Chúa nhật VII thường niên - Năm B
HÃY THEO ĐỨC GIÊSU
VÌ NGƯỜI LÀ ĐẤNG RẤT UY QUYỀN
L. M. Carôlô Hồ Bặc Xái
I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến
Chúa nhựt trước, chúng ta đã thấy tấm lòng yêu thương của Đức Giêsu. Ngài đã quan tâm đến bệnh tật con người và Ngài đã cứu chữa họ. Chúa nhựt hôm nay chúng ta lại thấy tấm lòng yêu thương của Ngài còn chan chứa hơn nữa qua việc Ngài tha tội.
Xin Chúa giúp chúng ta ngày càng thấy rõ tình thương bao la của Chúa.

II. Gợi ý sám hối

Chúng ta thường quan tâm nhiều đến những bệnh tật thể xác, nhưng chưa đủ quan tâm đến những bệnh tật tâm hồn.
Chúng ta không tin tưởng vào sự tha thứ của Chúa, hoặc lạm dụng sự tha thứ ấy.
Được Chúa tha thứ nhiều lần, nhưng chúng ta không quảng đại tha thứ cho người khác.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Is 43,18-19,21-22.24b-25)

Đoạn này là thành phần của Sách An Ủi (Is 40-45), gồm 2 ý chính:

Phía con người: Lời Thiên Chúa qua miệng ngôn sứ Isaia khuyên loài người đừng để mình bị ám ảnh bởi mặc cảm tội lỗi trong quá khứ, vì "Đây Ta sẽ làm những cái mới".
Phía Thiên Chúa: Thiên Chúa cũng không nhớ đến những tội lỗi quá khứ của con người: "Chính vì Ta mà Ta xoá bỏ sự gian ác của ngươi và sẽ không còn nhớ đến tội lỗi của ngươi".

2. Đáp ca (Tv 40)

Bài ca cảm tạ Chúa của một người bị bệnh nhưng vẫn luôn tin tưởng Chúa sẽ cứu chữa mình.

Đây cũng là tâm tình của người bất toại trong bài Tin Mừng. Chính vì tâm tình tin tưởng cậy trông này mà người bất toại đã được Đức Giêsu tha tội và chữa bệnh.

3. Tin Mừng (Mc 2,1-12)

Qua phép lạ này, Đức Giêsu đã ban cho người bất toại và thân nhân của anh những ơn lành quá mức họ mong đợi: họ mong Đức Giêsu chữa cho người này hết bệnh bất toại; Đức Giêsu còn tha tội cho anh nữa. Điểm đáng lưu ý là Đức Giêsu tha tội trước rồi mới chữa bệnh sau. Nghĩa là được tha tội còn quý hơn được chữa bệnh.

Phép lạ này còn mặc khải một quyền rất lớn của Đức Giêsu, đó là quyền tha tội. "Ai có quyền tha tội nếu không phải là một mình Thiên Chúa". Vậy nếu Đức Giêsu tha tội được thì chứng tỏ Ngài là Thiên Chúa.

4. Bài đọc II (2 Cr 1,18-22)

Bối cảnh của đoạn thư này: Tín hữu Côrintô trách Phaolô là người không thật, vì ông đã nói rằng ông sẽ đến thăm họ nhưng rồi không đến.

Để biện hộ, Phaolô nêu gương Đức Giêsu: Đức Giêsu không phải vừa "có" lại vừa "không", nhưng nơi Người chỉ là "có" mà thôi. Hiểu ngầm: Phaolô luôn theo gương Đức Giêsu, cho nên ông luôn trung thành giữ lời ông đã nói.

IV. Gợi ý giảng

* 1. Chăm sóc con người toàn vẹn

Ngày xưa trong các xứ đạo, khi trong nhà có người bệnh thì trước tiên người ta mời linh mục đến, sau đó mới tới bác sĩ. Ngày nay xem ra ngược lại. Đối với tín hữu có lòng tin thì cả linh mục lẫn bác sĩ đều cần thiết cho việc chăm sóc bệnh nhân. Nói thế không có nghĩa là linh mục chỉ lo phần tinh thần, còn bác sĩ chỉ lo phần thể xác. Ai nghĩ như vậy là xúc phạm đến chức năng của cả linh mục lẫn bác sĩ, bởi vì chăm sóc bệnh nhân phải là sự chăm sóc toàn vẹn.

Khi thấy người ta khiêng người bất toại đến, Đức Giêsu biết ngay là bệnh nhân này cần được chăm sóc về thể xác. Tuy nhiên Ngài cũng thấy anh ta cần được chăm sóc linh hồn hơn, vì thế Ngài bắt đầu bằng việc tha tội cho anh.

