Chúa nhật XXI  thường niên - Năm B
THẦN KHÍ TỐI QUAN TRỌNG

Chú giải của William Barclay

Chúng ta không mấy ngạc nhiên khi thấy các môn đệ cho rằng bài giảng của Chúa Giêsu thật khó lãnh hội. Từ Hy Lạp skleros không có nghĩa là khó hiểu, nhưng có nghĩa là khó chấp nhận. Các môn đệ biết rất rõ Chúa Giêsu tự xưng là sự sống từ Thiên Chúa đến trần gian. Chẳng có ai có thể sống hoặc đối diện với cõi đời đời nếu không tin nhận và tùng phục Ngài.

 

Đến đây chúng ta gặp một chân lý nổi bật trong mọi thời đại. Nhiều khi người ta khước từ Chúa Kitô vì không đáp ứng nổi tiêu chuẩn đạo đức mà Ngài đòi hỏi, chứ chẳng phải vì không biết Ngài. Khi thành thật suy nghĩ về vấn đề này, chúng ta bắt buộc nhìn nhận lại tâm điểm của mọi tôn giáo đều phải có mầu nhiệm, lý do đơn giản vì trung tâm của mọi tôn giáo đều có Thiên Chúa. Tâm trí loài người chẳng bao giờ hiểu được đầy đủ trọn vẹn về Thiên Chúa. Bất cứ một nhà tư tưởng chân chính nào cũng phải chấp nhận mầu nhiệm.

 

Chỗ khó thật sự của Kitô giáo gồm hai phương diện: Một là đòi hỏi tùng phục Chúa Kitô, nhận Ngài có quyền uy tối hậu, hai là đòi hỏi tiêu chuẩn đạo đức cao nhất. Các môn đệ vốn hiểu rất rõ Chúa Giêsu tự xưng chính Ngài là sự sống, là thần trí của Thiên Chúa xuống thế gian. Cái khó của họ là chấp nhận điều đó là đúng, với tất cả những gì tiềm ẩn trong đó. Đến nay có nhiều người chấp nhận giáo lý, nhưng có những người lại không theo nổi tiêu chuẩn sống của Ngài.

 

Cho nên Chúa Giêsu tiếp tục –không nhằm cố gắng chứng minh cho lời tự xưng của Ngài- mà Ngài nói rõ sẽ có ngày các biến cố xảy ra chứng minh điều đó. Ngài nói: “Các ngươi thấy khó tin Ta là bánh, là phần thiết yếu cho sự sống, từ trời xuống. Rồi các ngươi không còn thấy khó tin nữa, khi chứng kiến Ta trở lên trời”.

 

Đây là lời báo trước sự thăng thiên. Điều đó có nghĩa là Phục Sinh bảo đảm cho tất cả các lời tuyên bố của Ngài. Chúa Giêsu không phải là một người sống cao quý và chết dũng cảm cho một chính nghĩa bị thất bại. Ngài là Đấng mà những lời tự xưng được ứng nghiệm bởi sự kiện Ngài chết rồi sống lại. Chúa Giêsu tiếp tục dạy rằng điều tối quan trọng là quyền ban sự sống của Thần Khí, xác thịt chẳng ích gì cả. Thật đơn giản để hiểu phần nào ý nghĩa của nó – điều quan trọng hơn hết, đó là tinh thần ở trong mọi hành động. Giá trị của bất cứ vật gì là tùy ở mục đích của nó. Nếu chỉ ăn để mà ăn thì chúng ta trở thành kẻ tham ăn, như thế có hại hơn là lợi. Nếu chúng ta ăn để bảo tồn sự sống, để làm việc tốt hơn, để giúp thân thể thích ứng với đỉnh cao nhất của nó thì thức ăn mới có ý nghĩa đích thực. Nếu một người dành thì giờ để chơi thể thao chỉ vì thể thao mà thôi, thì trong phạm vi nào đó anh ta đã phí thời giờ của mình. Nhưng nếu người ấy chơi thể thao để thân thể tráng kiện, nhờ đó, có thể phục vụ Thiên Chúa và loài người đắc lực hơn thì thể thao lại trở thành quan trọng. Mọi điều liên hệ đến xác thịt có giá trị hay không tùy thuộc vào tinh thần nó được thực hiện.

