Chúa Nhật IV mùa vọng  - Năm A
ĐỪNG NGẠI
Lm Giuse Đinh tất Quý

X Lời Chúa (Mt 1,18-24)

18 Sau đây là gốc tích Ðức Giêsu Kitô: bà Maria, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giuse.  Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. 19 Ông Giuse, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

20 Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần hiện đến báo mộng cho ông rằng: "Này ông Giuse, con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. 21 Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."

22 Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: 23 Này đây, Trinh Nữ sẽ thu Thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta."

24 Khi tỉnh giấc, ông Giuse làm như sứ thần Chúa dạy và đón vợ về nhà.

 

A. DÀNH CHO THIẾU NHI

Câu 01: Tin Mừng thánh Mathêô tường thuật lại cho chúng ta việc gì?

a. Việc Đức Maria được sứ thần Thiên Chúa truyền tin.

b. Việc Đức Maria đi thăm bà chị họ là Isave.

c. Việc sứ thần Thiên Chúa truyền tin cho thánh Giuse.

d. Việc Chúa Giêsu giáng sinh tại Belem.

Câu 02: Thái độ của thánh Giuse như thế nào trước việc truyền tin?

a. Không chịu chấp nhận.

b. Chấp nhận với sự miễn cưỡng.

c. Hoàn toàn chấp nhận với tấm lòng phó thác.

d. Để mặc cho Thiên Chúa muốn làm gì thì làm.

Câu 03: Chúa muốn chúng ta học được bài học gì qua biến cố hôm nay?

a. Bài học bắt buộc phải về chấp hành ý muốn của Thiên Chúa.

b. Bài học về lòng quảng đại trong việc cộng tác với Thiên Chúa.

c. Bài học về cuộc sống công chính trước Thiên Chúa.

d. Bài học về sự vâng lời không có chọn lựa đối với ý định của Thiên Chúa.


B. DÀNH CHO NGUỜI LỚN

 Tin Mừng Luca nói đến việc truyền tin cho Đức Mẹ, còn Tin Mừng Mátthêu lại nói đến việc truyền tin cho Giuse. Sứ thần Chúa đến để giải tỏa nỗi lúng túng và bối rối của ông, khi báo cho ông hay thai nhi nơi người vợ chưa cùng ông chung sống, là do quyền năng Thánh Thần. Sứ thần mời gọi ông cứ đón nhận Maria làm vợ, và chấp nhận thai nhi như con mình.

Giuse đã nói tiếng Xin Vâng. Ông đón lấy những mầu nhiệm mà ông không hiểu hết.

Cả cuộc đời Giuse là chiêm ngắm các mầu nhiệm diễn ra một cách bình thường, sát bên ông. Và chính cuộc đời của ông cũng là một mầu nhiệm.

Giuse chấp nhận ý định của Thiên Chúa dù nó phá vỡ ước mơ ông ấp ủ từ lâu. Ông muốn làm chồng, nhưng Thiên Chúa lại chỉ muốn ông làm bạn. Ông muốn là cha của một đàn con đông đúc, nhưng Chúa lại muốn ông chỉ là cha nuôi.

Bề ngoài, Giuse vẫn gánh trách nhiệm làm chồng, làm cha, nhưng căn tính sâu xa của ông, nào ai biết được.

Ông đã sống một mình mầu nhiệm đời ông trước Thiên Chúa.

Hãy nhìn ông xem, ông đã sống cho Thiên Chúa thế nào. Ông luôn bị đánh thức vào lúc đang an nghỉ. Sứ thần Chúa bảo ông chỗi dậy để làm điều gì đó, ông bỏ dở giấc ngủ và lên đường giữa đêm khuya. Từ Nadarét đi Bêlem, từ Bêlem đi Ai cập, rồi lại trở về. Giuse chịu trách nhiệm về những kho báu Chúa giao.

Vâng phục một cách đơn sơ: đó là thái độ của Giuse.

Mẹ Têrêsa đã nói về ý nghĩa hai tiếng Xin Vâng rất hay thế này: “Xin vâng” có nghĩa là “Tôi xin dâng hiến”, dâng hiến hoàn toàn, trọn vẹn, không tính toán thiệt hơn, không cân nhắc do dự.

Toàn bộ sự hiến dâng cho Chúa phải đến từ trong cả những điều bé nhỏ lẫn những việc lớn lao. Sự hiến dâng ấy không là gì ngoài một lời: Xin vâng! “Con xin nhận lấy bất cứ gì Ngài trao cho con, và cũng sẳn lòng cho đi bất cứ thứ gì Ngài lấy”. Nếu có điều gì thuộc về tôi, tôi sẽ có toàn quyền sử dụng nó như ý tôi muốn. Nhưng tôi thuộc về Chúa, vì thế Ngài có thể làm bất cứ điều gì Ngài muốn nơi tôi.

