Chúa Nhật III mùa vọng  - Năm A
ĐỢI AI ?
Lm Trần Bình Trọng

Trong một quốc gia mà có nhiều cảnh tệ đoan như bất công, tham nhũng, thất nghiệp, thiếu thực phẩm, và vật giá leo thang, thì người dân sẽ mất tin tưởng vào chính quyền. Cái xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu cũng là một xã hội có nhiều tệ đoan. Quốc gia của họ bị chính quyền ngoại bang là người La Mã đô hộ. Trong nội bộ lại có sự chia rẽ trầm trọng giữa các đảng phái chính trị và tôn giáo. Bất công, tham nhũng và vô luân lan tràn từ trên xuống dưới, nơi những nhà lãnh đạo dân sự cũng như tôn giáo. Ông vua bù nhìn của họ là Hêrôđê đã dẫn đầu đời sống loạn luân, bất kể luân thường đạo lý và lễ nghĩa, đã cướp vợ của em mình. Và khi Gioan tiền hô phản đối việc loạn luân của nhà Vua, thì ông đã bị tống giam rồi bị chém đầu.

 

Từ trong tù, nghe nói về Chúa Giêsu như Phúc âm hôm nay thuật lại, Gioan tiền hô sai người đến hỏi Chúa Giêsu: Có phải Thầy là Đấng (Cứu Thế) phải đến, hay chúng tôi còn phải đợi một đấng nào khác? (Mt 11:2). Suy luận ra thì câu hỏi của Gioan có nghĩa là: có phải Thầy là vị cứu tinh phải đến để bài trừ những tệ đoan, bất công và tham nhũng trong xã hội? Cũng lạ là trước đó khi làm phép rửa cho dân chúng, Gioan tiền hô đã nói cho các môn đệ của ông về Chúa Giêsu: “Tôi lấy nước mà rửa anh em, song có Đấng đến sau tôi, tôi không xứng đáng cởi giây giầy cho Người” (Mt 3:11). Chính Đấng ấy sẽ rửa các ngươi bằng nước và Thánh Thần. Và khi thấy Chúa Giêsu, Gioan tiền hô đã giới thiệu với các môn đệ của ông: “Đây chính là chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga 1:29)

 

Vậy mà hôm nay Gioan tiền hô còn sai môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu, xem Người có phải là Đấng Cứu thế phải đến không? Như vậy thì có phải Gioan chỉ hỏi giả vờ hay không? Hay ông đã hồ nghi về sứ mệnh thiên sai của Đấng Kitô. Hay là ông quá nóng lòng, không còn đủ nhẫn nại để chờ đợi Chúa đến ra tay sát phạt, gieo rắc cơn thịnh nộ của Thiên Chúa? Nếu cái ẩn ý của Gioan là như vậy, thì câu hỏi của ông có ý thúc giục Chúa hành động. Chúa không trả lời là có hay không. Chúa không xác nhận, cũng không phủ nhận Ta là Đấng sẽ đến.

 

Đây chính là câu trả lời của Chúa: “Hãy về thuật lại cho Gioan những gì các ngươi đã nghe và thấy: người mù được sáng, người què đi được, người phong cùi được khỏi, người điếc được nghe, người chết sống lại, và Tin mừng được loan báo cho người nghèo khó” (Mt 11:4-5). Đó chính là Tin mừng của việc Chúa đến. Bài trích Sách Tiên tri Isaiah hôm nay ghi lại cái cảnh cực khổ và quẫn bách của dân chúng trong quá khứ. Bị lưu đày khỏi quê hương, xứ sở, người Do thái không biết có ngày mai, không biết bao giờ mới được hồi hương để xây dựng lại cuộc đời. Tuy nhiên, tiên tri Isaia nhờ có kinh kinh nghiệm sống gần Chúa, đã cho họ một niềm hi vọng vào Chúa trong tương lai. Trong bài trích thư thánh Giacôbê, thánh nhân cũng khích lệ giáo dân: “Anh em hãy bền chí và vững tâm, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng kêu trách lẫn nhau để khỏi bị kết án.” (Gc 5:8-9).

 

Như vậy cả tiên tri Isaia và thánh Giacôbê đã có được cái giác quan thứ 6 để nhìn lên trên sự vật, vượt qua cái cảnh lầm than hiện tại, để giúp người ta hướng về một tương lai tươi sáng và đổi mới. Phải chăng chúng ta cũng đang sống trong cảnh lưu đầy, xa cách quê hương. Chúng ta cũng có thể đang sống trong cảnh lưu đày về tình cảm: tình nghĩa vợ chồng đã phai nhạt, hoặc đã chết trong con tim, tình nghĩa cha mẹ và con cái đã trở nên long lẻo... Và chúng ta cũng có thể đang sống trong cảnh lưu đầy về đời sống thiêng liêng: đức tin đã bị lu mờ, đưa đến chỗ hồ nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa và quyền năng của Người.

 

Và chúng ta cũng có thể đặt những câu hỏi tương tự như Gioan tiền hô:

 

- có phải Chúa là Đấng sẽ đến hàn gắn những vết thương lòng giữa vợ chồng, cha mẹ, anh chị em và con cái chúng con không?

 

- có phải Chúa là Đấng sẽ đến giúp con cháu chúng con sửa đổi cách sống, làm lại cuộc đời không?

 

- có phải Chúa là Đấng sẽ đến giải thoát chúng con khỏi cảnh cô đơn, buồn chán không?

 

- hay chúng con đang mong đợi một quyền lực nào khác như bói toán, tướng số, cơ may?

 

NS Dân Chúa Mỹ Châu