Chúa Nhật IV Thường Niên - Năm B |
HÃY TIN THEO ĐỨC GIÊSU |
Lm Giuse Đinh lập Liễm |
A. DẪN NHẬP.
Ngày xưa, Thiên Chúa đã dùng các tổ phụ và các tiên tri để tuyên sấm lời Chúa, nhắc nhở cho dân Do thái biết thi hành những nhiệm vụ của họ. Nhưng thời sau cùng, Thiên Chúa không dùng các ngài nữa mà dùng chính Con của Ngài mà dạy dỗ. Đó là Đức Giêsu Kitô. Ngài là một Ngôn sứ tuyệt hảo của Thiên Chúa mà Maisen đã loan báo như trong bài đọc 1 hôm nay.
Ngài trực tiếp đến dạy dỗ loài người như một Đấng uy quyền chứ không như các luật sĩ chỉ nhắc lại những lời dạy của người xưa, không thêm không bớt một chữ. Đức Giêsu đến dạy một giáo lý mới mẻ cùng với phép lạ như trừ qủi, làm cho dân chúng hết sức kinh ngạc. Ngài dạy giáo lý riêng của Ngài, có khi loại bỏ, có khi sửa chữa, có khi hoàn chỉnh những lời dạy của người xưa, khi Ngài nói :”Còn Ta, Ta dạy rằng...”.
Chúng ta đã được biết Ngài qua đức tin, đã được học biết giáo lý của Ngài nên chúng ta phải quyết tâm theo Ngài vì chỉ mới Ngài mới có lời ban sự sống đời đời. Chính Ngài là thủ lãnh của đời ta, là thần tượng của sự chọn lựa của chúng ta, nên chúng ta phải quyết tâm tin theo Ngài và phụng sự Ngài cách triệt để trong mỗi hoàn cảnh sống của mỗi người.
B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA.
+ Bài đọc 1 : Đnl 18,15-20.
Để đi về đất hứa, dân Do thái đã phải trải qua một thời gian dài 40 năm trong sa mạc. Trước khi vượt qua sông Giorđan để vào đất hứa mà Chúa đã hứa với cha ông họ, ông Maisen thấy mình không được vào đất hứa và thấy mình đã gần đất xa trời, ông yên ủi dân chúng, khuyên họ đừng buồn tiếc về việc ông ra đi. Đàng khác, ông nói tiên tri cho họ rằng Thiên Chúa sẽ cho nổi lên một vị Tiên tri tài danh nhất trong lịch sử, không những không kém gì ông mà còn trổi vượt hơn ông để dẫn dắt họ. Đấng Tiên tri tuyệt hảo đó sẽ là Đấng Kitô, Đấng Trung gian toàn hảo vì Người vừa là Con Thiên Chúa và vừa là con loài người.
+ Bài đọc 2 : 1Cr 7,32-35.
Thánh Phaolô bày tỏ quan niệm riêng của Ngài về vấn đềà hôn nhân và độc thân. Ngài giải thích lý do tại sao ngài thích bậc độc thân hơn vì nó cho phép người ta chuyên lo “việc Chúa” trong lúc ngày tận thế đã gần kề và nhân loại không cần sinh sôi nữa. Trong hoàn cảnh như thế, tốt hơn hết là gắn bó “trọn vẹn” với Chúa.
Một lần nữa, chúng ta thấy vị Tông đồ phán đoán mọi sự vào một sự tuyệt đối duy nhất. Và ngài cũng không hề hạ giá hôn nhân : khi nói đến hôn nhân, ngài cũng sẽ qui chiếu nó về tình yêu của Chúa (x. Ep 5,21-33).
+ Bài Tin mừng : Mc 1,21-28.
Trong đoạn này, thánh Marcô cho thấy Đức Giêsu Kitô là một Tiên tri ngoại hạng mà Maisen đã tiên báo. Ngài là một Tiên tri có uy quyền trong lời nói và hành động.
