Chúa Nhật II mùa vọng  - Năm A
SỰ XUẤT HIỆN CỦA GIOAN TẨY GIẢ
Chú giải của William Barclay

Sự xuất hiện của Gioan giống như tiếng nói của Thiên Chúa thình lình vang lên. Lúc bấy giờ người Do Thái buồn bã vì tiếng nói của các ngôn sứ không còn nữa. Trải qua bốn trăm năm không hề có ngôn sứ nào, suốt bốn thế kỷ dài đằng đẵng tiếng nói ngôn sứ hoàn toàn yên lặng. Như chính họ đã ghi nhận “không có tiếng nói, cũng chẳng có tiếng đáp”. Nhưng trong Gioan, tiếng nói ngôn sứ lại đang vang lên. Vậy đặc điểm của Gioan và sứ điệp của ông là gì?

1. Ông mạnh dạn tố cáo bất cứ tội ác nào ông biết. Khi vua Hêrôđê phạm tội trong một cuộc hôn nhân xấu xa và bất hợp pháp, Gioan quở trách ngay. Khi những người Xađốc và Pharisêu, các thủ lãnh tôn giáo chính thống, những nhà đạo đức đương thời chìm đắm trong những nghi thức bề ngoài, Gioan đã không ngần ngại lên tiếng. Khi đám thường dân sống cuộc đời vô đạo, ông mạnh dạn cảnh cáo họ. Nơi nào Gioan thấy điều ác, trong quốc gia, trong đạo, trong dân gian, ông quở trách không chút e dè. Gioan giống như ngọn đèn soi trong nơi tối tăm, ông giống như ngọn gió từ Thiên Chúa quét sạch cả xứ. Ngày nay sự cảnh tỉnh và tố cáo vẫn còn trong sứ điệp Kitô giáo. Diogene từng nói: “Chân lý giống như ánh sáng đối với mắt đau”. Ông nói “Người nào không bao giờ làm mất lòng ai thì cũng chẳng bao giờ làm được ích gì cho ai”. Đã có những thời kỳ Hội Thánh quá cẩn thận để khỏi làm mích lòng người. Thời kỳ lịch sử dễ dãi đã qua, và thì giờ quở trách tỏ tường phải đến.

2. Ông khẩn khoản kêu gọi mọi người đến với sự công chính. Sứ điệp của Gioan không những là tố cáo tiêu cực nhưng cũng tích cực xây dựng những tiêu chuẩn đạo đức của Thiên Chúa. Ông chẳng những tố cáo người ta về những việc họ đã làm, mà còn chỉ bảo họ điều phải làm. Ông không chỉ lên án quá khứ của họ mà còn khuyến khích họ phải sống thế nào. Ông giống như tiếng kêu gọi mọi người bước lên chỗ cao hơn. Chẳng những ông quở trách điều ác, mà còn đặt ra điều thiện trước mặt mọi người. Nhiều khi Hội Thánh chỉ lo nói cho mọi người biết điều không nên làm mà không quan tâm đến việc đưa ra cho họ thấy sự cao trọng của lý tưởng Kitô giáo.

3. Gioan từ Thiên Chúa đến. Ông từ hoang địa đi ra; ông đến với người ta sau khi đã được Thiên Chúa chuẩn bị qua những năm tháng cô đơn. Như Alexander Maclaren đã nói: “Gioan như ta thấy khi nhảy vào đấu trường đã trưởng thành và võ trang đầy đủ”. Ông đến không phải với vài quan niệm của mình, nhưng với sứ điệp của Thiên Chúa. Trước khi nói với loài người, ông đã ở lâu ngày với Thiên Chúa. Người nào giảng dạy lời ngôn sứ phải luôn luôn ở cùng Thiên Chúa rồi mới có thể đứng trước mặt loài người.

4. Gioan chỉ cho người ta đi tới cái trổi vượt hơn chính ông. Gioan không chỉ là ánh sáng phơi bày điều ác, không chỉ là tiếng nói quở trách tội lỗi mà còn là bảng chỉ đường đến Thiên Chúa. Gioan không muốn loài người chiêm ngưỡng ông, mà muốn chuẩn bị họ cho Đấng sẽ đến.

Người Do Thái tin tưởng Êlia sẽ trở lại trước khi Đấng Cứu Thế đến và ông là người báo tin cho công chúng biết về vị Vua tương lai “Này ta sẽ sai ngôn sứ Êlia đến cùng các ngươi trước ngày lớn lao và đáng sợ của Thiên Chúa chưa đến”   (Ml 4,5). Gioan mặc áo bằng lông lạc đà, thắt dây lưng bằng da, đây là hình ảnh chiếc áo ngôn sứ Êlia đã mặc (2V 1,8).

