Chúa Nhật III Mùa Vọng - Năm A
TRỌNG HƠN GIOAN TẨY GIẢ
Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh

“Không ai bởi nữ nhân sinh ra trọng hơn Gioan Tẩy Giả”

 

Bài Phúc Âm theo Thánh Mathêu của Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Vọng Năm A hôm nay có hai phần rõ rệt, phần thứ nhất Chúa Giêsu làm chứng về mình, và phần thứ hai Chúa Giêsu làm chứng về Gioan Tẩy Giả. Tuy phần Phúc Âm hôm nay nói về những lời Chúa Giêsu làm chứng về mình hơi có vẻ lạc đề với ý nghĩa của Mùa Vọng là thời điểm trông đợi Người đến như một Đấng Thiên Sai, Đấng Cứu Tinh dân Do Thái cũng là Đấng Cứu Thế của chung nhân loại, nghĩa là thời điểm Chúa Giêsu chưa giáng sinh, chưa “đến trong thế gian để làm chứng cho chân lý” (Jn 18:37) là chính Người, nhưng phần thứ nhất này cần phải có và không thể thiếu để làm nổi bật phần thứ hai. Tại sao? Theo tôi, tại vì mối liên quan mật thiết giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả là Tiền Hô của Người, một mối liên hệ đã được tiên tri Isaia loan báo từ trước và cũng đã được chính Chúa Giêsu trích lại trong bài Phúc Âm hôm nay, đó là: “Thánh Kinh đã viết về con người này như sau: "Ta sai sứ giả của Ta đi trước Con để dọn đường lối cho Con sẵn sàng"”. Như thế, mối liên hệ giữa Chúa Giêsu và Gioan Tẩy Giả đây là mối liên hệ của một kẻ đi trước với vai trò “sứ giả” để làm công việc “dọn đường” cho một “Đấng đến sau”. Đúng thế, sứ mệnh của Gioan Tẩy Giả với biệt hiệu Tiền Hô chính là sứ mệnh của một “sứ giả” loan báo “Đấng đến sau” mình cho dân Yến Duyên biết, để sửa dọn lòng dân chúng, nhờ đó họ có thể nhận biết và chấp nhận Đấng “quyền năng hơn” (Mt 3:11) ngài, khi Đấng ấy “tỏ mình ra cho Yến Duyên” (Jn 1:31) “vào thời sau hết” (Heb 1:2). Sứ mệnh này của Gioan Tẩy Giả đã được chính thân phụ của thánh nhân là tư tế Giacaria bật miệng nói trước từ khi thánh nhân mới lọt lòng mẹ, như Phúc Âm Thánh Luca thuật lại ở đoạn 1 câu 76 và 77 như sau: “Hỡi con, con sẽ được gọi là tiên tri của Đấng Tối Cao. Vì con sẽ đi trước Chúa để dọn đường lối ngay thẳng cho Ngài, ở chỗ tỏ cho dân chúng biết về việc họ được cứu thoát khỏi tội lỗi”.

 

Đến đây, vấn đề đã được sáng tỏ, đó là, nếu Dân Ngoại muốn nhận biết “Đấng Cứu Tinh Nhân Trần” Redemptor Hominis, họ cần phải chấp nhận chứng tá liên quan đến Người là chính lời rao giảng về Người cũng như chứng nhân thừa sai của Người thế nào, đối với trường hợp dân Do Thái cũng thế, để có thể nhận biết Đấng Thiên Sai, Đấng họ đợi trông như đã được tiên báo trong Thánh Kinh của họ, họ cần phải chấp nhận những lời tiên tri nói về Người, và để có thể chấp nhận những lời tiên tri liên quan đến Đấng Thiên Sai ấy, họ còn phải chấp nhận cả con người của vị tiên tri ấy nữa, bằng không, những lời tiên tri của các vị ấy về Đấng Thiên Sai đối với họ chỉ là giả tạo. Không biết có phải nhận thấy rằng thành phần môn đồ của mình không tin vào lời chứng của mình về “Đấng đến sau”, mà, như phần đầu của bài Phúc Âm hôm nay thuật lại, Gioan Tẩy Giả ở trong tù mới sai họ trực tiếp đến với Đấng ấy để họ có thể nghe tận tai và thấy tận mắt những gì thánh nhân đã nói là sự thực, chứ tự mình, thánh nhân hoàn toàn không có vấn đề về những gì ngài tin vào Đấng ấy. Nếu quả thực đúng như vậy, thì việc sai các môn đồ đến hỏi Chúa Giêsu rằng: “"Có phải "Ngài là Đấng phải đến chăng" hay chúng tôi còn phải đợi một Đấng nào khác?” trong bài Phúc Âm hôm nay, Gioan Tẩy Giả như âm thầm muốn nhắn nhủ với các môn đồ của ngài rằng: “Đấy, nếu các con không tin thày, thì các con hãy tự mình đi mà coi sẽ biết. Phần thày, thày không cần phải làm như thế. Bằng không, khi thày chưa bị ngục tù thày đã đến quan sát xem Ngài có thật là Đấng phải đến hay không rồi. Thày đã thấy Ngài và biết rằng Ngài là "Đấng Thiên Chúa tuyển chọn", Đấng "uy quyền hơn" thày, thế thôi. Các con đã quên lời thày khẳng định với các con khi các con có lần báo cho thày biết về việc dân chúng kéo đến xin Người làm phép rửa cho đông hơn thày rồi sao. Thày đã nói với các con lúc ấy rằng: "Không ai có thể làm gì nếu không được từ trên ban cho" (Jn 3:27)”.

