Chúa Nhật II Thường Niên - Năm B |
BẰNG CHÍNH ĐỜI SỐNG |
SƯU TẦM |
Một thủ tục đầu tiên, hay đúng hơn, một nghi thức đầu tiên mà trong bất cứ buổi hội họp hay một bữa tiệc lớn nhỏ nào người ta vẫn thường làm, đó là giới thiệu những người hiện diện, nhất là giới thiệu những chức sắc, những nhân vật quan trọng. Trong cuộc sống xã giao hằng ngày cũng vậy, mỗi khi gặp những người mới lạ, người ta cũng thường giới thiệu nhau. Như vậy, giới thiệu nhau là một điều rất bình thường, và tất cả chúng ta đều biết mục đích của sự giới thiệu là để biết nhau. Trong bài Tin Mừng chúng ta thấy Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho các môn đệ của ông, ông nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Lời giới thiệu này chứng tỏ Gioan biết Chúa Giêsu là ai và cũng chứng tỏ ông ý thức sứ mệnh tiền hô của mình, ông đã chỉ lối cho hai môn đệ đến gặp Chúa Giêsu. Đây là lời giới thiệu trung thực, đầy can đảm và có mãnh lực thôi thúc hai môn đệ đi theo Chúa. Hai môn đệ ấy, một người là Anrê, còn người kia, tuy Tin Mừng không nói đích danh, nhưng chúng ta biết đó là Gioan, tác giả bài Tin Mừng này, bởi vì trong sách Tin Mừng của ông, ông thường giấu tên mình. Họ đến nói chuyện với Chúa, chúng ta không biết Chúa nói gì với hai ông và hai ông nói gì với Chúa, chỉ biết rằng sau khi tiếp xúc với Chúa ra về, hai ông đã biểu lộ lòng tin: tin nhận Chúa là Đấng Mêsia, Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Thế, và lòng đầy phấn khởi, quyết dấn thân theo Chúa không điều kiện. Ngày hôm sau, ông Anrê lại đưa em mình là Simon đến gặp Chúa. Vừa gặp Simon, Chúa đổi ngay tên cho ông là Phêrô. Trong truyền thống của Do thái, việc đổi tên như thế bao hàm một ý nghĩa quan trọng và là một cách minh chứng: người đổi tên là người có uy quyền, và người được đổi tên sẽ được trao cho một nhiệm vụ quan trọng nào đó. Ở đây, Chúa Giêsu đổi tên cho Simon, minh chứng uy quyền của Chúa, và Ngài sẽ trao cho ông một sứ mệnh mới, một nhiệm vụ đặc biệt. Simon được đổi tên là Phêrô, nghĩa là Đá Tảng, tức là ông sẽ làm nền móng của Giáo Hội, ông sẽ là người lãnh đạo tối cao của Giáo Hội sau này. Như vậy, Gioan Tẩy Giả biết Chúa Giêsu, nên ông đã giới thiệu cho các môn đệ và hai môn đệ đã tin theo Chúa. Liền sau đó, Anrê đã giới thiệu cho em mình, và Phêrô cũng tin theo Chúa. Rồi cả ba môn đệ cũng như tất cả các môn đệ khác đã biết Chúa, sống với Chúa và vâng lệnh truyền của Chúa đi giới thiệu Chúa cho muôn dân: “Anh em hãy đi khắp nơi rao giảng cho mọi người”. Các ông đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ này. Đối với chúng ta hôm nay, một khi đã chịu phép rửa tội và gia nhập vào Giáo Hội, chúng ta đều có nhiệm vụ giới thiệu Chúa cho anh em. Chúng ta có thực hiện không và thực hiện như thế nào? Mục đích của giới thiệu là để biết nhau, muốn giới thiệu về một người thì phải biết về người đó, tùy theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết về nhau nhiều hay ít, nếu không biết rõ về người nào thì có thể giới thiệu sai về người ấy, chẳng ai muốn người khác giới thiệu sai về mình, giới thiệu sai là xúc phạm đến người đó và cũng mắc lỗi với người mình giới thiệu. Vì thế, muốn giới thiệu ai thì phải biết rõ về người ấy, cũng vậy, để giới thiệu Chúa chúng ta phải biết Chúa. Chúng ta có biết Chúa không? Có lẽ nhiều người tín hữu có mặc cảm vì thấy mình non yếu về đức tin, về giáo lý, về Kinh Thánh, hình như chúng ta chỉ đủ đức tin để giữ đạo cho mình mà không truyền thụ được cho ai, vì vốn liếng kiến thức về giáo lý, về Kinh Thánh quá ít. Chúng ta thử nhìn lại bản thân mình mà coi: hồi nhỏ, chúng ta học giáo lý chỉ là những câu hỏi thưa, học thuộc để được xưng tội rước lễ lần đầu, Thêm sức hoặc lãnh bí tích hôn phối, từ đó trở đi, không còn ai lo phải học, phải thi giáo lý nữa. Nhiều người cũng chỉ bằng lòng với vốn liếng giáo lý đó, chứ không còn học hỏi hay đào sâu thêm chi nữa, cũng chẳng ai bắt buộc chúng ta học nữa, trong khi đó ở những bộ môn khác luôn luôn được học hỏi, được bồi dưỡng thêm. Nói như vậy không phải để chúng ta bi quan, mặc cảm, nhưng để chúng ta cố gắng thêm, dù chúng ta không biết về Chúa cho đủ, nhưng Chúa cũng sai chúng ta đi giới thiệu Chúa cho mọi người. Cách giới thiệu Chúa Giêsu cho người khác tốt nhất, cụ thể nhất, hữu hiệu nhất là bằng chính đời sống tốt đẹp của chúng ta, đó chính là một tấm gương trước mặt mọi người và có giá trị hơn nhiều bài giảng, “Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo” là thế. Xin hãy nhớ: không phải ai cũng có thể làm việc lớn, nhưng tất cả mọi người có thể làm được điều thiện, mà điều thiện thì luôn có trong đời thường, và việc thường thì luôn có bên cạnh. Không phải ai cũng là thánh ở đời này, nhưng tất cả đều có thể là một người lành, người tốt, vì thế, với việc thường ngày, dù có nhạt nhẽo, nhàm chán với đắng cay, chúng ta cũng hãy góp phần nhỏ bé của mình để xây dựng Giáo Hội và thế giới, chúng ta hãy cố gắng làm gì cho đời chứ không thu góp những gì của đời cho mình, vì một cuộc đời chỉ biết có mình là cuộc đời đã chết trước khi tắt thở. |