 

Chúa Giêsu tiếp: “Lời Ta là Thần Khí và là sự sống”. Chỉ một mình Chúa Kitô cho chúng ta biết sự sống là gì, đặt trong chúng ta phần tinh thần hướng dẫn cuộc đời và ban cho chúng ta năng lực để sống cuộc đời ấy. Sự sống có giá trị hay không là tùy chủ đích, mục tiêu nó nhắm tới. Chỉ một mình Chúa Kitô định cho chúng ta mục địch, chủ đích thực của đời sống, và cũng chỉ một mình Ngài ban cho chúng ta năng lực để thực hiện mục đích ấy, chống lại những nghịch cảnh bên ngoài.

 

Nhưng Chúa Giêsu biết rõ nhiều người không chỉ khước từ suông lời đề nghị của Ngài, mà còn chối bỏ với lòng đố kỵ, thù ghét nữa. Không ai có thể tin nhận Chúa Giêsu trừ phi được Thánh Thần tác động. Nhưng con người cũng có thể chống lại Thánh Thần cho đến ngày cuối cùng. Một người như thế không phải bị Thiên Chúa loại ra, nhưng chính người ấy đã tự loại mình ra.

 

NHỮNG THÁI ĐỘ ĐỐI VỚI CHÚA KITÔ (Ga 6,66-71)

Đoạn này được viết theo linh tính về thảm họa sắp xảy ra, vì đây là phần bắt đầu của giai đoạn cuối cùng. Nhiều người kéo đến theo Chúa Giêsu, lúc Ngài dự lễ Vượt Qua tại Giêrusalem. Họ đã thấy các phép lạ Ngài làm và tin danh Ngài, số người kéo đến xin các môn đệ làm phép rửa thì đông, không kể xiết (2,23; 4,1-3). Tại Samari, nhiều việc lớn đã xảy ra (4,1.39.45). Tại Galilê, mới ngày hôm trước dân chúng hãy còn kéo theo Ngài rất đông (6,2), nhưng bây giờ giọng văn mô tả đã thay đổi. Từ nay trở đi, sự oán ghét ngày càng chồng chất cho đến khi đạt đến tột đỉnh là thập giá. Gioan đã hé mở màn cuối của thảm kịch. Chính trong những hoàn cảnh này, người ta mới thấy rõ lòng người và hiểu được bộ mặt thật của họ. Và trong những hoàn cảnh như thế, đã có ba thái độ khác nhau đối với Chúa Giêsu.

 

1. Có sự bỏ cuộc. Nhiều người quay lưng lại, không đi theo Ngài nữa. Họ bỏ đi vì nhiều lý do. Một số người trong đám đông họ đã thấy rõ Chúa Giêsu đi về đâu. Không thể thách thức giới caầm quyền như Ngài đã làm mà tránh khỏi hậu hoạn. Chúa Giêsu đang đi vào thảm họa và họ đã rút lui kịp thời, họ là hạng người tùy thời. Người ta bảo muốn thử một đạo quân, hãy xem cách đạo quân ấy đánh giặc khi mọi người đều mỏi mệt. Nếu sự nghiệp Chúa Giêsu cứ đi lên, chắc những người kia chưa quay lưng, nhưng ngay khi nhìn thấy bóng thập giá, họ liền bỏ Ngài. Có một số người khác bỏ Chúa vì trốn tránh thách thức của Ngài. Quan điểm cơ bản của họ là theo Chúa để được một cái gì đó, nên khi phải chịu khổ vì Ngài, phải mất một chút gì đó cho Ngài là họ bỏ đi ngay.

