Chúa Nhật I mùa vọng  - Năm A
SỐNG TỈNH THỨC
Chú giải của Fiches Dominicales

VÀI ĐIỂM CHÚ GIẢI.

1. Những câu hỏi “khi nào” và “thế nào” không có giải đáp:

Chúng ta mở đầu bài Phúc Âm bằng đoạn cuối cùng, hay gần như cuối cùng của Tin Mừng thánh Mátthêu. Như thế, Phụng vụ muốn khẳng định ngay rằng Đấng mà chúng ta đang chờ đón đến với chúng ta dịp lễ Giáng Sinh, chính là Đấng sẽ trở lại vào ngày tận thế, và cũng là Đấng luôn luôn đến với chúng ta.

Đáp lại lời các môn đệ đang trầm trồ trước vẻ huy hoàng của đền thờ Giêrusalem, Đức Giêsu khiến mọi người sửng sờ khi báo trước rằng, dấu chỉ tuyệt vời của sự hiện diện Thiên Chúa đối với dân Ngài ấy chắc chắn sẽ bị huỷ diệt. Ngài khẳng định: Tất cả những gì các con xem thấy, sẽ chẳng còn hòn đá nào trên hòn đá nào; tất cả sẽ bị huỷ diệt (24,2).

Trở lại núi Cây Dầu, nơi ta có thể nhìn thấy toàn cảnh Thành Thánh và Đền Thờ, Đức Giêsu ngồi xuống lập tức các môn đệ tới tấp đặt câu hỏi: Xin Thầy hãy nói cho chúng con biết khi nào điều đó xảy đến. Xin hãy nói cho chúng con đâu sẽ là dấu chỉ cho biết Thầy đến, và đâu là dấu chỉ cho biết ngày tận thế (24, 3).

Đức Giêsu bỏ qua không trả lời những câu hỏi này, bởi vì theo Ngài, đó là điều bí mật của Chúa Cha (24,36).

2. Một huấn lệnh cần phải được tuân giữ ngay lập tức.

Nếu Đức Giêsu từ chối không tham dự vào những cuộc tranh luận của các môn đệ - xưa cũng như nay - về việc Con Người sẽ trở lại "Khi nào" và "thế nào", thì Ngài lại mạnh mẽ khẳng định rằng đó là điều không thể tránh né. Vì thế, Ngài khuyến khích các tín hữu đang sống trong dòng lịch sử, hãy luôn luôn sẵn sàng: "Vậy hãy tỉnh thức, bởi vì các con không biết khi nào Chúa sẽ đến. Vậy các con hãy sẵn sàng: chính vào giờ các con không ngờ mà Con Người đến. Trong Phúc âm thánh Matthêu, có bốn dụ ngôn minh hoạ lời Ngài dạy. Sau đây là những dụ ngôn được chọn cho Chúa nhật thứ I Mùa Vọng:

- Dụ ngôn về lụt đại hồng thuỷ:

Vào thời Noe, chỉ một mình tổ phụ được "chừa lại", khi ngài vào trong tàu; chỉ một mình ngài được cứu thoát, bởi vì ngài biết nhìn thấy trước biến cố lụt lội phủ lấp trái đất, ngài đã đọc được những dấu chỉ loan báo việc sắp xảy đến. Những người khác cứ tiếp tục cuộc sống thường ngày, không chút mảy may nghi ngờ, nên đã bị "nuốt trửng", không phải vì hạnh kiểm họ xấu, mà vì không biết phòng xa. Cũng vậy, khi Con Người đến, Ngài sẽ quyết định dứt khoát mối liên hệ đời thường nhất giữa những người đang sát cánh bê nhau miệt mài trong cùng một công việc "đang làm ruộng" hay "đang xay bột". Một số người biết chuẩn bị tích cực sẽ "được đem đi", nghĩa là "được cứu thoát". Những người khác, cứ sống mà không biết thấy trước ngày sắp đến, sẽ bị "bỏ lại".