* Uy quyền trong lời nói : Trong khi những luật sĩ kèn cựa bàn cãi không dứt về những đoạn văn của Kinh thánh, thì Đức Giêsu khẳng định : Ngài không lặp lại học thuyết của người khác, mà trình bầy học thuyết của Ngài, ví dụ Ngài nói :”Còn Ta, Ta dạy rằng...”.
* Uy quyền trong hành động : Ngài chỉ cần nói một lời thì qủi ô uế phải xuất khỏi người bị nó nhập, đến nỗi khán thính giả phải thốt lên :”Ngài dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả các thần ô uế”.
C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA.
Tin theo Đấng có uy quyền.
I. ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG RẤT UY QUYỀN.
Ngay sau khi tới Capharnaum, ngày hưu lễ tiếp theo đó, Đức Giêsu không để mất thì giờ, Ngài hoạt động liền. Hồi bấy giờ xứ Palestine có nhiều hội đường. Những thành phố nhỏ cũng có.
1. Cách tổ chức hội đường.
Hội đường khác với đền thờ. Hội đường thì có nhiều, còn đền thờ thì chỉ có một ở Giêrusalem. Một buổi họp lại ở hội đường chỉ gồm 3 việc : cầu nguyện, đọc Lời Chúa và giảng giải lời ấy. Không có cử nhạc, hát xướng, cũng không có dâng của lễ. Có thể nói : đền thờ là nơi thờ phượng và dâng của lễ, còn hội đường là nơi dạy dỗ chỉ bảo.
Luật pháp qui định rằng bất cứ nơi nào có 10 gia đình Do thái, thì phải có một hội đường. Do đó, bất kỳ nơi nào một nhóm người Do thái định cư thì có một hội đường. Nếu ai đó có một thông điệp mới muốn truyền đạt thì hội đường đúng là nơi thuận tiện cho người ấy trình bầy. Đức Giêsu cũng biết lợi dụng tập tục này để giới thiệu giáo thuyết của mình.
2. Sinh hoạt trong hội đường.
Việc phụng vụ trong hội đường chia làm hai phần : phần đầu là phần phụng vụ thực sự. Trong phần này, người ta hát các bài chúc tụng Chúa. Phần thứ hai là phần giáo huấn, người ta đọc sách Luật hoặc các tiên tri. Đọc rồi, ông hội trưởng hoặc chính ông mời vị nào có tiếng, cắt nghĩa đoạn văn đó.
Khi mọi người họp lại trong hội đường và buổi họp bắt đầu thì ông trưởng hội đường có nhiệm vụ chỉ định người có trách nhiệm giảng giải, trình bầy kinh điển hay một thông điệp mới. Không có người chuyên nghiệp làm việc này. Chính vì thế, Đức Giêsu có thể lợi dụng dịp thuận tiện này để trình bầy thông điệp mới mẻ của mình. Khi Đức Giêsu giảng dạy trong hội đường, cả phương pháp lẫn bầu khí giảng dạy của Ngài đều như một sự mạc khải mới mẻ. Ngài không dạy như các luật sĩ là các chuyên viên về luật pháp. Các luật sĩ này là ai ? Theo người Do thái, điều thiêng liêng nhất trên đời là Luật pháp và kinh Torak. Trái tim của luật pháp là Mười điều răn, nhưng người Do thái hiểu luật pháp là 5 quyển đầu của Cựu ước mà ta gọi là Ngũ kinh (Pantateuch). Theo người Do thái, luật pháp ấy đến hoàn toàn từ Thiên Chúa. Họ tin rằng luật pháp vốn được Thiên Chúa trực tiếp trao cho Maisen, nó hoàn toàn thánh khiết và có tính cách ràng buộc tuyệt đối.
3. Đức Giêsu giảng dạy tại hội đường.
Ngày hưu lễ hôm đó, Đức Giêsu được mời chú giải đoạn văn vừa đọc, có lẽ cũng là đoạn văn Ngài đã chú giải ở Nazareth, thánh Luca kể lại (Lc 4,16-22). Ngài đã làm kinh ngạc mọi thính giả.
Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền. Thính giả mỗi ngày một đông, gồm đủ thành phần. Nhưng ai nấy đều nhận định rằng : Ngài không dạy như các luật sĩ. Các ông này thường nại đến thế giá những người xưa. Lý tưởng các ông là trao lại nguyên vẹn giáo lý họ đã lãnh nhận, không thêm mà cũng không bớt. Trái lại, về mọi vấn đề, Đức Giêsu cóù sẵn mọi cái để giải quyết. Ngài cũng chẳng ngần ngại dạy những điều đi ngược với người xưa, hoặc sửa lại cho hoàn hảo. “Đã nói cho người xưa rằng...Phần Ta, Ta bảo các ngươi”(Mt 5,21t).
Nói tóm lại, các luật sĩ là tiếng nói của tập truyền, còn Đức Giêsu là tiếng nói riêng của Ngài. Ngài có cả quyền chuẩn y hoặc khước từ hoặc sửa sai tập truyền nữa. Lẽ dĩ nhiên kẻ cho mình cái quyền này, trong thời gian mà các luật sĩ và biệt phái dành cho mình độc quyền thiêng liêng, thì tất nhiên là con người hành động “như có uy quyền”.
4. Đức Giêsu chữa người bị qủi nhập.
Đức Giêsu tỏ ra có uy quyền trong lãnh vực giáo thuyết, Ngài còn tỏ ra có uy quyền trên lãnh vực hành động và biểu lộ quyền năng ấy bằng phép lạ chữa khỏi người bị thần ô uế ám để chứng minh giáo lý Ngài dạy.
Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Marcô thuật lại :”Trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng : Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi” ? Thần ô uế đây là ma qủi : chữ “ô uế” trong Tân ước gắn liền với chữ “qủi” tới 23 lần. Ma qủi tỏ ra khổ cực và khiếp đảm khi gặp Đức Giêsu và Ngài đến để tiêu diệt quyền lực của ma qủi, giải thoát nhân loại khỏi quyền lực ấy. Chính vì vậy, mà ma qủi kêu lên như thầm xin với Ngài để mặc chúng. Qủi đang tuyên xưng danh Ngài thì Ngài quát mắng nó :”Câm đi, và ra khỏi người này”. Nó liền vật ngã người đó xuống, thét lên một tiếng rồi xuấùt ra.
Những khán thính giả đã được nghe và chứng kiến về giáo lý và việc trừ qủi của Đức Giêsu đều kinh ngạc vì họ nhận ra một cái gì mới mẻ nơi Đức Giêsu. Cái mới mẻ đó dẫn được họ tin nhận Chúa là Đấng Cứu thế. Chính vì cái mới mẻ đó mà danh tiếng của Đức Giêsu được lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa. Đức Giêsu đã thực sự trừ qủi trước mặt mọi khán thính giả. Thiết tưởng cũng cần phải phân biệt ma và qủi. Đây là hai loại khác nhau chứ không phải là một mà người Việt nam chúng ta thường gọi chung với nhau là ma qủi. Ma, theo lối hiểu thông thường, là hồn người chết hiện về để ám ảnh, đe doạ hoặc liên hệ gì đó với người sống. Còn qủi là loại thiên thần hư hỏng, đã bị Thiên Chúa đầy xuống hoả ngục. Như vậy, ma có không ? Nhiều người tin mà cũng nhiều người không tin. Nếu hiểu là một loài vô hình như ma xó, ma trơi hay ma này ma nọ... thì không có. Còn nếu hiểu là hồn người chết hiện về thì có, nhưng cũng chỉ xẩy ra trong một số trường hợp rất hoạ hiếm, do sự cho phép đặc biệt của Thiên Chúa, để đương sự nhắn nhủ một điều gì đó với người sống, như thỉnh thoảng nghe nói linh hồn này hay linh hồn kia trở về dương gian trong một vài tích truyện. Còn qủi thì sao ? Phải công nhận là có, vì Kinh thánh đã nói đến nguồn gốc của chúng. Chúng được nhắc đến nhiều lần trong Tin Mừng. Chính Đức Giêsu cũng đã bị chúng cám dỗ (Phạm văn Phượng, Chia sẻ TM Chúa nhật B, tr 52).
