Chúa nhật VII thường niên - Năm B
HÃY CHỖI DẬY VÁC CHÕNG MÀ ĐI
Lm. Stêphanô Bùi Thượng Lưu
Đám đông dân chúng “đông đảo đến nỗi ngoài cửa không còn chỗ đứng“ (Mc 2, 2). Họ tuốn đến vì đã nghe danh tiếng Chúa Giêsu. Họ tuốn đến để nghe Chúa Giêsu giảng dạy về Tin Mừng Cứu Độ, về Nước Trời. Trong đám đông chen lấn ấy, có cả những người luật sĩ.

Suốt thời gian rao giảng, các bệnh nhân đã tuốn đến với Chúa Giêsu, và được Ngài thương xót chữa lành. Bệnh nhân bị bất toại trong bài Tin Mừng hôm nay, không tự mình đến được với Chúa, vì Ông ta bị tê liệt. Ông đã phải nhờ bốn người bà con hoặc bạn bè khiêng ông đến trước Chúa Giêsu. Vì đám đông đứng kín mít vây quanh đang chăm chú nghe Lời Chúa, họ đã có sáng kiến độc đáo “rỡ mái nhà trên chỗ Người ngồi một lỗ to, rồi thòng chiếc chõng với người bất toại xuống“.

Nhìn thấu suốt lòng tin của người bị bệnh bất toại, niềm mong đợi của bạn bè bệnh nhân và đám đông, Chúa Giêsu đã chữa lành ông ta, không những phần xác mà mà cả phần hồn: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy vác chõng mà về nhà “,“Hỡi con tội lỗi con được tha“. Lập tức người ấy đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: “Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ “.

Trước phép lạ nhãn tiền này, chắc chắn người vui sướng nhất phải là người bất toại. Từ bao năm tháng qua, ông ta bị tê liệt tay chân, không còn đi lại được, phải nằm liệt giường liệt chiếu. Chạy thầy chạy thuốc đã nhiều, nhưng đành bó tay. Đời của ông kể như tàn! Ông không thể đi làm để nuôi sống gia đình, lo được gì cho vợ con Ông. Trái lại, Ông còn phiền lụy đến hết mọi người. Chắc cũng nhiều lúc, ông cảm thấy tuyệt vọng, chán chường. Tê liệt phần xác đã làm ông dần dần tê liệt nội tâm. Đau khổ nhất đối với Ông có lẽ là những cảm nghiệm bị Thiên Chúa bỏ rơi và thử thách. Bất toại thể xác tượng trưng cho bệnh tê liệt về phần hồn. Bệnh tật là biểu tượng cho trạng thái tê liệt bên trong: cách thiêng liêng, bệnh nhân bị tê liệt, bị mù, bị điếc...

Bây giờ đây Ông vui sướng hân hoan, ông nhảy mừng “lập tức ông đứng dậy, vác chõng ra đi trước mặt mọi người“. Ông đã được Chúa Giêsu chữa lành phần xác. Ông được phục hồi lại sức khỏe. Từ nay, ông có thể “tung tăng“ đi lại, hoạt động như bao người khác. Ông có thể đi làm để nuôi sống vợ con. Cử chỉ “đứng lên vác chõng“ mà về, nói lên sự lành mạnh thể lý và sức khỏe đủ để chu toàn bổn phận của con người.

Chắc chắn, Ông phải là người biết ơn Chúa Giêsu nhiều nhất và “ngợi khen“ Thiên Chúa trước nhất. Chắc chắn, tâm hồn Ông được đổi mới. Đức tin vào Đấng Messia, Đấng Cứu Thế, đã bắt đầu nhen nhúm nơi ông. Ông cũng như nhiều người trong đám đông hôm nay đã tin vào Chúa Giêsu như Đấng Cứu Thế mà bấy lâu dân Do Thái hằng mong đợi.

Ngài là Đấng Thiên Chúa sai đến để cứu chữa con người toàn diện cả xác lẫn hồn. Vì con người luôn luôn là một. Tin mừng cứu độ Chúa Giêsu rao giảng là Tin mừng cứu độ toàn diện. Qua phép lạ này, qua cử chỉ và lời nói đối với bệnh nhân, nhất là cuộc đối thoại của Chúa Giêsu với nhóm luật sĩ, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài là Đấng Cứu Độ và là Thiên Chúa . Thánh sử Marcô đã kể tiếp như sau: “Chúa Giêsu thấy rõ được những điều đang suy tưởng trong tâm trí các nhà luật sĩ: “Sao ông này lại nói thế? Ông nói phạm thượng. Ai có quyền tha tội, nếu không phải là một mình Thiên Chúa“, nên đã nói với họ: “Tại sao lòng các ông nghĩ thế? Nói với người bất toại này: “Tội lỗi con được tha“ hay nói: “Hãy chỗi dậy vác chõng mà đi, đàng nào dễ hơn? Nhưng để các Ông biết Con Người có quyền tha tội dưới đất, Người nói với kẻ bất toại: “Ta truyền cho con hãy chỗi dậy vác chõng mà về nhà“.

Trước dấu chỉ nhãn tiền này, thánh sử Marcô không ghi lại phản ứng của những luật sĩ. Ngài chỉ ghi nhận “ai nấy đều sửng sốt và ngợi khen Thiên Chúa rằng: Chúng tôi chưa từng thấy như thế bao giờ“. Chúng ta cũng hy vọng có một số các luật sĩ, không còn cứng lòng trước dấu chỉ này, mà thay dạ đổi lòng, để tin nhận Nước Thiên Chúa. Vì trong nhiều nơi khác của Tin Mừng, có ghi nhận sự “cứng lòng“ của nhóm thông luật và biệt phái. Vì muốn bảo vệ “nồi cơm“, bảo vệ quyền lợi, nên họ đã cố tình “bưng tai bịt mắt“ không nhận ra những “dấu chỉ“, không thèm nghe lời rao giảng của Chúa Giêsu, không thèm hoán cải nội tâm để đón nhận Nước Trời. Không những thế, họ còn tìm cách “thủ tiêu“ Ngài. Sự mù quáng tâm hồn đã làm họ tê liệt phần hồn.

Lậy Chúa, xin cho con nhận ra Ngài là Cứu Chúa của con.

NS Dân Chúa Âu Châu