- Dụ ngôn kẻ trộm ban đêm:

Con Người đến như lụt đại hồng thuỷ không ai biết trước, như việc tên trộm lẻn đến ban đêm, âm thầm chọc thủng những tấm vách mỏng mang của những mái nhà rách nát xứ Palestine. Vì thế, thái độ duy nhất phải có là luôn luôn "tỉnh thức", "sẵn sàng". Không phải trong sợ hãi, mà là trong thanh thản; không phải co rúm tê liệt đi, mà là trong niềm khao khát và năng động mong chờ ngày Chúa đến. Bằng cách lãnh nhận trách nhiệm của chúng ta. Bằng cách chu toàn sứ mạng được trao phó (24,45-5l): Bằng cách đến cứu giúp những anh em nghèo túng.

"Vậy người Kitô hữu dấn thân sống như là ngày tháng xét đã đến. Hiện tại của thế giới bị chất vấn bởi tương lai. ước mong rằng người tín hữu luôn trung thành với ơn gọi và sứ mạng đã lãnh thận" ("Célébrer", n. 224, trang 18).

BÀI ĐỌC THÊM:

1.“Đức Giêsu đến gặp chúng ta một cách bất ngờ, nhưng không phải là không báo trước"

Ngày và giờ là bí mật của Chúa Cha. Đó không phải là cơn thịnh nộ và sự trừng phạt vào ngày đã định. Nói rằng chỉ một mình Chúa Cha biết ngày tận thế và việc con Người trở lại, có nghĩa là đặt thế giới và nhân loại trong tay của Ngài, trong đôi tay nhân từ của Ngài. Đó là đặt chúng ta trong sự thanh thản, an toàn: ai có thể rứt chúng ta ra khỏi đôi tay của Chúa Cha? Chúng ta còn sợ gì nếu chúng ta được ấp ủ trong tình yêu của Ngài?

Đức Giêsu không mời gọi ta sợ hãi, nhưng mời gọi ta tỉnh thức. Ngài so sánh lụt đại hồng thuỷ và ông Noe: Người ta không nghi ngờ gì hết cho đến khi lụt đại hồng thuỷ đến cuốn trôi hết tất cả mọi sự. Tất cả mọi người mãi lo lắng sự đời: người ta mãi lo ăn uống, cưới vợ gã chồng. Chúng ta cũng vậy, chúng ta mãi lo lắng sự đời, và đó là điều cần thiết! Chính lúc đó, Chúa đến gặp chúng ta. Nhưng để khỏi bị bất ngờ khi Ngài đến, chúng ta phải chuẩn bị như ông Noe. Cũng giống như ông, chúng ta có lời Chúa cảnh báo và nhắc nhở chúng ta; Đức Giêsu nói: Đó, Thầy đã báo trước cho các con. Ngài đến gặp chúng ta một cách bất ngờ, nhưng không phải là không báo trước. Cuộc gặp gỡ này không chỉ diễn ra vào lúc tận thế. Cái chết của mỗi người cũng sẽ bất ngờ. Phải chăng cái chết không là ngày tận thế, ngày tận thế riêng của mỗi người, lúc mà Đức Giêsu đến gặp riêng mỗi người? Ít nhất điều đó đã cảnh báo chúng ta qua ví dụ của Phúc âm: Bấy giờ hai người đàn ông trên cánh đồng: một người sẽ được đem đi, người kia bị bỏ lại; hai người đàn bà đang xay bột ở cối xay: một người được đem đi, một người bị bỏ lại... Quan trọng nhất vẫn là tỉnh thức. Không lo lắng, nhưng chú ý, chú ý vào Chúa Cha, chú ý vào Đức Giêsu Kitô. Nếu chúng ta không biết ngày và giờ, thì điều quan trọng là phải biết Ngài, và phải nhận ra Ngài khi Ngài đến với chúng ta. Đức Giêsu nhắc đi nhắc lại hai lần rằng vì ta không biết nên ta phải tỉnh thức: Vậy hãy tỉnh thức, bởi vì các con không biết ngày nào Chúa sẽ đến... Để kết thúc, Ngài dùng một ví dụ chỉ cho thấy sự nghiêm trọng của tình thế, và sự gấp rút phải tỉnh thức. Ví dụ hơi mâu thuẫn, vì nói về một ông chủ nhà tỉnh thức, bởi lẽ ông ta biết giờ kẻ trộm lẻn đến ban đêm. Khi biết, thì dễ chờ đợi hơn còn chúng ta, chúng ta thấy thời gian dài, mà chẳng hay biết gì. Không biết là một lý do khiến chúng ta đừng ngủ say. Được hay thua thì điều quan trọng là đừng để tường nhà mình bị chọc thủng. Con Người đến gặp chúng ta. Đừng có ngủ say trong thời gian đó: "Đó là lý do tại sao các con phải tỉnh thức, bởi vì vào giờ mà các con không ngờ Con Người sẽ đến”.