 

Thật vậy, để trả lời cho vấn nạn của môn đồ Gioan Tẩy Giả về nguồn gốc của mình, Chúa Giêsu đã nói đến “uy quyền” của Người, một “quyền uy” được thể hiện qua lời nói và việc làm của Người, tức Người muốn nói đến những gì Gioan Tẩy Giả thày của họ không làm được như Người (chẳng hạn các phép lạ) hay không làm được bằng Người (chẳng hạn về nội dung và tác dụng của lời Người rao giảng): “Các người hãy về thuật lại cho Gioan những gì các người đã nghe và đã thấy (chắc có thể trước khi lên tiếng hỏi Chúa Giêsu, thành phần môn đồ của Gioan Tẩy Giả đã âm thầm nghe lời Người nói và đã thấy việc Người làm rồi), đó là kẻ mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, và kẻ nghèo được nghe rao giảng tin mừng”. Câu Chúa Giêsu trả lời cho thành phần môn đồ của Gioan Tẩy Giả chẳng khác gì như Người có ý xác nhận với họ rằng: “Điều thày của các người làm chứng về Tôi rất là chính xác, như những gì các ngươi đã nghe và đã thấy đấy”. Như thế, khi Chúa Giêsu tự làm chứng về mình thì đồng thời Người cũng làm chứng cả cho Gioan Tẩy Giả nữa. Tuy nhiên, với thành phần môn đồ của Gioan Tẩy Giả thì Người làm chứng về Gioan Tẩy Giả một cách gián tiếp như vậy, một việc làm chứng trực tiếp căn cứ vào lời của Gioan làm chứng về Người, còn đối với chung dân chúng ở lại sau khi các môn đồ của Gioan “đi khỏi”, Người lại làm chứng cho Gioan Tẩy Giả một cách trực tiếp, liên quan đến chính bản thân và sứ vụ của thánh nhân, khi Người cho họ biết rằng thánh nhân thực sự là vị tiên tri Tiền Hô của Đấng Thiên Sai được Thánh Kinh nhắc đến trong Sách Tiên Tri Isaia, và Người kết luận: “Tôi bảo thật cho các người biết, trong lịch sử không hề có một người nào do phụ nữ sinh ra lại cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”. Vấn đề được đặt ra ở đây là, chẳng lẽ thánh nhân lại cao trọng hơn cả Mẹ Maria, một nhân vật cũng do phụ nữ sinh ra, song lại là một đệ nhất tạo vật về ân sủng, thậm chí hơn cả Chúa Giêsu hay sao, vì Người cũng là người thật, cũng được sinh ra bởi một người nữ? Nếu quả thực như vậy thì, theo ý của Chúa Giêsu ở đây, thánh nhân cao trọng nhất trong cả loài người đây phải hiểu như thế nào?

 