Matthêu liên kết Gioan với lời tiên tri trong Isaia 40,3. Trong thời cổ đại, đường xá phương Đông rất xấu. Có một châm ngôn phương Đông nói rằng: “Có ba điều khốn khổ: đau ốm, nhịn ăn và du lịch”. Một nhà du lịch sắp lên đường thường được khuyên trả tất cả nợ nần, chuẩn bị mọi sự cho vợ con, trao những quà tặng chia tay, trả lại những món đồ ký thác, lấy tiền rồi chuẩn bị cho cuộc hành trình và chào từ biệt mọi người. Quốc lộ chẳng hơn gì các lối mòn và không hề được trải đá, vì đất xứ Palestine cứng có thể chịu được sự lưu thông lừa, la và xe bò, xe ngựa. Cuộc hành trình trên một tuyến đường như thế quả là phiêu lưu, một cuộc phiêu lưu cần phải tránh. Cũng có một số ít đường trải đá, tỉ dụ như Josephus nói rằng Salômôn đã đắp một con đường cao bằng đá đen dọc theo những đường dẫn đến Giêrusalem để dễ dàng cho những người đi viếng nơi thánh và để  “bày tỏ sự giàu có sang trọng của nước mình”. Tất cả những đường đá đắp bằng sức người đó do các vị vua làm chỉ đặc biệt dành cho vua sử dụng. Bởi vậy chúng được mệnh danh là “xa lộ hoàng gia”. Đường ấy chỉ được tu bổ khi vua cần dùng cho một cuộc du hành nào đó. Trước khi vua đến, dân chúng được loan báo để chuẩn bị đường cho xa giá vua đi. Gioan thật đang sửa soạn cho con đường của vua. Những người rao giảng lời ngôn sứ không nói về mình nhưng nói về Thiên Chúa.

Mục tiêu của người giảng không phải là làm cho người ta chú ý đến sự khéo léo của mình nhưng vào sự oai nghiêm của Thiên Chúa. Nhà truyền giáo chân thật là người tan biến trong sứ điệp của chính mình.

Người ta nhìn nhận Gioan là ngôn sứ dù cho sau bao nhiêu năm dài không hề vang lên tiếng nói ngôn sứ nào, vì ông là ánh sáng phơi bày sự dữ, là tiếng nói hiệu triệu con người đến sự công chính, là bảng chỉ đường để con người đến cùng Thiên Chúa, và vì ông có một uy quyền không thể giải thích được, một thứ uy quyền chỉ có sau khi đã ở lâu với Thiên Chúa.

SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN: LỜI NGĂM ĐE

Trong sứ điệp của Gioan có cả sự ngăm đe lẫn lời hứa. Cả đoạn này đầy những bức tranh linh động. Gioan gọi những Pharisêu và Xađốc là dòng dõi rắn độc và hỏi ai đã chỉ cho họ chạy trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Có thể Gioan nói lên hai hình ảnh sau đây: Một là Gioan biết rõ hình ảnh hoang địa, có những nơi cỏ mọc ngắn thưa, khô héo với những bụi gai cằn cỗi, gầy, dòn vì thiếu hơi ẩm. Thỉnh thoảng có những đám cháy rừng, lúc ấy lửa như con sông đỏ rực tràn qua, và ngọn cỏ, bụi cây như mới bùi nhùi. Trước đám cháy, rắn rết, bọ cạp vội vã trốn chạy, cả đến những loài thường sống ẩn náu trong bụi cỏ hoặc lùm cây cũng phải bỏ nơi trú ẩn để chạy cứu mạng mình. Cũng có thể một hình ảnh khác mà Gioan dùng ở đây, có nhiều loài vật và côn trùng nhỏ trong cánh đồng bắp như chuột đồng, thỏ và chim chóc, nhưng kh người thợ gặt tới thì chúng bị đuổi khỏi tổ, khỏi hang, chúng phải chạy trốn cứu mạng khi cánh đồng bị gặt trụi… Gioan đã dựa vào những hình ảnh này để suy nghĩ. Nếu các Pharisêu và Xađốc thật tâm xin chịu phép rửa thì họ chỉ như những con thú chạy gấp để cứu mạng trước ngọn lửa hoang địa hoặc trước lưỡi hái của thợ gặt.