II. THEO ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CÓ UY QUYỀN.
1. Hai vương quốc, hai thủ lãnh.
Trong hội đường hôm nay, khi trông thấy Đức Giêsu đầy uy quyền , ma qủi đã phải thốt lên:”Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng thánh của Thiên Chúa” ! Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó:”Câm đi, hãy xuất khỏi người này”. Điều đó chứng tỏ Đức Giêsu có quyền trên ma qủi, và vương quốc Đức Giêsu thiết lập trên trần gian này cũng trổi vượt trên vương quốc của ma qủi.
Trong cuốn “Linh thao” của thánh Ignace de Loyola, thánh nhân có hướng dẫn suy niệm về hai cờ hiệu (étandard) : cờ hiệu của Đức Kitô, vị chỉ huy tối cao và Chúa chúng ta ; cờ hiệu của Lucifer kẻ tử thù của bản tính loài người chúng ta. Đức Kitô kêu gọi và muốn cho mọi người ở dưới bóng cờ Ngài ; và ngược lại, Lucifer (cũng gọi và muốn cho mọi người) ở dưới cờ của nó. Như vậy là có cuộc chiến khốc liệt giữa vương quốc của Đức Kitô và của ma qủi.
Việc Đức Giêsu trừ qủi nói lên rằng vương quốc của Satan từng kìm kẹp nhân loại dưới vòng nô lệ từ khi Adong phạm tội, giờ đây đang nhường chỗ cho vương quốc của Thiên Chúa.
Điều này gợi lên cho chúng ta một vấn nạn : Nếu Đức Giêsu đã khai mạc vương quốc Thiên Chúa 2000 năm trước, thế thì tại sao đến ngày hôm nay điều ác vẫn còn lan rộng ? Hoặc nói cách khác : Nếu Đức Giêsu đã khai mạc vương quốc Thiên Chúa khi Ngài còn sinh thời, thì tại sao vương quốc Satan vẫn còn tác oai tác quái trong thời đại chúng ta ngày nay ? Dĩ nhiên câu trả lời sẽ như sau : Vương quốc Thiên Chúa không đến tức khắc. Đó là một bước tiến từ từ. Nó không phải là biến cố xẩy đến chỉ trong một lúc, mà là một chuyển động liên tục suốt dòng lịch sử. Đức Giêsu đã khai mạc vương quốc Thiên Chúa, nhưng Ngài giao phó cho chúng ta công việc hoàn tất : Đó là lý do tại sao trong lời kinh Lạy Cha chúng ta vẫn cầu khẩn :”Xin cho Nước Cha trị đến”. Chúng ta có thể sánh ví vương quốc Thiên Chúa như một cây non. Đức Giêsu trồng cây ấy, tức vương quốc, vào trong đất, nhưng Ngài giao cho chúng ta nhiệm vụ vun xới, bón phân, tưới nước cho nó. Nhiệm vụ chúng ta là chăm sóc làm sao cho vương quốc ấy sinh hoa kết trái theo ý định Thiên Chúa. (M. Link, Giảng lễ Chúa nhật năm B, tr 191)
2. Theo Đức Giêsu là thủ lãnh.
Giới trẻ ngày nay thích tìm những thần tượng để suy tôn, để bắt chước. Thần tượng của họ chỉ là những diễn viên, minh tinh màn bạc, cầu thủ bóng đá, ca sĩ nhạc trẻ hoặc một nhà chính trị lừng danh. Nhưng những thần tượng đó chỉ nhất thời và cũng không đủ tiêu chuẩn để hướng dẫn đời họ, chỉ có một thần tượng tuyệt hảo là Đức Giêsu, có đủ mọi tiêu chuẩn để hướng dẫn cuộc sống của chúng ta một cách bảo đảm.
