Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm B |
MỘT GIÁO HUẤN CÓ UY QUYỀN |
Chú giải mục vụ của Jacques Hervieux |
Trong đoạn văn trên đây, ở ngay đầu Tin Mừng, Maccô cho ta một trình thuật cô đọng và rất có ý nghĩa về sinh hoạt mang tính “Mêsia” của Chúa Giêsu: lời Ngài giảng dạy nối liền với một cuộc trừ quỷ. Lời mở đầu bản trình thuật thật là rõ ràng (c.21). Sự kiện xảy ra ở Caphanaum. Thị trấn này nằm dọc theo bờ hồ Galilê. Chúa Giêsu dùng nơi này như trung tâm của việc rao giảng và là chốn qua lại trong công cuộc truyền giáo (9,33), cũng như những người Do Thái đạo đức thời ấy, Chúa Giêsu năng lui tới “hội đường”. Nơi đó người ta tụ họp để cầu nguyện và nghe lời Thiên Chúa. “Ngày Sa bát”, ngày thứ bảy trong tuần, là ngày nghỉ được thánh hiến cho Thiên Chúa (St 2,2-3). Ta biết việc phụng tự ở hội đường diễn ra thế nào trong ngày đó (Cv 13,14-15). Sau khi đọc một đoạn luật Môsê và sách tiên tri, người ta mời một người lớn tuổi cho lời dẫn giải về những đoạn Kinh Thánh vừa đọc. Nhân dịp này, Chúa Giêsu lên tiếng giảng dạy (x. Lc 4,16-22). Các ký lục ngồi ở hàng đầu. Bốn lần (c. 21b-22 và 27) Maccô nhấn mạnh về “giáo huấn” của Chúa Giêsu. Hiếm khi thấy trong cuốn Tin Mừng này ông cho ta biết nội dung của “giáo huấn” ấy. Nhưng ông lại nhấn mạnh tới tính độc đáo của giáo huấn. Sự hiểu biết của Thầy vượt xa hẳn các ký lục (c.22). Là thủ lãnh bè biệt phái, các ký lục là những nhà thông thái. được các kinh sư nổi tiếng đào tạo về Thánh Kinh, họ là những người diễn giải Sách Thánh có thẩm quyền, nhưng giáo huấn của họ lại dựa trên những truyền thống của các bậc thầy họ. Còn Chúa Giêsu, Ngài không giảng dạy như các ký lục, nhưng Ngài giảng dạy với uy quyền đến từ Thiên Chúa. Ở đây từ Hy Lạp “uy quyền” có nghĩa rất mạnh. Từ này được lấy ở một đoạn Thánh Kinh Cựu Ước, trong đó Thiên Chúa ban cho Đấng Mêsia của Ngài một “Quyền lực” tối thượng (Đn 7,13-14). Chúa Giêsu đã cho thấy sự trổi vượt của Ngài trên các bậc kinh sư Do Thái (c. 23-24). Để hiểu được tính khác thường của đoạn văn này, ta cần biết rằng vào thời Thượng cổ tất cả những sự dữ mà con người phải chịu đều được quy trách cho ảnh hưởng độc hại của thần dữ. Diễn tiến của câu truyện như ta thấy cũng đã được dùng trong các trình thuật về phép lạ nơi người Do Thái và người dân ngoại thời Chúa Giêsu. Đó là một “nghi thức trừ tà”. Lược đồ tổng quát giống hệt nhau. Người trừ tà bắt tay vào cuộc chiến với thần dữ. Một trong hai bên sẽ xướng tên của đối thủ. Trong thế giới Sêmit, biết tên của ai là có ưu thế hơn người ấy. Ở đây, thần dữ biết rõ căn cước của Chúa Giêsu: Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”, tức là Đấng Mêsia. Nhưng thần dữ xưng ra điều này với dáng vẻ sợ hãi. Nó cảm nhận được Chúa Giêsu đến tiêu diệt nó và đồng bọn. Đúng vậy: Đấng Mêsia lâm