Chúa Nhật IV mùa vọng - Năm A |
CHÚA KITÔ BƯỚC VÀO THẾ GIAN |
Chú giải của William Barclay |
Đối với cách suy nghĩ của người Tây phương, những mối liên hệ trong đoạn Kinh Thánh này thật rắc rối. Trước hết, Giuse được nói là hứa hôn với Maria, sau đó lại nói là Giuse định âm thầm ly dị nàng, và kế đó Maria lại được gọi là vợ Giuse. Những mối liên hệ này tiêu biểu cho thể thức hôn nhân thông thường của người Do Thái. Trong hôn nhân Do Thái có ba bước: (i) Hứa hẹn. Khi đôi bạn còn nhỏ, chưa biết nhau, sự hứa hẹn thường do cha mẹ hoặc do người chuyên làm mai mối. Hôn nhân được xem là một bước vô cùng quan trọng nên không thể tuỳ thuộc đam mê và tình cảm con người được. (ii) Đính hôn. Đính hôn tức là xác nhận sự hứa hẹn khi trước. Vào lúc này, sự hứa hẹn do cha mẹ đôi bên chủ xướng hoặc người mai mối thức hiện có thể bị xoá bỏ, nếu người nữ không bằng lòng. Nhưng một khi đã đính hôn thì đôi bên bị ràng buộc với nhau cách tuyệt đối. Thời gian đính hôn kéo dài chừng một năm. Trong năm đó, đôi bạn được kể là vợ chồng dù họ không có những quyền của chồng và vợ. Nếu muốn chấm dứt thì chỉ có cách duy nhất là ly dị. Trong luật Do Thái chúng ta thường thấy câu nói hơi lạ này: người con gái có vị hôn phu chết trong năm này thì được gọi là “trinh nữ goá”. Maria và Giuse đang ở giai đoạn này, họ đã đính hôn. Nếu Giuse muốn chấm dứt thì không thể làm gì khác hơn là ly dị và theo luật thì trong năm đó Maria được kể là vợ của Giuse. (iii) Giai đoạn thứ ba là hôn nhân chính thức được cử hành vào cuối năm đính hôn. Nếu chúng ta nhớ những phong tục cưới gả thông thường của người Do Thái thì mối quan hệ trong đoạn sách này hoàn toàn là bình thường và rõ ràng. Chính trong giai đoạn này, Giuse được báo tin là Maria đã mang thai và do bởi Thánh Thần, và ông phải đặt tên con trai đó là Giêsu. Tiếng Hy Lạp Giêsu tương đương với tên Do Thái là Joshua (Giôsuê). Giôsuê có nghĩa là “Đức Chúa là sự cứu rỗi”. Nhiều năm trước đó, tác giả Thánh Vịnh đã nghe Chúa phán “Chính Người sẽ cứu chuộc Israel khỏi các sự gian ác” (Tv 130,8) và Giuse được báo con trẻ sinh ra, lớn lên sẽ làm Chúa Cứu Thế, Đấng sẽ cứu dân Chúa khỏi tội. Chúa Giêsu được sinh ra để làm Đấng Cứu Thế hơn là để làm Vua, Ngài đã bước vào thế gian không vì Ngài nhưng vì loài người và để cứu chuộc chúng ta. SINH BỞI THÁNH THẦN (1,18-25) Đoạn sách này cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã sinh ra do tác động của Chúa Thánh Thần, và cho chúng ta biết về sự “sinh đồng trinh”. Đây là một điểm giáo lý. Điều chúng ta quan tâm ở đây là tìm hiểu “sinh đồng trinh” có nghĩa gì đối với chúng ta. Lần đầu tiên đọc đoạn sách này, chúng ta sẽ thấy thật ra nó không nhấn mạnh ở điểm Chúa Giêsu do một trinh nữ sinh ra cho bằng sự Giáng Sinh của Ngài là do công việc của Chúa Thánh Thần: “Maria, Mẹ Ngài đã đính hôn với Giuse, song trước khi chung sống, thì nàng đã thụ thai bởi Thánh Thần”. Những câu này được gạch dưới và in bằng chữ lớn. Đó là điều Matthêu muốn nói với chúng