Chúa Nhật I mùa vọng  - Năm A
TỈNH THỨC CHỜ ĐỢI CHÚA ĐẾN
Lm. Phêrô Lê văn Chính

          Mùa Vọng là chờ đợi trong hy vọng, sự chờ đợi vì hy vọng được đổi mới, cũng là thời gian hy vọng hòa bình vì Chúa sắp đến mang lại hòa bình thực sự cho các tâm hồn. Hằng năm Giáo hội lại khởi đầu năm phụng vụ bằng Mùa Vọng để chuẩn bị các tín hữu mừng mầu nhiệm Giáng sinh, sự nhập thể của Con Thiên Chúa làm người. Sự nhập thể này vừa có chiều kích hiện tại vừa có chiều kích cánh chung. Người đã đến và người vẫn đến trong cuộc đời chúng ta, và người sẽ còn đến trong vinh quang chói lòa của Thiên Chúa để dẫn đưa chúng ta vào đời sống thần linh vĩnh cửu. Vì thế Vọng là thời gian đặc biệt, sự chờ đợi đặc trưng của Kitô giáo: Chúa đến với mỗi người và Chúa sẽ đến trong vinh quang. Các bài đọc của Chúa nhật này làm vang vọng lên lời mời gọi tỉnh thức bởi vì Con người sẽ đến rất bất ngờ. Để chờ đợi con người đến, thái độ đúng đắn phù hợp nhất là phải tỉnh thức trong đức tin.

          Từ thời Cựu ước đã vang vọng lên lời tiên báo của tiên tri Isaia về Giêrusalem. Đó là thời kỳ các dân nước sẽ đổ về núi Thiên Chúa để được lắng nghe lời Thiên Chúa dạy dỗ, để bước đi theo đường lối Thiên Chúa. Vì được lắng nghe lời dạy và lời khiển trách của Thiên Chúa, người ta sẽ biết sám hối, họ sẽ biết thay đổi đời sống và có những hành động cụ thể để thay đổi thế giới họ đang sống, từ bỏ những khí giới chiến tranh hủy diệt và tạo ra một thế giới bình an, hòa bình cho mọi người. Chính lời Chúa sẽ giáo huấn và thay đổi lòng trí của họ. Để hiểu về hoàn cảnh chính trị xã hội thời kỳ của tiên tri Isaia, cần nhớ đó là vào khoảng những năm sau năm 740 khi nhà vua Ozias băng hà, lúc đó Isaia nhận được ơn gọi loan báo sự sụp đổ của nhà Israel và nhà Giuđa vì những sự bất tín của họ. Đây là thời kỳ mà cả hai vương quốc do thái này bị đe doạ bởi đế quốc Assyria. Nhà vua trẻ Achaz của Giuđa tìm cách liên minh với nhà vua Assyria và Isaia đã tìm cách can ngăn vua Achaz nhưng không thành công, trong khi đó vương quốc phương bắc là Israel sụp đổ. Điều quan trọng trong sứ điệp của tiên tri Isaia, đó là luôn kêu gọi mọi người phải đặt tin tưởng vào Thiên Chúa, đừng vội tìm kiếm những liên minh chính trị, bởi vì chỉ có Thiên Chúa là Đấng sẽ bảo đảm cho họ ơn cứu độ và từ trong số sót của dân tộc sẽ phát xuất Đấng cứu thế từ dòng dõi Đavít, người sẽ cai trị trên toàn cõi địa cầu trong bình an và sự hiểu biết Thiên Chúa.

