Chúa Nhật III mùa vọng - Năm A |
CHỨNG TỪ CỦA CHÚA GIÊSU |
Chú giải của Giáo Hoàng Học Viện Đà Lạt |
Câu hỏi gợi ý 1) Làm sao giải thích câu hỏi của Gioan (11, 2-3)? Gioan đã nghe biết các "việc" gì của Chúa Kitô (11,2)? Phải chăng ông nghi ngờ, và nghi ngờ về điểm nào? Chúa Giêsu đã đưa ra lý chứng ngôn sứ nào để trả lời ông (11, 4-6)? 2) Câu hỏi của Gioan (11,3) được đặt trong thế giới chúng ta và trong Giáo Hội hiện nay như thế nào? 3) Chúa Giêsu đặt Gioan Tẩy Giả trong tương quan thế nào với mình (11,7-15)? Sứ vụ của Gioan Tẩy Giả liên tục hay đứt đoạn với trào lưu ngôn sứ của Cựu Ước? Sự cao cả của Gioan nằm ở chỗ nào (c. 11)? ******* 1) Các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên, vào thời Mt, đã gặp nhiều lôi thôi với đồ đệ của Gioan Tẩy Giả (x. Cv 19,1-7 chẳng hạn), với "người phái Gioan", những kẻ cứ mải lặp lại câu hỏi của thầy họ: Đấng Thiên Sai mà thầy loan báo có đúng là Chúa Giêsu không? Vấn đề thành ra còn mang tính cách thời sự khi Mt viết Tin Mừng, cũng như đối với chúng ta ngày nay: Phải chăng chúng ta không là người phái Gioan một cách nào đó khi còn mong chờ một Đấng Thiên Sai hùng mạnh khác đến thay đổi thế giới và canh tân mọi cơ cấu, khi chẳng dám tin rằng Chúa Giêsu thật sự đã hoàn tất mọi sự cho chúng ta? Và như vậy là Chúa Giêsu đã bị đặt lại vấn đề, vừa do câu hỏi của Gioan, vừa do thắc mắc của người đời, xưa cũng như nay. 2) Chẳng có người nào được Chúa Giêsu đề cập đến cách tỉ mỉ hơn Gioan Tẩy Giả. Một diễn từ rất sôi nổi, với những câu hỏi ngắn móc nối nhau, tất cả đều cho thấy Gioan là một đại ngôn sứ. Những điều Chúa Giêsu nói không chỉ mặc khải ý nghĩa vai trò của Gioan Tẩy Giả trong diễn tiến lịch sử cứu rỗi, mà còn cho thấy Gioan đã gây ấn tượng sâu xa cho Người đến chừng nào. 3) Câu hỏi mà vị Tẩy Giả nhờ môn đồ đặt ra là một câu hỏi đích thực, trang nghiêm. Mt chứng minh điều đó bằng cách cho biết Gioan hiện bị cầm tù, sống xa cách mọi người trong chốn lao lung. Ông đã nghe nói về các việc Chúa Giêsu làm, nhưng không tài nào giải thích được. Phải chăng ông đã chờ đợi những "việc" thuộc loại khác, như một phong trào quần chúng bột phát, một cuộc phán xét công thẳng trên các kẻ thù của Thiên Chúa chẳng hạn? Thế nhưng cuộc phán xét đầy sóng gió mà chính Gioan đã cảm thấy được vài dấu hiệu đầu tiên (khi Chúa Giêsu chịu phép rửa) lại đã chẳng xảy đến. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp không làm chứng về mình. Tuy nhiên, Người đã có thể đáp lại bằng một tiếng "phải" rõ ràng, đánh tan mọi nghi ngờ, như khi đứng trước vị thượng tế sau này. Song ở đây, Người tránh làm vậy, đồng thời lại chỉ cho Gioan con đường phải theo, con đường của mọi môn đồ: đó là biết nhìn các dấu hiệu và biết giải thích, biết nhận ra chúng như là "công việc" của Đấng Thiên Sai. Đấy là con đường của đức tin, khởi