Chúa nhật III thường niên - Năm B
TIẾNG GỌI VÀ SỰ SÁM HỐI
SƯU TẦM

“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc.1,15)

A. KINH THÁNH

            “Hãy theo Ta”. Đó là tiếng Chúa nói với chúng ta hôm nay, cũng như xưa đã nói với những người làm nghề chài lưới ở hồ Ti-bê-ri-a, rồi sau đã biến các ông thành tông đồ.

            Liệu chúng ta có nghe tiếng Người để làm một cuộc sám hối hay đổi đời chăng ?

BÀI 1 : CUỘC ĐỔI ĐỜI CỦA DÂN NI-NI-VÊ (Ga.3,1-5.10)

            Đoạn văn này lấy trong sách ngôn sứ Gio-na thuộc loại dụ ngôn. Tác giả muốn cho chúng ta thấy rằng, lòng xót thương của Thiên Chúa dành cho hết mọi người, không phân biệt nòi giống hay chủng tộc.

Bài đọc 2 : LÒNG KHÔNG VƯƠNG VẤN                      1Cr.7,29-31

            Sự đời mau qua. Thánh Phaolô khuyên chúng ta đừng quá nặng lòng với những gì quyến rũ nhưng mong manh, mà trái lại giữ cho lòng được nhẹ nhàng thanh thoát, hầu sẵn sàng đón chờ ngày Chúa trở lại trần gian.

TIN MỪNG : Mc.1,14-20 :

ĐỨC KI-TÔ KÊU GỌI SÁM HỐI VÀ CHỌN CÁC TÔNG ĐỒ

Chúng ta đang nghe các Tin Mừng thuật lại những bước đầu trong cuộc đời truyền đạo của Đức Kitô. Người kêu gọi mọi người sám hối và tin vào Tin Mừng. Người đã kêu gọi và chọn một số môn đệ để hợp tác với Người trong công cuộc rao giảng.

B. ĐẠI Ý

Lời giảng của Chúa Giê-su làm đảo lộn cuộc sống con người, lay động lương tâm, không chấp nhận chủ nghĩa chờ đợi. Nước Thiên Chúa giờ đây đã tới qua con người Đức Ki-tô. Đây không phải chỉ là chuyện nghe Giáo lý như các đồ đệ của luật sĩ, mà đòi hỏi quay trở về và gắn bó với con người Đức Mê-si-a : “Hãy tới và theo thầy”.

Thiên Chúa đã tới, Ngài không chấp nhận một thứ đạo “nguội lạnh”, không chấp nhận thái độ do dự. Có nhiều người đã hiểu đòi hỏi đó, họ sẵn sàng hy sinh mọi sự cho Phúc âm.

Qua gương sáng và chứng từ của các tín hữu, Chúa Giê-su muốn mỗi người đặt lại mọi sự.

C. KHAI TRIỂN

q Nước Thiên Chúa : Ơn cứu rỗi. Hội-thánh “Nước Trời”.

q Ăn năn thống hối : (Metanoia) Quay trở về với Chúa, quay trở về với chính mình. Thay đổi não trạng cũ, hư đốn.

q Luôn đổi mới : Sám hối là một tiến trình kéo dài qua cả đời sống, vì sám hối cũng có nghĩa là đổi đời, thay mới. Chúng ta phải luôn luôn điều chỉnh ý nghĩ và ước muốn của mình cho phù hợp với nẻo chính đường ngay, để trung thành với Chúa và bày tỏ lòng gắn bó của ta với Người.

q Biển hồ Ga-li-lê : Dài 21 cây số, rộng 12 cây số, mang nhiều tên : Biển Hồ - Hồ Genesareth - Biển hồ Beriade.

q Bỏ mọi sự : Dù Chúa không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ quyết liệt như các tông đồ và một số tâm hồn đặc biệt, nhưng Người cũng yêu cầu chúng ta, các kẻ tin theo Người, chấp nhận một số hy sinh cần thiết trong đời sống, như gỡ mình cho khỏi tính ích kỷ, thích hưởng thụ, mải mê vui thú, chạy theo tiền bạc một cách quá đáng ... để sống theo tinh thần Tám Mối Phúc Thật.

q Theo Chúa Giê-su : Trở thành môn đệ. Việc bỏ nghề, sống với Chúa, diễn tả sự mới mẻ của cuộc sống với Chúa.

 

D. GỢI Ý SUY NIỆM

1. Tin Mừng ở đây là gì ?

            Mác-cô đã đặt chữ Tin Mừng 6 lần trên miệng Chúa Giê-su (Mc.1,15 ; 8,35 ; 10,29 ; 13,16 ; 14,9 ; 16,15). Chữ  Tin Mừng ở đây gần như một nhân vật (x. Rm.1,1-5.16-17), đồng hóa với chính Đức Ki-tô (Mc.1,14-15).