Đúng thế, trong cả loài người không có một ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả theo lời mạc khải và tuyên bố của Chúa Giêsu ở đây, theo tôi, có thể hiểu về vai trò Tiền Hô của thánh nhân. Là một Tiền Hô, thánh nhân không phải chỉ thực hiện việc rao giảng về Đấng Thiên Sai, như những vị tiên tri cũng thuộc thời Cựu Ước trước ngài, mà còn tự mình nhận diện Người, và nhất là chẳng những điểm mặt Người cho dân Do Thái thấy, mà còn giới thiệu Người cho dân Tân Ước nữa. Thánh nhân vừa tự nhận diện vừa điểm mặt Đấng Thiên Sai cho dân Do Thái, khi thánh nhân tuyên bố trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 1 câu 34: “Giờ đây chính tôi đã thấy và làm chứng: "Đó là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn"”. Cũng trong Phúc Âm Thánh Gioan câu 35 ngay sau đó, thánh nhân còn giới thiệu Đấng Thiên Sai cho cả dân Tân Ước như sau: “Ngày hôm sau Gioan lại ở đó với hai môn đồ của mình. Khi thấy Chúa Giêsu đi ngang qua thì nói: "Kìa! Chiên Thiên Chúa đó!"”. Thành phần dân Tân Ước đây, như Phúc Âm Thánh Gioan ghi nhận tiếp ở câu 27, đó là: “Hai môn đệ nghe ngài nói thế thì đã đi theo Chúa Giêsu”. Phải, Cựu Ước và Tân Ước gặp nhau chính vào lúc này, cách nhau giữa ngày hôm trước và “ngày hôm sau”. Giao điểm giữa Cựu Ước và Tân Ước cũng chính là ở chỗ này, ở địa điểm “Chúa Giêsu đi ngang qua” ấy. Bởi vì, sau khi hai môn đệ của thánh nhân đã “đến mà xem chỗ Người ở và đã ở lại với Người hôm đó”, như Phúc Âm Thánh Gioan tiếp tục cho biết ở câu 39, và kể tiếp ở các câu 40-42 như sau: “Một trong hai người môn đồ đã nghe Gioan mà theo Người này là Anrê anh em của Simon Phêrô. Việc đầu tiên của Anrê là đi tìm người anh em của mình là Simon mà nói rằng: "Chúng tôi đã gặp Đấng Thiên Sai!". Anh đã dẫn người anh em của mình đến với Chúa Giêsu, Đấng đã nhìn người anh em ấy mà phán: "Con là Simon, con Gioan; tên của con sẽ được gọi là Kêpha (tức là Đá)”.

 

Việc giới thiệu Đấng Thiên Sai cho dân Tân Ước như thế hết sức quan trọng. Ở chỗ, nếu giới thiệu sai, nghĩa là nếu Đấng Thiên Sai ấy là một kitô giả, thì Giáo Hội Kitô giáo bây giờ cũng chỉ là một tôn giáo nhân bản, đạo bởi người, hơn là một thiên đạo, đạo bởi trời. Mà nếu Đấng Thiên Sai là một kitô giả thì ơn cứu chuộc cũng là giả, vì Đấng Thiên Sai ấy không phải là Đấng Cứu Thế, “vị trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người” (1Tim 2:5). Về phần dân Do Thái, chính vì họ không chấp nhận chứng của Gioan (xem Gioan 5:35-36) nên họ mới tiếp tục chờ Đấng Thiên Sai của họ cho tới nay. Bởi thế, nếu trong Dự An của Thiên Chúa, chỉ có một nhân vật được tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa là Trinh Nữ Maria đầy ơn phúc, thì cũng chỉ có một nhân vật duy nhất được tuyển chọn làm tiền hô cho Thiên Chúa Làm Người, và nếu vai trò tiền hô là một vai trò độc nhất vô nhị vô cùng quan trọng đến đức tin và phần rỗi đời đời của loài người như thế, thì thân phận của con người tiền hô Gioan Tẩy Giả quả thực là một con người “cao trọng” nhất vậy. Thậm chí, có thể nói, nếu về nhân tính Đấng Thiên Sai là con của Trinh Nữ Maria thế nào, thì về thời điểm, Gioan Tẩy Giả cũng “cao trọng” hơn cả “Con Người Giêsu Kitô” (1Tim 2:5) lúc Người đến để được thánh nhân làm phép rửa cho, cũng như để nhờ phép rửa của thánh nhân mà, như thánh nhân tuyên bố ở Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 1 câu 31: “Người có thể tỏ mình ra cho dân Yến Duyên”. Nếu Gioan Tẩy Giả, khi làm phép rửa cho Đấng Thiên Sai, đã đóng vai trò như thể “cha thiêng liêng” của Người, nghĩa là về vai vế “cao trọng” hơn Người, như trong liên hệ huyết tộc thánh nhân là anh họ của Người, mà còn ai “cao trọng” hơn Đấng Thiên Sai, thì quả thực, đúng như lời Chúa Giêsu mạc khải và tuyên bố về con người vị tiền hô của Người trên đây: “Tôi bảo thật cho các người biết, trong lịch sử không hề có một người nào do phụ nữ sinh ra lại cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả”, kể cả Mẹ Maria.

