Chúa Nhật II mùa vọng  - Năm A
HÃY SÁM HỐI
Lm Giuse Đinh tất Quý

 Thiếu nhi chúng con yêu quí,

1. Chúng ta đã bước vào Mùa Vọng được một tuần. Mùa vọng là mùa như thế nào thì tuần trước cha đã nói với các con. Đó là mùa mong chờ Chúa đến. Thực ra Chúa đã đến rồi, đến cách đây cả hơn hai ngàn năm. Vậy mà mỗi năm Giáo Hội vẫn muốn cho chúng ta sống tâm tình của Mùa Vọng. Bởi vì không phải Chúa chỉ đến có một lần như chúng ta đã thấy, mà Chúa bảo Chúa còn đền lần thứ hai trong vinh quang.

Chính lần đến thứ hai này mới là lần đến quan trọng vì đây là lần đến để kết thúc lịch sử của loài người. Như vậy Giáo Hội cho chúng ta sống tâm tình Mùa Vọng là để cho chúng ta biết sống thế nào cho xứng đáng với việc Chúa đến để gặp gỡ riêng từng người chúng ta lúc lìa đời và gặp gỡ cả loài người chúng ta khi thế giới này kết thúc.

Bây giờ cha hỏi chúng con, bao giờ thì lần Chúa đến lần thứ hai xảy ra? Điều này Chúa nhật lần trước Chúa đã cho mọi người biết: Chúa bảo: Việc Chúa đến lần thứ hai sẽ hết sức ngờ. Chúa sẽ đến giữa nhân loại, giữa giòng đời một cách bất ngờ, không báo chí, không truyền thanh, truyền hình báo trước. Con Người đến ngay giữa những mối bận tâm khát vọng của loài người, ngay giữa những công ăn việc làm, ngay giữa nơi công sở, ngoài đồng ruộng nương rẫy, ở trong nhà, ở ngoài phố, ở những ngõ sâu hẻm tối hay nơi đô thị nhộn nhịp sa hoa.

Và khi Chúa đến lần thứ hai, Ngài sẽ quyết định dứt khoát số phận con người. Có những số phận khác biệt nhau giữa những con người đang sống trong cùng một hoàn cảnh tưởng chừng như giống nhau: “Cùng đang làm ruộng, cùng xay bột...” Những ai đã chuẩn bị, đã sẵn sàng thì được “đem đi” có nghĩa là được cứu thoát. Những ai chỉ mải mê với công việc mà không nhìn xa trông rộng để biết thời biết buổi sẽ bị “bỏ lại”. Như người chủ hãng mải mê với việc ăn ngủ sẽ làm cho hãng bị phá sản. Như người trẻ không chuẩn bị tương lai, sẽ phải lãnh trách nhiệm trên đời mình. Như người chẳng bao giờ nhớ đến Chúa, sẽ lỡ hẹn khi Ngài viếng thăm.

Chúa sẽ đến bất ưng như kẻ trộm. Sẽ không có đài thủy văn báo trước khi mực nước dâng cao gây nên trận hồng thủy. Sẽ không có chuông điện tử báo động khi kẻ trộm đột nhập vào nhà. Sẽ không có mạng lưới Radar tối tân báo hiệu có hỏa tiễn liên lục địa xâm phạm không phận một quốc gia. Sẽ không có các chỉ số xét nghiệm cho thấy một căn bệnh nan y... Con Người đến hoàn toàn bất ngờ.

Nói đến đây cha nhớ đến một câu chuyện. Câu chuyện có tính cách lịch sử đàng hoàng. Chuyện kể rằng lịch sử chính thức cho biết trận thế chiến thứ hai bắt đầu vào ngày mùng 1-9-1939, khi quân đội Đức tấn công vào Ba Lan. Nhưng thực ra, quốc trưởng Hitler của Đức đã có kế hoạch tấn công Ba Lan trước đó 6 ngày, tức là vào ngày 26-8-1939. Mười sáu đại đơn vị đã chuẩn bị sẵn sàng, nhưng có vài diễn biến chính trị vào giờ chót đã làm quốc trưởng Đức ra lệnh hoãn cuộc tấn công. Lệnh hoãn chiến được cấp tốc truyền đến mọi đơn vị lớn nhỏ. Nhưng có một đơn vị do trung úy Henner chỉ huy lại không nhận được lệnh kịp thời, nên đã nổ súng, kéo qua biên giới tiến vào lãnh thổ Balan, chiếm một ngọn đồi chiến lược với một nhà ga xe lửa và bắt một tù binh. Khi gọi điện thoại về báo cáo chiến công, trung úy Henner được lệnh phải thả tù binh ra ngay và rút về tức khắc.

Mặc dù Đức đã nổ súng và đã chiếm đóng mấy địa điểm chiến lược trên lãnh thổ Ba Lan vào ngày 26-8-1939, chính phủ và quân đội Ba Lan vẫn không đề cao cảnh giác. Đến ngày 1-9-1939, khi đại bịnh Đức ồ ạt tấn công qua bịên giới, quân đội Ba Lan bị đánh bất ngờ, trở tay không kịp nên đã bị thiệt hại nặng nề trong mấy ngày đầu cuộc chiến và cuối cùng đã phải đầu hàng. Thật là một thảm họa. Nếu biết cảnh giác đề phòng thì chắc sẽ không phải thất bại như vậy.

