Chúa Nhật III Thường Niên - Năm B |
NGƯỜI TA KHÔNG PHẢI ĐƯƠNG NHIÊN LÀ KITÔ HỮU |
Trích trong ‘Lương Thực Ngày Chúa Nhật |
Đoạn Phúc âm này theo thánh Marcô, tỏ cho chúng ta hai điều: Trước hết chúng ta thấy Chúa Giêsu rảo qua miền Galilê, để giảng dạy. Kế đó chúng ta thấy Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ để họ hợp tác vào sứ mệnh của Người. 1. GIÁO HUẤN CỦA CHÚA GIÊSU Giáo huấn ấy gồm một lời loan báo và một đòi hỏi. Lời loan báo Tin Mừng Phúc âm ấy là thời gian chuẩn bị và chờ đợi đã gần chấm dứt, Nước Thiên Chúa đã đến, có thể nhận ra được. Cũng như vào những ngày cuối đông, chúng ta thường nói: ‘Xuân sắp về’, thì Chúa Giêsu cũng vậy, cuối hạn kỳ cuộc chờ mong lâu dài của Cựu Ước, Chúa loan báo Nước Trời đã đến, gần gũi như muà xuân của thế gian. Nhưng chúng ta phải đủ sức nhìn ra nó và đón tiếp nó. Để được thế, anh em phải ăn năn thống hối và tin vào Tin Mừng. Bằng một thay đổi nào trong nếp sống, chúng ta phải mở lòng ra để đón lấy ân huệ đức tin. Gioan Tẩy Giả chỉ rao giảng sự ăn năn thống hối. Chúa Giêsu đi xa hơn và đòi Đức tin. Đoạn tiếp của Phúc âm cho thấy là đức tin đòi hỏi ở đây, không nhắm vào một giaó lý mà là vào một người. Khi Chúa Giêsu đòi hỏi Đức tin, điều đó có nghĩa là ở địa vị con Thiên Chúa, Người đề nghị chính Người là đối tượng của đức tin ấy. Cuối cùng, nỗ lực ăn năn thống hối có mục đích làm cho con người có đủ khả năng gắn bó với Chúa Giêsu. Khi đã loan báo Nước Trời, Chuá Giêsu đưa vào một yếu tố mới. Người muốn sự loan báo ấy được trao phó cho những người có sứ mệnh đem truyền bá nó ra cho hết thảy mọi người. Chúa kêu gọi các môn đệ. 2. KÊU GỌI CÁC MÔN ĐỆ Chúa Giêsu phán: Hãy đến theo ta và Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành những ngư ông lưới người. Trong câu nói ấy của Chúa Giêsu, chúng ta hãy dừng lại ở hai phương diện quan trọng của lời kêu gọi: Hãy đến theo ta; ta sẽ làm cho các ngươi trở thành. a) Hãy đến theo Ta. Lời mời gọi này của Chuá Giêsu nhấn mạnh đến tất cả sự khác biệt mà người đặt vào giữa Người và các nhà thông thái lề luật. Các nhà thông thái này có nhiều môn đệ, song họ chỉ truyền lại môt giáo huấn, không hơn không kém. Một môn đệ nào đó có thể nói: họ nhận nhà thông thái Lề Luật làm thầy, nhưng họ vẫn được phép tranh luận với thày, không chấp nhận mọi điểm thày dạy, và vượt quá thày. Sự đòi hỏi của Chúa Giêsu thì khác hẳn. Chúa kêu gọi người ta theo Chúa, và trong Phúc âm tiếng “theo” luôn luôn có nghĩa là gắn bó với con người của Thày. Điều đó có vẻ thái quá vì theo não trạng người Do Thái, chỉ mình Thiên Chúa mới xứng đáng cho người ta gắn bó với Ngài. Điều đó có nghĩa là Chúa Giêsu chiếm đoạt cho Người lời nói của tiên tri Is. loan báo một ngày kia hết thảy đều trở nên “môn đệ của Thiên Chúa” (Is 54,13). Không mạc khải ngay mình là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu cách gián tiếp đã lôi kéo các môn đệ vào con đường chuẩn bị cho họ đón nhận sự mạc khải đó. b) Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành. Chúa Giêsu không nói: Ta làm cho các ngươi, cũng không nói cách đơn giản: Ta sẽ làm cho các ngươi. Người nói: Ta sẽ làm cho các ngươi trở thành. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu không có tác dụng làm cho kẻ được kêu trở nên môn đệ hoàn hảo ngay trong tình trạng cuối cùng. Đây chỉ mới là một sự lên đường, một sự khởi đầu, một lời kêu gọi chuyển động. Người ta trở thành môn đệ của Chúa, chứ người ta không tức khắc là môn đệ Chúa. Trước khi là Tông đồ của Chúa sau Lễ Ngũ tuần, các Tông đồ đã được Chúa huấn luyện lâu dài, đã được thử thách, thanh tẩy, kiện toàn. Ngày nay, chúng ta cũng vậy. Thật ra, chúng ta không thể nói: Chúng ta đương nhiên là kitô hữu; chúng ta được Chúa Giêsu kêu gọi trở thành kitô hữu, trở thành môn đệ Người. Danh từ “theo” mà Chúa dùng ở đây giả thiết một động tác ấy. “Theo” có nghĩa là không đứng yên tại chỗ, nhưng là tiến bước theo sau Thày mình. Do Thánh Linh của Người, Chúa Kitô phát triển trong chúng ta một công cuộc huấn luyện, như Người đã huấn luyện các môn đệ đầu tiên của Người. Sự hình thành về tâm linh của chúng ta ưu tiên tùy thuộc nơi Người. Phần chúng ta, Chúa đòi hỏi chúng ta phải thừa nhận tác động của Chúa, phải ngoan ngoãn dễ dạy đối với Người và phải đặt đời sống chúng ta trong đời sống của Người. |