Toàn bộ sự hiến dâng phải hàm chứa lòng tin đầy yêu thương. Bạn không thể hiến dâng trọn vẹn trừ phi bạn tin tưởng một cách trọn vẹn và đầy tình yêu thương. Chúa Giêsu đã tin Chúa Cha vì Ngài biết Chúa Cha, biết tình yêu của Chúa Cha.

Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi chính mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu.  Amen.

Thiếu nhi chúng con yêu quí,

Chỉ còn đúng một tuần lễ nữa là chúng ta mừng lễ Chúa Giáng Sinh.

Ngay từ Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng, cha đã luôn nói với chúng con về việc làm thế nào để có thể gặp được Chúa khi Người đến.

Thế cha hỏi chúng con, Chúa đã đến với chúng ta bằng cách nào?

Bài Tin Mừng hôm nay trả lời cho chúng ta phần nào câu hỏi đó.

Chúa đã không đến như một nhân vật kỳ lạ trong những truyện cổ tích. Chúa cũng không đến như một nhân vật huyền thoại trong các truyện thần tiên.

Vậy thì Chúa đến bằng cách nào chúng con?

Chúa đến như một con người, một con người được sinh ra bởi một con người và sau đó Chúa sống một cuộc sống cũng như một con người. Chỉ có một điều, cách Chúa đến với con người chúng ta không giống với cách của con người chúng ta. Không giống ở chỗ nào thì chúng con nghe sứ thần của Thiên Chúa cắt nghĩa cho thánh Giuse. Đây là lời của sứ thần: "Này ông Giuse, con cháu Ðavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ."(Mt 1,20-21) Và Thánh Mathêo còn cho biết thêm: "Tất cả sự việc này đã xảy ra, là để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai, người ta sẽ gọi tên con trẻ là Emmanuen, nghĩa là "Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta." (Mt 1,22-23).

Đó chúng con có thấy không. Khác nhau là ở chỗ đó.

Sau này khi đã được cùng sống với Chúa Giêsu, thánh Gioan trong Tin Mừng của ngài, ngài còn cho chúng ta biết về Chúa Giêsu hay hơn nữa. Ngài nói như sau: "Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa."(Ga 1,1) "Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1,29).

Chưa hết, nếu chúng ta đọc trong Tin Mừng của thánh Gioan, chúng ta còn được thấy nhiều điều lạ lùng hơn nữa trong đó, chính Chúa Giêsu còn cho chúng ta biết những điều quan trọng hơn. Ngài bảo: Tôi và Chúa Cha là một."(Ga 10,30)."Phần tôi, tôi biết Người, và chính Người đã sai tôi."(Ga 7,29) Và Chúa còn quả quyết: "Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này.(Ga 8,23)

Nói tới đây cha tưởng cũng đã đủ để chúng ta thấy được Chúa Giêsu mà sứ thần Chúa loan báo là ai và Ngài đến với loài người chúng ta như thế nào để qua đó chúng ta phải có một cái nhìn đúng về Ngài cũng như phải có một niềm tin vào Ngài như thế nào.

2. Bây giờ đến lượt chúng ta. Chúng ta tự hỏi đâu là thái độ chúng ta phải có khi chúng ta đứng trước máng cỏ Belem của Chúa Giêsu?

Nhìn vào Chúa Giêsu chúng ta phải có thái độ nào? Nếu chúng ta chỉ nhìn Chúa Giêsu như đa số những người Do thái thuở xưa thì chúng ta sẽ chỉ thấy Chúa Giêsu là một con người. Chúa Giêsu chỉ là một con người, một con người như tất cả mọi người không hơn không kém. Một con người với tất cả phẩm chất của một sinh vật trên đất. Và nếu chúng ta chỉ nhìn Chúa Giêsu như thế thì chắc là chúng ta sẽ khó vượt qua được thái độ coi thường hay có khi còn là kẻ thù của Chúa Giêsu như những người D thái thuở xưa: "Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa."(Ga 10,33)

Nhìn lại những hình ảnh cuối cùng của Chúa Giêsu dưới cây Thánh Giá chúng ta thấy rất rỏ điều đó.

Ngược lại nếu chúng ta có một cái nhìn đúng và đủ về Chúa Giêsu thì chắc chắn thái độ của chúng ta và mọi người sẽ khác.