Gioan cảnh cáo dù họ có nại ra Ápraham là tổ phụ của họ cũng chẳng ích gì. Đối với người Do Thái chính thống, đó là một câu nói không thể chấp nhận được. Đối với người Do Thái, Ápraham thật độc đáo, độc đáo đến nỗi những công đức của người, cả về sự thiện hảo và ơn Chúa, Ápraham có đủ cho mình và còn cho cả dòng dõi ông nữa. Ápraham đã tích trữ một kho tàng công đức mà tất cả những đòi hỏi và nhu cầu của dòng dõi ông không thể dùng hết được. Vì vậy người Do Thái tin rằng, một người Do Thái tầm thường dù chẳng có công đức riêng nào cũng sẽ được an toàn trong tương lại. Họ nói “tất cả người Israel đều có phần trong thế giới sắp đến”. Họ nói về “những công đức giải phóng của tổ phụ”. Họ nói rằng Ápraham ngồi ở các cổng địa ngục để đuổi người Israel nào chẳng may bị đưa đến chốn kinh khiếp đó trở về, những công đức của Ápraham đã khiến những con tàu thuận buồm xuôi gió trên biển cả, cũng bởi công đức của Ápraham mà mưa sa trên đất. Công đức của Ápraham đã đưa Môsê lên trời để nhận luật. Bởi công đức của Ápraham mà Đavít được Chúa nhậm lời, những công đức này cũng đủ cho người gian ác nữa. Họ nói về Ápraham “nếu con cháu người chỉ là những thi hài, không có mạch máu hay xương cốt, thì công đức của người cũng có lợi cho chúng”. Gioan quở trách tinh thần ỷ lại đó. Có lẽ người Do Thái đã đưa vấn đề đi quá xa, nhưng bao giờ cũng cần cảnh cáo rằng chúng ta không thể sống trên số vốn thuộc linh trong quá khứ. Một thời đại suy đồi không thể trông mong được cứu rỗi dù đã thừa hưởng một quá khứ anh hùng. Một đứa con hư hỏng không thể hy vọng viện dẫn công đức của một người cha thánh thiện.

Một lần nữa, Gioan trở lại với hình ảnh về mùa gặt. Cuối mùa, người giữ vườn nho và vườn vả sẽ kiểm tra kết quả. Nếu chúng không có trái và vô dụng sẽ bị nhổ tận gốc, vì đã choán đất vô ích. Sự vô dụng bao giờ cũng chuốc lấy tai hoạ. Một người vô dụng đối với Thiên Chúa và đồng loại thì ở trong sự nguy hiểm trầm trọng và bị  kết án.

SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN: LỜI HỨA

Sau lời ngăm đe của Gioan là lời hứa, trong đó cũng bao hàm một lời hăm doạ. Như chúng ta biết, Gioan xuất hiện để chỉ cho mọi người thấy Đấng trổi vượt hơn ông sắp đến. Lúc đó Gioan đang nổi danh và đang có ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, ông nói rằng mình không đáng xách dép cho Đấng sắp đến. Xách dép là phận sự của người nô lệ. Thái độ của Gioan là thái độ tự xoá mình đi không tự cho mình là quan trọng. Tính cách quan trọng của ông là làm bảng chỉ đường dẫn đến Đấng sắp đến. Ông nói Đấng đến sau ông sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Trong suốt cả lịch sử, người Do Thái để tâm tìm kiếm thời đại Thánh Thần sẽ đến. Êdêkien đã được nghe Thiên Chúa dạy: “Ta sẽ ban lòng mới cho cho các ngươi và đặt thần mới trong các ngươi. Ta sẽ đặt thần Ta trong các ngươi và khiến các ngươi noi theo luật lệ Ta, các ngươi sẽ giữ mệnh lệnh Ta mà làm theo” (Ed 36,26.27), “Ta sẽ đặt thần Ta trong các ngươi và các ngươi sẽ sống” (Ed 37,14). “Ta sẽ không che mặt khỏi chúng nó nữa vì Ta sẽ đổ thần Ta trên nhà Israel, Chúa dạy vậy” (Ed 39,29), “Vì Ta sẽ rót nước trên kẻ khát, cho suối chảy nơi đất khô, Ta sẽ đổ thần Ta trên dòng dõi ngươi và phước lành Ta trên những kẻ ra từ ngươi” (Is 44,3), “Trong những ngày đó, dầu những đầy tớ trai và đầy tớ gái, Ta cũng đổ thần Ta lên” (Ge 2,29). Vậy ân tứ và công việc của Thánh Thần Thiên Chúa là gì? Khi thử giải đáp câu hỏi ấy, ta nên nhớ trả lời theo nghĩa của người Do Thái. Gioan là người Do Thái và đang nói với người Do Thái, ông đang suy nghĩ và nói không theo nghĩa giáo lý Kitô giáo về Thánh Thần mà theo nghĩa giáo lý của người Do Thái.

1. Chữ “ruah” của Do Thái, cũng như chữ pneuma trong tiếng Hy Lạp, không chỉ có nghĩa là thần linh mà còn là hơi thở. Hơi thở là sự sống, bởi vậy hứa ban Thánh Thần tức là hứa ban sự sống. Khi Thánh Thần Thiên Chúa ngự vào một người thì cảnh thất bại mệt mỏi và thiếu vẻ đẹp của cuộc sống cũ sẽ qua đi để làm nổi bật sự sống mới trong người ấy.

