Chúa Nhật III Mùa Chay - Năm B |
DẤU LẠ CỦA VIỆC THANH TẨY ĐỀN THỜ |
Chú giải mục vụ của Alain Marchabour |
Cả bốn Tin Mừng đều trình thuật về Đền thờ (Mc 11,15-17 và tương đương). Thế nhưng giữa ba Tin Mừng khác, có nhiều điểm khác biệt quan trọng, đặc biệt nhất là vấn đề xác định thời gian: đối với Gioan, đó là vào lúc Chúa mới bắt đầu cuộc đời công khai, đối với các sách Tin Mừng Nhất Lãm thì lại vào cuối đời sống công khai. Hơn nữa Gioan là tác giả duy nhất tường thuật dài về việc xua đuổi con buôn ra khỏi Đền thờ bằng việc người Do Thái yêu cầu một dấu lạ và Chúa Giêsu trả lời về việc phá hủy Đền thờ và xây dựng lại trong ba ngày. Chính Gioan phải chịu trách nhiệm về việc di dịch biến cố. Ông chỉ tỏ sự đoạn tuyệt với Do Thái giáo ngay từ lúc Chúa khởi đầu đời sống công khai của Chúa Giêsu (phù hợp với hoàn cảnh lịch sử của Giáo Hội của mình). Từ ngữ được sử dụng xác quyết điều đó: đó là lễ Vượt Qua của người Do Thái; dung ngữ này còn lặp lại trong 6,4 và 11,55 (cũng như trong 7,2 nhân dịp lễ Lều) và làm lệch đi sự xa cách và ngay cả sự đoạn tuyệt giữa các tín hữu tiên khởi và cộng đoàn Do Thái. DẪN NHẬP (cc. 13-14) Phần dẫn nhập xác định quang cảnh và địa điểm. Chúa Giêsu lên Giêrusalem lần này là lần đầu tiên và Người lên đây đúng vào “lúc gần đến lễ Vượt Qua của người Do Thái”. Dụng ngữ này, lặp lại ba lần trong Tin Mừng (6,4; 11,555) xác định sự chính xác về nguồn tin của Gioan. Ba lần lễ Vượt Qua phù hợp với hai năm rưỡi đời sống công khai của Chúa Giêsu. Đem so chiếu với những đại lễ Do Thái với những đại lễ Do Thái này có một ý nghĩa khác nơi con người của Chúa Giêsu. Con buôn bày bán dưới các hành lang trên sân Dân ngoại (tiếng Hy Lạp hieron, dịch ra ở đây là “đền”) chứ không phải bên trong Đền thờ. Ngoài ra điều đó rất khó mà tránh khỏi khi người ta muốn cho khách hành hương, nhân dịp về Giêrusalem, có thể đổi bạc để có được chiên bò dâng làm của lễ hiến tế. Chúa, vị ngôn sứ đầy nhiệt tâm trước những quyền của Thiên Chúa, xem điều đó như làm ô uế Đền thờ. HÀNH ĐỘNG NGÔN SỨ (cc. 15-16) Việc can thiệp của Chúa Giêsu liên kết với những hành động mà các ngôn sứ thường làm để thông truyền sứ điệp cho có hiệu quả hơn. Nó gồm một hành động và hai lời giải thích. Hành động ở đây dồi dào hơn ở trong bài trần thuật Nhất Lãm: lấy dây làm roi, có nhiều chiên bò trong Đền thờ. Thời bấy giờ dọc theo Cédron hay trên núi Olivêtê có một chợ súc vật dùng làm của lễ dâng cúng, do nhóm Sanhédrin tổ chức. Trước cảnh tục hóa như thế, Chúa Giêsu chống đối theo đường hướng của các ngôn sứ như Giêrêmia (7,14), Malakhi (3,1) hoặc Israel (65,7) đã làm trước Người. Người chứng tỏ việc tẩy uế Đền thờ được tiên liệu vào thời cánh chung hiện đang tiến hành. Lời Người nói có hai phần: Trước hết Người yêu cầu chính đáng một tập tục bất xứng với Thiên Chúa. Lời này không hẳn là một trích dẫn Kinh Thánh, dù rằng điều đó được nói đến trong Zacaria 14,21: “Vả trong ngày đó sẽ không còn kẻ buôn bán nơi Đền thờ Chúa quân lực nữa”. Ở đây Chúa Giêsu hành xử như Người bênh vực quyền lợi của Thiên Chúa. Người vén lên bức màn về mối liên hệ duy nhất giữa Người với Chúa Cha. Sau đó, Chúa Giêsu đáp ứng yêu cầu dấu lạ bằng một lời huyền nhiệm về Đền thờ. (không phải hieron nữa, mà là naos, nghĩa là chính cung thánh). Việc so chiếu với các sách Tin Mừng Nhất Lãm về vấn đề này sẽ làm cho dễ hiểu hơn. Ở trong Nhất Lãm có một câu gần gũi với câu trên nhưng với những điều khác biệt quan trọng: trong Nhất Lãm, lời tuyên bố về việc phá hủy Đền thờ được những kẻ làm chứng gian hiểm độc nói lại; còn trong Gioan, lời này được đặt