Chúa Nhật V Thường Niên - Năm B |
CẦU NGUYỆN VÀ THI HÀNH SỨ VỤ |
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux |
Chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô (1,29-31) Hoạt động thứ hai này của Chúa Giêsu có thể được xem như một sự kiện “nho nhỏ” mà do tính cách vắn gọn Maccô đã lồng vào tiếp theo trình thuật đi trước. Quang cảnh này đã được Maccô tháp vào chuỗi trình thuật mang tựa đề “Cái ngày Chúa Giêsu rao giảng ở Caphanaum” khởi đầu nơi chương 1,21 và kết thúc ở chương 1,32-34. Câu chuyện xảy ra bên cạnh hội đường nơi Chúa Giêsu vừa tham dự nghi thức phụng vụ, đây là một ngày Sabbat. Theo quy định của luật, vào ngày này, người ta chỉ được phép di chuyển trong phạm vi luật cho phép. Chính tại căn nhà của Simon và Anrê, trong bầu khí thân mật gia đình của bốn người môn đệ đầu tiên, Chúa Giêsu sẽ thực hiện hành vi chữa trị của Ngài (1,16-20). Các tình huống được ghi lại thật gọn gàng: nhạc mẫu của Simon bị sốt đang nằm tại giường (c. 30a). Maccô không mô tả chính xác bà cụ sốt vì lý do gì. Tình trạng có lẽ xem ra không nặng, dầu vậy cũng gây phiền hà bởi vì rõ ràng không thể chờ đợi lâu hơn, “họ liền nói cho Ngài biết bà đang đau ốm” (c. 30b). Không thấy đề cập rõ đến người can thiệp cũng như cách thức can thiệp, tuy nhiên ở đây hàm ẩn tiến trình của đức tin: Chính vì biết Chúa Giêsu có quyền phép trị bệnh nên đám bạn hữu Ngài đã xin Ngài can thiệp. Chẳng nói một lời, Chúa Giêsu chỉ làm một cử chỉ đơn giản là nắm tay bà cụ giúp bà chỗi dậy (c. 31b). Thật khác xa với các trình thuật thời đó, các thầy trị bệnh ít nhiều thuộc dạng phù thủy, thường dùng sức mạnh của lời nói hoặc các công thức nghe rất kỳ quái. Ở đây, sự việc xảy ra hoàn toàn kín đáo, cơn bệnh tan biến ngay tức khắc (c.31c). Bà cụ lập tức hồi phục hoàn toàn, bởi vì Tin Mừng ghi nhận bà cụ có thể bắt đầu phục vụ Chúa Giêsu và các bạn Ngài. Vì thiếu khía cạnh huyền diệu, trình thuật này xem ra khó hiểu đối với não trạng người thời nay. Để nắm rõ được đây là hành vi có liên quan đến sứ mệnh “Mêsia” của Chúa Giêsu, chúng ta phải biết rằng, theo tâm thức của người xưa, bệnh tật được quan niệm như là một dấu chứng của tội lỗi. Nói chính xác hơn, suốt lịch sử Cựu Ước, cơn sốt luôn được nga hình dung như những một trong những hình phạt Chúa đe sẽ gởi đến cho đám dân bất tín bất trung của Ngài: “Nếu các ngươi phế bỏ Lề Luật của Ta, nếu các ngươi đi ngược các tập tục Ta ban, không mang ra thực hành các huấn lệnh của Ta và như thế là cắt đứt Giao Ước với Ta thì này đây Ta sẽ giáng cho các ngươi sự kinh khủng, bệnh hoạn và sốt rét làm hư mòn con mắt và nhọc mệt tâm hồn” (Lv 25,15-16a, xem thêm Đnl 28,22). Vào thời Chúa Giêsu, người ta dễ dàng gán cho cơn sốt tính cách quỷ nhập. Chính vì thế mà sử gia Luca đã tường thuật việc chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô giống như một cuộc trừ quỷ (Lc 4,39). Như thế, theo Maccô, chắc chắn cử chỉ Chúa Giêsu đối với bà cụ này minh họa quyền năng