2. Chữ ruah này chẳng những có ý nghĩa là hơi thở mà cũng có nghĩa là gió, chỉ về bão, cơn gió mạnh mà ngôn sứ đã nghe. Gió nghĩa là năng lực, gió lớn đẩy tàu đi và làm trốc gốc cây cối. Gió có một sức mạnh không gì cự địch được. Thánh Thần Chúa là Thánh Thần của năng lực, khi Thánh Thần Chúa ngự trong một người, sự yếu đuối của người ấy được mặc lấy quyền năng của Thiên Chúa. Ngài khiến người ấy làm được điều bất năng, đối diện với sự việc không thể đương đầu, chịu đựng được điều không thể chịu nổi. Sự thất bại bị loại trừ và chiến thắng đến.

3. Thánh Thần Thiên Chúa liên hệ đến việc sáng tạo. Khi Thánh Thần của Thiên Chúa vận hành trên mặt nước, cảnh hỗn mang trở thành vũ trụ, hỗn độn trở thành trật tự. Ngài tạo nên thế giới giữa đám sương mù thuở ban sơ. Thánh Thần Thiên Chúa có thể tái tạo chúng ta, Thánh Thần Chúa ngự vào một người, sự vô trật tự của bản chất con người sẽ trở thành trật tự. Tình trạng không kiểm soát được sẽ được Thánh Thần uốn nắn để ăn khớp, hoà hợp với Thiên Chúa.

4. Người Do Thái quy cho Thánh Thần những chức năng đặc biệt. Họ tin là Thánh Thần mang chân lý Thiên Chúa mặc khải cho loài người. Mỗi khám phá trong lãnh vực tư tưởng là một ơn ban của Thánh Thần cho tâm trí con người. Thánh Thần vào trong trí con người và biến phỏng đoán trở thành khẳng định, đổi sự ngu dốt của con người thành sự thông biết.

5. Thánh Thần khiến người ta nhận ra chân lý Thiên Chúa khi gặp. Khi Thánh Thần vào lòng, mắt chúng ta sẽ mở ra, những thành kiến vốn làm đui mù bị cắt bỏ, ý riêng tăm tối được loại trừ, Thánh Thần khiến con người thấy rõ.

Đó là những ân huệ của Thánh Thần mà Gioan đã thấy và là những ân huệ sẽ do Đấng sắp đến mang lại.

SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN: LỜI HỨA VÀ NGĂM ĐE

Có một chữ và một hình ảnh trong sứ điệp của Gioan chứa đựng cả lời hứa lẫn ngăm đe. Gioan nói Đấng sắp đến sẽ làm phép rửa trong lửa. Phép rửa trong lửa cho ta ba ý niệm sau đây:

1. Ý niệm về sự soi sáng: Ngọn lửa chiếu trong đêm soi sáng những xó xỉnh tối tăm. Ánh sáng hải đăng hướng dẫn người thuỷ thủ đến bờ bến an toàn. Lửa không chỉ thiêu huỷ mà còn ban ánh sáng và sự hướng dẫn. Chúa Giêsu là ánh sáng của hải đăng dẫn con người vào chân lý và đưa họ về nhà Thiên Chúa.

2. Ý niệm ấm cúng: Một người quảng đại và nhân từ được soi là người đốt lửa trong những căn phòng giá lạnh. Khi Chúa Giêsu đến với cuộc đời, Ngài đã nhen nhúm lên trong lòng con người sự ấm áp của tình yêu. Kitô giáo bao giờ cũng là tôn giáo của trái tim nồng ấm.

3. Ý niệm tẩy sạch: Trong nghĩa này, tẩy sạch bao hàm ý huỷ diệt vì ngọn lửa tinh luyện thiêu đốt sự giả dối và để lại sự chân thật. Ngọn lửa tôi luyện, làm cứng rắn và làm tinh ròng kim loại. Khi Chúa Giêsu ngự vào lòng người, cặn bã xấu xa bị tẩy trừ. Có khi đó là một kinh nghiệm đau đớn, nhưng nếu một người đã trải qua những kinh nghiệm trong đời sống mà tin rằng Thiên Chúa có thể làm cho mọi sự trở thành ích lợi, thì người ấy sẽ ra khỏi những kinh nghiệm đó với tâm tình được thanh tẩy, và với tấm lòng trong sạch. Người ấy được thấy Thiên Chúa.

Vì vậy, lửa bao gồm sự soi sáng, sự ấm áp và tinh sạch cho tấm  lòng người nào có Chúa Giêsu ngự vào.

Bức tranh về sân đạp lúa củ Gioan cũng gồm cả lời hứa lẫn ngăm đe. Cái quạt để rê lúa trông giống như cái xẻng gỗ lớn để hất lúa lên cao. Thóc nặng rơi xuống trước còn trấu nhẹ bị gió lùa đi. thóc được gom vào bồ, còn trấu thì dùng để đốt.

Khi Chúa Giêsu đến thì buộc phải có sự phân rẽ. Người ta hoặc tiếp nhận Ngài hoặc chối bỏ Ngài. Đối diện với Chúa, họ đứng trước một lựa chọn không thể tránh né được. Hoặc thuận hay nghịch với Ngài. Sự lựa chọn đó định đoạt số phận con người. Con người được phân chia do phản ứng của họ đối với Chúa Giêsu.