Tại sao Đức Giêsu tha tội trước rồi mới chữa bệnh sau? Không phải vì Ngài cũng nghĩ như bao người khác thời đó rằng bệnh tật là hình phạt của tội lỗi; cũng không phải Ngài cho rằng người bệnh này có tội nhiều hơn những người khác cũng có mặt trong nhà hôm ấy. Ngài chỉ muốn cho người ta biết rằng tội cũng là một thứ bệnh, thứ bệnh của linh hồn. Thực ra Đức Giêsu không phân biệt rạch ròi giữa bệnh thể xác và bệnh linh hồn, Ngài coi cả hai đều là bệnh, do đó Ngài chữa trị cả hai.

Ngày nay nhiều chuyên viên chữa trị cũng đồng ý với Đức Giêsu. Nhiều chứng bệnh thể lý có liên hệ chặt chẽ với bệnh tâm hồn. Ngày nay người ta quan tâm đến "sức khoẻ toàn diện", do đó phải chữa trị toàn vẹn con người.

Có lẽ trong số chúng ta đây, không ai đang cần được chữa bệnh thể xác, nhưng ai cũng đang cần được chữa bệnh linh hồn. Tội có thể được coi là thứ bệnh linh hồn làm cho chúng ta thành bại liệt. Mà quả thật là như vậy, tội làm tê liệt con tim chúng ta khiến chúng ta mất khả năng yêu thương; tôi làm tê liệt ý chí chúng ta khiến chúng ta mất khả năng từ chối sự dữ; tội cũng làm tê liệt tinh thần chúng ta khiến chúng ta không còn khả năng sống trong tự do, hy vọng và vui mừng.

Vậy, cũng như người bất toại trong bài Tin Mừng, chúng ta hãy đến với Đức Giêsu, xin Ngài tha thứ và chữa trị. Ngài cũng sẽ nói với chúng ta "Tội con đã được tha. Hãy đứng dậy và sống một cuộc sống tự do, vui mừng như một người con của Chúa". (Viết theo Flor McCarthy)

* 2. Tội con đã được tha

Chuyện xảy ra ở bên Phi Châu. Có một tín hữu da đen hết lòng tin nhận Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế. Anh thường kể chuyện Ơn Cứu Chuộc cho bạn bè nghe. Một hôm, đang khi vác bao khoai từ ngoài đồng về, giữa đường anh gặp một người bạn. Người này chẳng những không tin Chúa mà còn chế giễu niềm tin của anh. Khi hai người gặp nhau, anh bạn liền mở lời trêu chọc:

- Làm sao anh biết mình đã được cứu chuộc?

Tín hữu da đen suy nghĩ giây lát và anh đã tìm ra lời giải. Anh cố ý chạy tới trước để bao khoai rơi xuống phía sau, và hỏi người bạn:
- Làm sao tôi biết bao khoai đã rơi xuống trong khi tôi không ngó lại đàng sau?

Người bạn nhanh nhẩu đáp:
- Dễ thôi, vì gánh nặng trên vai anh đã nhẹ đi, lẽ nào anh lại không biết?

Tín hữu da đen gật đầu đắc chí:
- Gánh nặng đã nhẹ đi đương nhiên phải biết. Cũng thế, trước khi tin Chúa tôi cũng có một gánh nặng tội lỗi trong lòng. Nhưng nay gánh nặng ấy không còn nữa. Tôi đã được nhẹ nhàng thanh thản và tin rằng Chúa đã cứu chuộc tôi.

Khi Đức Giêsu nói với người bất toại: "Hỡi con, tội con đã được tha" (Lc.5,20) chắc hẳn anh cũng cảm thấy bình an, thanh thản vì biết mình được Chúa cứu. Cuộc đời tưởng chừng như khép lại với người bất toại, nhưng khi gặp được Chúa thì một sức sống mới lại dâng trào. Anh như cảm thấy trút được gánh nặng. Trước hết, là gánh nặng của bệnh bất toại, sau nữa là gánh nặng của tội lỗi, vì người Do thái cho rằng: nguyên nhân của mọi bệnh tật là do tội lỗi.

Sau khi tuyên bố tha tội, Đức Giêsu đã cho người bất toại được lành bệnh. Như vậy, việc chữa lành bệnh nhân chính là bằng chứng lời tha tội thực sự có hiệu quả. Nếu hiệu quả hữu hình là việc lành bệnh mọi người đều thấy thì hiệu quả vô hình là lời tha tội cũng làm cho mọi người phải tin nhận.