của Ngài trên các quyền lực Sự Dữ và Sự Chết. Đây chính là Đấng Mêsia mang đến các dấu chỉ về Vương Quốc của Thiên Chúa đang đến. Tuy nhiên cần phải đi xa hơn. Nhằm mục đích ngỏ lời với cộng đoàn Kitô hữu của mình, Maccô đã đọc lại biến cố này dưới nah sáng của Chúa Giêsu Phục Sinh. Chính cách dùng một công thức diễn đạt của Maccô đã hé lộ cho thấy điều đó. Trong tiếng Hy Lạp, động từ trong câu Maccô sử dụng khi viết: “Ngài đỡ bà ấy dậy” (c.31b) cũng chính là động từ sau này Maccô sẽ dùng để nói về Chúa Giêsu: “Ngài đã chỗi dậy (sống lại) (16,6)”. Quả thế, phải đặt mình trong bối cảnh các Kitô hữu ấy, Chúa Giêsu không phải chỉ là một người chữa bệnh lừng danh khi Ngài mới bắt đầu sứ vụ. Qua việc Ngài sống lại, Ngài còn được nhìn nhận như “Đức Kitô và như vị Chúa Tể” (Cv 2,36) Đấng hằng ngày tiếp tục cứu vớt kẻ tội lỗi, lôi họ ra khỏi cõi chết. Ngài là Đấng Cứu Độ làm cho kẻ từng bị sự ác đè xuống được đứng dậy. Và khi cho thấy bà cụ được khỏi bệnh lập tức ấy liền bắt đầu phục vụ các vị khách của bà (x. c. 31c), chắc chắn Maccô nghĩ ngay đến việc các Kitô hữu được mời gọi “phục vụ” Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế không ngừng giải thoát các tín hữu Ngài khỏi sự dữ để sắp đặt họ vào công việc của Ngài. Chúng ta được mời gọi thường xuyên đọc lại trang Tin Mừng này dưới hai cấp độ. Trước hết đây là hành vi có tính lịch sử của Chúa Giêsu. Người ta cảm nhận rõ ràng chiều kích lịch sử của biến cố được tường thuật. Tuy nhiên cấp độ thứ hai còn quan trọng hơn. Chúng ta phải đọc lại các hành vi cử chỉ của Chúa Giêsu được ghi chép cho cộng đoàn Kitô hữu, dưới ánh sáng Phục Sinh của Ngài, lúc bấy giờ, chúng ta sẽ luôn đặt niềm tin vào vị “Chúa Tể” hiện vẫn đang hoạt động nhằm cứu độ Giáo Hội cũng như trần gian. Câu chuyện chữa bệnh cho nhạc mẫu Phêrô đã gây thú vị rất nhiều cho những sử gia muốn tìm kiếm các chi tiết thấy nơi trình thuật trên một “kỷ niệm tận mắt” của nhân chứng Phêrô. Qua câu chuyện này người ta biết được vị thủ lãnh tương lai của nhóm Mười Hai (3,16) lúc ấy đã có vợ. Chẳng biết là hành động phục vụ Chúa Giêsu và các bạn Ngài của nhạc mẫu Phêrô lúc đó vắng mặt hay đã qua đời không? Chúng ta không thể biết được; và cũng không thể dựa vào chứng lý của Phaolô (trong 1Cr 9,5) là Phêrô có dẫn theo vợ Ngài trong khi thi hành sứ vụ, để giải đáp vấn nạn được nêu ra. Một thành công rực rỡ (1,32-34) Đoạn văn ngắn gọn này được ví như “bản tóm tắt” các hoạt động của Chúa Giêsu kể từ khi Ngài khởi đầu sứ vụ. Nó kết thúc một chuỗi sự kiện được Maccô chú ý ghi lại dưới tựa đề “Cái ngày tại Caphanaum” (bắt đầu với 1,21). Maccô muốn nhấn mạnh sự thành công rực rỡ trước đám đông của Chúa Giêsu với tư cách người chữa bệnh và trừ tà (c. 32-33). Hẳn người ta ngạc nhiên vì số lượng đông đúc người tuốn đến. Khi nói rằng “cả thành”, Maccô chắc chắn đã khuếch đại biến cố này để mang lại cho nó trọn vẹn mọi chiều kích. Thông qua các nguồn tài liệu liên quan đến dân Do Thái