 

Cho dù Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn mừng Lễ Sinh Nhật của Mẹ Maria ở bậc lễ kính, còn của Thánh Gioan Tẩy Giả ở bậc lễ trọng, thế nhưng, về lãnh vực ân sủng, như Chúa Giêsu khẳng định trong cùng một câu Người tuyên nhận tính chất “cao trọng” nơi tác vụ của Gioan Tẩy Giả, đó là: “Tuy nhiên, một kẻ nhỏ mọn nhất trong vương quốc của Thiên Chúa còn cao trọng hơn ngài”. Bởi vì, như Chúa Giêsu nói trong Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 5 cau 35, “ngài là một cây đèn chiếu sáng” mà thôi, nghĩa là, theo Thánh Ký Gioan cắt nghĩa ở đoạn 1 câu 6-8: “ngài đến như một chứng nhân làm chứng cho ánh sáng, để nhờ ngài tất cả mọi người có thể tin tưởng, nhưng ngài chỉ làm chứng cho ánh sáng thôi, chứ chính ngài không phải là ánh sáng”. Trong khi đó, Kitô hữu nói chung, và các tông đồ ngày xưa ở Bài Giảng Trên Núi nói riêng, bao gồm cả Anrê, người môn đệ của Gioan Tẩy Giả, người đã nghe thánh nhân giới thiệu Đấng Thiên Sai, đã đi theo Người, ở với Người, nhận ra Người và rủ anh em mình đến cùng Người, thành phần môn đệ theo lời Chúa Giêsu mạc khải và khẳng định về họ, được Phúc Âm Thánh Mathêu ghi nhận ở đoạn 5 câu 14: “Các con là ánh sáng thế gian”, một thứ ánh sáng không phải tự họ mà có, song phản chiếu Đấng tuyên bố cũng trong Phúc Âm Thánh Gioan ở đoạn 8 câu 12: “Tôi là ánh sáng thế gian”. Như thế, sở dĩ “một kẻ nhỏ mọn nhất trong vương quốc của Thiên Chúa còn cao trọng hơn ngài”, hơn Gioan Tẩy Giả là con người “cao trọng” nhất trong thành phần được phụ nữ sinh ra, là vì họ được hiệp thông với Con Thiên Chúa Làm Người, một trạng thái hiệp thông bí tích khiến cho họ có thể phản ảnh Người về phương diện chứng nhân tông đồ. Chính vì ở trong trạng thái hiệp thông ân sủng thần linh này mà Giáo Hội mới là hiền thê, là nhiệm thể (bên trong hay thuộc về) Chúa Kitô, và Kitô hữu mới là chi thể của Người, trong khi đó, Gioan Tẩy Giả chỉ đóng vai trò phù rể (bên cạnh hay sát cạnh) trong tiệc cưới Nước Trời, trong Mầu Nhiệm Nhập Thể của Thiên Chúa Làm Người mà thôi, như chính ngài tự nhận ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 3 câu 29: “Chính chàng rể mới là người lấy cô dâu. Người phù rể đợi ở đó nghe chàng rể và hân hoan nghe thấy tiếng của chàng. Đó là niềm vui của tôi, và là một niềm vui trọn vẹn”.

 

Vấn đề thực hành sống đạo: Thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Kitô, một “Đấng đến sau” thánh nhân; Giáo Hội Kitô giáo chúng ta làm chứng cho Chúa Kitô, Đấng đã đến: “triều đại Thiên Chúa đã đến” (Mt 3:2). Bởi thế, thánh Gioan Tẩy Giả đã làm chứng cho Chúa Kitô như một vị tiên tri Tiền Hô, còn Dân Tân Ước làm chứng cho Người như một chứng nhân Tông Đồ. Mà đã nói đến chứng nhân là phải nói đến Thánh Thần, như lời Chúa Giêsu đề cập tới ở Phúc Âm Thánh Gioan đoạn 15 câu 26-27: “Thần Chân Lý đến từ Cha… sẽ làm chứng về Thày. Các con cũng phải làm chứng nữa”, hay như lời Người báo cho các môn đệ biết trước khi Người thăng thiên về trời ở Sách Tông Vụ đoạn 1 câu 8: “Các con sẽ nhận được quyền năng khi Thánh Thần xuống trên các con; rồi các con sẽ là những chứng nhân của Thày…”. Vậy Thánh Thần nơi Gioan Tẩy Giả với Thánh Thần nơi Các Tông Đồ nói riêng, cũng như thành phần Kitô hữu nói chung, có khác nhau không? Nếu cũng chỉ là một Thánh Thần thì tại sao Chúa Giêsu chưa sống lại, tức chưa đến lúc thông Thánh Thần của Người ra cho các Tông Đồ, như Phúc Âm Thánh Gioan ghi nhận ở đoạn 20 câu 22 cũng như ở đoạn 7 câu 39, Thánh Gioan Tiền Hô đã có thể làm chứng về Người? Phải chăng không có Thánh Thần không ai có thể cảm nhận được Thiên Chúa, Vị Thiên Chúa Làm Người như dân Do Thái vẫn mong đợi, cũng là Vị Thiên Chúa “hiện có, đã đến, và sẽ đến” (Rev 1:4), như ý nghĩa làm nên Mùa Vọng chúng ta đang cử hành đây?