Một khi người bất toại chấp nhận lời tha tội của Đức Giêsu, thì chính anh cũng sẽ tin nhận Người là Đấng Cứu Thế, là Thiên Chúa thật, và là "Con Người' mà tiên tri Daniel đã loan báo.

Một khi người bất toại chỉ cầu mong được lành bệnh, mà Đức Giêsu còn ban ơn tha tội cho anh, thì anh chỉ còn biết "sững sốt mà ngợi khen Thiên Chúa" khôn cùng.

Chúng ta hãy bằng lòng để cho Đức Giêsu thực hiện nơi chúng ta những gì Người đã làm cho người thanh niên bất toại.

Hãy đến với Đức Giêsu trong Bí tích giải tội, để lắng nghe Người nói với chúng ta những gì Người đã nói với kẻ bất toại: "Hỡi con, tội con đã được tha".

Hãy để lòng mình cảm nghiệm sự bình an, thanh thản của ơn tha thứ như người bất toại đã từng cảm nhận sau khi được chữa lành.

Hãy mở rộng lòng để đón nhận sự tha thứ, sự tha thứ đến vô cùng của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã chia sẻ: "Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa như những người khác. Nhưng Thiên Chúa giàu lòng xót thương và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ" (Ep.2,4-5).

Lạy Chúa, chúng con tin nhận Chúa là Đấng cứu chuộc chúng con. Lòng thương xót chúa muốn lôi kéo chúng con vào quê hương vĩnh cửu, nhưng chúng con lại mãi mê chạy theo phù vân thế trần. Xin tha thứ tội lỗi chúng con, cho chúng con cảm nghiệm được phúc bình an của lòng thương xót Chúa. Amen. (Thiên Phúc, "Như Thầy đã yêu")

* 3. Từ thất vọng đến mừng vui

Có lẽ người bất toại và thân nhân của anh ban đầu thất vọng, nhưng sau đó thì vui mừng khôn tả.

Thất vọng vì họ xin được hết bệnh mà Chúa lại tha tội. Nghĩa là xin một điều mà lại được ban cho một điều khác.

Vui mừng vì cuối cùng chẳng những được tha tội mà còn được hết bệnh nữa. Nghĩa là xin một mà được hai. Đó là chưa kể đến điều thứ ba là Chúa giúp họ hiểu rằng sức khoẻ linh hồn trọng hơn sức khoẻ thể xác.

Vậy thì từ nay, khi ta xin Chúa điều gì mà ta chưa thấy Chúa ban thì ta chớ vội thất vọng. Có thể Ngài ban cho điều khác. Mà cũng có thể ban nhiều hơn ta xin.

* 4. "Ta sẽ không còn nhớ đến các tội lỗi của ngươi nữa"

Ngày kia thánh Phanxicô Salêsiô cho một người xưng tội. Người này xưng rất thành thật, khiêm nhượng và hết lòng ăn năn. Thánh nhân cảm động lắm. Sau khi xưng tội xong, người ấy hỏi:
- Bây giờ cha biết tất cả những sự xấu xa của con rồi. Cha nghĩ thế nào về con?
- Bây giờ cha nhìn con như một đấng thánh.
- Chắc cha phải nói ngược lại mới được.
- Không. Cha nói theo lương tâm của cha. Con bây giờ hoàn toàn khác trước rồi.
- Nhưng tội lỗi con đã phạm thì luôn luôn ở với con mà.
- Không phải thế đâu con ạ. Khi bà Mađalêna đã ăn năn trở lại, Chúa xem bà như một đấng thánh. Chỉ có bọn Pharisêu giả hình cứ coi bà là kẻ tội lỗi.
- Nhưng đối với cha, con muốn biết cha nghĩ thế nào về quá khứ của con?
- Cha không nghĩ thế nào cả. Điều gì không có trước mặt Chúa thì cha không nghĩ đến. Cha chỉ biết ngợi khen Chúa và vui mừng vì con đã trở lại với Chúa. Cha muốn cùng các thánh trên trời vui mừng với con.

Nói xong, thánh nhân khóc. Người kia bỡ ngỡ hỏi:
- Cha khóc à? Chắc cha khóc vì thấy con phạm nhiều tội quá?
- Cha khóc vì thấy con đã sống lại với Chúa.

