Chúa Nhật IV mùa vọng  - Năm A
EMMANUEL
SƯU TẦM

Đọc lại Cựu Ước, chúng ta thấy được hình ảnh nào của Thiên Chúa? Theo tôi nghĩ, điều Cựu ước nhấn mạnh cho dân Do thái, đó là một Thiên Chúa duy nhất đầy quyền uy.

Thực vậy, ngay những trang đầu của sách Sáng thế ký, sau khi Adong Evà phạm tội, thì buổi chiều Thiên Chúa đã tản bộ đi trong vườn địa đàng với làn gió nhẹ. Adong Evà đã hoảng sợ và tìm kiếm chỗ ẩn núp, nhưng cũng không thể nào thoát khỏi cái nhìn của Thiên Chúa, để rồi cuối cùng đã lãnh nhận bản án của đau khổ, của chết chóc cho hành vi phản bội đầu tiên ấy.

Tiếp theo là việc Thiên Chúa hiện ra và kêu gọi Maisen lên đường giải phóng dân tộc Do thái, đang sống dưới ách nô lệ, dưới sự kìm kẹp của vương quốc Ai cập. Lúc bấy giờ Maisen nhìn thấy một bụi gai bừng cháy, ông mon men tiến tới, thì được Giavê đã phán:

- Chớ lại gần, hãy cởi dép vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh.

Maisen đã phải che mặt vì ông sợ không dám nhìn Thiên Chúa.

Và sau cùng trong cuộc xuất hành trở về miền đất hứa, Đức Giavê đã tàn sát các con trai đầu lòng Ai cập, đã vùi dập binh đội của Pharaon nơi lòng biển cả. Và tại đỉnh núi Sinai, Đức Giavê đã trao ban lề luật cho Maisen trong một cảnh tượng hùng vĩ. Kinh thánh ghi lại rằng: Bấy giờ ngọn núi cuồn cuộn như bốc khói. Ngay cả sau khi Maisen xuống núi, khuôn mặt ông vẫn còn chói lọi, đến nỗi dân chúng sợ hãi không dám tiến lại với ông.

Bằng đó những sự kiện chỉ có ý muốn nói lên rằng: Thiên Chúa trong Cựu ước là Thiên Chúa của uy quyền. Ngài hiện ra trong sấm chớp hãi hùng, để truyền khiến, để sửa phạt. Đứng trước vị Thiên Chúa toàn năng ấy, con người nhỏ bé của chúng ta chỉ có một thái độ, đó là run sợ và khiếp hãi.

Thế nhưng, Cựu ước chỉ nắm giữ vai trò chuẩn bị, vai trò sửa soạn cho Đức kitô xuất hiện. Tất cả Cựu ước đều qui hướng về Đức Kitô và cùng với Đức Kitô, chúng ta có được một hình ảnh đầy yêu thương của Thiên Chúa. Hình ảnh này đã được tiên tri Isaia loan báo gần 700 năm về trước:

- Này đây một trinh nữ sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Lời loan báo này đã trở thành một sự thật trong Tân ước. Phải, đúng thế, Tân ước đã làm tròn những hình ảnh được nói đến trong Cựu ước, nhờ đó chúng ta thấy rõ Đức kitô chính là Thiên Chúa.

Qua bài Phúc âm hôm nay, sứ thần đã nhắc lại cho Giuse trong một giấc mộng lời nói tiên tri Isaia, để rồi một vài ngày nữa, trong đêm Giáng sinh, lời hứa về đấng Emmanuel sẽ được thực hiện. Thiên Chúa đã đến ở giữa chúng ta, không phải trong uy quyền với áng mây cột lửa, nhưng trong yêu thương với quang cảnh ngèo nàn và đơn sơ của máng cỏ Bêlem.

Từ một Thiên Chúa uy quyền và công bằng, Ngài đã trở nên một Thiên Chúa yêu thương và tha thứ. Ngài đó, một hài nhi bé bỏng như muôn ngàn vạn hài nhi khác. Ngài không đến trong sấm chớp, nhưng trong yên lặng của đêm khuya, trong rét mướt của mùa đông và trong nghèo hèn của chuồng bò. Ngài không làm cho bụi cây trong sa mạc bốc cháy, nhưng khi trông thấy Ngài các vì sao như rực sáng long lanh. Ngài không đòi phải có đền thánh huy hoàng, nhưng một nắm cỏ khô đã đủ cho ngài. Không phải là những biểu ngữ, những cổng chào của đám đông cuồng nhiệt đã tiếp đón Ngài như một ngày hội lớn, nhưng là nụ cười hiền dịu của Đức Maria và tấm lòng chân thành của thánh Giuse và các mục đồng, đúng như lời tiên tri Isaia đã loan báo:

- Ngài sẽ không la to, không nói lớn và người ta sẽ chẳng nghe thấy tiếng Ngài ngoài phố. Ngài đã không bẻ gẫy cây sậy đã dập và không thổi tắt ngọn đèn còn leo loét.

Thiên Chúa của chúng ta là như thế đó. Vậy đâu là nguyên nhân, là động lực thúc đẩy Ngài trở thành một Emmanuel, một Thiên Chúa ở cùng chúng ta? Tôi xin thưa:

- Đó chính là vì tình yêu.

Thực vậy, người ta thường nói:

- Yêu nhau chẳng quản xa gần,

 Mấy sông cũng lội, mấy ngàn cũng qua.

Nhìn vào kinh nghiệm thường ngày chúng ta cũng thấy được như vậy. Chẳng hạn hai anh chị yêu thương nhau, họ luôn mong muốn và làm mọi cách để có thể gặp nhau, để có thể ngồi tâm sự vui với nhau giờ này qua giờ khác.

Chẳng hạn người chồng phải đi học tập cải tạo tại, nhưng vì yêu thương, người vợ không bao giờ quản ngại đường sá xa xôi. Mỗi tháng lếch thếch với đứa con nhỏ và những đồ tiếp tế để đi thăm chồng.

Nếu quả thực là như vậy, thì hẳn tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta phải lớn lao, phải vĩ đại biết bao nhiêu. Bởi vì Ngài đã đi con đường dài nhất, con đường từ trời xuống đất, từ Thiên Chúa toàn năng đến một hài nhi yếu ớt. Khoảng cách ngàn trùng ấy đã được Chúa Giêsu vượt qua cho đến đời đời, bởi vì Ngài đã ở lại với chúng ta luôn mãi. Chúng ta có thể nói được rằng:

- Ngài đã kết hôn với bản tính nhân loại chúng ta để ăn mày đến vô biên.

Điểm đặc sắc của kitô giáo là ở chỗ đó: Thiên Chúa của chúng ta không phải là một ý niệm trừu tượng, một nhân vật hoang đường, nhưng là một con người cụ thể đã, đang và sẽ còn sống mãi bên chúng ta suốt những chặng đường đời, để yêu thương và tha thứ. Một Emmanuel, nghĩa là một Thiên Chúa ở cùng chúng ta.

Thiên Chúa đã đi quãng đường dài nhất để đến với chúng ta, còn bây giờ chúng ta sẽ phải đi nốt những bước chân còn lại. Ngài đến ở giữa chúng ta, nhưng có yêu thương và gắn bó với Ngài hay là chúng ta đã lạnh nhạt và xua đuổi Ngài như hánh Gioan đã viết:

- Ngài đã đến nhà mình, nhưng người nhà đã chẳng đón nhận.

Nếu như bây giờ Chúa trở lại, liệu Ngài có tìm thấy một nơi trú ngụ trong tâm hồn chúng ta hay không?