Theo quan niệm Kitô giáo thì không ai có thể tránh việc lựa chọn số phận đời đời. Tại làng Bedford, John Bunyan đã nghe một tiếng gọi thình lình đưa ông đối diện với cõi đời đời: “Ngươi có bằng lòng từ bỏ tội lỗi để vào thiên đàng hay cứ giữ tội để xuống địa ngục?”. Phân tích cho cặn kẽ thì không ai có thể trốn tránh một lựa chọn dứt khoát cho chính mình.

SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN: HOÁN CẢI

Trong tất cả các lời giảng của Gioan, điều đòi hỏi cơ bản là: “Hoán cải” (Mt 3,2). Đó cũng là sứ điệp cơ bản của Chúa Giêsu. Ngài đã đến và truyền dạy: “Anh em hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15). Rõ ràng chúng ta cần tìm hiểu hoán cải là gì và yêu cầu cơ bản của Vua và của người dọn đường của Ngài là gì. Điều đáng chú ý là Chúa Giêsu và Gioan đều dùng chữ hoán cải mà không có lời giải thích. Cả hai đều coi chữ này như một từ chắc chắn mà người nghe sẽ biết và hiểu rõ ý nghĩa.

Chúng ta hãy xem người Do Thái dạy thế nào về hoán cải. Đối với người Do Thái, hoán cải là trọng tâm của mọi đức tin tôn giáo, mọi sự liên hệ với Thiên Chúa. G.F. Moore đã viết: “Hoán cải là điều kiện duy nhất và bất khả thay thế để được Thiên Chúa tha thứ, phục hồi ân huệ của Ngài. Sự tha thứ cùng ân huệ ấy không bao giờ phụ lòng hoán cải chân thành”, “Thiên Chúa hoàn toàn tha thứ tội lỗi của người hoán cải là lẽ đạo chủ yếu của Do Thái giáo”. Các Rápbi bảo rằng hoán cải rất là vĩ đại vì nó đem sự chữa lành đến cho thế gian. Hoán cải thật vĩ đại vì nó đạt đến vinh quang của Thiên Chúa. C.G.Montefiore đã viết: “Hoán cải là mối ràng buộc hoà giải lớn giữa Thiên Chúa và loài người”.

Luật được lập hai ngàn năm sau cuộc sáng tạo nhưng các Rápbi Do Thái dạy rằng hoán cải là một trong những điều sáng tạo trước cả luật. Có sáu điều quan trọng là: Hoán cải, thiên đàng, địa ngục, ngai vinh quang của Chúa, đền thánh trên trời và Danh của Đấng Cứu Thế. Họ nói: “Một người bắn mũi tên có thể tới vài trăm thước nhưng hoán cải tới được cả Thiên Chúa.

Câu chuyện danh tiếng sau đây của các Rápbi cho thấy hoán cải được đặt vào hàng đầu: “Ai giống như Thiên Chúa là thầy giáo dạy các tội nhân để họ hoán cải?”. Họ hỏi sự Khôn Ngoan: “Hình phạt cho tội nhân sẽ là gì?”. Khôn Ngoan đáp: “Tai hoạ đuổi theo kẻ có tội” (Cn 13,21). Hỏi ngôn sứ, ngôn sứ đáp: “Linh hồn nào phạm tội thì sẽ chết” (Ed 18,4). Hỏi Luật, Luật trả lời: “Người ấy phải dâng lễ vật” (Lv 1,4). Người ta hỏi Thiên Chúa và Ngài đáp: “Ngươi hãy hoán cải để được chuộc tội. Hỡi các con, điều Ta đòi hỏi nơi các con là gì? Hãy tìm kiếm Ta và được sống”. Cũng vậy, đối với người Do Thái, cổng duy nhất để trở về với Thiên Chúa là cổng hoán cải.

Chữ Do Thái Teshubah dùng chỉ hoán cải cũng rất hay. Đó là danh từ của động từ shub có nghĩa quay lại. Hoán cải là quay bỏ điều dữ và quay lại cùng Thiên Chúa, thay đổi cách ăn nết ở, cải tạo đời sống luân lý và tôn giáo của toàn dân hoặc của cá nhân. C.G.Montefiore viết: “Đối với các Rápbi, bản chất của hoán cải là ở chỗ hoàn toàn thay đổi tâm trí, từ đó đem lại sự thay đổi trong cuộc sống và trong cách cư xử”. Maimonides, một học giả Do Thái danh tiếng trong thời trung cổ định nghĩa hoán cải như sau: “Hoán cải là gì? Hoán cải là tội nhân lìa bỏ tội và khai trừ nó ra khỏi tư tưởng mình, hoàn toàn quyết định trong tâm trí sẽ không tái phạm nữa như có chép rằng: “Kẻ ác bỏ đường mình, người bất nghĩa bỏ các ý tưởng”.

