Chúa Nhật II Thường Niên - Năm B |
NHÓM MƯỜI HAI |
Chú giải mục vụ của Alain Marchabour |
VIỆC KÊU GỌI NHÓM MƯỜI HAI THEO TIN MỪNG GIOAN. Trong chương 1, câu 35-51, Gioan trình bày việc kêu gọi năm môn đệ: Anrê, một môn đệ không tên, Phêrô, Philipphê và Nathanaen. Ngoài ra, ông còn nêu tên Giuđa Iscariôt: thêm một Giuđa nữa và Tôma. Dù rằng đôi khi ông có nói đến nhóm Mười Hai (6,67; 20,24), nhưng trong Tin Mừng không thấy có danh sách nhóm Mười Hai như trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm. Việc kêu gọi các môn đệ đầu tiên, nơi Gioan, rất khác với điều mà các Tin Mừng Nhất Lãm trình thuật cho chúng ta, theo đó Phêrô, Anrê, Giacôbê và Gioan đang quăng chài xuống biển thì Chúa Giêsu đến kêu gọi các ông. Nơi Gioan, các người được kêu gọi đầu tiên trước hết là các môn đệ của Gioan Tẩy Giả. Gioan Tẩy Giả được huấn luyện sống đời tu trì (Mc 2,18; Lc 5,33; 11,1). Mt 11, 2-6 thuật lại Gioan Tẩy Giả, lúc đang ngồi tù, đã sai vài môn đệ của mìhh đến hỏi Chúa Giêsu. Thế nhưng chỉ có một thánh sử Gioan trình thuật việc một số môn đệ của Gioan Tẩy Giả chuyển qua đi theo Chúa Giêsu. Hình như Gioan có sẵn những thông tin trực tiếp về những mối quan hệ giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả. Thực vậy, ông ám chỉ đến một hoạt động có thể có của Chúa Giêsu như làm phép rửa (Ga 3,22; 4,1-2). Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả đã có thể là thành viên của phong trào thanh tẩy rất phổ biến suốt thể kỷ I và xuất hiện như một phong trào canh tân chống lại nền văn minh, mang tính đặc sủng và phổ quát. Rõ ràng Gioan muốn lưu ý rằng bây giờ Gioan Tẩy Giả phải lu mờ đi trước Đấng mà ông có sứ mạng loan báo. Kể từ đây cho đến chương 2, câu 12, thánh sử miêu tả, ngày qua ngày, diễn tiến đức tin của các môn đệ vào Chúa Giêsu. Ông đã tập trung làm một bản tóm lược về Chúa Kitô, theo nhiều tước hiệu của Chúa Giêsu: Rabbi và Mêsia (35-42); Đấng mà sách Luật và các ngôn sứ nói tới: Con Thiên Chúa và Vua Israel (43-50); Con Người (51). Cuối cùng ở 2,11, “Chúa Giêsu bày tỏ vinh quang của Người và các môn đệ đã tin vào Người”. Một diễn tiến như thế không thể thực hiện trong vài ngày: các Tin Mừng Nhất Lãm trình luật cho chúng ta một cách thực tế hơn việc khai sinh đức tin của các môn đệ khó khăn và trì trệ như thế nào. Về điểm này, các Tin Mừng đó sát thực hơn với điều gì đã phải xảy ra. HAI MÔN ĐỆ (cc. 35-49) Gioan Tẩy Giả tuyên bố ông chỉ là tiếng người hô loan báo Chúa đến: “Người phải nổi bật lên, còn Thầy phải lu mờ đi” (3,30). Từ đó ông đi đến kết luận bằng cách hướng hai môn đệ của mình đến với Chúa Giêsu. Lần thứ hai, ông lên tiếng nói về Chúa Giêsu như “Chiên Thiên Chúa”. Tước hiệu này nhất định hấp dẫn trong cộng đoàn của Gioan Tẩy Giả (và cả trong Giáo Hội), bởi