Chúa Giêsu mà thiên sứ loan báo là một Emmanuel. Emmanuel có nghĩa là  Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta.

Như vậy đứng trước Chúa Giêsu cho dù ngài chỉ là một Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo khó hay một Chúa Giêsu quyền năng dẹp yên được cả sóng gió bão táp, chúng ta cũng phải nhìn Chúa bằng một danh hiệu mà thiên sứ đã loan báo: EMMANUEN. Thiên-Chúa-ở-giữa- chúng-ta. Một-Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta như một Con người.

Chúng ta không được nhìn Chúa Giêsu chỉ như một con người. Cái nhìn như thế sẽ dễ dẫn chúng ta đến thái độ sai lầm như những người Do thái thuở xưa. Cũng không được nhìn Chúa Giêsu như là một Ông Thần. Nhìn như thế sẽ dễ làm cho chúng ta sai lầm như một số các lạc thuyết thời Trung cố. Tóm lại Chúa Giêsu là một Thiên Chúa làm người. Đó là cái nhìn đầy đủ và đúng nhất về Chúa Giêsu.

 Nói tới đây cha nhớ đến một câu chuyện mà người Pháp hay kể cho nhau nghe mỗi dịp lễ Giáng Sinh về: Câu chuyện có tên là thăm Hang Đá. Câu chuyện xảy ra ở nhà thờ Đức Bà tại thủ đô Paris của nước Pháp.

Chuyện thế này: Vào một dịp lễ Giáng Sinh năm ấy, người ta thấy có một đoàn người đến viếng thăm Hang đá được làm trong nhà thờ Đức bà Paris. Đây là một ngôi Nhà thờ cổ kính và rất nổi tiếng toạ lạc ngay giữa thủ đô. Hoà trong đoàn người kính viếng hang đá năm ấy, người ta thấy có nhiều người tài giỏi cũng cùng viếng hang đá.

Đầu tiên người ta thấy một ông hoạ sĩ. Ông là người chuyên về màu sắc. Đứng trước máng cỏ của Chúa Giêsu, người ta thấy ông lắc đầu. Xem chừng như những mầu sắc trang hoàng hang đá không được đúng theo cái nhìn của ông. Nhìn một chút rồi ông đi ra. 

Tiếp đến là một ông kiến trúc sư: Chúng con biết ông kiến trúc sư là người làm nghề gì rồi. Ông làm nghề kết cấu trong việc xây dựng. Người ta thấy ông cũng nhìn và cũng ngắm và rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu. Có lẽ hang đá không được làm đúng với quy luật kiến trúc. Sau đó ông cũng lặng lẽ đi ra.

Tiếp theo đó là điêu khắc. Chúng con có biết nhà đều khắc làm gì không? Nhà đều khắc là người làm nghề tạc tượng hay đắp tượng. Tượng Chúa Giêsu, Đức Mẹ và thánh Giuse trong hang là do những người làm nghề điêu khắc làm. Nhà điêu khắc này đứng ngắm hang đá lâu hơn hai người trước. Hình như ông thấy các bức tượng nơi hang đá có vấn đề. Sao nó không đúng với thực tế mấy. Chúa thì to mà con bò con chiên thì lại quá nhỏ, thiếu sự cận đối vv vàa vv  Rồi người ta cũng lại thấy ông lắc đầu đi về.

Sau cùng người ta thấy một bà cụ già dắt theo một em bé. Em bé mặc một bộ đầm trắng toát như tuyết. Vai em còn mang thêm một chiếc khăn quàng cũng màu trắng. Hai bà cháu đứng ngắm nhìn hang đá một hồi lâu. Bỗng người ta thấy em bé mom men tìm đường leo lên hang đá đến tận chỗ người đặt tượng Chúa Giêsu Hài đồng.

Em bé ngắm nhìn Chúa Giêsu. Lòng em cảm thấy xúc động. Giữa cảnh đêm đông giá lạnh như thế này mà mà Chúa không có mền để đắp...Rồi người ta thấy em cởi chiếc áo len trắng em đang mặc đắp cho Chúa Giêsu Hài đồng.

Sau đó họ cũng ra về nhưng lòng họ cảm thấy tràn ngập niềm vui vì Chúa thật gần. Họ cảm thấy hạnh phúc ví thấy mình được Chúa yêu thương thương nhiều quá.

Chúa sắp Giáng sinh rồi.

Cha chúc chúng con cũng tìm được niềm vui và hạnh phúc nhu thế. Amen.