Có một định nghĩa về hoán cải mà người Do Thái hoàn toàn có thể chấp nhận được trừ mấy chữ trong ngoặc đơn: “Hoán cải để được sống là một ân sủng cứu rỗi, nhờ đó tội nhân nhận biết được ý nghĩa của tội lỗi, hiểu rõ lòng thương xót của Thiên Chúa (trong Chúa Kitô) với nỗi đau buồn và chán ghét tội lỗi, thật lòng quay lại với Thiên Chúa, nỗ lực và quyết tâm vâng lời Ngài”. Nhiều lần Kinh Thánh nói về quay lưng lại tội lỗi và trở lại cùng Thiên Chúa. Êdêkien chép: “Thật như Ta hằng sống, Ta chẳng coi kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui vì nó bỏ đường lối mình và được sống. Các ngươi hãy bỏ đường lối xấu xa của mình. Sao các ngươi muốn chết, hỡi nhà Israel?” (Ed 33,11). Giêrêmia chép: “Xin Chúa cho tôi trở lại, thì tôi sẽ được trở lại vì Chúa là Thiên Chúa tôi” (Gr 31,18). Hôsê dạy: “Hỡi Israel, hãy trở lại cùng Thiên Chúa ngươi… Các ngươi hãy lấy lời nói mà trở lại cùng Chúa” (Hs 14,1.2).

Từ những điểm kể trên, rõ ràng trong Do Thái giáo hoán cải tự nó đã có một đòi hỏi đạo đức, đó là bỏ tội lỗi mà đến cùng Thiên Chúa với một thay đổi tương xứng trong hành động. Khi Gioan đòi hỏi người nghe phải có kết quả xứng đáng với hoán cải thì đòi hỏi đó hoàn toàn nằm trong truyền thống dân tộc. Có một lời cầu nguyện thật đẹp thường được đọc trong hội đường: “Lạy Cha, xin làm cho chúng con trở lại với luật Ngài. Xin kéo chúng con đến phục vụ Ngài, hãy đem chúng con trở lại trong hoán cải hoàn toàn trước nhan Ngài. Chúng con ca ngợi Chúa, vì Ngài vui thích lòng người hoán cải”. Nhưng hoán cải đó phải được minh chứng qua nếp sống thay đổi.

Bình luận về Giôna 3,10, một Rápbi đã viết: “Hỡi anh em, Kinh Thánh không chép Thiên Chúa thấy bao gai và sự kiêng ăn của người Ninivê, nhưng Ngài thấy việc làm của họ và từ bỏ con đường gian ác”. Các Rápbi nói: “Đừng như kẻ ngu dại khi phạm tội thì dâng lễ vật mà không hoán cải. Nếu có người nói rằng: Tôi cứ phạm tội rồi hoán cải, thì người ấy không còn được phép hoán cải nữa”. Người ta liệt kê năm hạng tội nhân không được tha thứ, trong đó có “những người phạm tội để hoán cải và những người vừa mới hoán cải xong lại tái phạm”. Họ nói: “Một người cầm một vật ô uế trong tay, thì dù có rửa tay bằng nước của cả đại dương tay vẫn không sạch, nhưng ném vật dơ bẩn đó thì chỉ một chút nước là xong”. Các giáo sư Do Thái thường nói về “chín quy tắc hoán cải” tức là chín điều cần thiết cho hoán cải thật. Chín điều này viết trong Isaia 1,16-17 “Hãy rửa, hãy làm cho sạch. Hãy tránh những việc ác khỏi mặt Ta, đừng làm dữ nữa, hãy học làm lành, tìm kiếm sự công bình, hãy đỡ đần kẻ bị hà hiếp, và kẻ mồ côi, bênh vực người goá bụa”.

Con trai Sirach viết trong sách nguỵ kinh Ecclesiasticus (Huấn ca): “Đừng nói tôi đã phạm tội, có việc gì xảy đến cho tôi đâu?”. Vì Chúa là Đấng khoan nhân. Đừng dại dột tin vào của lễ chuộc tội để rồi cứ tiếp tục thêm tội vào tội, và đừng nói Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài sẽ tha thứ vô số tội lỗi tôi “vì Ngài là Thiên Chúa của tình thương lẫn của thịnh nộ; Ngài sẽ giáng thịnh nộ trên kẻ phạm tội. Đừng trì hoãn việc trở lại cùng Chúa và đừng chần chừ ngày này qua ngày khác” (Hc 5,4-7). Người viết tiếp: “Một người đụng đến xác chết bị ô uế đi tắm để được tinh sạch nhưng lại rờ đến xác chết ấy nữa thì tắm rửa có ích gì? Cũng vậy một người kiêng ăn vì đã phạm tội nhưng lại tái phạm thì ai sẽ nghe lời cầu xin của người ấy? Kiêng ăn hãm mình của người đó có ích gì?” (Hc 34,25-26).

