Chúa Nhật V Thường Niên - Năm B |
PHẢI CÓ TÌNH THƯƠNG NHƯ NGÀI |
Suy niệm của JKN |
Câu hỏi gợi ý: 1. Có phải Đức Giêsu đến trần gian để cứu chữa những người bệnh hoạn, tật nguyền, quỷ ám không? Sứ mạng của Ngài là gì? Tại sao Ngài làm những việc ấy? 2. Bạn có nghĩ rằng: nếu mình mà làm được phép lạ như Đức Giêsu, mình cũng sẽ chữa bệnh, trừ quỉ… và đi tới đâu cũng sẽ thi ân giáng phúc tới đó y như Ngài vậy? hiện nay mình chỉ kém Ngài vì không có bản tính Thiên Chúa thôi? 3. Theo bạn thì tình thương làm nên phép lạ, hay phép lạ làm nên tình thương? Nói cụ thể hơn, muốn giúp người, điều quan trọng nhất là có tình thương hay có tài năng? Tình thương làm nên tài năng, hay tài năng làm nên tình thương? Suy tư gợi ý: 1. Dù quan tâm hàng đầu là loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu luôn cứu giúp mọi người theo sự thúc đẩy của tình thương Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện Đức Giêsu chữa các bệnh tật, các chứng quỷ ám. Trong cuộc đời công khai, Ngài đã từng chữa lành biết bao nhiêu con bệnh thuộc đủ mọi loại, biết bao người bị quỷ ám, và làm một số người chết sống lại, v.v... Điều đó khiến nhiều người có cảm tưởng rằng Ngài là một chuyên gia chữa bệnh, chữa quỷ ám. Thật ra không phải như vậy! Ngài đến thế gian chủ yếu không phải để làm những việc ấy, mà để cứu chuộc toàn nhân loại và loan báo Tin Mừng cho họ. Tuy nhiên, khi thực hiện sứ mạng ấy, Ngài đã phải đối diện với biết bao nhiêu cảnh đau thương của con người, về tinh thần cũng như thể chất. Tình thương chan chứa của Ngài đối với con người khiến Ngài biết bao lần “chạnh lòng thương” và ra tay cứu giúp (x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; Mc 1,41; Lc 7,13). Sách Công vụ Tông đồ còn cho biết: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người “ (Cv 10,38). Điều chúng ta cần noi gương Ngài không phải là việc chữa bệnh hay làm điều gì, mà chính là khả năng “chạnh lòng thương” trước những đau khổ của tha nhân. Khi đã biết “chạnh lòng thương”, thì tình thương sẽ thúc đẩy và dần dần tạo cho ta khả năng hành động phù hợp với sự đòi hỏi của tình thương. Thiết tưởng tất cả mọi Ki-tô hữu muốn thật sự là Ki-tô hữu đều phải biết “chạnh lòng thương”, biết nhạy cảm trước những đau khổ, trước những cảnh thương tâm đang xảy ra cho những người chung quanh, đồng thời quyết tâm ra tay hành động theo sự thúc đẩy của tình thương. Sự nhạy cảm do tình thương ấy chính là dấu hiệu chắc chắn cho biết Thiên Chúa đang thật sự ở với chúng ta, trong chúng ta. Ai không nhạy cảm như thế là dấu chứng tỏ họ không có Thiên Chúa - là Tình Thương - ở nơi mình: “Ai không yêu thương anh em mình thì không thuộc về Thiên Chúa” (1Ga 3,10; x. 3,17; 4,8). 2. Vì yêu thương và dấn thân hết mình mà Ngài làm nên những phép lạ Có phải vì Ngài làm phép lạ dễ dàng, nên Ngài tỏ tình thương với mọi người cũng dễ dàng chăng? Nếu ít hiểu biết về Đức Giêsu, chúng ta có thể nghĩ rằng: Đức Giêsu là Thiên Chúa, Ngài có quyền năng làm phép lạ, có khả năng chữa bệnh, đuổi quỷ, nên Ngài tha hồ mà “thi ân giáng phúc” ở bất cứ nơi nào Ngài đến. Đối với Ngài, việc “thi ân giáng phúc” quả là quá dễ dàng, Ngài có mất mát hay thiệt thòi gì đâu? Còn ta, hễ giúp đỡ ai, làm cho ai hạnh phúc hơn là ta phải mất mát, hy sinh, phải chịu thiệt thòi, phải chấp nhận đau khổ. Nếu Ngài cũng bị hạn chế như ta, làm sao Ngài có thể “thi ân giáng phúc” không cần tính toán như thế được? Nếu ta cũng làm được phép lạ như Ngài, ta cũng sẽ “thi ân giáng phúc” cho mọi người đâu kém gì Ngài! Hay vì Ngài yêu thương tha nhân hết mình, nên Ngài mới có nhiều khả năng cứu giúp người khác như vậy? Nghĩ như thế quả cũng có lý! Nhưng theo thiển ý tôi, người viết bài này, nghĩ ngược lại có thể có lý hơn. Nghĩa là: không phải vì Ngài có khả năng làm phép lạ nên Ngài tỏ tình yêu thương một cách dễ dàng; mà ngược lại, chính vì Ngài yêu thương hết mình, và cũng hết mình muốn ra tay cứu giúp người khác, nên Ngài mới làm được những phép lạ như thế. Cách nghĩ sau có vẻ hợp với Kinh Thánh hơn. Đức Giêsu, Thiên Chúa Nhập Thể, có những giới hạn của Ngài Rất nhiều người nghĩ: Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, mà đã là Thiên Chúa thì ắt Ngài phải biết hết, làm được hết, có đầy đủ mọi nhân đức, ở trong tình trạng hoàn hảo, chẳng cần tập tành khổ luyện gì hết. Nghĩ như thế không phải là không có lý. Nhưng rất có thể họ quên rằng Đức Giêsu là một “Thiên Chúa Nhập