc sống chung với mọi người, chúng ta nhận thấy có một số người bị người khác khinh bỉ lánh xa ; có khi chính chúng ta cũng bị xa lánh như thế. Tại sao ? Lời Chúa hôm nay sẽ dạy rõ cho chúng ta về vấn đề này. Chúng ta hãy chăm chú lắng nghe Lời Chúa và xin Chúa giúp chúng ta sống theo lời Ngài dạy.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Tội lỗi làm cho tâm hồn chúng ta ra nhơ uế, không xứng đáng đến với Chúa. Chúng ta hãy thành tâm sám hối tội lỗi và xin Chúa tẩy sạch tâm hồn chúng ta.

- Nhiều lần chúng ta tự làm nhơ uế đầu óc mình bằng những sách báo, phim ảnh đồi truỵ và những câu chuyện khiếm nhã.

- Chúng ta cũng làm nhơ uế trái tim mình do cách sống ích kỷ và giận hờn ganh ghét.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (Lv 13,1-2.45-46)

Đoạn này là một phần của sách Lêvi được các chuyên viên gọi là "Luật về sự tinh sạch". Đoạn này đề cập riêng về bệnh cùi. Nhưng quan niệm về "bệnh cùi" không giống với quan niệm ngày nay :

- Tất cả những hiện tượng về da liễu (ung nhọt, da đổi màu hoặc bóng láng) đều bị gọi là "cùi". Người ta còn nghĩ rằng bệnh cùi rất lây, cho nên sách Lêvi buộc những người mắc bệnh ấy phải ở riêng.

- Hơn nữa, người ta còn nghĩ bệnh này có liên hệ đến tôn giáo : trong quan niệm chung rằng bệnh tật là hình phạt của tội lỗi, và bệnh cùi là thứ bệnh nặng nhất, người thời đó cho kẻ mắc bệnh cùi đã phạm tội rất nặng. Do đó người bắt đầu bị cùi phải đến trình diện với tư tế, và sau này "nếu" khỏi bệnh thì cũng phải được tư tế xác nhận. Thực ra, đó chỉ là một chữ "nếu" to tướng, vì người ta đều coi cùi là một chứng nan y không thể nào khỏi, trừ khi chính Thiên Chúa ra tay cứu chữa.

Vì vậy, người nào cứu chữa được bệnh cùi, như Êlisê và Đức Giêsu, thì chứng tỏ người ấy có uy quyền đặc biệt do Thiên Chúa ban.

2. Đáp ca (Tv 31)

Ca tụng sự tha thứ của Thiên Chúa và hạnh phúc của người được tha thứ.

3. Tin Mừng (Mc 1,40-45)

Như đã nói trong phần giải thích bài đọc I, người do thái coi bệnh cùi là a/ chứng nan y chỉ có Thiên Chúa mới chữa khỏi ; b/ chứng bệnh rất hay lây ; c/ có liên hệ đến tội lỗi.

Người cùi trong bài Tin Mừng này nói với Đức Giêsu "Nếu Ngài muốn, Ngài có thể khiến tôi nên sạch". Điều này chứng tỏ anh tin rằng Đức Giêsu là người của Thiên Chúa.

Đức Giêsu đưa tay đặt trên người ấy : chứng tỏ Ngài không sợ lây bệnh, nhất là Ngài không ghê tởm kẻ mắc bệnh cùi.

Ngài chữa bệnh một cách rất nhanh chóng và dễ dàng : chứng tỏ Ngài có uy quyền đặc biệt của Thiên Chúa.

4. Bài đọc II (1 Cr 10,31--11,1)

Đoạn thư này tuy không đề cập đến bệnh cùi, nhưng cũng chung một vấn đề, đó là "sạch và dơ". Người do thái thời thánh Phaolô cũng còn phân biệt những thức ăn "sạch" và thức ăn "dơ". Thánh Phaolô đả phá sự phân biệt đó. Điều quan trọng không phải là cân nhắc thức ăn nào sạch hay dơ, mà là dù khi ăn, dù khi uống, dù khi làm bất cứ việc gì khác thì đều phải có ý làm cho sáng danh Chúa.

IV. GỢI Ý GIẢNG

* 1. Thứ bệnh "cùi" nguy hiểm hơn

Những kiến thức y khoa ngày nay giúp chúng ta không còn quá sợ bệnh cùi Hansen nữa.

Nhưng chúng ta phải cảnh giác với một thứ bệnh cùi đặc biệt với những nét mà bài Tin Mừng hôm nay mô tả : Đó là một thứ tội thực sự làm cho tâm hồn con người ra nhơ uế, lại có sức truyền nhiễm rất mạnh, và do đó đáng bị mọi người xa lánh.

Tội "cùi" ấy là gì ? Là tội có những ý nghĩ xấu và tội loan truyền những ý nghĩ xấu ấy.