vì nó khích động sự tò mò của hai môn đệ đối với Chúa Giêsu và khiến họ lìa bỏ Thầy mìhh để theo Chúa Giêsu. Một trong hai người là Anrê (1,40). Còn người kia không được nêu tên. Nhiều người cho rằng có thể đó là người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến, Gioan, con ông Giêbêđê. Bốn câu tiếp theo rất súc tích bởi vì chúng dẫn nhập Tin Mừng nhiều chủ đề quan trọng. Đây là sự gắn bó đầu tiên với Chúa Giêsu trong Tin Mừng: theo nghĩa này, quả là hệ trọng. Ta gặp được từ ngữ đặc trưng miêu tả sự gắn bó với Chúa Giêsu: “ Anh hãy theo Tôi” (các câu 37,38,40,43). Ta sẽ gặp lại từ này trong 8, 12; 10,4.27; 12,26; 13,36;21,19.22. Sự gắn bó với Chúa Giêsu không chỉ là kết quả từ sự gợi ý của Gioan Tẩy Giả. Trước đó còn có sự tự do lựa chọn và lời Chúa Giêsu kêu gọi các môn đệ. Gioan chỉ là một người trung gian. Đối với hai môn đệ đang tìm hiểu (Các anh làm gì thế?). Chúa Giêsu bảo họ đến xe chỗ Người ở để chính Người ban tràn đầy điều họ trông đợi (xem 15,16). Môn đệ là người “ở lại” với Chúa Giêsu. Động từ “ở lại” được dùng ba lần ở đây. Đối với Gioan, đó là một từ ngữ thần học đánh dấu đức tin dược thực hiện và sự dứt khoát gắn bó với Chúa Giêsu (xem ví dụ 6,56; 8,31; 10,40; 15,4). Tiến trình hình thành đức tin là như thế đó: đến với Chúa Giêsu, xem chỗ Người ở, ở lại với Người. Hai môn đệ ở lại với Chúa Giêsu từ khoảng bốn giờ chiều. Nhưng lại không xác định lý do (thời điểm ngày Sabát?); sự kín đáo này góp phần tạo cho bài trần thuật một chiều kích huyền nhiệm mà gợi mở: mỗi tín hữu đều được mời gọi thực hiện một tiến trình như vậy. Tin thường thông qua những trung gian loài người. Nhưng mà điều cốt yếu hệ tại ở lời kêu gọi của Chúa cũng như ở sự tự do và bằng lòng gắn bó với Chúa Giêsu. Câu kế tiếp (1,41) giúp chúng ta hiểu được lúc bấy giờ hai môn đệ nhận biết Chúa Giêsu là Đấng Mêsia nghĩa là Đấng mà sách Luật Môsê và các ngôn sứ nói tới (1,45). CUỘC GẶP GỠ ÔNG SIMON PHÊRÔ (cc. 40-42) Dù các tình huống thế nào đi nữa (Phêrô nhờ qua trung gian Anrê, Nathanaen nhờ qua Philipphê, còn Philipphê được gọi trực tiếp), thì luôn luôn chính Chúa Giêsu khởi xướng bằng cái nhìn thích đáng chính lời nói quyết định của Người kêu gọi và xét xử mọi người. Thánh sử hoàn toàn không nói gì về sự tiếp nhận của Phêrô. Ông đặc biệt chú ý đến lời Chúa Giêsu loan báo cho Phêrô rằng ngày kia ông sẽ nhận một tên mới: “Kêpha”. Làm như vậy, thánh sử hướng đến hai mục tiêu: trước tiên, như ông thường làm, nhấn mạnh quyền năng của Chúa Giêsu tỏ hiện ở đây như Đấng mặc khải; tiếp theo, đặt để Phêrô ngay từ bước đầu trong tư thế lãnh đạo, ngài sẽ là đại diện của nhóm Mười Hai (6,67) và là mục tử của đoàn chiên (chương 2). Chính với Phêrô mà Chúa Giêsu ngỏ lời đầu tiên đầy ý nghĩa theo Tin Mừng Gioan. |