ta. Vậy trong sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu, tác động đặc biệt của Thánh Thần có nghĩa gì? Chúng ta hãy gạt bỏ mọi hồ nghi, mọi biện luận mà chỉ tập trung vào chân lý lớn đó như Matthêu muốn. Theo quan niệm của người Do Thái, Thánh Thần có những chức năng nhất định. Chúng ta không thể đem vào đoạn sách này ý niệm đầy đủ của chúng ta về Thánh Thần, vì đó là những điều Giuse không hề biết. Chúng ta phải giải thích dưới ánh sáng của ý niệm Do Thái về Thánh Thần, vì đó là ý niệm mà Giuse buộc phải đem vào sứ điệp này và là tất cả điều ông biết. 1. Theo ý niệm Do Thái, Thánh Thần là ngôi vị đem chân lý đến cho loài người: Chính Thánh Thần dạy các ngôn sứ điều phải nói, chính Thánh Thần của Thiên Chúa dạy cho con người điều phải làm, chính Thánh Thần trải qua các thời đại và và thế hệ đã đem chân lý của Thiên Chúa đến với loài người. Cũng vậy, Chúa Giêsu là Đấng đem chân lý của Thiên Chúa đến với loài người. Nói cách khác, Chúa Giêsu có thể cho ta biết Thiên Chúa như thế nào? Ngài muốn chúng ta ra sao? Chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta thấy Thiên Chúa như thế nào. Trước khi Chúa Giêsu đến, người đời chỉ có ý niệm mơ hồ và thường sai lạc về Thiên Chúa, cùng lắm họ chỉ có thể đoán chừng và dò dẫm. Nhưng Chúa Giêsu đã phán: “Ai thấy Ta tức là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9). Trong Chúa Giêsu chúng ta thấy tình yêu, sự thương xót, tấm lòng tìm kiếm, sự thánh thiện của Thiên Chúa như chưa từng thấy ở nơi nào trong thế gian. Khi Chúa Giêsu đến thì giai đoạn đoán mò đã qua và giai đoạn biết chắc đã đến. Trước khi Chúa Giêsu đến, con người không biết sự thiện chân chính là gì, chỉ trong Chúa Giêsu chúng ta mới thấy được thế nào là con người chân chính, sự thiện chân chính và sự vâng phục chân chính ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã đến để chúng ta biết sự thật về Thiên Chúa và về loài người. 2. Người Do Thái tin rằng Thánh Thần không những đem chân lý của Thiên Chúa đến cho loài người mà cũng làm cho loài người có thể nhận ra chân lý đó. Cũng vậy, Chúa Giêsu mở mắt cho con người thấy chân lý. Con người bị mù bởi chính sự ngu dốt của mình và họ bị thành kiến dẫn đi sai lạc. Tội lỗi và đam mê làm nhãn quan và tâm trí họ tăm tối. Chúa Giêsu có thể mở mắt cho chúng ta thấy được chân lý. Trong một tiểu thuyết của William J.Locke có kể một người đàn bà giàu có, suốt nửa đời nàng dành cho các chuyến du lịch thăm các thắng cảnh và các phòng triển lãm tranh ở khắp thế giới, nàng mệt mỏi, buồn chán, nhưng rồi nàng gặp một người Pháp tuy không giàu nhưng có một kiến thức uyên bác và lòng yêu cái đẹp tha thiết. Người ấy đến với nàng và tình bạn này đã làm mọi sự hoàn toàn đổi khác. Nàng nói với chàng “Tôi chưa bao giờ biết vạn vật như thế nào cho đến lúc anh dạy tôi cách nhìn chúng”. Đời sống cũng hoàn toàn khác hẳn khi Chúa Giêsu dạy chúng ta cách nhìn đời. Khi Chúa Giêsu ngự vào lòng, mắt chúng ta sẽ thấy sự việc hoàn toàn đổi