Chúa Nhật II mùa vọng  - Năm A
SỨ GIẢ CỦA THIÊN CHÚA
SƯU TẦM

Khi Chúa Giêsu sinh ra tại Bêlem, thì đế quốc La mã đang ở vào thời đại hoàng kim, thời đại rực rỡ nhất với uy quyền bành trướng khắp nơi. Vi hoàng đế không phải chỉ cai trị một cách tuyệt đối tại kinh thành La mã, mà còn ở tất cả những quốc gia, những dân tộc nằm trong lãnh địa của mình.

Nếu vị hoàng đế quyết định ghé thăm thủ đô của một thuộc địa xa xôi nào đó, ông ta sẽ sai sứ giả đi trước, có nhiệm vụ báo tin cho dân chúng biết cuộc viếng thăm và đốc thúc họ chuẩn bị đón rước sao cho linh đình và trọng thể. Trong khi chờ đợi, chính vị sứ giả ấy cũng sẽ được tiếp nhận với tất cả vinh dự của mình.

Đúng thế, vào lúc vị Vua tối cao của trời và đất sắp đến thăm hành tinh nhỏ bé này để ở giữa chúng ta, chia sẻ thân phận làm người của chúng ta và nhất là để cứu chuộc chúng ta, Ngài cũng đã chọn lựa cho mình một vị tiên tri, một vị sứ giả, như lời tiên tri Malachia đã loan báo: Này đây, ta sai sứ giả của ta đi trước con để dọn đường cho con.

Lời loan này ám chỉ về Gioan Tẩy giả. Đúng thế, bên bờ sông Giođan, Gioan Tẩy giả đã rao giảng và trao ban phép rửa sám hối cho người Do thái để họ chuẩn bị đón mừng đấng cứu thế: Có tiếng kêu trong sa mạc, hãy dọn đường cho Chúa, (Mt 3,3), quanh co uốn cho ngay, gồ ghề san cho phẳng, hố sâu lấp cho đầy và nơi cao phải bạt xuống.

Gioan Tẩy giả không bảo họ treo cờ, giăng biểu ngữ hay làm cổng chào, nhưng bảo họ hãy sống tinh thần sám hối, xa lánh tội lỗi, vì tội lỗi chính là những chướng ngại vật ngăn chặn không cho Chúa đến với chúng ta. Nếu không hoán cải, nếu không quay trở về với Chúa, thì này đây, cái dìu đã được đặt dưới gốc cây và cây nào không sinh trái tốt sẽ bị chặt và quăng vào lửa. (Mt 3,10).

Ngoài ra, cũng như các vị tiên tri đi trước, Gioan Tẩy giả còn tố cáo sự giả hình và thái độ tự mãn của người Do thái vì cho rằng mình đã có tổ phụ Abraham. (Mt 3,9). Đúng thế, đức tin không phải là một di sản của nòi giống, của chủng tộc, nhưng là một cuộc dấn thân đích thực, một cuộc tự đặt lại vấn đề không lúc nào nguôi. An phận trong ơn gọi là một cạm bẫy không ngừng đối với người Do thái, trong lúc sự hoán cải đích thực đòi hỏi phải luôn canh tân và đổi mới.

Thái độ của người Do thái phải chăng cũng là thái độ của chúng ta, những người luôn tự hào: Tôi là người đạo gốc, tôi là người đạo dòng, tôi giữ đạo từ tấm bé, tôi luôn thuộc về Giáo Hội, tôi xưng tội rước lễ thường xuyên và như vậy đã bảo đảm cho tôi phần rỗi linh hồn.

Gioan trả lời cho chúng ta hay: Không phải là như thế. Chính Chúa Giêsu cũng xác quyết: Thiên Chúa có thể biến những hòn đá trở nên con cháu Abraham. (Mt 3,8). Và như vậy, trong ngày sau hết, con cháu trong nhà sẽ bị quăng ra ngoài, vào chốn tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng. (Mt 8,11-12).

Thực vậy, danh hiệu người có đạo mà thôi không đủ để miễn trừ cho chúng ta bổn phận phải sám hối ăn năn, phải uốn nắn sửa đổi những thói hư tật xấu, nhờ đó thăng tiến bản thân và đổi mới cuộc đời. Bởi vì sống là bơi ngược dòng nước, nếu không cố gắng bơi, chúng ta sẽ bị dòng nước là những đam mê tội lỗi cuốn trôi.

Mùa vọng đã trở về, đây chính là thời gian thuận tiện nhất để chúng ta lắng nghe và thực thi sứ mạng của Gioan Tiền hô: sám hối và canh tân để dọn đường đón mừng Chúa đến, bởi vì tâm tình sám hối chính là bước chân đầu tiên trên con đường trở về cùng Chúa và cõi lòng ăn năn chính là một thứ tiền để mua lấy ơn tha thứ.

Hay như thánh Augustinô đã nói: Khi tạo dựng nên chúng ta, Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta. Nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần chúng ta ưng thuận và cộng tác với Ngài. Tâm tình sám hối ăn năn chính là sự cộng tác, chính là sự góp phần nhỏ bé của chúng ta vào công trình cứu chuộc của Thiên Chúa.