Nếu ngày giờ Chúa trở lại không ai biết trước được thì chúng ta những người đang sống phải thường xuyên chuẩn bị cho ngày giờ đó. Ảo tưởng nguy hiểm nhất là ảo tưởng cho rằng, mình còn có nhiều thời giờ.

2. Bây giờ đến lượt chúng ta. Chúa muốn dạy chúng ta bài học nào qua bài Tin Mừng hôm nay?

Rõ ràng qua những lời Gioan Tẩy Giả nói trong bài Tin Mừng hôm nay chúng ta hiểu được ngay Chúa muốn ta làm gì. Thánh Gioan bảo: "Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.". Chúng con thấy tiếng nói của Gioan là tiếng nói thật quan trọng. Quan trọng vì đây là tiếng nói của ngôn sứ. "Hãy sám hối" Vì là tiếng nói của ngôn sứ nên chúng ta phải coi đây chính là ý muốn của Thiên Chúa. Chúng con thấy sau này ngay vừa khi đi rao giảng Tin Mừng thì Chúa Giêsu cũng kêu gọi mọi người phải sám hối như thế. Nói thế để chúng con biết việc sám hối trong đời sống quan trọng như thế nào.

Bây giờ cha hỏi chúng con: Chúng con đã sám hối bao giờ chưa?

- Rồi.

- Rất đúng. Chúng con đã sám hối rất nhiều lần rồi.

Nhưng hôm nay cha muốn nói với chúng con về cách sám hối của thánh Theo thánh Gioan Kim Khẩu.

Theo thánh Gioan Kim Khẩu, Giám mục thì có 5 cách sám hối.

Cách sám hối thứ nhất là lên án tội lỗi mình. Thực vậy, ai càng dám lên án tội lỗi mình đã phạm, thì sẽ ít tái phạm hơn.  lâu sa ngã lại hơn. Hãy thúc đẩy lương tâm để lương tâm ở ngay trong bạn tố cáo tội lỗi bạn, để sau này lương tâm khỏi tố cáo bạn trước tòa Chúa.

Đấy là cách sám hối hoàn hảo nhất.

Cách thứ hai không kém gì cách thứ nhất: kẻ thù có sỉ nhục chúng ta, chúng ta đừng để bụng; hãy chế ngự tính giận hờn; hãy tha thứ tội lỗi cho anh em, và như thế, chúng ta có xúc phạm đến Chúa điều gì, thí Chúa cũng sẽ thứ tha cho ta.

Rồi ngài hỏi: Bạn có muốn học cách sám hối thứ ba nữa không? Hãy hết lòng cầu nguyện cho chu đáo và sốt sắng.

Nếu bạn muốn biết cách thứ tư, thì tôi xin nói: đó là việc làm phúc bố thí. Việc này có nhiều hiệu lực rộng rãi.

Ngoài ra sống giản dị và ăn ở khiêm nhường cũng là một cách sám hối không thua kém bất cứ cách nào đã nói trên đây. Cách sám hối này tiêu diệt tội lỗi tận căn. Người thu thuế đã làm chứng điều đó, anh đã dâng lên lòng khiêm tốn của mình và đã trút được gánh nặng tội lỗi.

Sự sám hối của chúng ta là một hành động thể hiện tình yêu hoàn hảo đối với Chúa. Nó đem lại cho chúng ta niềm hân hoan của Chúa Giêsu, niềm khao khát được lạc mất trong Ngài, để không điều gì còn lại trong chúng ta ngoài Chúa với vầng hào quang rực rỡ kéo mọi người về với Chúa Cha.

Mẹ Têrêsa kể: Một ngày nọ, một nhà báo đã hỏi tôi một cầu hỏi kỳ lạ. Anh ta hỏi rằng:

 - Ngay cả Mẹ cũng xưng tội sao?

Tôi trả lời:

 - Vâng, đúng vậy, tôi đi xưng tội mỗi tuần.

Anh ta tỏ ra ngạc nhiên, nói:

 - Chúa hẳn phải khắt khe lắm bởi đến Mẹ  mà cũng phải đi xưng tội.

Tôi hỏi lại:

 - Đứa con bé bỏng hiền ngoan như thiên thần của anh đôi khi cũng làm điều sai. Vậy anh sẽ nghĩ gì nếu một ngày, con anh đến gặp anh và nói: "Cha ơi, con xin lỗi? Anh sẽ làm gì? Anh sẽ vòng tay ôm lấy đứa nhỏ và hôn nó. Tại sao vậy? Vì đó là cách anh nói với con rằng anh yêu nó. Chúa cũng làm vậy. Ngài yêu tôi thật dịu dàng". Ngay cả khi phạm phải điều lầm lỗi, chúng ta hãy cho phép mình đến gần hơn với Chúa. Chúng ta hãy nói với Ngài: “Con biết lỗi lầm làm con xa Cha, con không xứng đáng làm con Cha nữa, nhưng con vẫn cầu xin được tha thứ”

Nếu chúng ta mắc phải lỗi lầm hãy tìm đến Chúa và nói: “Con xin lỗi, con thực sự hối tiếc”. Chúa là một Người Cha khoan dung. Lòng nhân từ của Ngài còn lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Ngài sẽ tha thứ cho ta.