- Đức Giêsu là thủ lãnh trên đường đời của ta. Một thủ lãnh lôi cuốn bằng đời sống gương mẫu. Tin mừng hôm nay kể ma qủi khen Đức Giêsu qua miệng của đứa nó ám vào : Tôi biết ông là ai, là Đấng thánh của Thiên Chúa. Khen là Đấng thánh của Thiên Chúa thì chẳng còn cách nói nào khác hơn để ca tụng. Đời sống Chúa còn hoàn toàn hơn lời Ngài dạy. Thánh kinh nói :”Chúa bắt đầu làm rồi mới dạy”(Tđcv 1,1).
- Một thủ lãnh dạy một chủ thuyết đưa tới đời sống ấy. Tin Mừng hôm nay nói :”Người ta kinh ngạc về giáo lý của Ngài, vì Ngài giảng dạy như Đấng có uy quyền, chứ không như luật sĩ”(Mc 1,22).
- Một thủ lãnh cho sức mạnh để thực hiện đầy đủ đời sống ấy. Tin Mừng kể Chúa làm phép đuổi qủi. Việc ấy chứng tỏ Ngài có quyền năng của Thiên Chúa.
Truyện : Theo anh là thủ lãnh.
Một nhà thám hiểm xứ Soudan đã tháo xiềng xích cho một tên nô lệ 12 tuổi. Rồi săn sóc dạy dỗ như con, thằng nhỏ đem lòng mến phục vị đại ân nhân. Giờ thực hiện cuộc mạo hiểm đầy gian nguy đã đến. Nhà thám hiểm không muốn cưỡng bách em bé theo mình. Ông nói : - Này em, anh sắp lên đường đến miền xa lạ. Cuộc hành trình rất mực cam go : Đường đi xa xôi, hành lý nặng nề, nước uống đồ ăn thiếu thốn, những mũi tên tẩm thuốc độc vù vù bên tai, rừng nhiều thú dữ... Em ở lại hay theo anh ? Nếu em theo anh, chúng ta cùng nhau cực nhọc, khi thiếu nước thiếu ăn, anh cũng chịu khát, nhịn đói như em, việc em vẫn nhẹ hơn việc anh. Bây giờ tùy em định đoạt.
Em bé nhìn sâu vào mắt nhà thám hiểm, lúc này đã thành người anh, người bạn và nói : - Theo anh là thủ lãnh của em. Thế là em nhỏ theo anh lên đường. Những quãng đường dài cực nhọc, những ngày nắng không nước, em bé lần lượt nếm cả, chân nứt nẻ máu me, nhưng không coi sao, vì lòng vẫn hăng hái khi thấy người thủ lãnh sốt rét bị thương mà vẫn đi hàng đầu. Sức chịu đựng của con người có giới hạn, mà nguy hiểm vất vả lại cứ tăng, nhiều bạn đồng hành bỏ cuộc. Nhà thám hiểm vừa thương hại, vừa để thử lòng, hỏi em bé :
- Em có bỏ không ? Lời thưa đầy hăng hái rằng : - Em đã chẳng hứa với anh sao ?
Sáu tháng trời qua đi, cuộc thám hiểm thành công rực rỡ. Đàng sau người thủ lãnh tươi như hoa nở, em nhỏ đứng hiên ngang đón nhận những lời hoan hô vang dội.
3. Phục vụ cho thủ lãnh của mình
Sau khi đã tìm ra Đức Giêsu là thủ lãnh của đời ta, chắc chắn chúng ta phải tin theo Ngài, làm môn đệ của Ngài cũng như giới thiệu Ngài cho những người khác. Chúng ta theo gương các tông đồ mà phục vụ Chúa Giêsu và phục vụ cho Nước Ngài lan rộng khắp nơi. Thánh Ignace đã dạy chúng ta cầu nguyện để có tinh thần đó :
“Lạy Chúa Giêsu, xin dạy cho con biết quảng đại, biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho mà không cần tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không cần an nghỉ, biết tận lực mà không chờ phần thưởng nào khác, ngoài sự nhận biết là con đã làm theo thánh ý Chúa thôi”. Amen.