Người Do Thái chủ trương hoán cải thật không chỉ biểu hiện bằng một cảm xúc buồn thảm mà còn phải thật sự thay đổi đời sống. Đây cũng là quan niệm của Kitô giáo. Người Do Thái chủ trương kết quả chứng minh cho hoán cải thật. Kitô hữu cũng thế. Người Do Thái còn nhiều điều khác nói về hoán cải và chúng ta phải tiếp tục tìm hiểu.

SỨ ĐIỆP CỦA GIOAN: HOÁN CẢI

Có điểm đáng sợ trong đòi hỏi đạo đức về hoán cải của người Do Thái, nhưng đồng thời cũng có nhiều điều khích lệ.

Lúc nào cũng có cơ hội để hoán cải. Họ nói: “Hoán cải giống như biển cả muốn tắm lúc nào cũng được”. Có những khi cánh cổng cầu nguyện đóng chặt, nhưng các cổng hoán cải thì không bao giờ đóng, cũng không ai đóng được.

Hoán cải hoàn toàn cần thiết. Người ta kể một câu chuyện Ápraham tranh luận với Chúa, ông thưa với Chúa rằng: “Cùng một lúc Chúa không thể nắm hai đầu dây. Nếu Chúa đòi hỏi sự công chính tuyệt đối thì thế gian không chịu nổi, nếu Chúa muốn bảo toàn thế gian thì lại không thể duy trì sự công chính tuyệt đối”. Nếu không có lòng thương xót của Chúa và hoán cải, thế gian không thể tiếp tục tồn tại. Nếu không có gì khác ngoài sự công chính của Chúa thì mọi người và mọi vật không thể tồn tại. Hoán cải rất cần thiết để Chúa bãi bỏ đòi hỏi của Ngài: “Hoán cải trước mặt Chúa thật đáng quý, vì Ngài đã bãi bỏ chính lời Ngài vì hoán cải”. Lời ngăm đe huỷ diệt tội nhân bị bãi bỏ vì Chúa chấp nhận hoán cải của tội nhân.

Hoán cải kéo dài suốt đời. Chừng nào còn sự sống thì còn có thể hoán cải. “Bàn tay Chúa đưa ra để giựt người hoán cải ra khỏi điều công chính đòi hỏi”. Rápbi Simeon ben Yohai nói: “Một người suốt đời công chính nhưng cuối cùng phản loạn, là đã phá huỷ hết vì có lời chép: Sự công chính sẽ không cứu được nó trong ngày nó phạm tội” (Ed 33,12). Nhưng nếu có một người cả đời sống gian ác, đến cuối cùng lại hoán cải, thì Chúa vẫn tiếp nhận người ấy vì có lời chép: “Sự dữ của kẻ dữ không làm cho nó sa ngã vào ngày nó từ bỏ sự dữ ấy” (Ed 33,12). Họ nói: “Nhiều người, phải sau nhiều năm mới vào được thiên đàng trong khi người khác chỉ trong một giờ”. Một thi sĩ nói về một người tìm ơn thương xót của Thiên Chúa trong giờ phút lâm chung: “Trong khoảnh khắc còn lại của cuộc đời, tôi tìm kiếm ơn thương xót của Chúa và tôi đã gặp”.

Lòng thương xót của Thiên Chúa cao cả đến nỗi Ngài chấp nhận cả hoán cải kín đáo nữa. Rápbi Eleazar nói: “Đây là cách của thế gian, một người công khai nhục mạ đồng bào, sau một thời gian lại tìm đến làm hoà thì người kia sẽ nói: “Anh đã nhục mạ tôi công khai bây giờ lại chỉ muốn làm hoà giữa hai người thôi sao? Không được, hãy đem những người chứng kiến sự nhục mạ của anh đến đây, trước mắt họ, tôi sẽ giảng hoà với anh…” Nhưng Chúa không như thế, đối với người nhạo báng, xúc phạm Chúa ngay giữa chợ, Chúa vẫn dạy: “Hãy hoán cải giữa hai ta, ta sẽ tiếp nhận ngươi”. Lòng thương xót của Chúa vẫn dành cho người hổ thẹn đến nỗi không dám nói điều xấu hổ với ai trừ Chúa.

Thiên Chúa không có sự quên lãng vì Ngài là Thiên Chúa, nhưng lòng thương xót của Ngài lớn lao đến nỗi không những Ngài tha thứ mà còn quên tất cả tội của người hoán cải nữa. “Thần Minh nào sánh được như Ngài, Đấng chịu đựng lỗi lầm, Đấng bỏ qua tội ác cho phần còn sót lại của cơ nghiệp Ngài?” (Mk 7,18), “Chúa đã tha gian ác cho dân Chúa và khoả lấp mọi tội lỗi của họ” (Tv 85,2). Tha thứ thì loài người có thể làm được, nhưng quên, bỏ thì chỉ có Thiên Chúa.

