Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm B |
TIN TƯỞNG ĐÓN NHẬN THẬP GIÁ HẰNG NGÀY |
Lm. Phêrô Lê văn Chính |
Dấn thân vào cuộc lữ hành với Chúa Giêsu, Đấng cứu thế, để vượt qua từ sự chết đến sự sống vinh quang, người tín hữu cần phải trang bị cho chính mình điều gì ? Phải chăng người tín hữu cần trang bị lòng tin tưởng vững mạnh vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Lòng tin tưởng này sẽ giúp cho họ đón nhận mầu nhiệm thập giá trong cuộc đời của mình để bước theo thầy Giêsu. Đây chính là ý nghĩa của mùa chay, là giúp cho người tín hữu đón nhận mầu nhiệm thập giá của cuộc đời mình, mầu nhiệm của sự tự hủy và tự hạ cho đến chết trên thập giá mà họ sẽ cùng học với thầy của mình là Đức Giêsu, người con một rất yêu dấu của Thiên Chúa. Chỉ có đón nhận mầu nhiệm thập giá, với một lòng tin tưởng vững mạnh vào sức mạnh Phục sinh của Thiên Chúa mà người tín hữu mới có thể cùng với Đức Giêsu vượt qua sự chết để đến sự sống vinh quang muôn đời. Ngay từ bài đọc thứ nhất từ sách Sáng thế ký, Giáo hội mời gọi chúng ta nghe lại câu chuyện Abraham sát tế Isaác. Abraham được Chúa ban tặng người con ruột là Isaác, người con này sẽ là người con mà ông hy vọng sẽ thấy lời hứa của Thiên Chúa được thành tựu, là sẽ thấy dòng dõi của mình đông đảo như sao trên trời và cát bãi biển. Thế nhưng, một điều rất đau đớn xảy ra mà Abraham không thể hiểu, đó là Thiên Chúa đòi hỏi ông sát tế Isaác để chứng tỏ tình yêu của mình đối với Thiên Chúa. Dầu đau khổ, nhưng Abraham sẵn sàng thi hành theo lệnh Chúa truyền. Chính khi ông giơ tay để sát tế người con một của mình thì thiên thần Chúa xuất hiện và ngăn cản ông. Điều quan trọng mà Thiên Chúa đòi hỏi, không phải là việc sát tế người con của mình, bởi vì Thiên Chúa không vui gì khi thấy con người phải chết hay phải hy sinh người con của mình, nhưng điều Thiên Chúa đòi hỏi, đó là biết vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa. Bấy giờ Abraham thấy một con cừu đực đang mắc sừng trong bụi gai, ông bắt nó và tế lễ cho Thiên Chúa. Thiên Chúa chúc lành cho Abraham vì đã biết vâng nghe lời Chúa : mọi dân tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc nơi miêu duệ ngươi, vì ngươi đã biết vâng nghe lời Ta. Lắng nghe và vâng phục theo thánh ý Thiên Chúa, đó là lời mời gọi giúp người tín hữu trang bị trong hành trình của cuộc vượt qua mùa chay mà người tín hữu được mời gọi ra đi cùng với Chúa Giêsu. Bài Tin mừng tường thuật lại việc Chúa Giêsu biến hình trên núi theo thánh Marcô. Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ thân tín của mình là Phêrô, Giacôbê và Gioan lên một ngọn núi cao và ở đó, người biến hình trước mắt các ông. Thuật lại câu chuyện này thánh Marcô tường thuật nhằm cắt đứt bầu khí u ám bao trùm lên các môn đệ từ khi Chúa Giêsu loan báo cái chết khổ nạn thập giá của người. Ba môn đệ này cũng chính là ba môn đệ thân tín của Chúa Giêsu, được tham dự vào những giây phút quan trọng của cuộc đời của người và họ sẽ là những cột trụ quan trọng của Giáo hội của người sau này và sẽ là chứng nhân của mầu nhiệm thập giá và vinh quang phục sinh của thầy. Ngọn núi cao mà Chúa Giêsu đưa các môn đệ đến được hiểu theo ý nghĩa thần học hơn là địa dư. Núi cao gợi lại núi Sinai trong câu chuyện xuất hành, nơi Thiên Chúa hiện ra rất thân mật cho Môisen. Bổng chốc Chúa Giêsu biến hình, áo người trở nên trắng tinh như tuyết mà không thợ giặt nào có thể giặt trắng như thế. Cách tường thuật này của thánh Marcô phải làm độc giả nghĩ tới những gì đã xảy ra cho Môisen khi ông được tiếp xúc với Thiên Chúa. Bấy giờ khuôn mặt của ông cũng được chiếu sáng vì đã nhận được vinh quang của Thiên Chúa. Ngoài ra, đối với những người do thái chiếc áo ám chỉ con người. Chiếc áo của Chúa Giêsu trở nên chói ngời, trắng tinh phản ảnh vinh quang thần linh của người. Sách Thánh cũng thường tường thuật chiếc áo trắng của các thiên thần cũng như những người được tuyển chọn mặc mà chúng ta thấy mô tả trong những