Thánh nhân biết rõ phép Giải tội không phải là che giấu tội ta đã phạm, nhưng là rửa sạch hết mọi tội ta đã khiêm nhường xưng ra. (Trích "Phúc")

* 5. Ơn tha thứ

Satan phàn nàn với Chúa: "Ngài không công bằng. Nhiều tội nhân làm điều sai trái và Ngài lại đón nhận họ. Thật ra, có người trở lại sáu bảy lần và Ngài vẫn nhận. Tôi chỉ phạm một lỗi lớn mà Ngài kết án tôi đời đời." Chúa nói: "Đã bao giờ ngươi xin tha thứ hoặc ăn năn chưa?".

* 6. Đón nhận ơn tha thứ

Có 2 vợ chồng kia yêu nhau tha thiết, cưới nhau, sống hạnh phúc với nhau. Nhưng chỉ vài năm sau ngày cưới thì anh chồng thay lòng đổi dạ. Người vợ chỉ còn biết cầu nguyện. Nhưng cầu nguyện đã mấy chục năm mà vẫn không kết quả. Hai người sống chung với nhau trong một căn nhà nhưng sống trong tình trạng chiến tranh lạnh, không ai nói với ai một lời, cười với nhau một nụ cười hay ngay cả không còn nhìn nhau. Gia đình như một hoả ngục. Sau cùng, người vợ tìm đến một tu sĩ trong rừng trình bày khó khăn, và thố lộ mình hầu như mất niềm tin vì đã quá lâu cầu xin với Chúa một điều tốt đẹp mà sao Chúa không nhậm lời. Vị ẩn sĩ phân tích: Sao chị biết rằng Chúa không nhậm lời? Chúa đã ban cho chị điều chị cầu xin, nhưng chị chưa hưởng được ơn đó thôi, bởi vì chị chưa tin cho đủ vào lời cầu xin. Nói rõ hơn, chị xin vợ chồng hoà thuận mà chị đã không làm gì để tạo lại sự hoà thuận đó. Chị hãy trở về, đừng cầu xin nữa (vì Chúa đã ban ơn rồi) nhưng hãy bắt đầu hành động để tạo lại hoà thuận giữa chị và chồng chị.

Nghe lời vị tu sĩ, người vợ trở về. Và lần đầu tiên sau mấy chục năm không hề nhìn nhau, bà gõ cửa và bước vào phòng của chồng. Người chồng rất ngạc nhiên, nhìn vợ. Bà nói "Xin anh hãy bỏ qua mọi lầm lỗi của tôi bấy lau nay". Người chông đáp: "Chính anh mới co lỗi với em. Xin tha thứ cho anh". Hai người ôm nhau khóc vì hạnh phúc tưởng như chấp cánh bay mất mấy chục năm nay giờ bỗng tìm lại được.

V. Lời nguyện cho mọi người

Chủ tế: Anh chị em thân mến, Thiên Chúa là tình yêu một tình yêu luôn sẵn sàng tha thứ mọi tội lỗi cho chúng ta. Chúng ta hãy cảm tạ lòng xót thương của Chúa và dâng lên Người những lời nguyện sau đây:

1. Xin Chúa cho các vị chủ chăn và các giáo hữu trong Hội thánh / luôn noi gương Đức Giêsu Kitô để trở thành hiện thân của Thiên Chúa hay tha thứ.

2. Xin Chúa cho các nhà cầm quyền và lãnh đạo trên thế giới biết noi gương Thiên Chúa tình thương / để sẵn lòng khoan dung tha thứ cho những kẻ lầm đường lạc lối.

3. Xin Chúa cho mọi người tội lỗi biết thành thật ăn năn sám hối / để đáng được tha thứ và làm hòa với Thiên Chúa cũng như với mọi người.

4. Xin Chúa cho mọi người trong cộng đồng họ đạo chúng ta / biết khiêm tốn nhìn nhận thân phận yếu hèn của mình / và luôn cầu khẩn xin Chúa rộng lượng thứ tha.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, xin cho chúng con là con cái cha, biết noi gương Cha là Đấng hay tha thứ, để chúng con sẵn sàng tha thứ cho mọi người lỗi phạm đến chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...
VI. Trong Thánh lễ

Trước kinh Lạy Cha: Trong kinh Lạy Cha mà chúng ta sắp đọc, chúng ta hãy đặc biệt chú ý khi đọc câu "và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con"
Chúc bình an: Cùng với lời chúc bình an cho nhau, anh chị em cũng hãy tha thứ cho nhau.

VII. Giải tán

Anh chị em hãy ra về loan báo cho mọi người về lòng nhân từ tha thứ của Chúa.