hành từ những hậu quả hữu hình để đi đến chỗ khám phá Chúa Giêsu. Đó là con đường đi từ tối tăm đến ánh sáng, từ dấu chỉ đến thực tại. Nếu biết nhìn các công việc của Chúa Giêsu, nhất là nếu có khả năng liên kết chúng, ta sẽ chẳng chút nghi ngờ. Chính Chúa Giêsu đã chỉ con đường đức tin bằng một câu tuyên bố lấy lại một đoạn ngôn sứ Isaia: "Người mù được thấy” (Is 35, 5-6; 61,1). Thần Khí xức dầu cho Đấng Được Chọn đã ban cho Người khả năng thực hiện mọi kỳ công đó. Nhưng ta không được dừng lại nơi một trong các việc ấy, chỉ nhìn phép lạ này mà không thấy phép lạ kia, chỉ lắng nghe lời nói mà chẳng quan tâm đến việc làm. Không, tất cả đều bộc lộ khuôn mặt đích thực của Đấng Thiên Sai. Chúa Giêsu không chỉ là một nhà giảng thuyết lôi cuốn được quần chúng hay một tay chuyên làm phép lạ. Người đã chẳng chữa lành như một y sĩ mà thôi, song còn phục sinh được kẻ chết. Chính loàn thể công việc mới cho phép ta quyết đoán chắc chắn Người là Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa đang hiện diện và hành động, Đấng mà Isaia đã từng loan báo. 4) Mới thoạt nghe, câu trả lời của Chúa Giêsu làm ta thất vọng, vì hình như nó chẳng trực tiếp mặc khải con người của Người. Thật ra nó bắt Gioan nhìn vào chính Chúa Giêsu: "Phúc cho người không phải vấp ngã vì Ta" (11,6) vì đã mách cho vị Tẩy giả biết một "chân phúc" mà ông sẽ khám phá ra ý nghĩa qua chính cuộc đời của ông. Tin rằng các dấu hiệu thiên sai vừa được nhắc lại cho ông (11, 5) đã thật sự được hoàn tất trong con người tầm thường, khiêm tốn của Chúa Giêsu, điều đó đòi hỏi một sự từ bỏ bản thân hoàn toàn, từ bỏ cho đến chết. Và đấy là điều mà Gioan thấy mình đang được kêu mời thực hiện. CHÚ GIẢI CHI TIẾT “Bấy giờ Gioan, đang ở trong tù... ": Gioan đã chẳng sợ phê bình hạnh kiểm của Hêrôđê Antipas, kẻ đang sống với chị dâu. Để khóa miệng ông, vị tiểu vương đã giam ông trong pháo lũy Makêron (lời chứng của F.Josèphe, Ant. Jud. XVIII, 5,2) nằm trên bờ đông Từ Hải. Tuy nhiên nhà vua vẫn đối xử tử tế với tù nhân và cho phép ông gặp môn đồ. Chính Gioan đã nhờ họ đi hỏi Chúa Giêsu. "Ngài có phải là Đấng sẽ đến hay không?": Khi nghe câu hỏi ấy, độc giả Tin Mừng không thể không nhớ lại lời Gioan đã nói về Chúa Giêsu: "Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi" (3, 11). Câu nói này là âm vang của Is 40, sấm ngôn mà Gioan cho là lời định nghĩa về sứ mạng riêng của mình: "Tiếng của người hô trong sa mạc: Hãy dọn đường cho Chúa, hãy sửa cho thẳng lối Thiên Chúa ta" (Is 40, 3; x. Mt 3, 3); phần tiếp trong sấm ngôn ấy có loan báo: "Này đây Chúa đến với uy hùng dũng lực và cánh tay Ngài sẽ thống trị" (c.10). Như thế sức mạnh là đặc điểm của "Đấng sẽ đến". Về tính chất của sức mạnh sắp biểu dương ấy, Gioan đã có những ý tưởng rất chính xác. Trước tiên ông so sánh nó với sức mạnh của người nông