Ebba de Pauli trong quyển "Vị ẩn sĩ" đã mô tả một người cùi như thế : Đó là một bà trung lưu và có thể nói là "đạo đức". Bà không phải bận bịu với việc sinh nhai, bà có nhiều giờ để đi nhà thờ đọc kinh dự lễ, và vẫn còn nhiều giờ để tìm nói chuyện với người này người nọ. Nhưng bà không hiểu tại sao người ta cứ muốn xa lánh bà. Một nhóm người đang trò chuyện với nhau vui vẻ nhưng khi vừa thấy bóng dáng bà thì mọi người đều im bặt. Có người vừa thấy bà xa xa thì đã lẫn đi nơi khác. Bà đến hỏi ý kiến với Vị Ẩn Sĩ. Sau khi hỏi bà một số chi tiết, Vị Ẩn Sĩ kết luận :

- Sở dĩ người ta xa lánh bà vì họ coi bà là một con rắn độc !

- Nhưng sao họ coi tôi là rắn độc ?

- Vì trong đầu óc bà đầy những ý tưởng độc hại, như nghĩ xấu về người khác, hằn học, đố kỵ, bi quan… Nghe bà nói, người ta cảm thấy tâm hồn mình chùn xuống, cuộc sống mình buồn thảm hơn.

- Vậy xin ngài chỉ cho tôi phải làm sao.

Vị Ẩn Sĩ khuyên bà thay đổi cách suy nghĩ và cách giao tiếp : từ nay hãy nuôi trong đầu mình những ý tưởng tốt lành ; khi nói chuyện với người khác, hãy chia xẻ những ý nghĩ tốt lành ấy, rồi mọi sự sẽ khá hơn.

Bà này làm theo. Và kết quả đúng như Vị Ẩn Sĩ tiên báo.

* 2. Những "con hủi"

Hoàn cảnh đáng thương của người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay không phải vì anh mắc một chứng bệnh ô uế và hay lây, vì thực ra nếu xét theo y khoa bây giờ thì bệnh anh không đến nỗi như thế. Anh đáng thương vì người ta nghĩ anh như thế nên ghê tởm và xa lánh anh.

Có nhiều người tuy không "cùi" nhưng vẫn bị coi là "con hủi" do bị mọi người khinh tởm tránh xa.

Nhưng Đức Giêsu thì không. Ngài rất thương và rất gần gũi với những "con hủi" ấy, chẳng hạn những người thu thuế, đĩ điếm, trộm cắp v.v.

* 3. Nỗi khổ bị xua đuổi

Bệnh cùi là một bệnh khủng khiếp. Tuy nhiên nó không khủng khiếp bằng nỗi khổ bị xua đuổi. Có thể nói, đau khổ lớn nhất của con là bị người khác xua đuổi, vì sự xua đuổi khiến người ta cảm thấy cô đơn, thấy mình không còn phẩm giá gì nữa, thậm chí nó còn khiến người ta nổi loạn.

Trẻ con mà bị cha mẹ xua đuổi thì kể như chết. Người lớn thì sợ bị xua đuổi còn hơn phải chịu tất cả mọi đau khổ khác dồn lại. Vết thương làm người tàn tật đau đớn nhất không phải là chứng bệnh thể xác hay tinh thần người đó đang mắc phải, mà là bị người khác xa lánh.

Người cùi đến với Đức Giêsu trong bài Tin Mừng này là một người bị xua đuổi. Vì cùi, anh không được sống chung với người khác trong xã hội. Anh phải tránh không để cho người khác chạm tới mình. Hơn nữa vì người ta coi người cùi là kẻ tội lỗi bị Chúa phạt, nên anh còn thêm mặc cảm mình bị chính Thiên Chúa xua đuổi nữa.

Điểm hay trong chuyện này không phải là việc Đức Giêsu chữa anh này khỏi bệnh cùi, mà là cách Ngài đối xử với anh. Khi thấy anh đến gần mình, Ngài không xua đuổi, nhưng để anh đến. Chẳng những thế Ngài còn giơ tay đụng vào anh. Bằng cử chỉ giơ tay đụng vào anh như thế, Đức Giêsu tỏ dấu hoan nghênh anh, đón nhận anh. Và thái độ hoan nghênh đón nhận đó đã chữa anh khỏi mặc cảm và nỗi đau bị xua đuổi. Cho nên có thể nói, trước khi chữa bệnh thể xác cho anh, Ngài đã chữa lành tinh thần của anh.