Điều đẹp hơn hết là Chúa đã đi hơn phân nửa đường để đến gặp tội nhân hoán cải. “Hãy trở lại theo khả năng của con, đi được bao xa thì đi, còn Ta, Ta sẽ đến với con, đi phần còn lại của quãng đường”. Sâu sắc lắm thì các Rápbi cũng chỉ thoáng thấy được tình yêu của cha khi người cha chạy ra đón đứa con hoang đàng trở về. Tuy nhiên dầu nhớ hết sự thương xót này của Chúa, trong hoán cải thật vẫn còn có sự bồi hoàn, sửa chữa trong phạm vi khả năng. Các Rápbi nói: “sự thiệt hại phải được đền bồi, thì ơn khoan dung và tha thứ sẽ đến”. “Người hoán cải thật là người có dịp để phạm cùng một tội lần nữa trong cùng một trường hợp mà không làm”. Các Rápbi nhấn mạnh luôn về tầm quan trọng của mối tương quan nhân loại và việc cần sửa chữa cho mối tương quan đó tốt đẹp. Có một đoạn sách giáo huấn nói: “Người nào tốt với trời và với anh em mình là một zadik tốt (zadik nghĩa là một người công chính”. Người nào tốt với trời mà không tốt với anh em là một zadik xấu. Người nào gian ác với trời và gian ác đối với anh em là một tội nhân tệ hại. Người nào gian ác với trời mà không gian ác đối với người anh em thì là tội nhân không tệ hại”. Sự sửa chữa bồi hoàn cà cần thiết nên ai xúi dạy người ấy phạm tội là tội nhân xấu xa nhất, tệ hại nhất, vì đó là việc không thể sửa chữa bồi hoàn được, bởi người ấy không thể lường được hậu quả và ảnh hưởng của tội lỗi mình. Chẳng những sửa chữa cần thiết cho hoán cải thật mà xưng tội cũng vậy. Đòi hỏi này được nhắc đi nhắc lại trong Kinh Thánh “Khi một người nam hay một người nữ phạm một trong những tội mà người ta thường phạm, thì người ấy phải xưng tội của mình ra” (Ds 5,6.7). “Người nào giấu tội lỗi của mình sẽ không được may mắn, nhưng ai xưng nó ra và lìa bỏ nó sẽ được thương xót” (Cn 28,13), “Tôi đã thú tội cùng Chúa, không giấu điều gian ác của tôi. Tôi nói: Tôi sẽ xưng các lỗi phạm của tôi cùng Chúa, còn Chúa tha tội ác tôi” (Tv 32,5), “Người nào nói mình vô tội và chối không nhận mình đã phạm tội thì bị lên án” (Gr 2,35). Maimonides đưa ra một lời xưng tội mẫu để người ta dùng khi xưng tội: “Lạy Chúa, con đã phạm tội, con đã làm điều gian ác, con đã phạm lỗi trước mặt Ngài và đã làm những việc này. Con hối tiếc về việc làm của con. Từ nay con sẽ không bao giờ tái phạm”. Hoán cải thật cần hạ mình để thừa nhận và xưng tội lỗi ra. Không có trường hợp nào là vô vọng đối với hoán cải, cũng không người nào không thể hoán cải. Các Rápbi khuyên: “Đừng ai nói tôi đã phạm và vậy là vô phương cứu vãn”, nhưng hãy tin cậy Chúa và hoán cải thì Ngài sẽ tiếp nhận. Có một trường hợp dường như  không thể cải tạo được là Mơnase. Ông thờ ngẫu tượng Baan, ông đem các thần lạ vào Giêrusalem, thậm chí đem các con trẻ dâng cho Môlóc tại thung lũng Hinôm. Khi bị lưu đày qua Assyria trong gông cùm và nằm trên gai, ông cầu nguyện cùng Chúa trong cơn khốn khó và Ngài đã nghe lời cầu khẩn của ông đưa ông trở lại Giêrusalem. Khi ấy Mơnase mới nhận thức Chúa là Thiên Chúa (2Sb 33,13). Đôi khi Chúa phải dùng sự ngăm đe và kỷ luật để đem một người trở về và không có trường hợp nào vượt quá khả năng của Chúa đến nỗi Ngài không thể đem về được.

Còn một những gì cuối của người Do Thái về hoán cải và chắc đó là Gioan liên tưởng tới. Ít nhất cũng có một vài giáo sư Do Thái dạy rằng: Nếu Israel thật sự ăn năn hoàn toàn dù chỉ trong một ngày thì Đấng Mêsia sẽ đến. Chỉ tại lòng người cứng cỏi khiến cho việc sai phái Đấng Cứu Chuộc xuống thế gian phải trì hoãn lại.

Hoán cải chính là trọng tâm của đức tin Do Thái mà cũng chính là trọng tâm của đức tin Kitô hữu vì hoán cải là quay lưng lại với tội lỗi để đến với Chúa, với cuộc đời Ngài muốn chúng ta sống.