khác, vì Ngài mở mắt để chúng ta có thể thấy chúng cách xác thực. SÁNG TẠO VÀ TÁI TẠO (1,18-25) 3. Người Do Thái đặc biệt liên kết Thánh Thần của Thiên Chúa với công cuộc tạo dựng: Chính do Thánh Thần mà Thiên Chúa hoàn thành công cuộc sáng tạo. Ban đầu Thánh Thần của Thiên Chúa vận hành trên mặt nước và trên cảnh hỗn mang để tạo thành thế giới (St 1,2). Tác giả Thánh Vịnh nói “Các từng trời được làm nên bởi lời Đức Chúa, cả cơ bình Ngài bởi hơi thở của miệng Ngài mà có” (Tv 33,6). Cả tiếng Do Thái Ruah, lẫn tiếng Hy Lạp, pneuma đều dùng vừa chỉ “hơi thở” vừa chỉ “thần linh”. “Chúa sai thần Chúa ra, là chúng được dựng nên” (Tv 104,30), Gióp nói “Thần của Đức Chúa đã sáng tạo tôi. Hơi thở của Đấng Toàn Năng đã ban cho tôi sự sống” (G 33,4). Thánh Thần là Đấng tạo dựng thế gian và là Đấng ban sự sống. Cũng vậy, trong Chúa Giêsu có quyền năng sáng tạo và quyền năng ban sự sống của Chúa cho thế gian. Trong Chúa Giêsu chính quyền năng đó đã khiến cảnh hỗn mang trong thuở ban sơ trở nên trật tự, và chính quyền năng đó đem lại trật tự cho cuộc sống rối loạn của chúng ta. Chính quyền năng đó hà sinh khí vào trong vật không có sự sống, cũng đến để hà sinh khí vào trong sự yếu đuối và hư hỏng của ta. Có thể nói rằng chúng ta không sống cho đến chừng nào Chúa Giêsu ngự vào đời sống ta. 4. Người Do Thái đặc biệt liên kết Thánh Thần không những với công cuộc tạo thành nhưng còn với công việc tái tạo nữa. Êdêkien vẽ bức tranh ảm đạm của trũng hài cốt khô. Ông tiếp tục mô tả hài cốt khô đã sống lại như thế nào. Kế đó ông nghe Chúa dạy “Ta sẽ đặt Thần Ta trong các ngươi, và các ngươi sẽ sống” (Ed 37,14). Các Rápbi Do Thái có một câu nói: “Chúa dạy cùng Israel: Trong thế gian này Thần Ta đã đặt sự khôn ngoan trong các ngươi, nhưng trong tương lai Thần Ta sẽ khiến các ngươi lại sống”. Khi con người chết trong tội lỗi, trong sự mê muội thì Thần Khí Chúa có thể khiến khiến họ lại sống. Cũng vậy, trong Chúa Giêsu có quyền năng thay đổi và tái tạo sự sống. Ngài có thể khiến linh hồn chết trong tội được sống lại. Ngài có thể phục hưng những lý tưởng đã chết, Ngài có thể khiến ý hướng thiện và đã hư mất được mạnh mẽ trở lại, Ngài có thể đổi mới và tái tạo cuộc sống khi nó đã mất tất cả ý nghĩa. Ngoài sự kiện Chúa Giêsu Kitô do một trinh nữ sinh ra, trong đoạn này còn nhiều điều khác nữa. Trọng tâm của tường thuật Matthêu là sự Giáng Sinh của Chúa Giêsu. Thánh Thần Thiên Chúa hoạt động đặc biệt chưa từng có trong thế gian này. Thánh Thần đã đem chân lý Chúa đến cho nhân loại. Chính Thánh Thần đã giúp con người đón nhận chân lý khi được nghe và chính Thánh Thần là Đấng duy nhất có thể tái tạo linh hồn con người khi đã mất sự sống. Chúa Giêsu cho chúng ta biết Thiên Chúa như thế nào và con người sẽ ra sao. Chúa Giêsu mở mắt tâm linh làm cho chúng ta có thể thấy chân lý của Chúa. Chúa Giêsu là quyền năng sáng tạo đến giữa loài người, Chúa Giêsu là quyền năng tái tạo có thể giải phóng linh hồn khỏi sự chết là hậu quả của tội lỗi. |