Khi ta xua đuổi ai thì ta cũng coi người đó là cùi mặc dù có lẽ ta không ý thức rõ như thế. Ta có thể xua đuổi người khác bằng nhiều cách tuy nhỏ nhưng tế nhị, như giọng nói thế nào đó, một cách nhìn thế nào đó v.v. Đó là những mũi kim đâm rất nhỏ nhưng gây đau đớn rất lâu. (Viết theo Flor Mc Carthy)

* 4. Bệnh phong cùi

Một vụ nổ đã làm cho chú bé bảy tuổi bị phỏng nặng ở đôi chân, đến nỗi các bác sĩ đã nghĩ rằng cần phải cưa chúng. Người ta nói với mẹ cậu : "Thằng Glenn của chị sắp thành kẻ tàn phế suốt đời đấy".

Thế mà hai năm sau với niềm tin mạnh mẽ, cậu đã rời bỏ cặp nạng, chẳng những đi bộ mà cậu còn chạy được nữa. Dù chạy không nhanh lắm, nhưng vẫn chạy được.

Cuối cùng, cậu thi đậu đại học. Môn ngoại khoa của cậu là chạy đua. Quả thật, cậu đã làm cho mọi người phải kinh ngạc. Cậu lần lượt phá kỷ lục ở liên đại học.

Thi đại hội Olympic Berlin, chẳng những cậu được đánh giá là vận động viên xuất sắc môn chạy 1500 mét, mà cậu còn phá kỷ lục Olympic về môn này.

*

Với niềm tin vào khả năng của chính mình, cậu bé tưởng chừng như một phế nhân, đã trở thành vận động viên chạy nhanh nhất thế giới. Với niềm tin vào quyền năng của Thiên Chúa, người phong cùi tưởng chừng như suốt đời sống trong căn bệnh ghê tởm nhất, đã trở nên lành sạch.

Đối với người Do thái, kẻ mắc bệnh phong cùi bị coi như Thiên Chúa chúc dữ và xã hội loại bỏ. Không được tham dự nghi lễ trong hội đường. Họ là thành phần tội lỗi, phải sống thành từng nhóm nơi mồ mả, phải la lên "ô uế" để mọi người tránh xa. Ai trò chuyện với họ là phạm luật. Trong hoàn cảnh bi đát ấy, người phong cùi đã hết lòng tin tưởng quyền năng của Đức Giêsu, nên anh đã quỳ xuống van xin : "Nếu Người muốn, Người có thể khiến tôi nên sạch" (Mc.1,40).

Thấy lòng tin của anh, Đức Giêsu động lòng thương, giơ tay đặt trên người ấy và nói : "Ta muốn, anh hãy khỏi bệnh" (Mc.1,41). Chạm đến người phong cùi, Đức Giêsu đã phạm luật, khiến người ta khó chịu. Người muốn thay đổi những lệch lạc trong luật. Qua việc đặt tay của Đức Giêsu, con người được tiếp xúc thần tính của Người, nhờ đó được nhận lãnh ân sủng là sức sống của Người. Chính vì thế mà bệnh phong biến mất và anh ta được sạch.

M.Carré có nói : "Sống trong một thế giới đầy đau khổ trước mắt, thì chúng ta phải là những nhà chuyên môn của niềm tin tưởng cậy trông". Vâng, trong lúc đau đớn tột cùng nơi thân xác vì bị vi trùng Hansen gặm nhắm rúc rỉa ; trong lúc tâm hồn tan nát vì bị mọi người kinh tởm xa cách, chính trong lúc đau khổ ngút ngàn ấy người phong cùi lại hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và trọn vẹn phó thác cho tình yêu của Người.

Vì thế Đức Giêsu chỉ còn biết rộng rãi trao ban tình yêu của Người, để làm phát sinh một hiệu quả vô cùng diệu kỳ là cho anh lành sạch cả thể xác lẫn tâm hồn. G.Bossis viết : "Hãy tin và tin nhiều hơn nữa cho đến khi xảy ra phép lạ".

Bí quyết trở nên hùng cường của nước Mỹ được in trên đồng tiền của họ, đó là câu : "In God we trust" (Chúng tôi tin vào Thiên Chúa). Thánh Phanxicô Salêsiô nói :"Chúng ta sẽ an toàn vượt qua giông tố, bao lâu niềm tin của chúng ta còn gắn chặt vào Thiên Chúa".

*

Lạy Chúa, trong cơn đau khổ cùng quẫn, chúng con vẫn tin tưởng nơi Người, chỉ một mình Người thôi. Trong bóng đêm cô đơn trống vắng, chúng con vẫn cậy trông nơi Người ; tất cả nơi Người.

Xin cho chúng con nhận ra quyền năng và tình yêu của Chúa trong cuộc đời chúng con. Xin thương chữa lành mọi bệnh tật xác hồn chúng con. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 5. Chạm vào

Nhiều người chúng ta sợ chạm vào người khác.

Thà cho người ăn mày một vài xu, nhưng đừng để người ấy chạm tới mình.

Đức Giêsu thì khác. Ngài không đứng xa, không ngại chạm vào.