            Theo thánh Phao-lô và Mác-cô, Tin Mừng là lễ Đăng quang của Hoàng đế, là một triều đại đang mở màn. Phao-lô đặt biến cố này vào cuộc tử nạn và phục sinh, còn Mác-cô coi lễ đăng quang này khởi sự ngay từ đầu đời công khai của Chúa. Chính Chúa Ki-tô đã đến và rao giảng sự cứu rỗi : “Nước Thiên Chúa đang ở đây”.

2. Ơn gọi 4 môn đệ này có gì giống với Cựu ước không ?

            Trong Cựu ước có một câu chuyện tương tự, đó là ơn gọi của Ê-li-sê (1R.19,19-21) : Ê-li-a đi ngang qua, thấy có một người đang làm việc, ông mời chàng đi theo. Chàng bỏ nghề, bỏ cha mà theo làm đệ tử của Ê-li-a.

            Tuy nhiên, có việc hơi khác với ơn gọi của các môn đệ : Ê-li-a cho phép Ê-li-sê về từ giã gia đình, còn Chúa Giê-su đòi hỏi theo “tức thời”, không chậm trễ. Ê-li-sê theo làm đầy tớ của Ê-li-a, còn 4 môn đệ thì đi theo một sứ mệnh.

3. Ý nghĩa việc gọi 4 môn đệ là gì ?

            Có những ý nghĩa sau :

+ Biểu lộ quyền uy, sự hấp dẫn và tính cách đi trước của Chúa : “Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng Thầy đã chọn các con”.

+ Trước quyền uy này, con người cần đáp ứng tức khắc, dứt khoát với quá khứ, để hoàn toàn dấn thân cho Chúa và sứ mệnh.

+ Chúa gọi đồ đệ trao cho sứ mạng quan trọng, sứ mạng cứu rỗi nhận lãnh từ Cha.

4. Việc bỏ mọi sự đi theo Chúa ngay, có hợp với tâm lý và sự thật lịch sử không ?

            Đây thánh Mác-cô nhấn mạnh về tính cách thần học thôi, có lẽ lối tường thuật của thánh Gio-an hợp với thực tế hơn (Ga.1,35-51). Họ không xa lạ gì Chúa Giê-su, họ đã được thánh Gio-an giới thiệu, đã tới nhà Chúa ở thử, đã nghe lời giảng và đã theo Ngài một cách dứt khoát.

5. Theo quan niệm của Mác-cô,
“Đi theo Chúa Giê-su” hôm nay có nghĩa gì ?

            Có 3 ý nghĩa :

·    Theo Chúa Giê-su ngày nay không phải là đi qua các nẻo đường Pa-lét-tin, mà là đi đến khắp cùng bờ trái đất, đi tới lương dân.

     Ki-tô hữu không phải là người bị quyến rũ bởi một ý thức hệ, nhưng bởi con người Đức Ki-tô. Được ơn Người nâng đỡ và thúc đẩy, Ki-tô hữu gắn bó với Người và sẵn sàng đi tới đâu Người muốn, dù lên tới đỉnh đồi Can-vê. Như vậy, bước theo Đức Ki-tô, giả thiết phải biết rõ về Người và được Người lôi cuốn mãnh liệt.

·    Theo Chúa ngày nay không đòi bỏ nghề nghiệp, của cải (đối với đa số tín hữu), mà là chia sẻ sứ  mệnh của Chúa trong mọi biến cố vui, buồn của cuộc đời. Theo Chúa là vác thập giá mình (Mc.8,34), là sẵn sàng hy sinh tất cả cho Tin Mừng và cho hạnh phúc của anh em (Mc.8,35).-

     Đi theo Chúa với thái độ : Mau mắn, quảng đại, nhiệt tâm, can đảm, bền đỗ.

·    Nhưng cũng như các tông đồ xưa, Chúa đòi ta phải vâng lời mau mắn và ở tư thế sẵn sàng đi gặt lúa cho Chúa.

6. Tương quan giữa môn đệ và Chúa Giê-su ?

            Mác-cô đặt ơn gọi tông đồ vào đầu đời công khai của Chúa Giê-su để nhấn mạnh :

a)   Ngay từ khởi đầu, Chúa đã muốn tạo ra một nhóm người cùng làm việc, cùng chia sẻ sứ mạng cứu độ với Ngài.

b)   Sứ mạng của Hội-thánh là chính sứ mạng của Đức Ki-tô. Do đó, Mác-cô nhắc tới địa danh Ga-li-lê, nơi mà Đức Ki-tô phục sinh sẽ ra lệnh cho các môn đệ đi khắp thế giới. Việc nhắc tới Gio-an “bị tù” cũng ám chỉ số phận Giáo-hội sẽ bị bắt bớ.

E. ÁP DỤNG

1.   Ta đã ý thức và dấn thân theo tiếng Chúa gọi chưa ?

2.   Qua bí tích Rửa tội và Thêm sức, Chúa cũng trao cho bạn sứ mạng : TIÊN TRI - VƯƠNG ĐẾ - TƯ TẾ, bạn đã thực hành như thế nào ? (so sánh với môn đệ).