Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm B |
CHIẾN ĐẤU CHỐNG LẠI ÁC THẦN |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Tiên tri là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để loan báo Lời Chúa cho mọi người, nhắc nhở mọi người biết sống theo lề luật và thánh ý Thiên Chúa, hướng dẫn dân chúng sống giao ước với Thiên Chúa. Trong Cựu ước, đời sống của dân Chúa luôn có sự hướng dẫn của các tiên tri mà Thiên Chúa luôn ban cho họ. Môisen là vị lãnh đạo và cũng là vị tiên tri đã lãnh đạo dân do thái từ đất Ai cập để đi đến đất hứa. Ông vừa là nhà lập pháp và cũng là nhà hành pháp. Chế độ các tiên tri vẫn tồn tại vào thời quân chủ khi những người do thái đã có vua cai trị. Các tiên tri vẫn là những người đồng hành với dân chúng để nhắc nhở họ, và trong thời gian ưu phiền sầu khổ vì bị lưu đày, các tiên tri là những người an ủi họ và nhất là củng cố tinh thần cho họ, làm cho họ được vững vàng trong những gian truân thử thách và biết tin tưởng hướng về tương lai. Chính các tiên tri loan báo cho họ những lời hứa cứu độ và giải thoát . Vào thời Môisen, những người do thái vẫn ghi nhớ cách đặc biệt lời tiên báo của ông về một vị tiên tri mà Thiên Chúa sẽ cho trỗi dậy từ giữa dân để ở với dân Chúa và nói cho họ những lời và mệnh lệnh của Thiên Chúa. Vị tiên tri này cũng sẽ rất mạnh mẽ như Môisen trong lời nói và hành động. Tin mừng theo Máccô thuật lại trong chương đầu một trình thuật cô đọng và ý nghĩa của hoạt động cứu độ của Đức Giêsu, vị tiên tri đầy quyền năng mà Môisen đã tiên báo. Chúa Giêsu khởi đầu rao giảng trong miền Capharnaum và theo thói quen những người do thái, người vào hội đường vào ngày thứ bảy là ngày hưu lễ và là ngày thánh hóa của họ. Trong hội đường có một người bị quỉ ô uế ám và nó la to lên: “Hỡi ông Giêsu Nazarét, phải chăng ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Trong thế giới cổ thời, người ta thường qui những bệnh tật cho quỉ thần. Ở đây, ma quỉ biết Đức Giêsu và kêu tên của người. Cũng trong thế giới cổ thời này, biết và kêu tên của ai cũng là có quyền năng trên người đó một cách nào đó. Ma quỉ kêu tên Chúa Giêsu, nhưng ngược lại nó cảm thấy không thể có quyền năng gì trên người cả, mà ngược lại nó còn cảm thấy rằng chính người đến để tiêu diệt nó, bởi vì người là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Quả đúng như vậy, Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa đầy quyền năng, người đến để kết thúc quyền lực của ác thần và ma quỉ trên con người. Vì thế, bằng một lời truyền khiến đầy uy quyền, người trục xuất ma quỉ ra khỏi người bệnh : “câm đi và ra khỏi người này”. Ở đây, theo cách thuật chuyện của thời xưa, việc xua đuổi ma quỉ ra khỏi một người được kể kèm theo những cảnh đáng sợ, “quỉ vật người đó và hét lên một tiếng lớn và thoát ra khỏi người đó”. Thật ra, điều chúng ta cần ghi nhận trong tường thuật của Tin mừng, đó là lời truyền khiến đầy uy quyền của Chúa Giêsu trên ác thần để xua trừ chúng ra khỏi con người. Người đã truyền khiến cho ma quỉ ra khỏi người bệnh một cách dứt khoát mạnh mẽ khiến cho dân chúng chứng kiến đều phải kinh ngạc và tự hỏi: “điều gì đây? một giáo huấn mới đầy uy quyền, người truyền khiến cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh người”. Thực vậy, câu chuyện của bài Tin mừng thuật lại cho chúng ta một trong những chạm trán đầu tiên của Đức Giêsu với ác thần ma quỉ, cuộc đối đầu giữa sự thánh thiện và sự dữ. Loại trừ ác thần và sự dữ là công việc cứu độ mà Đức Giêsu được sai đến thế gian để thực hiện, và người đã thực hiện điều này với uy quyền Thiên Chúa bởi vì người là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Sự thánh