phu cầm rìu đốn ngã thân cây không sinh trái và ném vào lửa (3, 10). Ông cũng minh giải nó bằng hình ảnh người nông phu quét sạch sân lúa, thiêu đốt những gì không phải là giống tốt (c.12). Gioan kêu mời các tội nhân hối cải và ban cho họ phép rửa tha tội, mà họ phải mau mấn chịu lấy trước khi xuất hiện Đấng sẽ làm phép rửa bằng Thần Khí và lửa, một phép rửa hủy diệt (c. 11). Nói cách khác, Gioan thấy "Đấng sẽ đến" như là một Thẩm phán đáng sợ lấy lửa chẳng hề tắt mà tiêu trừ mọi tội nhân không ăn năn hối cải. Ta cũng đi đến một kết luận như vậy khi khởi từ Ml 3, 1, một bản văn cũng được dùng để định nghĩa sứ mệnh Gioan (x Mt 11, 10): "Này Ta sai sứ giả Ta, và nó sẽ dọn đường trước mặt Ta". Tiếp theo sứ giả, Chúa sẽ thân hành đến: “Ai chịu đựng nổi ngày Người đến? Ai đứng vững được khi Người hiện ra? Vì người đến như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của người giặt ủi người sẽ ngự mà luyện kim, mà lọc bạc; Người sẽ thanh luyện con cái Lêvi..." (Ml 3, 2-3). Hình ảnh có thay đổi đấy nhưng bao giờ cũng vẫn là cuộc phán xét thanh luyện sẽ xô nhào tội nhân vào lửa. Vì thế Gioan tự coi mình như có trách nhiệm chuẩn bị Israel đón chờ cuộc phán xét khủng khiếp; gương sáng và lời nói của ông chỉ muốn đưa tội nhân hối cải và thoát khỏi hình phạt đời đời đang đe dọa họ. Một khi "Đấng phải đến” xuất hiện, thì không còn giờ tránh thoát sức mạnh hủy diệt của Người. Đàng khác, Gioan cũng ý thức vai trò phụ tá của mình đối với Chúa Giêsu. Song những gì ông biết về cách thức Chúa Giêsu thi hành sứ vụ Người hoàn toàn không tương ứng với ý tưởng ông có về cuộc phán xét sẽ phải xảy ra. Do đó mà câu hỏi của ông đầy vẻ ngạc nhiên. Hơn nữa, có một tương quan hiện sinh giữa câu hỏi của vị Tẩy Giả và thân phận tù đày của ông: Đấng Thiên Sai mong chờ sẽ giải cứu những tù nhân, nhất là các tù nhân đức tin (Lc 4, 18; Is 61, 1); phải chăng ông không là người đầu tiên được giải cứu? "Các ông hãy đi tin lại cho Gioan mọi điều tai nghe mắt thấy": Gioan biết các phép lạ Chúa Giêsu làm (c.2). Và Chúa Giêsu bảo ông hãy nhìn vào phép lạ. Đâu là sức mạnh của lập luận? Theo quan niệm bấy giờ, dựa trên các sách ngoại thư và truyền thống giáo sĩ Do Thái, thì ơn làm phép lạ tự nó không phải là một trong những đặc điểm của Đấng Thiên Sai. Như thế Gioan có thể nghĩ rằng Chúa Giêsu không đóng vai trò và nhiệm vụ Đấng ấy. Thế nhưng Chúa Giêsu kêu mời Gioan suy nghĩ về những phép lạ đó bằng cách thu gộp chúng trong những từ ngữ gợi lại các sấm ngôn thiên sai. Nên Người đã chu toàn ít ra là một phần phận sự của Đấng Thiên Sai vậy. Chúa Giêsu không phán trực tiếp và với uy quyền: "Ta là Đấng Thiên Sai", song kêu mời Gioan hãy cứu xét những gì mà các sứ giả của ông có thể thấy và nghe, tức là công việc và lời nói của Chúa Giêsu: đấy là con đường duy nhất để đi tới đức