          Bài phúc âm của tuần I mùa Vọng theo thánh Matthêu làm vang vọng sứ điệp cánh chung. Lời loan báo thời đại Con người sẽ đến với những đảo lộn vũ trụ ghê sợ. Chúa Giêsu nhắc đến hai thiên tai hủy diệt nhân loại trong thời Cựu ước đó là cơn lụt đại hồng thủy và lửa từ trời xuống thiêu đốt thành Sôđôma thời ông Lót. Trong khi mọi người vẫn bình an tiếp tục những lo lắng bận rộn thông thường của mình với những công việc cưới vợ lấy chồng, thì thiên tai đã ập xuống tiêu diệt mọi người. Đây là thời điểm quyết định đối với vận mệnh mỗi người, sẽ được cứu sống hay phải chết hư mất đời đời. Đứng trước những lời loan báo của Chúa Giêsu, người ta dễ nghĩ đến những biến đổi vũ trụ khủng khiếp như trời đất ra tối tăm, mặt trời mặt trăng không còn chiếu sáng v.v… mà mọi người có thể quan sát được như là dấu chỉ của sự kết thúc của thời gian và vũ trụ. Các Kitô hữu thời kỳ đầu cũng đã nghĩ như thế, họ nghĩ đến sự kết thúc thời gian với những thay đổi khủng khiếp của những hiện tượng thiên nhiên. Điều Chúa Giêsu muốn gợi ý là những dấu chỉ này đã bắt đầu, không phải là những hiện tượng thiên nhiên dễ sợ mà là những biến đổi âm thầm đã bắt đầu như hạt cải bé nhỏ âm thầm mọc lên, như chút men trộn trong đấu bột. Sự biến đổi này không nhất thiết phải là một sự cắt đứt hay đổ vỡ của thế giới mà chúng ta đang sống, nhưng tiến trình thay đổi của nó đang diễn ra. Chúng ta có thể hình dung những tiến bộ kỹ thuật đang diễn ra hằng ngày, tiến trình toàn cầu hóa với những hệ lụy kinh tế văn hóa, rồi là những biến đổi khí hậu đang làm thay đổi và đe doạ môi trường sống của con người. Những thay đổi mới mẻ không ngừng diễn ra hằng ngày, và thách đố đối với chúng ta là những thay đổi đó có gợi lên trong chúng ta việc chờ đợi ngày của con người đến không? Việc chờ đợi ngày con người đến có nghĩa là gì? Sự chờ đợi của Kitô giáo không đơn giản chỉ là hình dung những gì sẽ xảy ra mà là một thái độ và hành động tỉnh thức trong đời sống bình thường của đời kitô hữu. Điều quan trọng là cách thế sống sự chờ đợi này, không phải để tìm cách xoay xở thế này hay thế khác, chẳng hạn mua nến đèn hay mua mì gói phòng hờ. Sự chờ đợi này không đơn giản chỉ là như thế mà là một sự tỉnh thức biết thay đổi đời sống một cách triệt để, đồng thời cũng là một cố gắng thay đổi để sống đời sống mới vì Nước Trời đang đến. Đây là công trình của Thiên Chúa đang thực hiện cho chúng ta, một trời mới đất mới đầy lòng thương xót của Thiên Chúa, là quà tặng tình yêu đầy tràn sự sống của Thiên Chúa cho con người và đòi hỏi mỗi người tự do một cách triệt để đáp lại. Sự chờ đợi của người kitô hữu vừa là lòng tin tưởng yêu mến vào hồng ân tuyệt đối của Thiên Chúa vừa là nhận thức một cách nghiêm chỉnh trách nhiệm của mình đứng trước những lời hứa của Thiên Chúa. Đây  cũng là điều mà thánh Phaolô nhắc, đây là lúc chúng ta hãy thức dậy và không còn mê ngủ. Đây là lúc từ bỏ những hành vi ám muội như chè chén say sưa hay chơi bời dâm đãng mà ngược lại biết mặc lấy khí giới của sự sáng, mặc lấy Chúa Kitô.

Lời Chúa đánh thức nơi chúng ta một sự hy vọng năng động, biết từ bỏ những gì không thiết yếu để đón nhận chính Chúa Kitô và sức mạnh của Người. Chờ đợi, đó cũng là tin vào cái chưa tới, nhưng chắc chắn sẽ tới, là hướng về điều mới mẻ chưa từng có, bởi vì Thiên Chúa sẽ đến để thực hiện mọi điều nên mới. Hẳn nhiên, con người chúng ta vốn có cách chuẩn bị theo kiểu của chúng ta, cho sự an toàn của con người với những lo lắng vật chất và những đam mê của cải xác thịt. Nhưng biến cố ngày của Chúa đến vượt quá những hình dung giới hạn của chúng ta, vượt quá những chuẩn bị vật chất của con người bởi vì tự nó vốn không thể hình dung nổi, không thể nghĩ tưởng nổi. Thế nên tỉnh thức sẽ là thái độ đúng đắn khi chúng ta sống giây phút hiện tại cách trọn vẹn với một trái tim khai mở theo hướng dẫn của Lời Chúa. Sự tỉnh thức này làm cho chúng ta biết tin tưởng hy vọng ngay cả trong những đau khổ, trong những thất bại và mất mát. Và đó chính là hoa quả của sự tỉnh thức đặt tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng đổi mới mọi sự, vượt quá những dự định chật hẹp của con người, sự tỉnh thức biết đặt tình yêu và hy vọng nơi Thiên Chúa như dấu chỉ của sự chọn lựa và dấn thân của chúng ta. Sự tỉnh thức làm chúng ta dám chấp nhận như bước đi trong bóng tối giữa những thử thách, những thất bại, mất mát từ bỏ đau đớn. Như thế, chúng ta đang chờ đợi ngày của Chúa đến mà mầu nhiệm giáng sinh nhập thể của con Thiên Chúa làm cho chúng ta cảm nếm sự khó nghèo là nơi mà con Thiên Chúa muốn đến để làm người, thân phận mong manh nhỏ bé của kiếp người bị bỏ rơi, bị xua đuổi và bị đe doạ đến tận cùng.