thiện thì thuộc về Thiên Chúa , ác thần ma quỉ là những gì chống lại Thiên Chúa. Chúa Giêsu có uy quyền không đơn giản bởi vì người thuộc về Thiên Chúa, nhưng còn bởi vì người chính là Thiên Chúa, là nguồn gốc của mọi quyền bính, mọi chân lý và mọi sự thiện. Quyền bính của Chúa Giêsu tuôn trào từ chính bản tính Thiên Chúa của người, là nguồn gốc của mọi sự sống và sự thánh thiện. Người tín hữu cũng phải đối diện với nhiều cuộc chiến giữa thiện và ác trong cuộc đời của mình. Khi chúng ta càng lúc càng lớn lên và già đi, những cuộc chiến này càng lúc càng trầm trọng hơn. Chúng ta phải đối diện với những chọn lựa giữa những ơn Chúa giúp chúng ta lớn lên trong đời sống thánh thiện và sự dữ tội lỗi mà ác thần lôi kéo chúng ta phạm tội làm mất tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa và với người khác. Để chiến thắng những sức mạnh của sự dữ, chúng ta phải thuộc về Thiên Chúa, phải là những người thánh thiện. Thực ra, người tín hữu vốn có uy quyền của chính Chúa Giêsu để tiêu diệt sự dữ trong lòng mình, bởi vì từ khi lãnh bí tích rửa tội, họ đã thuộc về Chúa và nhận lãnh những quyền bính của chính Chúa Giêsu, họ là những người thánh thiện của Thiên Chúa. Qua bí tích rửa tội, Chúa Giêsu ban tặng cho người tín hữu đời sống thần linh thánh hóa họ, và cũng ban tặng cho họ quyền năng để chiến thắng ác thần sự dữ. Một cách cụ thể, thánh Phaolô trong bức thư gửi giáo đoàn Corintô, nói đến điều kiện của những người tín hữu. Họ là những người đã lãnh nhận Bí tích rửa tội, tức là họ đã được thánh hóa và lãnh nhận đời sống thần linh và dĩ nhiên là họ cần tìm cách để khai triển hiệu quả đời sống thần linh này. Có hai bậc sống được đặt ra mà họ cần suy xét để chọn lựa. Những người nam và nữ lập gia đình và những người không lập gia đình. Những người nam nữ không lập gia đình sẽ có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về Chúa và quan tâm làm đẹp lòng Chúa, trái lại những người nam nữ lập gia đình sẽ bị chi phối nhiều hơn về việc đời, làm sao để làm vừa lòng vợ hay chồng, và vì thế tâm hồn của họ bị chia sẻ, họ không còn có đủ thời gian để phục vụ Chúa và sống mật thiết với Chúa. Cái nhìn của thánh Phaolô thì chân thành và giúp chúng ta nhận ra những điều tốt đẹp của đời sống độc thân để dành nhiều thời gian tìm kiếm Thiên Chúa. Vào thời thánh nhân, trong Giáo hội chưa có những hình thức đời sống tu trì với những dòng tu như chúng ta ngày nay, thánh nhân chắc đã tiên cảm về lợi ích của đời sống này mà chúng ta sẽ thấy phát triển rất mạnh mẽ vào thế kỷ thứ IV trong Giáo hội với phong trào đan tu, nhiều người sẽ dấn thân vào đời sống đan tu với lý tưởng tìm kiếm Thiên Chúa và kết hợp mật thiết với Chúa nhờ đời sống chuyên cần cầu nguyện và suy ngắm Thánh Kinh. Chúa Giêsu đã chứng tỏ người thực là uy quyền trong lời nói và việc làm và trong ý chí của người chống lại ma quỉ và ác thần. Những người trong hội đường đã rất ngạc nhiên về lời giảng dạy và uy quyền của người trên ma quỉ. Người tín hữu cũng được mời gọi cùng với Chúa Giêsu khai triển đời sống thần linh đã lãnh nhận để chiến đấu chống lại ma quỉ và ác thần. Qua đời sống hằng ngày, người tín hữu được mời gọi kết hợp với Chúa Giêsu nhiều hơn nữa bằng cách lắng nghe lời Chúa, bằng đời sống cầu nguyện và hy sinh chu toàn công việc bổn phận cách trung tín và khiêm nhường. Người tín hữu luôn nhận thức là họ đã nhận đời sống thần linh và họ càng lúc càng phải làm cho đời sống thần linh này được lớn lên trong chính mình bằng những cố gắng để chiến đấu chống lại những cám dỗ của ma quỉ luôn rình rập họ, lôi kéo họ lạc xa khỏi đời sống thần linh, làm cho họ mất đi tương quan sự sống thần linh với Thiên Chúa. |