2. “Vì không biết Ngài các con hãy tỉnh thức"

"Lời khẳng định của Đức Giêsu về việc chúng ta không biết Ngài, giờ tránh cho chúng ta khỏi mọi tính toán về ngày Chúa đến, niềm hy vọng Ngài trở lại luôn luôn còn đó, không phải là một chờ đợi bồn chồn, mà là một chắc chắn về Đấng đã đến, đang đến sống giữa những người thân yêu của Ngài, sẽ đen lại ý nghĩa đích thực cho cuộc sống và cho vũ trụ của chúng ta, Thiên Chúa nên mọi sự trong mọi người" (1Cr 15,24-28).

Được giải thoát khỏi những vấn nạn "khi nào và thế nào" rồi, người Kitô hữu chỉ còn lo chú ý vào việc phải sống như là ngày đó đã đến thực sự. Trong ý nghĩa đó những câu chúng ta vừa đọc mời chúng ta hướng về trời ít hơn là gọi chúng ta quan tâm đến những bổn phận hằng ngày mà Thầy chúng ta đòi hỏi. Sự tỉnh thức càng quyết liệt hơn khi giờ kết thúc vẫn còn chưa điểm. Tiếng kêu của Phúc âm: "Hãy sẵn sàng, hãy tỉnh thức phải vang dội trong tâm hồn của người đang chờ đợi cuộc hội ngộ lớn lao, không phải như một nỗi árn ảnh liên hệ đến ơn cứu độ riêng tư của mình, mà như một đòi hỏi trung thành với những sứ mạng Thầy trao phó".

3. “Hãy có một con tim tỉnh thức”

"Thiên Chúa cứu chuộc dân Ngài. Thiên Chúa cứu chuộc nhân loại. Thiên Chúa thức tỉnh ta. Thiên Chua mời gọi ta. Tới phiên ta trả lời Ngài.

Nếu ta ngủ mê, quá bận rộn với những công việc vật chất, ta sẽ ở bên lề biến cố Thiên Chúa tỏ mình ra là Đấng Cứu độ. Chẳng lẽ mối lo mua bánh hay thu hoạch rau quả không thể nối tiếp những phút suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Những phút ta dừng 1ại để kiểm điểm mối tương giao với Thiên Chúa. Một tinh thần nhắc nhở chúng ta đừng quá đầu tư vào cuộc sống vật chất đến nỗi không nhìn ra ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện nơi ta, "ngày tốt đẹp" mà Ngài đã nói với ta hay sao. Nếu muốn chụp lấy tấm ván cứu độ, ta hãy mở rộng đôi mắt. Tinh thần minh mẫn. Con tim tỉnh thức, tâm hồn đợi chờ. Và ta sẽ đi chuyến tàu đang tới".