Chúa nhật II thường niên - Năm B |
LỜI MỜI GỌI |
Sưu tầm |
Ngôn sứ Samuen được sinh ra, vì Thiên Chúa đã nhận lời cầu nguyện của bà mẹ. Để chứng tỏ lòng biết ơn của mình, bà mẹ của ngài đã dâng ngài cho Chúa. Ngài đã được thượng tế Eli nuôi dạy tại đền thờ Shiloh. Thật ra một ngày kia, Samuen đã nghe được một tiếng kêu gọi ngài : Mặc dù tiếng gọi này được mô tả như là đến từ bên ngoài, nhưng đúng ra, đó là tiếng gọi từ bên trong tâm hồn của ngài. Những tiếng gọi có thể rất nguy hiểm. Những kẻ dám làm những điều khủng khiếp, vẫn cho là có một tiếng gọi bảo họ phải làm như vậy. Do đó, cần có sự phân biệt. Vì còn trẻ tuổi, nên Samuen không nhận biết được tiếng gọi. Vì thế, ngài đã tìm kiếm sự hướng dẫn nơi vị thượng tế già Eli. Cuối cùng, sau khi được chỉ bảo rằng đó là thực sự là tiếng gọi mà Thiên Chúa đang kêu gọi ngài, Samuen đáp lại : “Lạy Chúa, xin hãy phán, tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Đó là tiếng kêu gọi ngài trở thành một ngôn sứ. Ngài đóng một vai trò lớn, trong công cuộc xây dựng nhà Israen. Ngài chính là một khí cụ mà thông qua ngài, dân Israen đã có được những vị vua đầu tiên của họ. Trong bài Tin Mừng, chúng ta có được lời chú giải của thánh Gioan về lời mời gọi của Đức Giêsu đối với các môn đệ đầu tiên – Anrê, Gioan và Phêrô. Tiếng gọi đối với Phêrô nổi bật nhất, bởi vì ngài đóng một vai trò quan trọng trong cộng đoàn đầu tiên. Lời mời gọi của họ xảy đến một cách rõ rệt hơn, thông qua lời mời gọi của Gioan Tẩy giả và của chính Đức Giêsu. Ai biết được là có thể nghe được số phận của một con người (tiếng gọi) ? Từ câu chuyện về tiếng gọi của ngôn sứ Samuen, có thể kết luận rằng chúng ta phải lắng nghe tiếng gọi của Thiên Chúa một cách rõ ràng, nếu Người đòi hỏi chúng ta làm một công việc đặc biệt. Nhưng hiển nhiên rằng việc chọn lựa một ơn gọi tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Trong hai bài đọc, chúng ta đang được nghe về một tiếng gọi duy nhất và rõ rệt, được gọi một cách phổ biến là ơn kêu gọi. Samuen được kêu gọi đến với vai trò của một ngôn sứ, Anrê và những người khác được kêu gọi trở thành môn đệ. Lời mời gọi đầu tiên luôn luôn là đến với Thiên Chúa, “tiếng gọi” luôn luôn là của Người và mỗi tiếng gọi đều đòi hỏi một câu trả lời. Những sự kiện vĩ đại thường bắt đầu một cách rất đơn giản. Đây là cách mà Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ của Người. Đức Giêsu tìm kiếm một nhóm nhỏ bao gồm những tâm hồn giống nhau, và đòi hỏi nơi họ một lời cam kết trọn vẹn, và Người đã đạt được điều đó. Thiên Chúa cũng kêu gọi chúng ta, bằng nhiều cách thức và theo nhiều mức độ khác nhau. Người kêu gọi chúng ta đi vào cuộc đời. Trong suốt cuộc đời, Thiên Chúa tiếp tục kêu gọi chúng ta đến với một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm của chúng ta, trong tư cách là con cái của Người. Đến lúc chết, Thiên Chúa sẽ kêu gọi chúng ta ra khỏi cuộc đời này, để đến với cuộc sống đời đời. Lời mời gọi của Thiên Chúa có thể mang nhiều hình thức, và được thực hiện theo những cách thức khác nhau. Chắc hẳn là không được đầy ấn tượng giống như lời mời gọi của ngôn sứ Samuen, hoặc “thực sự” giống như lời mời gọi của các tông đồ đầu tiên. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn nói với chúng ta trong nơi thẳm sâu của tâm hồn chúng ta, Người đang kêu gọi chúng ta hướng đến tương quan thân mật với Người, và trở nên những người cộng tác của Người trong thế giới. Còn hơn cả một tiếng nói, lời mời gọi của Người là sự thôi thúc mạnh mẽ trong tâm hồn chúng ta, mà chúng ta cảm nhận được, thông qua những giây phút yên tĩnh và suy niệm trong cuộc đời mình. Đôi khi, lời mời gọi này làm cho chúng ta có thể cảm thấy được bằng một cách rất sinh động. Nhưng hầu hết mọi lúc, lời mời gọi này nhẹ nhàng như một tiếng gió thoảng qua. Cả lời mời gọi của ngôn sứ Samuen, lẫn lời mời gọi của các môn đệ đầu tiên, đều phù hợp với cuộc sống của chúng ta. Giống như Samuen đã được Thiên Chúa mời gọi trở nên một ngôn sứ, cũng vậy, mỗi người chúng ta được mời gọi làm một số công việc cụ thể cho Thiên Chúa trong thế giới. Và cũng có thể áp dụng lời mời gọi các môn đệ cả cho chúng ta nữa. Bởi vì trong ngày rửa tội, chúng ta được mời gọi trở nên môn đệ của Người. Mỗi ơn gọi đều đáng được tôn trọng. Và mỗi ơn gọi đều là một lời mời gọi đến với sự trọn vẹn của tình yêu.
|