Thể”, nghĩa là một “Thiên-Chúa-làm-người”. Khi nhập thể thì Thiên Chúa vô hạn và tuyệt đối đã mặc lấy thân phận hữu hạn và tương đối của con người (x. Pl 2,6-9). Chẳng hạn, là Thiên Chúa vô hạn, Ngài có thể hiện diện cùng một lúc ở khắp nơi, nhưng cũng chính Thiên Chúa ấy, khi nhập thể, mặc lấy thân phận hữu hạn của con người, thì Ngài không thể ở khắp nơi cùng một lúc như thế. Thiên Chúa và Đức Giêsu chỉ là một Thiên Chúa duy nhất, nhưng Thiên Chúa ấy đã mặc lấy hai cách hiện hữu khác nhau: một đằng là thần linh, vô hạn, bất biến, tuyệt đối; một đằng là con người, hữu hạn, vô thường và tương đối... Nếu không như thế thì đâu còn là nhập thể nữa! Kinh Thánh nói về Đức Giêsu Thánh Phao-lô đã nói về sự giới hạn và yếu đuối của Đức Giêsu như sau: Ngài “mang thân phận yếu hèn” (2Cr 13,4; x. 1Tm 3,16); “Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện” (Dt 2,17); “Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội” (Dt 4,15). Thiên Chúa đã “sai chính Con mình đến mang thân xác giống như thân xác tội lỗi chúng ta để đền tội chúng ta” (Rm 8,3b). Ngài phải chịu ma quỉ cám dỗ (x. Mt 4,1-11) và chắc chắn cũng phải chiến đấu để thắng nó. Trong việc Ngài cảm thấy sợ hãi đến đổ mồ hôi máu khi nghĩ đến cuộc tử nạn sắp tới, ta thấy ngay thân phận yếu hèn của một con người ở nơi Ngài, và thấy Ngài cũng phải chiến đấu rất cam go mới thắng vượt được bản thân yếu đuối mà vâng theo thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,41-44). Khi Ngài còn nhỏ, rất có thể Mẹ Maria cũng phải tập cho Ngài ăn, nói, đi đứng và dạy cho Ngài biết đọc, viết, tính toán như bao người mẹ khác tập cho con mình. Ngài cũng phải cố gắng vất vả khi phải học cho thuộc những bài học, khi làm những bài luyện tập... Ngài cũng phải học thánh Giu-se mới biết làm thợ mộc, và khi làm việc cũng cảm thấy mệt mỏi và vất vả. Những gì Ngài có được - như sự hiểu biết, các nhân đức, sự hoàn hảo - không phải sẵn có nơi Ngài do bản tính thần linh vô hạn của Ngài, mà theo thánh Phao-lô, Ngài cũng phải học, phải luyện tập với bao gian lao cực khổ không khác gì chúng ta: “Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục” (Dt 5,8); “Thiên Chúa (...) đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2,10). Cũng thế, Ngài có được những giá trị cao quý ấy phần nào do quyết tâm thực hiện bằng ý chí yếu đuối của con người ở nơi Ngài. Những phép lạ Ngài làm rất có thể là do tình thương cao độ của Ngài Trong chiều hướng ấy, ta cũng có thể nghĩ rằng những phép lạ Ngài làm được để cứu giúp người khác một phần đến từ Thiên Chúa, nhưng một phần khác là do tình yêu cao độ và sự dấn thân hết mình của Ngài cho tha nhân. Điều này phù hợp với kinh nghiệm bình thường của con người: chẳng hạn biết bao người mẹ bất tài mà chỉ vì tình thương bao la đối với con mà làm được những chuyện phi thường; những người có tình thương bao la rộng rãi thường phát triển khả năng nhiều hơn những người khác. 3. Đừng sợ mình không có khả năng, hãy sợ mình không đủ tình thương Vậy thấy Đức Giêsu cứu giúp biết bao người, chúng ta đừng vội cho rằng: nếu tôi có tài năng như Ngài, tôi cũng sẽ cứu giúp được nhiều người như Ngài. Nghĩ như thế hóa ra Ngài chẳng hơn gì chúng ta! hóa ra nếu có ai cứu giúp ai thì do người cứu giúp ấy có khả năng cứu giúp mà thôi! Nghĩ như thế, đời sống tâm linh và tình thương của chúng ta không bao giờ phát triển được! Muốn làm được những việc như Đức Giêsu, thiết tưởng điều quan trọng nhất là chúng ta phải có tình thương thật sự và cao độ như Ngài. Khi đã có tình thương rộng lớn, bao trùm, tình thương ấy sẽ thúc đẩy chúng ta hành động, thúc đẩy chúng ta luyện tập để có nhiều khả năng cứu giúp người khác. Tại sao ta có thể làm được biết bao chuyện cho cha mẹ, vợ con, anh em ta, mà lại không thể làm như vậy cho người khác? Chính vì ta có rất nhiều tình thương đối với người thân, nhưng lại không đủ tình thương đối với người khác. Vậy, đừng sợ mình không có khả năng cứu giúp người khác, hãy sợ rằng mình không có đủ tình thương đối với họ. Cầu Nguyện Lạy Cha, con cảm thấy con chưa hữu ích lắm cho tha nhân chung quanh con không phải vì con không có tài năng cho bằng vì con chưa đủ tình thương đối với họ. Biết bao người ít tài năng hơn con, nhưng họ lại hữu ích cho tha nhân hơn con, chính vì họ đã yêu thương nhiều hơn con. Vì tình yêu có khả năng khiến người ta làm được tất cả. Điều con thiếu hơn cả chính là tình yêu, xin Cha hãy ban cho con. |