tin. Thành ra những kẻ không tin và người mù và điếc (23, 16), chẳng có khả năng giải thích các dấu hiệu Chúa Giêsu ban ra (13, 13). Bởi vậy Chúa Giêsu có thể bảo với những ai theo Người: “Mắt các ngươi có phúc vì thấy, tai các ngươi có phúc vì nghe” (13, 16). “Người mù xem thấy...”: Câu Chúa Giêsu trả lời không quy chiếu một bản văn nào nhất định (trừ Is 61,1) cho bằng quy chiếu toàn bộ các lời tuyên sấm mà sách Isaia đã dùng để mô tả các việc thiện của thời thiên sai... hơn là các hình phạt tiên báo. Gioan sẽ nhận ra lối ám chỉ đó. Ông sẽ hiểu rằng Chúa Giêsu không chỉ muốn quả quyết Người là Đấng Thiên Sai song còn đưa ra bằng chứng: hành động hào hiệp của Người thực hiện những gì mà Isaia đã loan báo về thời thiên sai. Nhưng đồng thời - và đây hẳn là cao điểm của câu trả lời – Chúa Giêsu kín đáo kêu mời Gioan quan niệm vai trò Đấng Thiên Sai dưới một khía cạnh hơi khác khía cạnh mà ông đã lưu tâm. Khía cạnh mới này thiếu hẳn tính chất uy hùng đến nỗi trở thành một cơ hội nghi ngờ cũng như tin tưởng. Đấy là điều mà câu tiếp minh nhiên khẳng định. “Phúc cho ngươi không phải vấp phạm vì Ta”. Theo nghĩa đầu tiên, "cớ vấp phạm" trong Hy ngữ ám chỉ việc giăng bẫy, rồi được áp dụng cho chính cái bẫy, theo nghĩa đen và nghĩa bóng. Trong bản Kinh Thánh Hy Lạp, nghĩa của nó còn rộng hơn nữa, và được dùng để nói về bất cứ chướng ngại nào trên đường, đặc biệt hòn đá vấp chân. Vậy “cớ vấp phạm” là tất cả những gì có thể gây ra một sự vấp ngã, và nói theo ẩn dụ, là nguyên nhân của một sa ngã luân lý hay tôn giáo. Trong Tin Mừng, thường có đối ngẫu giữa "vấp phạm" và "tin": kẻ không chấp nhận tin hoặc suy yếu đức tin sẽ phải "vấp phạm". Chúa Giêsu phát biểu cách tổng quát: "Phúc cho người không phải vấp phạm vì Ta". Người chẳng nhắm Gioan trực tiếp, nhưng rõ ràng là lời ấy nhắc nhở ông vì nằm trong sứ điệp dành cho ông. Người tiên đoán câu Người trả lời cho Gioan có thể làm ông thất vọng. Giữa quan niệm của Gioan về Đấng Thiên Sai và quan niệm của Người, đối nghịch không phải nhỏ! Gioan có đi đến chỗ chấp nhận được mặc khải về tình yêu bày tỏ trong khiêm cung và yếu đuối chăng? Ta đừng ngạc nhiên về thử thách đang chờ đợi ông. Hãy nhớ lại phản ứng của Phêrô tại Césarée Philipphê (16, 22-23) hoặc phản ứng của Giona khi Thiên Chúa tha thứ cho thành Ninivê (Gn 4). “Các người đi ra sa mạc để coi cái gì? cây sậy rung trước gió ư”. Ba lần, Chúa Giêsu hỏi tại sao thiên hạ đi ra sa mạc? Việc chỉ nơi chốn có vẻ mơ hồ. Nói đến sông Giođanô không rõ hơn. Nhưng việc nhắc đến sa mạc dễ gợi lên ngay hình ảnh con người xuất hiện như “tiếng kêu trong sa mạc” (3,3). Chính Gioan mà người ta nghĩ tới ngay từ đầu; con người của ông làm nổi bật các câu hỏi liên hệ tới ông. Thiên hạ không đi vào sa mạc để nhìn xem một cây sậy phất phơ trước gió. Chắc hẳn Chúa Giêsu muốn đặt đối nghịch cây sậy với sự kiên cố bất lay chuyển của Gioan. Đức tính này làm cho Gioan gần giống với ngôn sứ Giêrêmia (Gr 1, 17-19), một con người bất khuất trước mọi sự nhờ luôn ý thức sứ mệnh thần linh của mình và nhờ được sức mạnh Thánh Thần Thiên Chúa nâng đỡ. Tính bất khuất ấy của Gioan là nơi đầu tiên nâng ông vượt trên thiên hạ và đặc trưng sự cao cả của ông. “Để thấy một ngôn sứ ư? Phải! Ta bảo các người...”