Ngài chạm vào những người cùi, những người tội lỗi, những người bệnh tật, và cả những người chết.

Những cái chạm thân ái làm cho lòng người đang lạnh giá được ấm lại và những cõi lòng buồn sầu được vui mừng sung sướng.

Lạy Chúa, xin cho con một trái tim ấm áp và một đôi tay dịu dàng. (Flor Mc Carthy)

* 6. Chúa chạm vào

Người phong cùi nói với Đức Giêsu : "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch". Đức Giêsu chạnh lòng thương đưa tay đụng vào anh và bảo "Tôi muốn, anh hãy được sạch"

Mẫu đối thoại ngắn này gợi cho tôi nhiều ý tưởng :

- Xét về mặt thiêng liêng thì ai cũng đều "cùi" vì ai cũng có tội.

- "Nếu Ngài muốn" : Đức Giêsu có muốn cho chúng ta hết "cùi" thiêng liêng không ? Dĩ nhiên là muốn, rất muốn, vì Đức Giêsu đến trần gian là để rửa sách tội lỗi cho loài người. Bởi vậy Ngài đã trả lời cho người cùi : "Tôi muốn"

- Người cùi trong bài Tin Mừng được sạch nhờ Đức Giêsu đụng tay vào anh. Chúng ta ngày nay không chỉ được Đức Giêsu đụng tay vào, mà còn được rước Chúa vào trong cơ thể chúng ta mỗi khi chúng ta rước lễ.

7. Ý nghĩa việc làm của Đức Giêsu

Các sách Tin Mừng trình bày Đức Giêsu luôn làm hai việc : chữa bệnh và rao giảng Tin Mừng. Hai việc này không riêng rẻ nhưng song song nhau và hỗ trợ cho nhau. Nói cách khác, Đức Giêsu không rao giảng suông, mà vừa rao giảng vừa chữa bệnh. Việc chữa bệnh hỗ trợ cho việc rao giảng. Ta cũng có thể nói : chữa bệnh là một cách rao giảng Tin Mừng.

Người cùi trong bài Tin Mừng hôm nay chẳng những được chữa bệnh mà còn được đón nhận Tin Mừng. Chẳng những thế, sau khi khỏi bệnh, chính anh lại trở thành kẻ loan báo Tin Mừng : "Đi khỏi nơi đó, người ấy liền cao rao và loan truyền tin đó… và người ta từ khắp nơi tuôn đến cùng Người".

V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI

Chủ tế : Anh chị em thân mến, Đức Giêsu đã không ngại đụng chạm đến người cùi để chữa lành và tỏ lòng yêu thương họ. Chúng ta xin Đức Giêsu thương chữa lành cho mọi bệnh tật phần hồn và phần xác cho chúng ta :

1. Trong Hội thánh có nhiều người mắc bệnh cùi thiêng liêng là sống trong tình trạng tội nặng / Chúng ta cầu xin Chúa cho họ sớm chạy đến tòa cáo giải để được lành sạch.

2. Trên thế giới có đủ các thứ bệnh tật cả phần xác lẫn phần hồn / Chúng ta cầu xin Chúa cho các nhà cầm quyền biết quan tâm để mọi người dân được chữa bệnh cả phần xác lẫn phần hồn.

3. Ngày nay ở khắp nơi có nhiều người mắc những bệnh hiểm nghèo không thể chữa được như ung thư, sida / Chúng ta cầu xin Chúa cho họ luôn được nhiều người yêu thương và ủi an.

4. Trong xứ đạo chúng ta có nhiều người mắc bệnh cùi thiêng liêng mà không ý thức và không muốn chữa lành / Chúng ta cầu xin Chúa cho họ gặp dịp để ăn năn sám hối và chạy đến với Chúa để được chữa lành.

Chủ tế  : Lạy Đức Giêsu, Chúa luôn luôn muốn chữa lành mọi bệnh tật phần hồn phần xác cho chúng con, Xin cho chúng con biết tin tưởng và tìm đến với Chúa, để Chúa chữa lành cho chúng con. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời.

VI. TRONG THÁNH LỄ

Trước kinh Lạy Cha : Như những đứa con bệnh hoạn tật nguyền vì những chứng bệnh phần hồn, phần xác, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa là Cha chúng ta lời kinh sau đây : "Lạy Cha chúng con ở trên trời…"

Sau kinh Lạy Cha : "Lạy Chúa, xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ, nhất là sự dữ làm cho tâm hồn chúng con ra nhơ uế, và sự dữ tách chúng con ra khỏi nếp sống cộng đoàn yêu thương, xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an…"

VII. GIẢI TÁN

Nhờ linh dược của Thánh Thể, mọi bệnh tật nhơ uế trong tâm hồn chúng ta đã được sạch. Chúng ta hãy ra về và giúp cho anh chị em chúng ta cũng được lành sạch như vậy.