Thánh nữ Têrêsa Hài đồng yêu Chúa rất nồng nàn, thánh nữ chỉ biết yêu trong việc phụng sự Chúa. Không gì làm cho thánh nữ buồn sầu, tất cả những gian lao thử thách chỉ làm cho ngài thêm yêu Chúa. Những ý tưởng ấy được thánh nữ gói ghém trong câu thơ sau đây :
Vâng, con sẽ hát, con còn hát mãi, Dù trăm gai con vẫn hái hoa hồng. Gai càng nhọn, tiếng con hát càng trong Gai càng dài, lời ca càng thánh thót.
Truyện : Phụng sự cho ai ?
Trong kho tàng truyền thuyết của Giáo hội, ta thấy cũng có một câu truyện dụ ngôn về một chàng khổng lồ muốn đi tìm một người mạnh mẽ nhất để phục vụ. Truyện kể rằng : Có một người khổng lồ sống tại vùng đất Canaan chán cuộc sống đơn điệu buồn tẻ, chàng muốn phiêu lưu và quyết tìm cho được một người nào mạnh nhất để phục vụ. Thoạt đầu chàng nghĩ chẳng ai mạnh bằng tướng cướp, nên xin đi theo hộ vệ cho tướng cướp. Nhưng mỗi lẫn sắp đi cướp, viên tướng cướp này phải nhờ đến thầy phù thủy làm phép xuất quân, thế là chàng rời bỏ tướng cướp mà đi theo thầy phù thủy. Một hôm, thầy phù thủy đang đi bỗng gặp một cây Thánh giá thì sợ hãi dừng lại không dám đi tiếp. Thế là chàng khổng lồ bỏ rơi thầy phù thủy đến đứng bên cạnh Thánh giá, để chờ chủ nhân đó đến mà xin đi theo. Chàng cứ đứng đó chờ mãi mà chẳng thấy chủ nhân cây Thánh giá. Tình cờ anh nghe có tiếng gọi thật nhẹ nhàng. Anh quay lại bắt gặp một cậu bé với đôi má phúng phính và mái tóc óng ánh. Cậu bé nhờ anh chàng này đưa cậu qua khúc sống gần đó. Nhận lời, nhắc cậu bé lên vai, người khổng lồ lội xuống dòng sông đang chảy siết. Nhưng kỳ lạ nước mỗi lúc một dâng cao và chảy mạnh. Cậu bé mỗi lúc một đè nặng trên vai, chống chọi với sông nước để cuối cùng đem cẫu bé lên bờ bên kia. Người khổng lồ mới thốt lên: - Này cậu bé, cậu nặng đến độ tôi tưởng chừng mang cả vũ trụ trên vai. Cậu bé mỉm cười đáp: - Ngươi mang Đấng còn hơn cả vũ trụ nữa. Bởi vì chính tôi đã tạo nên trời và đất. Cậu bé còn cho biết thêm mình chính là chủ nhân của cây Thánh giá. Thế là chàng khổng lồ kia xin phò tá vị Chúa Tể trời đất. Chúa dạy rằng : muốn phụng sự Ta, ngươi cứ đứng ở khúc sông này, mỗi lần có ai muốn sang sông thì ngươi hãy cõng người ấy sang. Chàng khổng lồ tuân theo. Từ đó trở đi, người ta gọi tên chàng là Christophe, nghĩa là người mang Chúa Kitô trên vai.
Chúng ta đã chọn Đức Kitô là thủ lãnh của đời ta, chúng ta hãy tin theo và phục vụ Ngài. Nếu chúng ta muốn phụng sự Đức Kitô, chúng ta hãy theo gương thánh Christophe, bởi vì trên đời này không còn ai xứng đáng hơn ngoài Đức Kitô để cho ta đi theo phụng sự.
|