trận lần cuối cùng dẹp tan sức mạnh của sự dữ (x. 3,22-30). Chính vì thế Chúa Giêsu tỏ ra mạnh thế. Ngài xua đuổi thần dữ bằng một lời uy quyền (c. 25-26). Giống như các câu truyện của thời bấy giờ, việc xua đuổi “quỷ” được Maccô thuật lại với những hiện tượng mắt thấy tai nghe: nạn nhân vặn vẹo thân mình và kêu một tiếng lớn. Không có gì đáng sợ cả. Nhưng điều đáng lưu ý chính là những mệnh lệnh Chúa Giêsu truyền cho thần dữ: “Câm đi!”. Lệnh truyền thật quyết liệt. Lệnh này có ý nhắm tới lời bộc lộ của thần dữ: “Tôi biết ông là ai rồi, ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (c. 24b). Tại sao Chúa Giêsu lại cấm nói về căn cước của Ngài cách nghiêm ngặt như thế? Đó là phát biểu đầu tiên mà người ta gọi là “bí mật về Đấng Mêsia” trong Tin Mừng Maccô. Chúng ta sẽ thấy, trong suốt cuốn Tin Mừng này, Chúa Giêsu kién quyết bắt ma quỷ phải giữ kín căn cước của Ngài (1,34b; 3,12v.v…) cũng như Ngài cấm những người được chữa lành và các môn đệ tuyên xưng, dù chỉ phần nào, tính “Mêsia” của Ngài (1,43-44a; 7,36a; 8,31 v.v…). Dường như Maccô đã hình thành nên một thái độ thường xuyên của Chúa Giêsu đối với những quan niệm dân gian ở thời Ngài. Trong niềm khát mong Đấng Mêsia, người Do Thái chờ đợi một nhân vật mang ít nhiều tính thần thoại. Người ta tin rằng, với một chiếc đũa thần Đấng Mêsia sẽ thay đổi kiếp sống của con người trên mặt đất. Ngài sẽ biến hoang địa thành một kho chứa đầy cơm bánh (Mt 4,3). Ngài sẽ tiêu diệt hết mọi bệnh tật (Mt 4,24). Một số người còn ngĩ rằng, chẳng biết Ngài đến từ đâu, nhưng Ngài sẽ không chết (Ga 12,34). Đối với Chúa Giêsu, để cho người ta công bố quá sớm Ngài là Đấng “Kitô” là “Con Thiên Chúa” là khuyến khích sự tin tưởng sai lầm của người dân về Đấng Mêsia và gây tổn hại lớn cho việc biểu lộ tiệm tiến sứ vụ và thân thế đích thực của Ngài. Theo Maccô, thực ra chỉ có cuộc tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu mới mạc khải được dung mạo đích thực của Đấng Mêsia mà người ta phải tin tưởng. Trước khi những biến cố mặc khải trọn vẹn này xảy ra, ta nên theo lệnh Thầy là giữ im lặng. Giống như lúc khởi đầu, trình thuật này kết thúc bằng việc cố ý nhấn mạnh tới sự mới mẻ mà Chúa Giêsu mang đến: một lời cứu độ hoàn toàn hiệu nghiệm như Lời của Thiên Chúa. Ta hiểu được sự kinh ngạc và nỗi thắc mắc bao trùm trên đám đông dân chúng (c. 17a). Chúa Giêsu vừa làm xong một điều chưa từng thấy. Ngay trong ngày Sabbat, ngày nghỉ ngơi bất khả xâm phạm, Chúa Giêsu biểu dương uy quyền tuyệt đối trên sức mạnh của thần dữ. Bởi đâu Ngài có uy quyền thế này? Người ta thắc mắc hỏi nhau như thế. Và thắc mắc này còn gặp thấy qua suốt cuốn Tin Mừng: “Ông Giêsu Nadaret” này là ai vậy? Sau cùng, Maccô chỉ còn việc cho ta thấy rõ danh tiếng Chúa Giêsu lan rộng khắp xứ Galilê sau vụ chữa lành này (c.28) |