. Dòng dõi đứt đoạn của các ngôn sứ (1 Mcb 9, 27; Tv 74,9) đã được nối lại với Gioan Tẩy Giả. Và xét cho cùng, đó chính là cái lôi kéo mọi người đến với ông: Thiên Chúa lại bắt đầu phán bằng lời ngôn sứ, như Ngài đã từng làm trong bao thế kỷ qua tất cả lịch sử Israel. Những kẻ nghe Chúa Giêsu đều biết mọi điều ấy; lời của Người hẳn âm vang sâu xa trong tâm hồn họ. Nhưng Người còn nói hơn thế nữa. "Và còn hơn ngôn sứ nữa". Dân chúng đã nhận ra Gioan là một ngôn sứ; nhiều người còn coi ông hơn cả một ngôn sứ, nghĩa là chính Đấng Thiên Sai (Lc 3, 15; Ga 1, 20; Cv 13, 25); dĩ nhiên, ông lớn hơn một ngôn sứ, nhưng theo ý nghĩa khác: ông là vị Tiền Hô. Đấng mà mọi ngôn sứ trước đây loan báo, thì Gioan đã thấy và đã chỉ cho biết: ông vừa đứng ở tận điểm và cao điểm thời kỳ đoan hứa, vừa đứng nơi ngưỡng của thời đại mới, thời đại Nước Trời. “Kẻ nhỏ nhất trong Nước trời lại lớn hơn ông”: Một câu khó hiểu từng phát sinh nhiều lối giải thích khác nhau. Một số nhà chú giải, trong đó có các Giáo phụ, cho rằng "kẻ nhỏ nhất" là chính Chúa Giêsu. Văn mạch quả thật có trình bày Chúa Giêsu như là "bạn của người thu thuế và tội lỗi " (c. 19), Người có được đồng hóa một cách nào đó với các "kẻ nhỏ" ấy và nhờ vậy khác với Gioan (F.Dibelius, F.Hanck, W.Grundmann...). Nhưng lối giải thích này vấp phải nhiều khó khăn. Khó khăn lớn nhất là ta không thấy làm sao, mặc dầu đã cố ý tự hạ, Chúa Giêsu lại có thể tuyên bố mình là "kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời". Thật vậy, Chúa Giêsu không đi vào trong một Nước Trời đã được thành hình, nhưng là loan báo và thiết lập Nước ấy trong chính con người của mình. Đúng ra, có lẽ không nên đem Chúa Giêsu vào mà so sánh. "Kẻ nhỏ nhất trong nước Trời" chỉ một trong những kẻ đã chấp nhận sứ điệp của Người. Tuy nhiên cần phải lưu ý. Khó mà cho rằng kẻ kém nhất trong họ về sự thánh thiện lại trổi vượt Gioan trong phương diện ấy: như thế là bảo Chúa Giêsu đã phân biệt sự cao cả của sứ mệnh thần linh (loan báo Đấng Thiên sai) và sự toàn thiện của người được trao sứ mệnh (sự thánh thiện riêng của Gioan), một lối phân biệt chẳng phù hợp tí nào với tư tướng Kinh Thánh: cao cả nhờ sứ mệnh được ủy thác, Gioan không thể bị xem như thua kém người môn đồ tồi nhất của Chúa Kitô về phương diện trung thành được. Thật ra ở đây không cố ý nói đến sự thánh thiện cá nhân, nhưng, như văn mạch cho thấy, là nói đến hai trật