Chúa Nhật II mùa vọng - Năm A |
TRỞ VỀ CÙNG CHÚA |
SƯU TẦM |
Trong khi thực hiện bức hoạ nổi tiếng “Bữa tiệc ly” Leonard de Vinci đã cãi vã với một người bạn. Ông nhiếc mắng bạn ấy bằng những lời gay gắt và những cử chỉ doạ nạt. Khi cuộc cãi vã đã qua, ông trở lại công việc đang làm là vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu. Nhưng ông không thể phác hoạ được một nét. Cuối cùng ông nhận ra sự lo lắng phiền lòng. Ông liền bỏ bút vẽ, đi tìm người bạn mà ông đã xúc phạm và xin người bạn ấy tha thứ cho mình. Thế rồi ông trở về và bình tĩnh vẽ khuôn mặt Chúa Giêsu. Như nhà hoạ sĩ, chúng ta đang cố gắng đặt Chúa Giêsu vào tác phẩm của mình là lễ Giáng sinh. Chúng ta muốn Chúa Giêsu là trung tâm của việc chúng ta cử hành. Và chúng ta nghe tiếng Gioan Tiền hô khuyên nhủ: Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến. Vậy đâu là sự liên kết giữa tâm tình sám hối và việc chuẩn bị đón mừng Chúa đến? Như chúng ta đã biết trở ngại lớn nhất cho việc đón mừng Chúa đến chính là tội lỗi. Vì thế để dọn đường cho Chúa, chúng ta phải từ bỏ tội lỗi, phải sống tinh thần sám hối. Léonard de Vinci đã không thể vẽ được khuôn mặt Chúa Giêsu khi ông cảm thấy mình còn tội lỗi, mình còn xúc phạm đến người khác. Chúng ta cũng không thể đặt Chúa Giêsu vào bức hoạ giáng sinh bao lâu chúng ta chưa sám hối. Vậy sám hối là gì? Tôi xin thưa sám hối là lo buồn về điều đã vấp phạm hay hối hận vì điều mình đã không làm. Thực vậy, tâm tình sám hối không phải chỉ là việc quay trở về dĩ vẫng, bằng cách ăn năn những gì đã lỗi phạm, mà hơn thế nữa còn phải hướng tới tương lai, bằng cách dốc quyết uốn nắn sửa đội lại nhưng sai lỗi vấp phạm ấy, để thăng tiến bản thân, đổi mới cuộc đời. Và như vậy, sám hối đòi hỏi phải có một cái nhìn mới, một thái độ mới, một cuộc sống mới, và cốt lõi của nó bao gồm sự trở về cùng Chúa. Trong cuộc sống, rất nhiều lần chúng ta đã không thực hiện những điều làm vui lòng Chúa chẳng hạn như: cầu nguyện, học hỏi giáo lý, cảm thông và giúp đỡ những người chung quanh. Trái lại, chúng ta thường hay làm những điều Chúa không muốn, và chẳng bao giờ làm điều Chúa muốn cã. Đó chính là hàng rào cản ngăn Chúa đến với chúng ta, và chúng ta đến với Chúa, nhất là trong mùa Giáng sinh này. Chính vì thế, trong những ngày nay chúng ta hãy chạy đến nơi toà giải tội để được tha thứ. Việc xưng tội không chỉ để tẩy xoá những vết nhơ tội lỗi mà hơn thế nữa còn giúp chúng ta xa tránh tội lỗi, nhờ đó mà phục vụ Chúa một cách chân thành hơn. Hãy ra sức khử trừ tội lỗi, Hãy cố gắng phá huỷ cho bằng được những chướng ngại vật trên con đường Chúa sẽ đến viếng thăm. Khử trừ tội lỗi sẽ giúp chúng ta nhìn thấy Đức Kitô một cách rõ ràng hơn. Khử trừ tội lỗi sẽ làm cho con đường Chúa đến với chúng ta và chúng ta đến với Chúa được trở nên bằng phẳng và dễ dàng hơn. Khử trừ tội lỗi sẽ biến tâm hồn chúng ta trở thành một hang đá, máng cỏ sống động cho Chúa. Thế nhưng, chúng ta đã làm được những gì để dọn đường Chúa đến? |