cũng như dân ngoại thời Chúa Giêsu, người ta được biết rõ là đám quần chúng bình dân rất háo hức xem phép lạ. Ngoài các loại thuốc thang thông thường rất đắt mà lại không hiệu quả cao (x. 5,26), dân chúng còn tìm đến đủ thứ thầy trị bệnh, thầy trừ tà, thầy pháp… Nhờ khả năng điều trị phi thường nên Chúa Giêsu đã mau chóng được lừng danh (c.34a), chẳng một ai dám nghi ngờ Đức Giêsu Nadaret là một mẫu người đặc biệt có tài hấp dẫn, mê hoặc kẻ khác. Một truyền thống sau này của Do Thái có ghi nhận rằng sở dĩ Chúa Giêsu bị chết treo là vì “Ngài dùng trò ma thuật, quyến rũ và mê hoặc dân chúng”. Tuy nhiên nếu Maccô ghi nhận rõ ràng Chúa Giêsu đã thực hiện vô số việc chữa bệnh và trừ ta thì ông vẫn cẩn thận cho thấy các hành vi cứu độ này được thực hiện ngay giữa sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu không phải là một tay chuyên làm phép lạ. Ngài chỉ trưng ra “các dấu chỉ” cho thấy Vương Quốc Thiên Chúa đã đến qua bản thân Ngài (1,15). Đàng khác, Maccô đã kết thúc bản tóm tắt hoạt động chữa bệnh của Chúa Giêsu bằng lệnh cấm các thần dữ không được phổ biến cho mọi người biết Ngài là ai (c.34b). Đây là một lối diễn tả mới mẻ về “Bí mật Đấng Mêsi” từng được nhiều người lưu tâm. Chúa Giêsu rất muốn đáp lại lời kêu cầu đáng thương của đám đông, thế là Ngài mang đến ơn cứu độ cho họ. Tuy nhiên Ngài buộc phải ngăn cấm ma quỷ không được tiết lộ quá sớm tư cách Mêsia của Ngài (1,24). Thực ra, ngay lúc này đây, tiết lộ điều đó là không hợp thời, là vô tình khiến dân chúng hiểu lầm rằng Chúa Giêsu đến tiêu hủy mọi sự dữ đang bủa vây họ bằng một cây đũa thần. Quả thực trong cơn nóng lòng chờ đợi “thời sau cùng”, đám người đương thời của Chúa Giêsu rất náo nức đón nhân “các dấu chỉ và phép lạ” được các tiên tri loan báo (x. 13,22). Tuy nhiên, Đấng Mêsia đặc biệt không muốn chiều theo những dụ dỗ của ma quỷ mà đám người hâm mộ Ngài đòi hỏi (x. Các cơn cám dỗ theo Matthêu 4,1-11). Các tước hiệu “Đức Kitô” và “Con Thiên Chúa” chỉ có thể được cắt nghĩa đúng đắn dưới ánh sáng cuộc tử nạn và Phục Sinh của Ngài. Vì vậy trong toàn bộ cuốn Tin Mừng của ông, Maccô đã tự gán cho mình bổn phận nhắc đi nhắc lại lệnh Chúa Giêsu truyền giữ kín về Ngài (1,44; 3,12; 5,43; 7,24b.36; 8,30; 9,9.33). Như thế, Maccô mời gọi độc giả tự hỏi về thân thế và sứ vụ đích thực của Chúa Giêsu mà ông chưa đưa ra câu trả lời. Câu trả lời vẫn cứ lửng lơ đấy. Cho đến khi rõ ràng ai nấy đều biết là Đấng Mêsia đã chỉ cứu độ loài người qua con đường tử nạn (8,29-33). Từ đó, mới lộ ra quy tắc ngộ nghĩnh của Tin Mừng này –mọi “bí mật” về thân thế Chúa Giêsu chẳng qua là để lôi kéo độc giả chú ý đến câu hỏi nền tảng Maccô đặt ra cho họ: “Vậy Đức Giêsu Nadaret là ai?” và rồi người ta sẽ trả lời ngay: “Hãy đi theo người dẫn đường…”. Cầu nguyện và thi hành sứ vụ (1,35-39) Maccô có khuynh hướng đưa ra các tương phản sau khi trình bày hoạt động sôi nổi của Chúa Giêsu qua việc phục vụ đám đông (1,32-34), giờ đây Maccô đưa ra hình ảnh đối chọi về vị đạo sư thèm được sống trong cô tịch và kết hợp với Thiên Chúa (c.35). Chắc hẳn là sau bao mệt mỏi của ngày hôm trước, giờ đây phải khá can đảm Chúa Giêsu mới có thể dậy sớm lén các bạn bè đang còn say giấc nồng để tìm một chốn cô liêu cầu nguyện. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu sẽ còn được Maccô đề cập tới (6,46; 14;35-39) ở mỗi chặng đường quan trọng trong sứ vụ của Chú. Ở đây người ta dễ dàng nắm được nội dung bản văn: Chúa Giêsu không muốn để cho mình bị cuốn trôi bởi cơn sóng của đám quần chúng đang mê mẩn vì bao phép lạ Ngài đã làm. Ngài cần suy nghĩ về tính cách nghiêm trọng của sứ mệnh Ngài. Rõ rànglà các môn đệ đi tìm kiếm Chúa Giêsu (c.36). Họ chẳng hề cảm thấy sự mơ hồ mà việc chữa trị thành công của Chúa Giêsu gây ra cho đám quần chúng (1,32-33). Sự kiện đám quần chúng đang mê mẩn chạy theo Chúa Giêsu đã mang một dạng thức khẩn trương đầy nguy hiểm. Vị đạo sư phải cảnh giác các bạn hữu mình chớ có đưa ra một cắt nghĩa lệch lạc nào về vai trò của Ngài (c. 38). Nêu ra cho họ điểm trọng yếu là điều tối quan trọng. Chúa Giêsu nhắc họ những gì là then chốt trong sứ mệnh của Ngài. “Chúng ta hãy đi chỗ khác…” điều này có nghĩa là sứ vụ đòi hỏi phải “lên đường” đi đây đi đó. Mục đích của Ngài đâu phải là phô diễn phép lạ. Đó chẳng qua chỉ là dấu chỉ về quyền năng đi kèm, theo tin vui về Ơn Cứu Độ. Chính tin vui này mới là điều thiết yếu. Ngay từ khi khởi đầu sứ vụ rao giảng. Chúa Giêsu đã không hành động vì một lý do nào khác. Bổn phận của Ngài rất rõ ràng là bằng lời nói và việc làm, công bố cho mọi người “Nước Thiên Chúa đã kề bên họ”, phải nhờ đức tin mà đón nhận Tin Mừng (1,14-15). Lời xác nhận cho ý định ấy của Chúa Giêsu rất rõ ràng: “Vì Thầy đến cốt để làm việc đó” (c. 38d). Câu nói: “Vì Thầy đến” mang đầy ý nghĩa cao với. Trong Phúc âm Gioan, để diễn tả sứ mệnh bao quát của mình, Chúa Giêsu sau này sẽ nói rằng “Ngài đến từ Thiên Chúa”, đây là một lời xác nhận về thiên tính của Ngài (Ga 8,42; 13,3; 16,27-28). Bản văn đã kết thúc bằng một hành vi mang đặc tính phổ quát (c.39). Người ta nhận ra Caphanaum chỉ là một điểm tựa trong hành trình thi hành sứ vụ. Chúa Giêsu loan báo Tin Mừng “trong toàn xứ Galilê thuộc mạn bắc của Palestin, không có biên giới phân cách rõ rệt với các dân ngoại sống chung quanh. Đây là một mảnh đất tuyệt vời để thi hành một sứ vụ mở rộng cho tất cả mọi người. Ở đây, Chúa Giêsu rao giảng trước tiên trong các nguyện đường Do Thái là nơi dân chúng thường tập trung cầu nguyện và nghe giảng dạy Kinh Thánh (1,21). Ngài bổ sung lời rao giảng bằng các hành vi trừ quỷ để minh họa cho dân chúng quyền uy tối thượng của Ngài (1,27). Chương này rất quý báu vì nó xác nhận rằng vị Đạo Sư đã biết liên kết thật kỳ diệu mọi đòi hỏi liên quan đến việc trình bày cho mọi người sứ mệnh “Mêsia” của Ngài, nghĩa là Ngài biết liên kết việc cầu nguyện với việc loan báo Tin Mừng và với các “dấu chỉ” minh xác về thân thế Ngài. |