tường thuật của sách Khải huyền. Ngoài ra còn có hai nhân vật của Cựu ước cùng hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu là Môisen và Êlia. Môisen là người cha của lề luật do thái. Chính ông là người đã nhận được lề luật từ Thiên Chúa ban trong cảnh tượng uy nghi trên núi Sinai (x. Xh 19 và 20). Và tiên tri Êlia, người cũng sẽ thực hiện một cuộc lữ hành 40 ngày đêm đi đến ngọn núi này để gặp Thiên Chúa (1V, 19). Truyền thống Do thái vẫn nhìn nhận các ngài vẫn luôn sống và được tham dự vào trong vinh quang của Thiên Chúa : Môisen là nhà lập pháp vĩ đại của Israel, còn Êlia như là một vị tiên tri cao cả của Israel. Cả hai vị, tượng trưng cho Lề luật và các tiên tri, cùng hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu và làm chứng cho Chúa Giêsu, như thế cũng là làm chứng rằng Đức Giêsu hoàn tất mọi lời hứa của lề luật và các tiên tri. Bấy giờ thánh Phêrô mạnh dạn đề nghị dựng ba chiếc lều với Chúa Giêsu : « thưa thầy ở đây thì tốt lắm, chúng con xin dựng ba lều, một cho thầy, một cho Êlia và một cho Môisen ». Lời đề nghị dựng ba chiếc lều có thể gợi ý đến lễ Lều của những người do thái. Vào mùa thu là mùa hái nho, người ta dựng trong những vườn nho những chiếc lều tạm bằng nhánh cây để chờ đón Đấng cứu thế. Lời đề nghị này của Phêrô chứng tỏ ông không hiểu ý nghĩa sâu xa của sự kiện xảy ra, và cả các môn đệ khác cũng không hiểu ý nghĩa của những hiện tượng phi thường này. Các ông chỉ muốn dừng lại để tận hưởng hạnh phúc vinh quang của giây phút thần hiển. Khi đó, một đám mây bao phủ và từ đám mây có tiếng phán : «Đây là Con ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời người ». Đám mây nhắc lại hành trình xuất hành trong sa mạc, dân Chúa đã được hướng dẫn bởi một đám mây sáng ngời, diễn tả sự gần gủi của Thiên Chúa và là hình ảnh nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa với con người. Tiếng phán từ đám mây dành riêng cho các môn đệ. Chính Chúa Cha giới thiệu cho các môn đệ người con một của ngài, và các môn đệ được mời gọi đón nhận mầu nhiệm sâu xa của con người này. Người chính là Đấng cưú thế, Người Con một rất yêu dấu của Cha mà các môn đệ được mời gọi tin tưởng và bước đi theo con đường thập giá cứu độ của người cho đến khi họ hiểu được chân lý trọn vẹn của người. Đây là ý nghĩa sâu xa của biến cố các môn đệ vừa trải nghiệm. Họ cần phải lắng nghe lời người, lời mời gọi đón nhận mầu nhiệm thập giá mà Phêrô trước đó đã lên tiếng ngăn cản. Đứng trước viễn tượng thê thảm của mầu nhiệm thập giá vừa được thầy mạc khải, chắc hẳn các môn đệ cảm thấy khó có thể chấp nhận. Nhưng như các môn đệ thoáng thấy, Đức Giêsu là người Con một rất yêu dấu của Thiên Chúa tràn đầy vinh quang. Giờ đây người phải dấn thân vào con đường khổ nạn thập giá, và sau cái chết thập giá, người sẽ trở về với vinh quang Thiên Chúa mà người vốn chia sẻ với Chúa Cha. Tin tưởng và bước đi theo Chúa Giêsu trên con đường thập giá là lời mời gọi của mùa chay. Các môn đệ thời Chúa Giêsu vẫn luôn hình dung một Đấng cứu thế tràn đầy vinh quang và một thời đại Đấng cứu thế đầy sức mạnh và vinh quang Thiên Chúa. Các ngài khó hình dung một Đấng cứu thế phải chịu đau khổ và bị giết chết trên thập giá. Cuộc biến hình trên núi là một bài học về mầu nhiệm thập giá và Phục sinh. Thập giá là điều kiện cần thiết để đạt đến vinh quang Phục sinh. Thập giá là dấu chứng cao cả nhất của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Không có điều gì mà Thiên Chúa không dành cho con người, ngay chính người con một của Thiên Chúa, người cũng đã ban tặng cho con người. Vì thế họ được mời gọi tin tưởng và bước đi theo sự hướng dẫn của người con một này trong việc đón nhận thập giá của cuộc đời của mình, trong việc chu toàn những bổn phận hằng ngày mà nhiều khi họ cảm thấy nặng nề, ngay cả trong việc chấp nhận những thất bại và những hy sinh trong cuộc đời. Thế nhưng, qua mầu nhiệm tự hủy này, họ đạt đến vinh quang Phục sinh cùng với người con một của Thiên Chúa. |