Nếu theo Ngài mà thơ mộng, huy hoàng, chắc họ bám sát Ngài, nhưng khi đường đi trở thành khó khăn, theo Ngài đòi hỏi một điều khó làm thì họ bỏ Ngài. Việc họ tìm thầy học đạo hoàn toàn do những động lực ích kỷ. Thật ra chẳng có ai ban cho chúng ta nhiều hơn Chúa Giêsu. Nhưng nếu chúng ta chỉ đến với Ngài nhằm mục đích thu vào chứ chẳng cho ra, chắc chắn chúng ta phải trở lui. Những ai muốn theo Chúa Giêsu phải nhớ đường theo Ngài là thập giá.

 

2. Có sự suy thoái. Chúng ta thấy điều này nơi Giuđa rõ hơn hết. Chúa Giêsu đã thấy ông là người có thể dùng cho chủ đích của Ngài. Nhưng thay vì trở thành anh hùng, Giuđa lại trở nên tên vô lại, và đáng lẽ là thánh nhưng lại là một tên ô nhục. Câu chuyện của họa sĩ vẽ bức tranh Bữa Tiệc Ly là một kinh nghiệm đáng sợ. Đó là một bức tranh khổng lồ, đòi hỏi họa sĩ phải mất nhiều năm để vẽ. Tìm một người mẫu để vẽ Chúa Giêsu, ông gặp một thanh niên có gương mặt đẹp đẽ, thuần khiết và siêu thoát, ông thuê chàng làm người mẫu. Bức tranh cứ được bổ túc, ông vẽ hết môn đệ này đến môn đệ nọ, một ngày kia, ông cần một người để vẽ Giuđa, mà ông có ý để vẽ sau cùng. Ông đi ra, tìm trong số người hèn hạ nhất trong thành phố, đến cả nơi hang ổ những kẻ xấu xa nhất. Cuối cùng ông gặp được một người, bộ mặt in hằn dấu vết một kẻ trụy lạc vô cùng xấu xa. Ông thuê người này là mẫu. Khi bức tranh hoàn tất, người mẫu nói với họa sĩ: “Trước đây đã có lần ông vẽ tôi rồi”. Họa sĩ đáp: “Chắc chắn là không”. Người nọ bảo: “Ồ có mà, lần trước ông đã vẽ tôi, ông dùng tôi làm mẫu để vẽ Chúa Giêsu”. Năm tháng đã tạo nên sự suy thoái khủng khiếp. Thời gian thật bạo tàn, nó có thể cướp đi những lý tưởng, những hăng say, những mơ ước và sự trung thành của chúng ta, có thể để lại nơi chúng ta một đời sống ngày càng nhỏ nhoi thay vì càng cao đẹp. Nó có thể lưu lại cho chúng ta một tấm lòng đã chai lỳ thay vì được rộng mở trong tình thương của Chúa Giêsu. Cuộc đời có thể làm mất đi vẻ đẹp đáng yêu của chúng ta. Nguyện xin Chúa cứu chúng ta ra khỏi tình trạng đó.

 

3. Có sự quyết định. Đây là cách Gioan viết lại lời xưng nhận quan trọng của Phêrô tại Xêdarê Philipphê (Mc 8,27; Mt 16,13; Lc 9,18). Chính trong một hoàn cảnh như thế, người ta đã thấy lòng trung thành của Phêrô. Đối với Phêrô, có một điều thật đơn giản là chẳng còn có ai đang cho ông đi theo hơn là Chúa Giêsu. Với ông, chỉ có Ngài mới có lời đem lại sự sống đời đời.

 

Lòng trung thành của Phêrô căn cứ trên mối liên hệ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Có nhiều điều Phêrô không hiểu, ông cũng bối rối, lạc lõng như bất cứ ai khác. Nhưng nơi Chúa Giêsu có một cái gì khiến ông sẵn sàng hy sinh tính mạng. Nói cho cùng, Kitô hữu không phải là một triết lý mà chúng ta chấp nhận hoặc một lý thuyết buộc chúng ta phải trung thành. Nó là sự đáp ứng cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Đó là lòng trung thành và tình yêu mà một người hiến dâng, vì tấm lòng người ấy không cho phép người ấy làm gì khác hơn nữa.