vào trong môi miệng Chúa Giêsu. Trong Tin Mừng Maccô, việc phá hủy Đền thờ được quy cho Chúa Giêsu: “Tôi sẽ phá” (14,58); trong Tin Mừng Gioan, lời nói đó đối đáp với những người đối thoại: “Các ông cứ phá hủy Đền thờ này đi”. Ngoài ra Gioan cố ý dùng cụm từ “Tôi sẽ xây dựng lại Đền thờ này” để chỉ công việc xây dựng cũng như để chỉ sự sống lại. GIẢI THÍCH (cc 17-22) Như vậy không dễ gì hiểu được nền tảng lịch sử rõ ràng về bài trần thuật này. Ta có thể nghĩ đến một hành động tượng trưng chống lại các lạm dụng trong Đền thờ. Sự hiện diện của các người đổi bạc là cần thiết để khách hành hương có thể đổi những đồng bạc mang dấu ấn triều đình để lấy đồng tiền trong sạch. Cũng vậy việc buôn bán gia súc dùng làm của lễ dâng cúng là một nhu cầu. Trừ khi nghĩ đến sự phản kháng triệt để về việc thờ phượng do Chúa Giêsu… còn thì toàn thể Tin Mừng không đi theo chiều hướng đó. Chỉ cần lưu ý đến sự băng hoại nổi tiếng của gia đình Anna, thượng tế tiền nhiệm của Caipha. Bù lại, một sự công kích triệt để như thế về của lễ dâng cúng đã được cộng đoàn của Gioan nhấn mạnh, sau khi Đền thờ bị phá hủy, đánh dấu sự kết thúc việc hiến tế. Tác giả thận trọng về các vấn đề trên: ông để tâm đến việc khác. Ông chứng tỏ điều đó bằng cách đưa vào trong bài trần thuật của mình nhiều chú thích. Chúng ta hãy ghi lại: a. Sự liên quan mật thiết với phép lạ ở Cana. Quả vậy cả hai cảnh tượng có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều kể đến một sự chuyển tiếp: những chum đá rỗng không, đền thờ trống vắng. Mối liên hệ với lễ Vượt Qua được chú ý trong bài trần thuật thứ nhất: “ngày thứ ba, vinh quang”, và trong bài thứ hai: “vào dịp lễ Vượt Qua”, “nội trong ba ngày tôi sẽ xây dựng lại” (2,19), “khi Người từ cõi chết chỗi dậy”(2,22). b. Các lời chú giải của thánh sử. Tác giả trong khi đưa vào trong bài trần thuật những suy tư của riêng mình hướng dẫn chúng ta xem xét: “Các môn đệ của Người nhớ lại…” (2,17). Thánh vịnh 69,9-10 soi dẫn cộng đoàn tiên khởi của Gioan, có đoạn sau: “Anh em nhà kể con như người dưng nước lã Hàng máu mủ xem con bằng khách lạ mà thôi. Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân. Lời kẻ thoá mạ Ngài, này chính con hứng chịu”. Vậy nên, Gioan hiểu được sự cô đơn của Chúa Giêsu đối với anh em của Người (và rộng hơn đối với dân tộc của Người) cũng như hiểu được số phận bị thảm của Người: nhiệt tâm lo việc nhà Chúa của Chúa Giêsu đưa Người đi đến cái chết. Thế nhưng suy tư tiếp theo của thánh sử tiến dẫn nguyên nhân của sự phục sinh. “Các môn đệ nhớ lại…và tin”. Trong bài trần thuật này, Đền thờ mới, Chúa Kitô, chiếm vị trí của Đền thờ cũ (biến mất vào thời biên soạn Tin Mừng), ta sẽ không khỏi khâm phục tác giả đã khéo léo liên kết Kinh Thánh, các sự kiện liên quan đến Chúa Giêsu và sự suy niệm Phục Sinh. CHUYỂN TIẾP (2,23-25) Cảnh tiếp theo tạo nên một sự chuyển tiếp khéo léo giữa hai cảnh Cana và cảnh tẩy uế Đền thờ và cuộc đối thoại với ông Nicôđêmô. Ta có thể nhận thấy ở đó một kết luận đã tỉnh ngộ với sự cương quyết dứt khoát với Do Thái giáo được thể hiện trong bài trần thuật về Cana và hành động ngôn sứ từ việc xua đuổi những người mua bán trong Đến thờ. Đồng thời sự cảm nghiệm thất bại này chuẩn bị cuộc gặp gỡ với một nhân vật tiêu biểu của Do Thái giáo: ông Nicôđêmô, dù có thiện chí phấn đấu, vẫn được xem như không thể tiếp bước theo Chúa Giêsu với những đòi buộc của Người. Sự nghi ngờ này xảy ra ở giữa sự từ khước có hệ thống cho nhóm Do Thái chính cống và đức tin của các môn đệ. Gioan không xác định bản chất các dấu lạ Chúa Giêsu đã làm tại Giêrusalem (xem thêm 4,45) |