tự, hai kinh nghiệm, hai thiên chức. Gioan đã xuất hiện như một ngôn sứ cao cả vào lúc kết thúc thời gian hứa hẹn và chờ đợi, song ông vẫn chỉ là một tiền hô; sau ông, khi Chúa Giêsu xuất hiện, là bắt đầu thời đại cứu rỗi thiên sai mới mẻ và chung cục. Thuộc vào thời đại ấy là một số phận may mắn, vượt xa những gì đi trước. Thành ra, kẻ trông nhỏ nhất giữa các phần tử Nước Trời lại được cao cả hơn những ai thuộc về các thời trước vậy. KẾT LUẬN Tư tưởng thần học của đoạn văn này không dừng lại nơi Gioan Tẩy Giả song còn đi xa hơn. Đi xa hơn trước tiên bằng cách đối chọi sự cao cả trần gian với sự cao cả của Nước Trời sẽ đến. Sau đó bằng cách cho thấy: vai trò của vị Tiền Hô được soi chiếu nhờ phẩm cách thần linh của Chúa Giêsu, Đấng mà ông đi trước dọn đường. Phận sự của Gioan, và của các thánh nói chung, không phải là làm người ta chú ý đến mình, nhưng là dẫn đưa tới Chúa, Đấng họ đang làm chứng giữa loài người. Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG 1) Câu hỏi môn đồ Gioan đặt ra cũng thượng được đặt do mọi thế hệ muốn đi tìm một thứ thiên sai chủ nghĩa mới, có tính cách triết học, chính trị hoặc xã hội. Đó là câu hỏi đặt ra do những ai mà đức tin trở nên do dự, mỏng dòn, do những ai thỉnh thoảng đi tìm trong các khuynh hướng tôn giáo khác (chiêu hồn, dị đoan, giáo phái) một câu trả lời cho bao mối lo âu của họ. Câu trả lời duy nhất nằm trong mặc khải về một Thiên Chúa nhân từ hằng ngỏ lời cách riêng với những kẻ nghèo nàn, khốn khổ để mang lại cho họ Tin Mừng cứu rỗi. 2) "Người què được đi": Chúa Giêsu đem lại cho người lảo đảo sự vững lòng và sức mạnh, đặt họ lại trên con đường ngay chính. Giáo Hội cũng không ngừng trả lại cho con người khả năng bước đi trong con đường của Chúa Kitô để tiến đến sự sống sung mãn. 3) “Người mù được thấy”, họ không còn phải tìm một Thiên Chúa vô danh cách mò mẫm trong bóng tối nữa (Cv 17, 23- 28). Những kẻ sống nhờ Chúa Kitô là những người "nhìn thấy ánh sáng chan hòa" (Mt 4, 16) sau khi đã bước đi trong u tối. 4) “Kẻ phong cùi được sạch, người chết sống lại”: Không ai bị loại ra khỏi Nước Trời: cho dù bị tội ác và thất vọng bôi bẩn hay giết chết, người ta vẫn có thể sống lại nhờ đức tin vào Đức Kitô, Đấng nâng dậy và tha thứ, chữa lành và tác sinh. 5) Sứ mạng của Kitô hữu giống với sứ mạng của vị Tiền hô: chuẩn bị các tâm hồn sẵn sàng đón Chúa Kitô. Và như Gioan Tẩy giả, Kitô hữu sẽ được kêu mời chịu đau khổ vì đức tin. 6) Giáo Hội tiếp tục công việc của Chúa Giêsu. Nhờ Giáo Hội, "kẻ nghèo, tức chúng ta, “kẻ nghèo của Đức Giavê, được nghe loan báo Tin Mừng", được phụng vụ Lời Chúa, bài giảng, giáo lý và giáo huấn của các vị lãnh đạo Giáo hội dạy dỗ cho. Chính Giáo Hội cũng chữa lành các tâm hồn và không ngừng bao bọc nỗi khổ thể xác của con cái mình bằng việc thực thi bác ái, giáng phúc thi ân. |